Theo Financial Times, hoạt động bất ngờ của vật thể này thu hút được sự quan tâm là bởi Nga hoàn toàn không có bất cứ thông báo nào về vụ phóng.
Báo Mỹ Financial Times cho hay, các cơ quan hàng không vũ trụ phương Tây đang theo dõi sát sao một vật thể lạ do quân đội Nga phóng ra ngoài không gian, với những lo lắng về sự hồi sinh của một dự án tiêu diệt vệ tinh của điện Kremlin, vốn đã không còn tồn tại.
Trong vài tuần qua, các nhà thiên văn học và theo dõi vệ tinh nghiệp dư tại Nga cũng như phương Tây đang quan tâm theo dõi hoạt động bất thường của một vật thể được đặt tên là 2014-28E, khi nó điều chỉnh quỹ đạo của mình về gần với các vật thể trong không gian của Nga. Cuối tuần trước, vật thể này đã gặp phần còn lại của tầng tên lửa từng phóng nó đi.
Vật thể này ban đầu được xác định là mảnh vỡ không gian, tồn tại trong quỹ đạo sau một vụ phóng tên lửa nhằm đưa thêm 3 vệ tinh liên lạc Rodnik vào hệ thống hạ tầng vệ tinh quân sự sẵn có của Nga hồi tháng 5.
Hiện mục đích sử dụng của vật thể này vẫn chưa được xác định - có thể là nhằm dọn dẹp rác thải vũ trụ, cũng có thể là sửa chữa hoặc tiếp nhiên liệu cho các vệ tinh hiện có. Song, theo Financial Times, nó thu hút được sự quan tâm là bởi Nga hoàn toàn không có bất cứ thông báo nào về vụ phóng.
Hình ảnh vật thể lạ 2014-28E bay qua khu vực Guatemala vào tối ngày 17/11, được ghi lại thông qua trang mạng chuyên theo dõi vệ tinh N2YO.
Nga đã hủy bỏ chương trình vũ khí chống vệ tinh Istrebitel Sputnikov, song hoạt động chuyên môn của nó thì vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Các quan chức quân sự đã từng công khai tuyên bố họ sẽ tái khởi động lại hoạt động nghiên cứu trong trường hợp quan hệ giữa Moscow với Washington, liên quan tới các hiệp ước về phòng thủ tên lửa, xấu đi. Năm 2010, Tư lệnh Binh chủng vũ trụ Nga, Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Nga Roskosmos, từng nói rằng, Nga đang triển khai "kiểm tra" và "tấn công" các vệ tinh.
Bà Patricia Lewis, giám đốc phụ trách nghiên cứu tại tổ chức tư vấn Chatham House, chuyên gia an ninh hàng không nhận định: "2014-28E giống như là một sự thử nghiệm. Nó có thể có một vài chức năng - một số là dân sự, một số phục vụ quân sự". Theo bà, vật thể này có thể được sử dụng để cản trở, bắn vào các vệ tinh khác, hoặc gây nhiễu, tấn công mạng bằng vệ tinh.
Bộ Quốc phòng Nga hiện vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận gì về sự việc này.
Từ năm 2007, Trung Quốc đã từng chứng minh khả năng bắn hạ vệ tinh bằng tên lửa của mình. Năm 2008, Mỹ cũng chứng tỏ mình có khả năng này.
http://soha.vn/quoc-te/phuong-tay-nong-ruot-vi-vat-the-la-cua-quan-doi-nga-ngoai-khong-gian-2014111911312865.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét