Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

Có ai quên cuộc chiến biên giới Việt – Trung 1979?

Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta có nhiều cuộc chiến chống xâm lược được ghi vào sử sách và hàng năm đều được nhắc đến thông qua các hoạt động kỷ niệm. Song, có một cuộc chiến xảy ra cách đây 37 năm trên dải biên cương phía Bắc Tổ quốc chống quân Trung Quốc xâm lược thì gần như ngược lại, ít được nhắc tới. Vậy những ai đã lãng quên một cuộc chiến tranh chống xâm lược đầy đau thương và bi tráng để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng ấy?
Cuộc chiến tranh diễn ra trong vòng 1 tháng nhưng đã gây thiệt hại nặng nề về người và của cho cả hai nước, gây hậu quả lâu dài cho mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Hoa.
Để làm rõ bản chất, sự thật lịch sử, tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc; đấu tranh bác bỏ những luận điệu tuyên truyền sai trái, xuyên tạc sự thật của các thế lực thù địch, chúng tôi chuyển đến bạn đọc những nét chính về cuộc chiến tranh này.
Từ nguồn sách báo, tài liệu của Trung Quốc, Việt Nam và một số nước khác xuất bản từ năm 1979 đến 2009, chúng ta cùng nhìn lại diễn biến và hậu quả của cuộc chiến tranh 1979:
Có ai quên cuộc chiến biên giới Việt – Trung 1979?
Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, Hà Giang
Đó là cuộc chiến tranh xâm lược...
5 giờ sáng ngày 17/2/1979, khoảng 120.000 quân Trung Quốc tiến đánh Việt Nam trên toàn tuyến biên giới (khi đó là 6 tỉnh: Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu và Quảng Ninh); mở đầu là pháo, tiếp theo là xe tăng và bộ binh. Quân đoàn 42A dẫn đầu từ Long Châu đánh vào Đồng Đăng, Lạng Sơn. Quân đoàn 41A tiến vào Cao Bằng và Đông Khê. Ngoài ra còn có quân đoàn 55A tiến từ Phòng Thành vào Móng Cái.
Cánh phía tây do các quân đoàn 13A và 11A đánh vào thị xã Lào Cai, Hà Giang. Hướng thứ 3 do sư đoàn 42D của quân đoàn 14A đánh từ Kim Bình vào Lai Châu. Tổng cộng quân Trung Quốc xâm nhập Việt Nam trên 26 điểm, các khu vực dân cư Việt Nam chịu thiệt hại nặng nhất từ đợt tấn công đầu tiên này là Thị xã Lào Cai, Mường Khương, Cao Bằng, Lạng Sơn và Móng Cái.
Tất cả các hướng tấn công đều có xe tăng, pháo binh yểm trợ.
Đánh nhanh mấy ngày đầu với chiến thuật biển người nhưng sau đó quân Trung Quốc phải giảm tốc độ do gặp nhiều trở ngại về địa hình và hệ thống hậu cần lạc hậu. Chiến sự ác liệt nhất diễn ra tại các vùng Bát Xát, Mường Khương ở tây bắc và Đồng Đăng, cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), Thông Nông (Cao Bằng) ở đông bắc và Lào Cai.
Có ai quên cuộc chiến biên giới Việt – Trung 1979?
Tù binh Trung Quốc bị bắt năm 1979
Bộ đội địa phương cùng dân quân, tự vệ Việt Nam với tinh thần chiến đấu cao khiến quân Trung Quốc không thể tác chiến ở quy mô sư đoàn mà phải dùng đội hình nhỏ và thay đổi chiến thuật. Cả hai bên đều phải chịu thương vong cao, có ít nhất 4.000 lính Trung Quốc chết trong hai ngày đầu.
Trận chiến tại Đồng Đăng diễn ra ác liệt nhất. Đây là trận địa phòng thủ của Trung đoàn 12 Tây Sơn, Sư đoàn 3 Sao Vàng, Quân đội NDVN. Thị xã Đồng Đăng do lực lượng của Tiểu đoàn 4 và 6, Trung đoàn 12 trấn giữ, bị Trung Quốc bao vây và tấn công dồn dập ngay từ đầu với lực lượng cấp sư đoàn.
Ngày 22/2, tại Pháo đài Đồng Đăng, quân Trung Quốc dùng bộc phá đánh sập cửa chính; dùng súng phun lửa, lựu đạn, bắn đạn hóa học vào các lỗ thông hơi, làm thiệt mạng cả thương binh cũng như dân quanh vùng đến đây lánh nạn.
Sau 5 ngày đêm, các thị xã Lào Cai và Cao Bằng bị chiếm cùng một số vùng tại Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, và Quảng Ninh.
Ngày 26/2, Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân VN điều động Quân đoàn 2 từ Campuchia cùng một tiểu đoàn pháo phản lực BM-21 vừa được Liên Xô viện trợ về Lạng Sơn. Phi đoàn máy bay vận tải An-12 của Liên Xô đã lập cầu hàng không, chở quân.
Đến ngày 28/2/1979, quân Trung Quốc chiếm được các thị xã Lào Cai, Cao Bằng, và một số thị trấn. Các cơ sở vật chất, kinh tế ở những nơi này bị phá hủy triệt để. Quân đội Việt Nam có chiến thuật ưu thế hơn nên còn phản kích, đánh cả vào hai thị trấn biên giới Ninh Minh (Quảng Tây) và Malipho (Vân Nam) của Trung Quốc để cảnh cáo.
Có ai quên cuộc chiến biên giới Việt – Trung 1979?
Bộ đội Việt Nam bảo vệ Thị xã Lạng Sơn
Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 27/2. Chiến sự tập trung tại Lạng Sơn. Trung Quốc điều thêm 2 sư đoàn để tăng viện. Tại đây, các Sư đoàn 3 và 337 của Việt Nam đã tổ chức phòng thủ và phản ứng mãnh liệt trên một chiều dài 20 km từ xã Hồng Phong, huyện Văn Lãng đến xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc. Nhưng 1 tiểu đoàn lính Trung Quốc bí mật luồn qua phía sau, bất ngờ đánh chiếm điểm cao 800, nơi đặt đài quan sát pháo binh của sư đoàn 3 Sao Vàng.
Mất điểm cao 800, thế trận phòng ngự của Việt Nam ở phía tây đường 1A từ Cốc Chủ đến điểm cao 417 bị chọc thủng. Chiều ngày 4/3, một cánh quân Trung Quốc đã vượt sông Kỳ Cùng, chiếm điểm cao 340 và vào tới thị xã Lạng Sơn, một cánh quân khác của sư đoàn 128 Trung Quốc cũng chiếm sân bay Mai Pha, điểm cao 391 ở phía tây nam thị xã.
Đến đây, phía Việt Nam đã điều các sư đoàn chủ lực có xe tăng, pháo binh, không quân hỗ trợ áp sát mặt trận, chuẩn bị phản công giải phóng các khu vực bị chiếm đóng. Quân đoàn 14 với các sư đoàn 337, 327, 338 hầu như còn nguyên vẹn đang bố trí quân quanh thị xã Lạng Sơn. Quân đoàn 2, chủ lực của Quân đội NDVN cũng tập kết phía sau Quân đoàn 14.
Ngày 5/3/1979, Việt Nam phát lệnh tổng động viên toàn quốc. Cùng ngày hôm đó, Bắc Kinh tuyên bố đã "hoàn thành mục tiêu chiến tranh", "chiến thắng" và bắt đầu rút quân. Lúc đó, tại mặt trận Lạng Sơn, phía Việt Nam đã bày binh bố trận rất bài bản, chuẩn bị phản công trên quy mô lớn, đánh hiệp đồng quân binh chủng. Nếu không rút quân đúng thời điểm này thì quân Trung Quốc sẽ thiệt hại rất lớn, nhận hậu quả rất nặng nề, bị tiêu diệt gọn.
Ngày 7/3, Việt Nam tuyên bố thể hiện "thiện chí hòa bình", cho phép Trung Quốc rút quân. Ngày 18/3/1979, Trung Quốc rút hết quân khỏi biên giới Việt Nam.
Mặc dù vậy, chiến sự vẫn tiếp diễn ở một số nơi dọc biên giới 6 tỉnh phía Bắc, ác liệt nhất là ở Vị Xuyên, Hà Giang. Cuộc chiến này kéo dài đến năm 1984, tiêu hao sinh lực lớn cho cả hai phía và để lại hậu quả nặng nề cho nhiều năm sau.
Có ai quên cuộc chiến biên giới Việt – Trung 1979?
1 năm sau "giàn khoan 981", chúng ta đã gọi đúng tên một cuộc chiến khác...
Nhắc lại để chúng ta không bao giờ quên, không bao giờ mất cảnh giác với người hàng xóm đầy tham vọng bá quyền. Sự kiện giàn khoan 981 như một giọt nước tràn ly, để chúng ta hiểu và gọi đúng tên hơn bản chất của một cuộc chiến khác.
Những điều trăn trở
Tuy nhiên, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 ít được dư luận thế giới quan tâm. Bởi hai nước láng giềng, có mối quan hệ gắn bó lâu đời nên nhiều nước thấy bất ngờ khi xảy ra cuộc chiến tranh này.
Từ năm 1989, khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ thì báo chí Việt Nam cũng không đề cập tới cuộc chiến này nữa. Điều đó khiến dư luận trong nước không đồng tình. Trung Quốc nói là “Dạy cho Việt Nam một bài học” nhưng một số tướng lĩnh trực tiếp chiến đấu năm 1979 chỉ rõ rằng, đó là cuộc chiến tranh xâm lược.
Phải sau đó 35 năm (2014), một số ít tờ báo trong nước mới nhắc lại cuộc chiến này. Và một lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở mặt trận phía Bắc mới được tổ chức tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang), hơn 200 cựu chiến binh và thân nhân đã tổ chức lễ dâng hương và tưởng niệm 600 người đã hi sinh, hơn 1.000 người bị thương trong chiến dịch MB84 ngày 12-7-1984 đánh chiếm ba cao điểm bị quân Trung Quốc xâm lược.
Nhưng từ đó đến nay, tất cả lại rơi vào im lặng.
Hàng năm, chúng ta có nhiều dịp kỷ niệm ngày chiến thắng các cuộc chiến tranh xâm lược, nhất là chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và chống bọn Pôn Pốt nhưng riêng cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược năm 1979 và cuộc hải chiến Trường Sa thì bị bỏ qua.
Điều đó khiến người dân Việt Nam yêu nước rất bức xúc. Đặc biệt với những gia đình có con em bị thương vong trong 2 cuộc chiến này và các cựu chiến binh đã từng tham chiến. Bởi cũng là sự hy sinh xương máu để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc nhưng họ đã bị lãng quên trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước.
Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 và hải chiến Trường Sa cần được đưa vào chương trình giáo khoa lịch sử cho các thế hệ học sinh và tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng vào dịp 17-2 và 14-3 hàng năm.
Có như thế mới bảo đảm sự công bằng của lịch sử!
Có ai quên cuộc chiến biên giới Việt – Trung 1979?
Tội ác của lính Trung Quốc ở biên giới Việt - Trung năm 1979
Những từ ngữ trên tấm bia ghi nhớ tội ác còn sót lại ở Tổng Chúp là không đủ, và không bao giờ là đủ để diễn tả hết sự bạo tàn của quân xâm lược Trung Quốc.

http://www.baomoi.com/Co-ai-quen-cuoc-chien-bien-gioi-Viet-Trung-1979/c/18659019.epi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét