Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

'Liên minh chống Xô-viết' và cuộc hiện đại hoá quân sự Trung Quốc

Từ giữa thập kỷ 70, chạy theo các lợi ích trước mắt, che đậy bằng hư chiêu “chống Liên Xô”, giới buôn bán vũ khí và những chính khách thiển cận phương Tây đã mặc giáp đeo gươm cho cựu thù trong chiến tranh Triều Tiên. Trung Nam Hải đã tỏ ra rất sành sỏi trong chơi “con bài Liên Xô” để hiện đại hoá quân sự. Nhiều nguồn sử liệu của Liên Xô và phương Tây phản ảnh cuộc “nuôi ong tay áo” tầm cỡ thế kỷ này.
“Địch” lùi “ta” tiến
Với cả hai bên chiến tuyến “chiến tranh lạnh”, dường như Liên Xô được xem là đắc lợi nhất trong cuộc Mỹ phải triệt thoái khỏi Đông Dương. Điều này làm cho “Rồng” Trung quốc và “Diều hâu” trời Tây chia sẻ sự hậm hực. Trước đó, đã lập loè đèn xanh từ Washington, “mơi” Thiên An Môn sử dụng mọi phương tiện chính trị, quân sự, kinh tế, và văn hoá – tư tưởng thâm nhập vào Nam Á và Đông Nam Á, choán lấy khoảng trống, sau khi Mỹ buộc phải rút đi.
Đến cuối thập kỷ 70, ảo ảnh bức tranh “các nước đế quốc phương Tây chia chiếc bánh ngọt Trung quốc” lại làm mê mẩn các chính khách ó diều, và các tài phiệt vụ lợi của công nghiệp chiến tranh. Lợi ích trong “bốn hiện đại” được che đậy bằng hư chiêu “bài Xô”, được “Rồng đỏ” và phương Tây đồng diễn.
 


Dự trữ ngoại tệ và vàng ở Trung Nam Hải thời ấy chỉ khoảng 4 tỉ USD (năm 2011 dự trữ ngoại hối Trung Quốc là khoảng hơn 3000 tỉ USD, dự trữ vàng khoảng hơn 1 ngàn tấn), chỉ như một giọt nước dành cho cơn khát hiện đại hoá quân sự (được đánh giá lúc đó lên tới 600 tỉ Mỹ kim).
Khoản tiền còn thiếu sẽ tìm được nhờ cơn “đổi giận làm lành” (nguyên văn: quay ngoắt 180 độ). Khoản đặt cược là cuộc tiến công phản phúc (вероломный/perfidious- chữ chuyên dùng cho sự kiện Đức phát xít xé Hiệp ước, bất ngờ đánh Liên Xô năm 1941) được học giả Liên Xô dùng lại trong sự kiện “dạy cho một bài học”), nhằm vào một đồng minh từng được Bắc Kinh ví “như môi với răng”, tháng 2/1979.
Năm 1979 là bài học đảo ngược cho kẻ “dạy”, đau đớn, nhưng “có ích” cho Rồng. Nó càng chỉ rõ một quân đội đông người, nhưng trang bị thô sơ, cách đánh cũ kỹ, không thể làm mũi nhọn bành trướng. Từ năm 1980, một quân đội là chỗ dựa trong Văn cách, nay lĩnh ấn tiên phong trong Bốn hiện đại, với sự trợ giúp từ cựu thù phương tây (!)
Hoà giọng vào luồng sát khí mới của chiến tranh lạnh, trước đó, tháng Giêng 1979, là tuyên bố của Đặng đồng chí trước khi bay sang Tây bán cầu: “Sau khi thiết lập các quan hệ bang giao với Nhật Bản và Mỹ, cần ra sức phát triển các quan hệ ấy cả về chiều rộng và chiều sâu. Nếu chúng ta thực sự muốn kiềm chế Con Gấu Bắc Cực, thì con đường hiện thực duy nhất để đạt được điều đó là sự thống nhất của chúng ta”.
Cơn giận lâu đời với “tàu sân bay không chìm” của Mỹ, là Đài Loan, cũng được nuốt ngược vào bụng. Đặng Tiểu Bình chia sẻ, giải quyết vấn đề Đài Loan “có thể kéo dài một trăm năm, một nghìn năm”. Kho đạn pháo dùng trong cuộc đấu pháo với Đài Loan đã vài chục năm, tới đầu thập kỷ 80 chuyển sang “xài” tại mặt trận biên giới Trung - Việt.
Chiến thuật “hai gọng kìm”
Thực ra, “tuần trăng mật” giữa Diều hâu và Rồng đã bắt đầu sớm hơn nhiều. Năm 1971, kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ từ Trung quốc chỉ gần 5 triệu USD, thì sau Thông cáo chung Thượng Hải, “con đẻ” của Mao - Nixon, năm 1973 trao đổi thương mại hai chiều đã lên hơn 800 triệu USD. Từ 1979 đến 1985, Mỹ phóng tay cho Trung Nam Hải, đang hăng hái hiện đại hoá quân sự, vay tới 20,3 tỉ USD. Sau khi Trung quốc mua các máy bay Boing 474 của Mỹ chính bằng tiền đi vay, nhiều nguồn cho rằng khả năng vận chuyển quân sự bằng đường không của Trung quốc đã tăng lên tới gần 1/3.
Quan sát hậu chiến của cựu sĩ quan Sài Gòn nhắc nhở rằng chiến lược trên biển Đông mà Tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ Zumwalt công bố tại Guam năm 1970, đã thể hiện “xu thế mới” của Wasshington là hoà hoãn với cựu thù của Mỹ, từng “kháng Mỹ - viện Triều”, trên biển Đông.
Cuộc chơi lớn của phe Mỹ ở Đại lục nhằm chống Liên Xô có nhiều đích nhắm. Trước hết, đây là đòn bẩy gây sức ép với Breznev trên bàn thương lượng về hạn chế vũ khí chiến lược. Thứ nữa, Mỹ nhìn thấy một thị trường tỉ người, cho dù trước mặt chưa có khả năng thanh toán. Cuộc “đội mũ, đi hia” về quân sự cho Trung quốc, ít nhất, sẽ kéo được lực lượng trên hướng đối diện với NATO của Liên Xô chuyển dịch về hướng nam, để đảm bảo an ninh dọc đường biên giới Xô – Trung dài dằng dặc. Và nếu thành công trong việc lôi được hơn một tỉ người (Trung Quốc) ra khỏi quỹ đạo của Moscow, thì thật đáng khích lệ với “thế giới tự do”.
Nửa cuối thập kỷ 70, tiền đồn chống Liên Xô (!?) ở Đại lục đã tua tủa những khí giới tân kỳ như trực thăng Super Frelon (Pháp), BO – 15 (Tây Đức), tên lửa phòng không Crotale (Pháp), máy bay vận tải lưỡng dụng Trident (Anh)… Ở Washington, sau chuyến cố vấn an ninh Brezinsky thăm Bắc Kinh của cuối 1978, một số hạng mục cấm đối với “Trung Hoa đỏ” được tháo cũi sổ lồng, như hệ trinh sát điện tử từ trên không, thiết bị phóng vệ tinh nhân tạo…
Những quan ngại về việc phương Tây can dự vào thiết kế, chế tạo, và thử nghiệm tên lửa tầm trung, phát triển nghiên cứu hạt nhân và kỹ thuật hạt nhân ở Trung quốc… đã làm cho không chỉ ban lãnh đạo Liên Xô lo âu.
Đầu thập kỷ 80, những lĩnh vực mà “con rồng ăn thịt” thèm muốn là: tàu chiến các kiểu, tên lửa hành trình, tên lửa bắn máy bay bay thấp, thiết bị ngắm, máy bay hiện đại, như F - 15, F- 16. Bắc Kinh khẩn khoản đòi mua 300 tiêm kích loại cất cánh thẳng đứng Harrier của Anh, thác là để triển khai ở các sân bay gần biên giới Xô Trung. Nhưng thương vụ này đã bị London tốp lại sau khi 60 vạn quân, 580 máy bay, 480 cỗ pháo và 1260 khẩu cối, cùng 550 tăng và xe bọc thép định tràn ngập tam giác Lào Cai – Hà Nội - Lạng Sơn chỉ trong Tết 1979, vẫn theo các học giả Liên Xô.
Nhưng ánh mắt, bàn tay “chú Chiệc” vẫn háo hức trùm lên lĩnh vực vệ tinh viễn thông, lò phản ứng hạt nhân, thiết bị lade, tàu ngầm, tên lửa mang nhiều đầu đạn, nhiều lượng nổ của Mỹ và NATO. Danh sách này còn dài, nhưng đáng ngại hơn là sự thèm thuồng công nghệ chế tạo những gì mà “hổ” Mỹ muốn giấu làm bửu bối. Thèm muốn vô độ này sẽ biến thành “nạn đạo chích công nghệ Trung Hoa” mà FBI sẽ la hoảng, ở ngưỡng cửa thế kỷ 21.
Đối nội, với hư chiêu cũ rích “(thế giới chia làm) ba phe, bốn mâu thuẫn”, bằng mọi giá động viên nguồn lực của đất nước vẫn còn nhiều vùng nghèo, xây dựng quân đội và hạm đội mạnh, hòng giành lại “triều cống”từ các “chư hầu”, tiến lên bá chủ thế giới.
1/7/1978, Nhân dân Nhật báo hoan hỉ đưa tin tại Trung quốc lắp đặt máy gia tốc proton đầu tiên, công suất 50 tỉ electronvolt,nhờ sự giúp đỡ của “các bạn nước ngoài”.
Cơ hội giây máu ăn phần trong “bốn hiện đại” của Trung quốc làm làm mờ mắt bầy diều hâu tham lam phương Tây. Những món lợi đáng ngờ trong “thương vụ Tàu”, tư cách “khó chơi”, bán trời không văn tự, sự lươn lẹo, luôn tìm cách thay đổi điều kiện, áp đặt lợi ích của mình trong cuộc chơi “Tàu – Tây” từ cuối thập niên 70 chỉ có kẻ mù mới không thấy.
Năm 1965, phát biểu tại hội nghị BCT tháng 8, Mao chỉ rõ: “Sau khi chiếm được Đông Nam Á, chúng ta có thể tăng cường lực lượng trong khu vực này… Gió đông sẽ thổi bạt gió tây”. Cương lĩnh này của Mao tới nay vẫn có vai trò kim chỉ nam, căn cứ vào các ý kiến trên các diễn đàn mạng ở Đại lục, và nhất là vào cách cư xử của Bắc Kinh với ASEAN. Gió mùa đông bắc hiện vẫn vần vũ ở bất lỳ thời tiết chính trị nào trên biển Đông. Những luồng khí độc Đông phong làm cả thế giới rát mặt.
Vương quốc ở giữa đâu cam phận con nghiện trong cơn khát dầu mỏ, vật vã thụ động trong các khủng hoảng năng lượng, đa phần do các tài phiệt ở phố Wall ngụy tạo ra. Ngay cuối thập lỷ 80, từ Vạn lý Trường Thành, đã định dạng khối đường dẫn vào các nguồn dầu hoả bằng cả thương mại, xung đột quân sự, hay mánh khoé ngoại giao. Cùng lúc đài báo Bắc Kinh vẫn ru hời điệu “trỗi dậy hòa bình”…
Bộ mặt thật của chủ nghĩa bá quyền
Khá dè dặt so với phương tây trong cuộc chơi con bài Trung quốc chống Xô Liên, Nhật Bản chỉ hợp tác kinh tế, công nghệ. Nhưng giới quân sự Nhật Bản vẫn cho rằng tính “thuần tuý kinh tế” của quan hệ Nhật – Trung là “giả dối”. Cựu giám đốc Học viện quân sự Nhật cảnh tỉnh từ đầu những năm 80: “Giúp Trung quốc hiện đại hoá kinh tế, khoa học - kỹ thuật có khác nào hiệp trợ họ trong hiện đại hoá quân sự”.
Báo Nhân đạo của Pháp thời đó cũng nhận định: “Những người theo chủ nghĩa Mao đã đứng vào hàng ngũ của bọn phản động cực đoan nhất: ở châu Âu - với các phần tử hiếu chiến NATO chống hoà dịu, ở châu Á - với bọn tội phạm Pol Pot”.
Hội nghị toàn thể tháng 6/1980 của TƯ ĐCSLX cho rằng “sự câu kết của chủ nghĩa đế quốc (phương Tây) và chủ nghĩa bá quyền Bắc Kinh” không chỉ là đòn đánh vào tương lai phát triển XHCN của đất nước Trung quốc, mà còn là mối đe doạ toàn cầu. Rằng cuộc tiến công vào nước láng giềng “vừa đồng chí vừa anh em” tháng 2/1979 là bằng chứng rõ ràng rằng Bắc Kinh vũ trang để xâm lược.
Học giả Liên Xô cảnh báo, trong cố gắng xâm nhập vào các nước châu Á bằng các biện pháp kinh tế hoặc bằng xung đột vũ trang, sớm muộn Trung quốc sẽ đụng chạm thô bạo đến quyền lợi của Mỹ.
Muốn hay không, phải thừa nhận rằng Bắc Kinh đã diễn khá tròn vai kịch bản “NATO phương Đông chống Liên Xô”. Các liên minh ma quỷ dù được thần thánh hoá, như lịch sử muôn đời chỉ ra, bao giờ cũng quả báo khốc hại kiểu “gieo gió gặt bão”. Điều đáng buồn là tính hai mặt của chạy đua vũ trang vẫn đem lại lợi ích cho những thế lực vụ lợi, và đầu độc đời sống nhân loại. Và những ca khúc khải hoàn cho cuộc công phá khối Xô – Trung (Sino – Soviet bloc), một bloc tồn tại chủ yếu trong sương mù, đến nay vẫn là thuốc an thần cho những kẻ đã chót nâng đỡ con Rồng.
Lại nhớ thư ngỏ “Bộ mặt thật của bè lũ Maoist” của Đảng cộng sản Mỹ gửi BCH TƯ Đảng cộng sản Trung quốc năm 1979. Những người cộng sản Mỹ cảnh báo:“Việc các người (ban lãnh đạo Trung Quốc) ve vãn và thương thuyết với chủ nghĩa đế quốc nhằm thành lập các liên minh quân sự. việc các người tuyên truyền chiến tranh, là những nhân tố mới, làm tăng nguy cơ của một cuộc đụng đầu hạt nhân và một thảm hoạ toàn thế giới”.
Sớm hơn nữa, năm 1900, một hoạ sĩ phương tây đã vẽ bức tranh, cảnh báo nếu vực dậy con Rồng Trung Hoa thì sẽ thực sự phiền toái. 100 năm sau, truyền thông Mỹ nhận diện sự trỗi dậy mãnh liệt của Quân đội, Hạm đội Trung quốc trong hiệu ứng Con rồng Trung Hoa thức dậy.
http://www.reds.vn/index.php/thoi-su/quan-su/7272-lien-minh-chong-xo-viet-va-cuoc-hien-dai-hoa-quan-su-trung-quoc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét