Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

Chiến tranh biên giới 1979: Tướng TQ gọi Tổng chỉ huy là "tên điên"

Nhân kỷ niệm 37 năm Chiến tranh biên giới 1979, chúng tôi xin giới thiệu tới quý độc giả LOẠT BÀI NGHIÊN CỨU RẤT KỸ, CÔNG PHU TỪ CHÍNH TƯ LIỆU CỦA TRUNG QUỐC, LIÊN XÔ... CÙNG CÁC HỌC GIẢ UY TÍN TRÊN THẾ GIỚI, cũng như truyền thông Hoa ngữ.


LTS: 37 năm đã qua kể từ khi Trung Quốc huy động 60 vạn quân tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía bắc Việt Nam ngày 17/2/1979, nhưng đây vẫn là một vấn đề mà các nhà lịch sử và quân sự thế giới suy ngẫm.
Không ít học giả Trung Quốc cho rằng đây là cuộc chiến sai lầm của cá nhân ông Đặng Tiểu Bình và cần xét lại.
Dù ông Đặng Tiểu Bình và một số nhà lãnh đạo Trung Quốc dùng quyền uy biện minh, bóp méo sự thực khách quan về cuộc xâm lược biên giới Việt Nam, nhưng cuối cùng vẫn không thể nào che đậy được sự thực lịch sử mà ngay người Trung Quốc và kể cả giới cầm quyền khi đó đã nhìn thấy.
Dưới đây, chúng tôi xin trích dẫn những ý kiến của lãnh đạo, tướng lĩnh quân đội Trung Quốc cũng như các nhà nghiên cứu về Chiến tranh biên giới 1979 và báo chí tiếng Hoa nhìn nhận về cuộc chiến tranh xâm lược này.
---
Ngày 22/1/2016, trang Đa Chiều trích dẫn ý kiến của giáo sư Đại học Harvard Ezra Feivel Vogel trong cuốn “Thời đại Đặng Tiểu Bình” do Nhà xuất bản Đại học Trung Văn Hồng Kông lưu hành viết về cuộc Chiến tranh biên giới 1979.
Cuốn sách được đánh giá là tài liệu đáng tin cậy và được giới thiệu như một tác phẩm tiêu biểu trong phần "lịch sử đảng" trên website của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Vogel viết: “Nhìn chung Đặng Tiểu Bình bị nhiều Ủy viên quân ủy trung ương hoàn toàn phản đối kể cả Nguyên soái Diệp Kiếm Anh và Đại tướng Túc Dụ, nguyên là Tổng tham mưu trưởng quân đội.
Trong dân chúng nhiều người cũng hoài nghi về cuộc chiến tranh này. Khi đó nhiều báo tường chữ lớn ở Bắc Kinh cho rằng hành động này thể hiện thất bại thảm hại của Quân đội Trung Quốc.
Một số bài báo chữ lớn trên tường ở khu Tây Đơn (trung tâm thủ đô Bắc Kinh) thẳng thắn phê phán Đặng Tiểu Bình”.
Theo giáo sư Vogel, một số ủy viên Quân ủy trung ương Trung Quốc cho rằng quân đội nước này giai đoạn đó chưa chuẩn bị tốt cho tác chiến.
Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã bị tổn thất lớn trong Đại cách mạng văn hóa(CMVH), kỉ luật lơi lỏng, huấn luyện không đầy đủ, ngoài cuộc chiến tranh biên giới với Ấn Độ năm 1962 hầu như chưa có tác chiến nào đáng kể.
Trong khi đó, quân đội Việt Nam được tôi luyện dày dặn trong cuộc Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và được trang bị vũ khí hiện đại của Liên Xô.
Một số quan chức cấp cao trong quân đội cũng như ngoài dân sự cho rằng việc đánh Việt Nam là không khôn ngoan, một số khác công khai phản đối việc tấn công một nước láng giềng xã hội chủ nghĩa. Một số thì lo ngại xung đột sẽ dẫn tới hậu quả là Việt Nam thù địch lâu dài với Trung Quốc.
Ngày 16/2/1979, Đặng Tiểu Bình triệu tập Hội nghị quân ủy trung ương do nhà lãnh đạo Hoa Quốc Phong chủ trì để nghe báo cáo kế hoạch tác chiến.
Hoa Quốc Phong bày tỏ không đồng tình, nhưng ông khó cưỡng nổi uy thế của Đặng Tiểu Bình khi đó, nên sau này cho dù khi thấy được tính chất nghiêm trọng của cuộc chiến nhưng ông cũng không thể nói được.

Hoa Quốc Phong (trái) và Đặng Tiểu Bình
Hoa Quốc Phong (trái) và Đặng Tiểu Bình
Trong bài “Sự thực lịch sử về cuộc Chiến tranh biên giới Việt-Trung”, đăng trên tờ Epochtimes của Hồng Kông năm 2012, tác giả Tân Viễn chỉ ra âm mưu đằng sau ý đồ xâm lược Việt Nam của Đặng Tiểu Bình: “Ở trong nước, cuộc CMVH vừa kết thúc, Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc hình thành.
Khi đó đảng Cộng Sản Trung Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng lòng tin, vì vậy Đặng Tiểu Bình cho rằng cần phải phát động một cuộc chiến tranh để khuấy động lên chủ nghĩa dân tộc trong nước, lấy lại niềm tin.
Đặng biết rõ rằng trước tình hình quân đội bị rệu rã trong CMVH, nên thông qua cuộc chiến tranh với Việt Nam để tấn công vào những đối thủ trong nội bộ, thâu tóm quyền lực về mình."
"Ông ta đã lấy các sĩ quan và binh lính làm bia đỡ đạn và làm bậc thang leo lên quyền lực. Đây là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới cuộc chiến xâm lược Việt Nam.
Sau Chiến tranh, Đặng Tiểu Bình đã thành công thâu tóm được quyền lực và hạ bệ Chủ tịch Quân ủy trung ương khi đó là Hoa Quốc Phong. Còn cuộc chiến tranh này không mang lại kết quả gì cho Trung Quốc,” bài viết chỉ ra tính phi nghĩa của cuộc chiến.
Trong bài “Có phải hành động trừng phạt của Trung Quốc thất bại không?” xuất bản tháng 4/2013, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cũng xác nhận thái độ bất đồng của Hoa Quốc Phong, lãnh đạo cao nhất Trung Quốc, với mưu đồ của Đặng Tiểu Bình.
Ông Kissinger tiết lộ: “Sau khi Chiến tranh (biên giới Việt-Trung 1979) kết thúc không lâu, ông Hoa Quốc Phong nói: ‘Họ (Liên Xô) điều động binh lính lên vùng biên giới (Xô-Trung - PV), đồng thời đưa tàu chiến tới biển Đông, nhưng án binh bất động.
Bởi vậy, thực sự là chúng tôi không biết đâu mà lần như sờ vào đít hổ'.”
Trong Cuốn sách “Cuộc chiến tranh Việt-Trung năm 1979” xuất bản năm 2014, Giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc Viện nghiên cứu vấn đề Trung Quốc trường Đại học Maine, Mỹ viết: “Trung Quốc từ lâu đã có ý định tấn công Việt Nam.
Sau khi Trung Quốc dùng Polpot tấn công ở phía nam và đưa quân xâm lấn ở phía bắc thì Việt Nam mới phản ứng. Trung Quốc tức giận và không muốn Việt Nam đàm phán với Mỹ năm 1969.
Năm 1972 khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon sang thăm, Bắc Kinh đã đảm bảo với Mỹ rằng sẽ căn cứ vào ý kiến của Washington để gây sức ép với Việt Nam, và Trung Quốc bắt đầu giảm viện trợ cho Việt Nam, đồng thời viện trợ toàn diện kể cả vũ khí nặng cho Khmer Đỏ để tới tháng 4/1975, Khmer Đỏ bắt đầu tấn công Việt Nam.”

Rạng sáng 17/2/1979, quân đội Trung Quốc bắn hàng vạn loạt pháo trên toàn tuyến biên giới Việt-Trung, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam bằng 60 vạn quân (Ảnh tư liệu: Huanqiu)
Rạng sáng 17/2/1979, quân đội Trung Quốc "bắn hàng vạn loạt pháo" trên toàn tuyến biên giới Việt-Trung, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam bằng 60 vạn quân (Ảnh tư liệu: Huanqiu)
Phản ứng trái chiều từ chính tướng lĩnh quân đội Trung Quốc
Cuộc chiến tranh xâm lược mà Đặng Tiểu Bình tung hô bằng cái tên "chiến tranh tự vệ chống Việt Nam" chẳng những không có được sự đồng thuận từ giới lãnh đạo Trung Quốc, mà chính những người đứng đầu PLA cũng phải lắc đầu trước biểu hiện kém cỏi của quân đội nước này trong cuộc chiến.
Trong cuốn “Trong nội bộ Đảng cần để mọi người phát biểu, nói lên sự thực” xuất bản tháng 1/1988, Thượng tướng Trần Tích Liên, nguyên Tư lệnh Lực lượng pháo binh, nguyên Tư lệnh Đại Quân Khu Thẩm Dương, nguyên Tư lệnh Đại Quân khu Bắc Kinh, nguyên Phó Thủ tướng Trung Quốc đã chỉ trích Thượng tướng Hứa Thế Hữu, Tổng chỉ huy quân đội Trung Quốc trong cuộc chiến 1979.
Trần Tích Liên tuyên bố: “Trong nội bộ đảng (Cộng sản Trung Quốc) có vấn đề tồn tại sâu sắc, có bè phái. Đây là điều không thể lảng tránh, là tồn tại khách quan. Nếu như không có thì ông ấy (chỉ Mao Trạch Đông) sẽ không tiến hành chỉnh quân, chỉnh đảng trên quy mô lớn.
Có bè phái, nhưng không nên xuất hiện chủ nghĩa bè phái, đây là vấn đề nguyên tắc nếu không chúng ta trở nên quân phiệt.
Trong tuyên truyền, nên tránh thái quá mà nên vừa phải, nhưng khi tổng kết các chiến lệ trong chiến tranh, chúng ta phải thực sự cầu thị, không nên tâng bốc, không nên sợ lãnh đạo mà không dám nói và cũng không nên sợ người đã qua đời (Hứa Thế Hữu mất năm 1985) mà bỏ qua không nói.
Nếu nói tuyến phía Đông trong Chiến tranh biên giới Việt-Trung, thì Hứa Thế Hữu (Tư lệnh tuyến phía Đông-ND) là tên điên, là kẻ làm càn, mê muội, nói vậy có đồng chí nào phản đối không?
Ba quân đoàn, mười mấy sư đoàn, 60% là bộ binh cơ giới, khi đột phá trung tâm thì một tuyến phòng ngự cũng không có, để cuối cùng bị phản kích đánh cho thảm hại.
Đây gọi là tác chiến kiểu gì? Là cuộc chiến dốt nát, là cuộc chiến ngu xuẩn, là cuộc chiến điên rồ, lính chết đầy ra đấy nhưng không ai dám kêu oan."
Cần phải biết rằng, Trần Tích Liên là một trong số lãnh đạo quân đội Trung Quốc trực tiếp tham gia hoạch định cuộc xâm lược đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974.
Tuy nhiên, chính ông này cũng phải thừa nhận kết quả thảm hại của PLA trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam năm 1979.

Thượng tướng Hứa Thế Hữu, kẻ cầm đầu quân đội Trung Quốc trong cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam tháng 2/1979 (Ảnh tư liệu)
Thượng tướng Hứa Thế Hữu, kẻ cầm đầu quân đội Trung Quốc trong cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam tháng 2/1979 (Ảnh tư liệu)
Cũng trong cuốn "Thời đại Đặng Tiểu Bình" nêu trên, tác giả Vogel chỉ ra dã tâm của ông Đặng: “Bất kể về ý đồ, hay về mục tiêu hay về quy mô tác chiến đều đo cá nhân ông Đặng định ra.
Ông ta lựa chọn các tướng lĩnh chỉ huy làm Tư lệnh, đi động viên lãnh đạo các tỉnh, các địa phương ủng hộ cuộc chiến tranh, tự tay phê chuẩn các kế hoạch tác chiến, ra mệnh lệnh, nên có thể nói đây là cuộc chiến tranh của cá nhân ông Đặng…
Chính vì vậy, ông bị một số ủy viên Quân ủy trung ương và nhiều tướng lĩnh sĩ quan phản đối. Nhiều cán bộ cao cấp cho rằng việc Đặng Tiểu Bình phát động và trực tiếp chỉ huy cuộc chiến tranh này là xuất phát từ quyền lợi của bản thân ông ta nhằm thâu tóm quyền kiểm soát quân đội.
Một số cho rằng việc phát động cuộc chiến tranh với Việt Nam là một minh chứng muốn bày tỏ với phía Mỹ rằng ông Đặng Tiểu Bình thực sự đoạn tuyệt với Liên Xô.
Cho dù hiện nay còn có ý kiến khác nhau, nhưng một sự thực rõ ràng là dã tâm của ông Đặng đối với Việt Nam rất sâu sắc.”

Xe tăng của Trung Quốc xâm lược tiến vào địa phận Lạng Sơn của Việt Nam trong Chiến tranh biên giới 1979, một trong vô số hình ảnh vạch trần cái gọi là Chiến tranh tự vệ chống Việt Nam mà Bắc Kinh rêu rao. (Ảnh tư liệu: Sina)
Xe tăng của Trung Quốc xâm lược tiến vào địa phận Lạng Sơn của Việt Nam trong Chiến tranh biên giới 1979, một trong vô số hình ảnh vạch trần cái gọi là "Chiến tranh tự vệ chống Việt Nam" mà Bắc Kinh rêu rao. (Ảnh tư liệu: Sina)
Theo Vogel, Đặng Tiểu Bình tuyên truyền chuẩn bị cho cuộc xâm lược Việt Nam tháng 2/1979 rằng phải "dạy cho Việt Nam một bài học", nhưng thực tế là Việt Nam đã dạy cho Trung Quốc một bài học.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng PLA đã bộc lộ rất nhiều điểm yếu trong cuộc xâm lược phi nghĩa này, nhất là năng lực và trình độ chỉ huy tác chiến của các tướng lĩnh cũng như trình độ hiệp đồng tác chiến của họ.
"Chỉ huy cấp trên giao nhiệm vụ cho cấp dưới, nhưng họ không biết được cấp dưới sẽ làm gì và cấp dưới cũng không hiểu được ý đồ của cấp trên. Một số tư lệnh chỉ huy đã tỏ ra bất mãn và phản đối,"giáo sư Vogel viết.
Do hiệp đồng tác chiến yếu kém và vũ khí lạc hậu, nên có trận hơn 500 sĩ quan và binh lính chết do chính pháo binh và hỏa lực của chính quân đội Trung Quốc bắn nhầm.
 
TÁC GIẢ KIỀU TỈNH
Tác giả từng theo học tại Học viện Ngoại thương Bắc Kinh trong thập niên 1960, sau đó công tác tại TTXVN từ năm 1983 tới năm 2006. Ông là Trưởng Phân xã TTXVN tại Bắc Kinh từ 1984–1991, Trưởng Phân xã TTXVN tại Hồng Kông từ 1996-2001 và 2004–2006.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét