Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

Hải Vân Quan và tầm ngắm của người Trung Quốc

Đèo Hải Vân ngút ngàn mây trắng với phía Đông là vịnh Đà Nẵng, eo biển Nam Ô, phía Tây là dãy Trường Sơn sừng sững, phía Đông Bắc là eo biển Lăng Cô và vịnh Đá Bạc, trên đỉnh là đồn trú Hải Vân Quan lở lói vết thời gian, dưới thung lũng Hải Vân có chùa Hải Vân Sơn Tự một thuở... 


Từ Hải Vân Quan có thể nhìn thấy một phần thành phố Đà Nẵng.
Câu chuyện về Hải Vân Quan và Hải Vân Sơn Tự vừa thấm đẫm huyền thoại thời mở mang bờ cõi về phương Nam. Và câu chuyện ấy càng trở nên “thời sự” khi người Trung Quốc xuất hiện ngày càng đông ở phía Bắc Hải Vân, thuộc về địa phận Lăng Cô, Thừa Thiên-Huế.
Ký ức về cổ tự nơi thung lũng
Một vị thầy từng tu luyện ở Hải Vân Sơn Tự mười năm, yêu cầu không nêu tên, nói, “Hải Vân Sơn Tự bây giờ không còn nữa, nhà nước tịch thu cách đây mười hai năm rồi. Trước khi có chùa thì Hải Vân Sơn Tự là một đồn trú thời vua Minh Mạng, con suối trước chùa có nguyên một con đường lót đá tròn về thẳng kinh thành Huế men theo đường núi...”
“Cách đây mười hai năm, nhà nước đến tịch thu chùa và thầy trò chúng tôi tứ tán. Ngôi chùa được xây bằng gạch cổ, tường dày một mét ấy sau này bị biến thành trạm gác và sắp tới là biến thành khu du lịch. Họ dự tính sẽ dùng ngôi chùa làm nhà nghỉ sinh thái.”
“Thực ra thì trước đây hai mươi năm, người Trung Quốc đã đến nhòm ngó khu vực này rồi và chúng tôi biết cách gì thì họ cũng sẽ biến nơi đây thành một thứ gì đó của họ. Trước đây đèo Hải Vân và núi Sơn Trà không có dây bìm bìm phủ kín, khi họ sang, loại dây này mọc lên phá hết rừng thông, không cây gì phát triển nổi với thứ dây này.”
“Sư phụ của tôi vốn là một người không thuộc giáo hội nhà nước, thầy tự phát tâm đi tu, xuống thung lũng Hải Vân, thuộc về địa phận Lăng Cô để trùng tu lại ngôi nhà đồn trú bỏ hoang và đắp tượng, trồng cây. Thời của thầy tu còn cả cọp vào chùa, nó cứ ngồi trước cửa chùa nghe kinh vài ba giờ rồi bỏ đi. Sau này khi già, nó về luôn sân chùa nằm đó một thời gian rồi chết.”




Đường đèo Hải Vân, gần nơi Trung Quốc đang xây khu du lịch sinh thái.
(Hình: Phi Khanh/Người Việt)

“Tôi theo thầy hơn mười năm, chỉ chứng kiến ngôi mộ thầy đã chôn con cọp chứ không nhìn thấy con cọp, chỉ nghe qua lời kể của thầy. Sau này, khi chùa di dời, ai đó đã đào mất bộ xương cọp. Có lẽ cũng vì tấm bia chúng tôi đặt trên mộ giải thích quá rõ về đối tượng bên dưới, mô Phật!”
“Gần đây nghe thông tin Trung Quốc vào xây dựng khu du lịch ngay vị trí chùa Hải Vân Sơn Tự mà mình từng tu, tôi buồn lắm, có vẻ như yết hầu của quốc gia đã thuộc về họ. Vì với Hải Vân, nếu như Hải Vân Quan là đôi mắt để quan sát cho cửa ngõ miền Trung thì Hải Vân Sơn Tự là yết hầu quyết định Hải Vân Còn hay mất.”
Khu vực thung lũng này rộng chừng 300ha, nếu tính cả lòng chảo thì rộng chừng 10,000ha. Đủ để đồn trú vài sư đoàn. Có lẽ dân họ hoang mang lắm!”

Nhân dân chẳng hiểu mô tê gì

Bà Huyền, còn gọi là “O Huyền” đã có bốn đời sống trên đèo Hải Vân để làm thuê, bày tỏ, “Mệ tui lên đây che lều để sống thời Pháp, đến thời Mỹ thì tui bám trụ, rồi bây giờ là con cháu tui cũng bám trụ để vá xe, bán nước, tra nước mui... Nhưng sắp tới đây thì họ đuổi đi rồi!”
“Thì người Trung Quốc đến đây đuổi mình đi để họ xây dựng khu du lịch chứ còn ai nữa! Nghe đâu họ xây cả ngàn tỷ đồng lận, mình đi mà không được cho đồng nào vì mình chỉ dựng lều tạm qua ba thời kì chứ không có cái bìa đỏ nào nên họ bảo đi thì mình tìm miếng đất khác mà cắm dùi thôi, đời mình cũng như kẻ giang hồ vậy thôi!”



Một góc quanh co của đèo Hải Vân. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
“Bà con ở khu này được nhà nước khuyến kích di dời ra xa vực địa điểm du lịch của họ, vì ở gần sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch gì đó. Khu này tui biết sẽ rất đẹp vì nó dựa lưng vào núi, nhìn xéo lên thì thấy Hải Vân Quan, nhìn nghiêng thì thấy Biển Đông, nhìn ra xa một chút thì thấy đầm Lập An, vịnh Lăng Cô, nói chung là quá đẹp!”
“Nhưng tui chỉ lo là mai mốt họ không cho mình bén mảng đến gần, họ đưa người Trung Quốc qua đây nói là lao động chứ thật ra làm chi mình cũng chẳng biết, rồi tác oai tác quái trong đó, đến khi họ ra quậy thì mình chết. Vì không giống như Hà Tĩnh.”
“Vụ Hà Tĩnh là khu Vũng Áng ở cách khu dân cư chưa đầy một cây số, nên có đụng độ thì người dân rủ nhau kéo đến để bảo vệ dân mình. Chứ như ở đây, chỉ lèo tèo vài trăm nhà, nếu có đụng độ, nó làm thinh, khuya kéo ra đốt nhà, mình chết cháy rồi cũng chẳng biết ai đốt, bất quá thì nói là do bất cẩn làm chập điện, coi như huề cả làng. Mà dân mình nghe Trung Quốc đến thì ngán ngẩm, bao nhiêu cũng chấp nhận di dời càng xa tụi nó càng tốt, cho an toàn.”
“Dân mình có cái tệ, một thì tránh nó càng xa càng tốt, hai là bâu vào nịnh nó. Tránh nó xa quá thì nó tác oai tác quái ngay trên quê hương mình, còn bâu vào nịnh nó thì kiếm được vài đồng lẻ của nó để làm giàu nhưng lại bán đứng đồng bào. Cả hai thái độ này đều nguy hiểm cho đất nước, đều tạo cơ hội cho kẻ ngoại xâm lấn lướt!”
“Khổ nỗi mình chỉ là thứ dân đen, thấy vậy thì buồn chứ biết nói răng. Mình cần tiền thì bọn quan lại nó cũng cần tiền, mình bán nước trên đèo Hải Vân này để mua tấm tôn lợp nhà thì bọn nó cũng bán nước dưới vịnh bên cái đèo để kiếm tiền xây ngân hàng, thế thôi, chứ có ngu gì thì vẫn phải thấy là quá nguy hiểm!”
Nói đến đây, O Huyền lại đi bán nước vì có một chiếc xe đậu phía trước chở đổ nước mui. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, theo lời O Huyền là có những người bán nước khác đến đây thay vào vị trí của O và bứng O đi về đâu cũng chưa biết nữa!
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=198248&zoneid=310#.VGqpH4JLz7c

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét