Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

Bộ máy lãnh đạo của Quân đội Trung Quốc (PLA)

 Tiếp theo loạt bài trong báo cáo dài 96 trang được Bộ Quốc phòng Mỹ trình lên Quốc hội nước này vào tháng 06/2014 mang tên “Các diễn biến quân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa 2014”, Ban biên tập xin giới thiệu bạn đọc chi tiết nội dung “Chương 2: Chiến lược của Trung Quốc”. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày cơ cấu bộ máy lãnh đạo của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng như các thành viên đứng đầu Quân Ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.


PLA là cơ quan được vũ trang của ĐCSTQ, phụ thuộc vào bộ máy tổ chức của Đảng, trong đó, các sĩ quan quân sự cấp cao đều là thành viên của ĐCSTQ. Các lãnh đạo của quân đội Trung Quốc (từ trái sang): Phòng Phong Huy, Trương Dương, Triệu Khắc Thạch, Trương Hựu Hiệp, và Mã Hiểu Thiên.

Mục lục
 [ẩn]
Lãnh đạo Quân đội Trung Quốc
PLA là cơ quan được vũ trang và phụ thuộc vào bộ máy tổ chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các sĩ quan quân sự cấp cao đều là thành viên của ĐCSTQ, các đơn vị ở cấp quân đoàn cũng được lãnh đạo bởi các quan chức chính trị chịu trách nhiệm về các quyết định nhân sự, tuyên truyền và phản gián. Các Ủy ban thuộc ĐCSTQ chịu trách nhiệm ra quyết định quan trọng ở tất cả các cấp, cũng được lãnh đạo bởi các quan chức chính trị và chỉ huy.
Cơ quan ra quyết định tối cao của quân đội, Quân ủy Trung ương (CMC) là một bộ phận của Ủy ban Trung ương Đảng, nhưng gần như toàn bộ nhân sự đều là các quan chức quân sự. Chủ tịch CMC thường là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản kiêm Chủ tịch nước. Các thành viên khác bao gồm Phó Chủ tịch, chỉ huy các cơ quan quân sự, và các lãnh đạo của 4 Cục thuộc Bộ Tổng tham mưu.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc (MND) không tương đương với “Bộ Quốc phòng” ở hầu hết các quốc gia khác. Thay vì chỉ là một cơ quan nhỏ điều phối các tác vụ có liên quan đến quân sự, MND đảm trách nhiều nhiệm vụ chồng chéo lên nhau giữa chính quyền dân sự và các lực lượng vũ trang, bao gồm các quan hệ quân sự với nước ngoài, huy động, tuyển dụng, “giáo dục quốc phòng” và hỗ trợ khu vực dân sự cho các hoạt động quân sự. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là một sỹ quan quân đội chính thức, một thành viên của Quốc vụ Viện (cơ quan hành chính tối cao của đất nước) và cũng là một thành viên CMC.
PLA là cơ quan có sức ảnh hưởng lớn đối với chính sách quốc phòng và đối ngoại của Trung Quốc do bộ máy hành chính đặc biệt của CMC và gần như độc quyền của PLA về quân sự.
Ngay cả khi PLA vẫn phụ thuộc vào những chỉ thị tối cao của Đảng và đóng vai trò như cơ quan được vũ trang của ĐCSTQ, thì các vấn đề quản lý hành chính lâu đời và bức tranh truyền thông ngày càng tích cực tại Trung Quốc đôi khi dẫn đến những hành động hoặc tuyên bố có liên quan đến PLA dường như chệch hướng so với quan điểm của các quan chức hàng đầu Trung Quốc, đặc biệt là về chủ quyền quốc gia hoặc các vấn đề lãnh thổ.
Các thành viên Quân Ủy Trung ương (CMC) Đảng Cộng sản Trung Quốc

Các thành viên Quân Ủy Trung ương (CMC) Đảng Cộng sản Trung Quốc
Chủ tịch Tập Cận Bình được bổ nhiệm là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch CMC và tiếp quản vị trí Chủ tịch nước sau cuộc tranh cử kéo dài suốt 5 tháng từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013 – đây là sự khởi đầu cho tiền lệ được thiết lập trong giai đoạn lãnh đạo kéo dài 10 năm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, người đảm nhiệm tất cả ba chức vụ chỉ trong hơn một năm.
Trước quá trình chuyển đổi lãnh đạo 2012-2013, Tập Cận Bình đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch dân sự của CMC. Cha Tập Cận Bình từng là một quan chức quân sự quan trọng trong cuộc cách mạng cộng sản Trung Quốc đồng thời là thành viên Bộ Chính trị trong những năm 1980. Khi còn trẻ, ông Tập từng là Thư ký Bộ trưởng Quốc phòng trong những năm đầu sự nghiệp và có nhiều cơ hội để tương tác với PLA trong vai trò là quan chức Đảng ủy cấp Tỉnh. Trong các cuộc họp với quan chức Mỹ, ông Tập liên tục nhấn mạnh tăng cường sự tin cậy lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ.
Phó Chủ tịch Phạm Trường Long là sĩ quan quân sự hàng đầu Trung Quốc. Ông từng là chỉ huy Quân khu Tế Nam, một cơ sở thử nghiệm cho các học thuyết và công nghệ tác chiến mới, đơn vị này liên tục đi đầu trong các nỗ lực huấn luyện chung của PLA trong những năm gần đây. Phạm Trường Long công tác lâu nhất trong số 7 Chỉ huy Quân khu của Trung Quốc tại thời điểm được đề bạt vào CMC. Ông đã phục vụ 35 năm trong Quân khu Thẩm Dương, tiếp giáp với Bắc Triều Tiên và Nga.
Phó Chủ tịch Hứa Kỳ Lượng ban đầu là sĩ quan không quân được đề bạt chức Phó Chủ tịch CMC – từng phục vụ CMC trong cương vị Chỉ huy Không quân PLA nơi ông giám sát quá trình hiện đại hóa lực lượng nhanh chóng và thúc đẩy những hoạt động ở nước ngoài của lực lượng không quân. Ông Hứa là sĩ quan PLAAF đầu tiên đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Tham mưu Trưởng của Bộ Tổng Tham mưu (GSD) kể từ thời kỳ Cách mạng Văn hóa, đồng thời là người trẻ nhất trong lịch sử PLA, ở độ tuổi 54.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thường Vạn Toàn được bổ nhiệm vào vị trí hiện tại trong Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vào tháng 03/2013. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là sĩ quan cao cấp thứ ba của PLA và quản lý mối quan hệ của PLA với các cơ quan hành chính nhà nước và quân đội nước ngoài. Thường Vạn Toàn trước đây từng giám sát các chương trình phát triển vũ khí và hồ sơ về không gian của PLA trong cương vị người đứng đầu Tổng Cục Quân trang. Ông là cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh biên giới giữa Trung Quốc với Việt Nam và từng giữ vai trò lãnh đạo hàng đầu trong các quân khu.
Tổng Tham mưu trưởng PLA Phòng Phong Huy giám sát các hoạt động tác chiến, huấn luyện và tình báo của PLA. Ông đảm nhiệm chức vụ “Tổng Tư lệnh” của cuộc diễu binh quân sự kỷ niệm 60 năm ngày Quốc khánh Trung Quốc năm 2009 và giám sát an ninh cho Thế Vận hội Bắc Kinh 2008. Ông Phòng là chỉ huy đầu tiên của Quân khu Bắc Kinh được thăng chức trực tiếp lên vị trí Tổng Tham mưu trưởng PLA. Ông là chỉ huy quân khu trẻ nhất khi ông được đề bạt thăng chức lãnh đạo Quân khu Bắc Kinh vào năm 2007.
Tổng Cục trưởng Tổng Cục Chính trị Trương Dương giám sát công vụ liên quan đến chính trị của PLA, bao gồm tuyên truyền, kỷ luật và giáo dục. Ông từng là Chính ủy Quân khu Quảng Châu, giáp biên giới với Việt Nam và Biển Đông. Trương Dương được đề bạt vào vị trí này ở độ tuổi tương đối trẻ, đây là điều bất thường so với các ủy viên CMC khác mới được bổ nhiệm vì ông đã dành gần như toàn bộ sự nghiệp phục vụ trong một quân khu. Trương Dương cũng tham gia cuộc chiến tranh biên giới giữa Trung Quốc với Việt Nam, và hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ thiên tai sau cơn bão tuyết tháng 01/2008 ở miền Nam Trung Quốc.
Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hậu cần Triệu Khắc Thạch chịu trách nhiệm giám sát các chức năng hỗ trợ của PLA, bao gồm tài chính, đất đai, khai thác mỏ và xây dựng. Triệu Khắc Thạch đã dành toàn bộ sự nghiệp ở Quân khu Nam Kinh, chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động PLA trong những tình huống bất ngờ với Đài Loan, và gần đây nhất là đảm nhiệm vị trí Tư lệnh Quân khu này. Ông cũng từng chỉ huy trong các cuộc tập trận quân sự lớn phát sinh trong cuộc Khủng hoảng Eo biển Đài Loan năm 1996. Ông Triệu đã viết các bài báo về huy động quốc phòng và xây dựng lực lượng dự bị.
Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quân trang Trương Hựu Hiệp chịu trách nhiệm giám sát việc phát triển vũ khí và chương trình không gian của quân đội. Với biệt danh là “Tướng Patton”, ông ít có kinh nghiệm tác chiến ngoài vai trò chỉ huy chiến đấu cuộc xung đột ngắn của Trung Quốc với Việt Nam vào năm 1979. Trương Hựu Hiệp từng là chỉ huy Quân khu Thẩm Dương, giáp biên giới với Bắc Triều Tiên và Nga. Ông Trương là một trong những “ông hoàng con” của quân đội Trung Quốc. Cha của ông, một nhân vật quân sự nổi tiếng tại Trung Quốc, đã làm việc với cha của Tập Cận Bình vào những năm 1940.
Tư lệnh Hải quân PLA Ngô Thắng Lợi từng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo lực lượng hải quân từ năm 2006 và trở thành thành viên của CMC từ năm 2007 – là Chỉ huy Hải quân PLA thứ hai trở thành thành viên của CMC trong những thập kỷ gần đây. Theo ông Ngô, Hải quân đã gia tăng các cuộc diễn tập ngoài khơi, tham gia tuần tra đa quốc gia, và trao đổi Hải quân với nước ngoài cũng như khởi xướng nỗ lực dàn trận đầu tiên trên Vịnh Aden. Là sĩ quan Hải quân đầu tiên được đề bạt thành Phó Tổng tham mưu trưởng, ông Ngô đang nắm giữ các vị trí lãnh đạo 2 trong số 3 hạm đội của Hải quân PLA, dành phần lớn sự nghiệp phục vụ trong Hạm đội Đông Hải.
Tư lệnh Không quân PLA Mã Hiểu Thiên từng giám sát các hoạt động tác chiến quân sự của PLA trên cương vị Phó Tổng tham mưu trưởng. Ông Mã đã lãnh đạo phái đoàn PLA tham gia nhiều cuộc trao đổi quân sự với Mỹ, bao gồm các cuộc Đàm thoại Tư vấn Quốc phòng và Đối thoại An ninh Chiến lược trong khuôn khổ Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ – Trung. Mã Hiểu Thiên có kinh nghiệm tác chiến đáng kể trong vai trò một phi công và sĩ quan tham mưu trong nhiều Quân khu.
Tư lệnh Lực lượng Pháo binh Số 2 Ngụy Phương Hòa giám sát các căn cứ và lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc. Ông Ngụy làm việc trong các căn cứ tên lửa của nhiều Quân khu khác nhau và nắm giữ nhiều chức vụ lãnh đạo hàng đầu tại Tổng hành dinh Lực lượng Pháo binh Số 2 trước khi được thăng chức vào cuối năm 2010 trở thành Phó Tổng tham mưu trưởng – sỹ quan đầu tiên của Lực lượng Pháo binh Số 2 đảm nhiệm chức vụ này. Trên cương vị này, ông Ngụy thường xuyên gặp gỡ các phái đoàn nước ngoài, gồm các quan chức cấp cao của Mỹ, cho phép ông tiếp cận quốc tế nhiều hơn so với vai trò chỉ huy Lực lượng Pháo binh Số 2 trước đây.
Cơ cấu lãnh đạo Quân đội Nhân dân Trung Quốc (PLA) năm 2013 (nhấp vào hình để phóng to).
Cơ cấu lãnh đạo Quân đội Nhân dân Trung Quốc (PLA) năm 2013 (nhấp vào hình để phóng to).

http://nguyentandung.org/cd-17-bao-cao-bo-quoc-phong-my-ve-quan-su-trung-quoc-2014-chuong-2-chien-luoc-cua-trung-quoc-ky-4.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét