Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

CHUYỆN GÌ ĐANG XẢY RA Ở NGA



Lời nói đầu: Thế giới đang thay đổi rất nhanh trong năm 2020 này, và nước Nga chưa bao giờ đứng ngoài rìa các sự kiện chính trị quốc tế trọng đại, chưa kể dù có muốn cũng nào ai cho đứng ...! Muốn hay không số phận loài người đang và sẽ còn phụ thuộc khá nhiều vào dân tộc này. Tuy vậy hình như chả mấy người Việt trong nước để ý hoặc hiểu được chuyện gì đang xảy ra ở đất nước tuy xa mà gần, tuy gần nhưng lại rất xa ấy, ngoài việc ở đấy đang có dịch Covid khá trầm trọng. Việc sửa đổi Hiến pháp ở Nga mới diễn ra thì nhiều người suy nghĩ dễ dãi rằng thế nào chả được, đằng nào Tổng thống Putin chả quyết tất. Cũng đúng mà cũng không hoàn toàn như vậy, nước Nga đang chuyển mình rất mạnh mẽ, mặc dù chưa ai có thể nói rằng tương lai nào đang ở phía trước! Trong bài viết ngắn này tôi xin trình bày suy nghĩ và đánh giá của cá nhân mình về các sự kiện bên Nga mà ai chịu khó một chút đều có thể tìm hiểu được từ những nguồn tin chính thống. Coi như là bỏ công “đọc báo, nghe đài” hộ các bạn. Sẽ có nhiều, rất nhiều người có ý kiến trái ngược, điều đó hoàn toàn bình thường và được hoan nghênh. Chỉ xin báo trước một điều, đây là trang cá nhân và để chế độ công khai, do đó những bình luận nào quá khích, không văn hóa liên quan tới một quốc gia khác, nhất là những người lãnh đạo của họ đều là điều không được chấp nhận, sẽ bị cảnh báo và xóa bỏ. Và có lẽ sẽ có nhiều bình luận, nên nếu tôi sẽ bỏ qua một số bình luận mà không trả lời hết được thì mong các bạn thông cảm.
Умóм Россию не понять,
Аршином общим не измерить:
У ней особенная стать —
В Россию можно только верить
Không thể hiểu nước Nga bằng lý trí
Không thể đo bằng giá trị tầm thường
Nước Nga có đặc trưng riêng kỳ dị
Chỉ có thể tin tưởng và yêu thương.
Đây là bài thơ ngắn đặc trưng nhất về nước Nga, con người và tâm hồn Nga được viết năm 1866 bởi nhà thơ triết lý Fyodor Tyutchev. Chỉ những ai rất biết về đất nước và con người Nga mới thấm được 4 câu thơ ngắn ngủi đó – trong mọi hoàn cảnh người Nga sẽ cảm nhận và hành động theo một cách riêng, kể cả ta có đặt bản thân mình vào vị trí của họ cũng chưa hiểu được đâu. Kể cả trong đời sống chính trị muôn đời nay vẫn vậy…
Tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga đã chọn một quan chức nhỏ, cựu đại tá an ninh ít ai biết tên tuổi để làm thủ tướng vào tháng 8/1999 – liệu có thể có chuyện đó ở một quốc gia “văn minh” bình thường nào không – đó là cách hành xử rất “Ivan” nhưng lại rất nhìn xa trông rộng của Boris Yetlsin, một lãnh tụ đã để lại gia tài là nước Nga nát bét và nghèo khổ. Và cái cách chọn đúng ngày Tết 31/12/1999 để Yeltsin tự từ chức rồi trao quyền Tổng thống cho Putin cũng rất “Nga” – kiểu “Thôi anh nghỉ, còn thế kỷ 21 là của chú đấy!”. Và đó là điều lớn lao nhất Yeltsin đã làm được cho nước Nga.
Phải nói rằng 20 năm đầu thế kỷ này số phận nước Nga và số phận của nhà lãnh đạo của nó là Vladimir Putin không thể tách rời, không ai khác chính Putin đã đưa nước Nga trở lại thành cường quốc hàng đầu, đã trả hết nợ nần quốc tế, dẹp được mấy vụ nội chiến, thuần phục được đám tỷ phú tài phiệt, tình trạng tội phạm giảm rõ rệt, về lãnh thổ còn “ăn ra” được cả bán đảo Crimea. Nhiều người coi đó là “ăn may”, là do giá dầu mỏ lên xuống thuận lợi, nhưng nói vậy tức là không hiểu nước Nga. Từ một người “bỗng nhiên xuất hiện” Putin đã trở thành lãnh tụ thực sự của dân Nga, mà “lãnh tụ” đối với người Nga là một khái niệm rất khác đấy nhé! Không ai bắt nhưng trong hầu hết các văn phòng kể cả của các doanh nghiệp tư nhân đều treo chân dung của Putin, còn người Nga chấp nhận họ có một “sếp” quyền lực vô song. Hãy xem cách dân Nga gọi Putin thì sẽ thấy, họ không gọi tên mà gọi là “chân dung” (vì lí do nêu trên đấy!), là “VVP” (chữ viết tắt tên họ đầy đủ của Tổng thống), là “Sa hoàng”. Nước Nga còn đầy rẫy vấn đề tồn đọng, mức độ đút lót hối lộ vẫn rất cao, kinh tế chia theo đầu người mãi vẫn không đuổi được Bồ Đào Nha (mục đích do chính VVP đưa ra, đầu tiên hẵng phải đuổi kịp Bồ! rồi mới đến lượt các ông lớn châu Âu khác…), tuổi thọ dân cư giảm, cách biệt người giàu nghèo quá lớn, lượng người bỏ nước ra đi vẫn rất lớn...nhưng dân Nga coi đó là chuyện muôn thuở, chả có gì phải “xoắn” cả, nếu không có một vài cái gợn.
Cái gợn lớn đầu tiên đến với dân Nga vào năm 2008 – khi đó theo Hiến pháp Nga thì Tổng thống Putin đã làm đủ 2 nhiệm kỳ liên tục (mỗi lần 4 năm) nên bắt buộc phải thôi chức. Cả quốc tế lẫn trong nước chăm chú theo dõi ứng xử của Putin, thấy “Sa hoàng” vẫn bình chân như vại, lại không thấy có sự chuẩn bị gì để “hậu chiến” cả. Mọi việc chỉ hé ra khi ngày 10 tháng 12 năm 2007, Putin tuyên bố ủng hộ Phó thủ tướng Dmitry Medvedev trở thành người kế nhiệm mình. Ngay lập tức, Dmitry Medvedev đề nghị Putin trờ thành thủ tướng nếu ông trúng cử Tổng thống – tất nhiên là còn phải “diễn” nhưng nếu hiểu Medvedev là “đệ ruột” của Putin từ chục năm nay thì việc hai người đổi chỗ cho nhau trong 4 năm là quá khả thi. Mọi việc diễn ra đúng như kịch bản, theo pháp luật kín kẽ hết, chỉ có người dân không phục, nhất là khi đó Medvedev mới là Phó thủ tướng, “ai lại chơi bời thế”. Cái gợn thứ hai diễn ra trong mấy năm Putin đóng vai trò Thủ tướng (không ai thay “chân dung” ở trong phòng làm việc cả) là Nga chấp nhận thay đổi Hiến pháp, để kéo dài nhiệm kỳ Tổng thống từ 4 năm lên 6 năm “chả biết để làm gì”. Và lần này thì chẳng còn ai ngạc nhiên nữa, khi đến nhiệm kỳ 2012 Putin ứng cử và thắng lợi trở thanh Tổng thống, còn Medvedev được ông cử giữ vị trí … Thủ tướng!!! Nước cờ hoán đổi vị trí đó trong cờ vua gọi là “nhập thành” – môn thể thao này thì người Nga giỏi lắm rồi. Nhưng ngay cả khi đó đa số dân Nga vẫn còn yêu quý VVP lắm, nên mọi bực dọc họ bắt đầu đổ lên đầu Dmitry Medvedev, dân gian chỉ gọi người đứng đầu Chính phủ này bằng cái tên khá giễu cợt là “Đimon”.
8 năm tiếp theo cầm quyền của “Sa hoàng” (tất nhiên năm 2018 ông lại thắng cử, chuyện thấy trước rồi) diễn ra trong bối cảnh quốc tế vô cùng xáo động, thật ra thì thế giới có bao giờ im ắng đâu, nhưng vai trò của nước Nga lớn dần lên mặc dù nhiều người không muốn công nhận điều đó. Nga mất đi đồng minh Ucraina nhưng cuỗm được lại Crimea, dẹp yên được Gruzia thì lại làm xấu quan hệ với láng giềng Ba Lan, tốn rất nhiều sức của sức người ở Libya, Syria (Mỹ và Tây Âu cũng tốn kém ở đây nhiều lắm!). Nga lúc căng thẳng, lúc giải hòa với Thổ Nhĩ Kỳ - là một khách hàng vũ khí cũng như điểm đến yêu thích của dân Nga. Và gần đây khi Armenia và Azerbaidjan (vốn là hai nước cộng hòa cũ của Liên Xô) lại dấy lên mối thù hằn diệt chủng từ hơn một thế kỷ trước bắt đầu xung đột vũ trang và chĩa tên lửa vào nhau (và dây mơ rễ má Thổ sẽ nhất định ủng hộ Azerbadjan đến cùng nếu chiến tranh xảy ra) thì việc giữ yên tiền đồn vùng Trung Á đối với Nga không hề đơn giản. Thế nhưng chuyện đó vẫn còn là nhỏ so với việc … Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ! Cả thế giới này xáo trộn lên, chứ đâu phải chỉ nước Nga thôi đâu!
Cũng lại phải nói lại, nhiều người Việt cho tới hôm nay vẫn lẫn lộn nước Nga với khái niệm “cộng sản” – xin thưa lại một lần cho chót, rằng nước Nga từ lâu lắm rồi chứ không phải hôm nay chẳng còn mảy may gì dính dáng đến “cộng sản” cả. Hình như chỉ có người Việt ta muốn nghĩ như vậy, chứ chả có sắc dân hiểu biết nào nghĩ thế, Nga nó còn “tư bản” hơn nhiều nước tư bản lắm đấy! Có thể chê họ thế nào cũng được, độc tài, lạc hậu, nông dân… nhưng nhất quyết không phải “cộng sản” nhé, nói thế dân Nga nó cười cho! Chính vì thế mỗi lần muốn gây sức ép gì đó với Nga thì Mỹ với Tây Âu hay dùng khái niệm “dân chủ”, ”quyền con người”… mà thôi.
Thế giới bây giờ có thể nhìn nhận dưới góc độ “Tam quốc chí” như sau cho đơn giản: 3 thế lực lớn mạnh nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nga; chứ Israel là cánh tay nối dài của Mỹ thôi còn NATO bây giờ vai trò mờ nhạt lắm (trước kia thì chủ yếu là vai trò “chim mồi” thôi chứ sức mạnh quân sự cũng chả nhiều nhặn gì!). Dù Nga về kinh tế có thua xa hai cường quốc kia thì với tiềm lực quân sự vốn có, vũ khí hủy diệt vẫn luôn được cải tiến và lãnh thổ 1/6 địa cầu thì trong mọi cuộc chơi địa chính trị người Nga đều sẽ có tiếng nói quan trọng. Trump xuất hiện, tiến hành cấm vận hàng loạt đối với các nhân vật và công ty chủ chốt của Nga, khách quan mà nói là vô lý đùng đùng, tuy vậy “kẻ mạnh có quyền” – hậu quả đối với dân Nga tôi sẽ viết phía dưới. Phải khẳng định là ảnh hưởng thì có, nhưng không bao giờ dùng kinh tế mà đánh sập được nước Nga, bản chất nền kinh tế Nga thừa để tự cung tự cấp, còn với việc bán tài nguyên cũng như vũ khí thì nuôi 140 triệu dân không phải vấn đề lớn. 3 thế lực lớn nhất này hành xử thế nào đi nữa cũng vì lợi ích của chính mình thôi chứ chả phải vì lí tưởng thế giới đại đồng gì (cho tới hôm nay điều này cũng có thể nói về bất cứ quốc gia nào khác!), và với cái nhìn như vậy việc Trump dốc lực “đánh” vỗ mặt Trung Quốc trên mọi mặt trận (tạm thời trừ quân sự) chính là để “cứu nước Mỹ”, để bảo toàn các quyền lợi của tư bản Mỹ trên toàn cầu, đơn giản vậy thôi! Không một ai khác, kể cả Putin dù từng được bầu làm “người đàn ông quyền lực nhất thế giới” 4 năm liền từ 2013 đến 2017 cũng không thể làm được, đơn giản Nga làm gì có tiềm lực kinh tế để mà “chơi” Trung Quốc?! Donald Trump rõ ràng là một yếu tố mới lạ hoàn toàn với chính trường thế giới…
Để làm dịu không khí chính trị căng thẳng mặc dù bài viết này thuộc loại phiến đàm thôi, xin kể cho các bạn câu chuyện tiếu lâm Nga khá nối tiếng:
“Lãnh tụ mấy nước lớn họp nhau lại bàn cách phải tấn công hạ gục nước Nga. Quyết tâm lắm rồi, chỉ còn việc thống nhất thời gian tấn công nữa mà thôi. Mỹ hỏi: “Bao giờ ta đánh?”. Ông Pháp rụt rè đề nghị:
-Gì chứ mùa đông thì nên tránh…
Bà Đức cũng chia sẻ:
-Cả mùa hạ cũng chả nên tí nào đâu!
Tay Trung Quốc mắt híp mới chia sẻ kinh nghiệm:
-Cái bọn Nga này thật quá trớn, không cho chúng một trận nhớ đời là không được đâu các tồng chí ạ! Phải đánh sớm thôi! Nào là chúng nó khai hoang vùng Bắc Cực, nào là đào đường ngầm xuyên sang Alaska, lại còn đòi xây dựng Viễn Đông nữa! Tin gì chúng nó, không có tù binh thì Nga làm thế quái nào được...”.
****
Cái “gợn” thứ hai xảy ra vào những năm 2018-2019 đối với dân Nga thực sự là một cú sốc – Chính phủ tăng tuổi hưu cả năm lẫn nữ lên 5 năm, tất nhiên từ từ chứ không một chốc một nhát. Dù có giải thích thế nào đi nữa, cũng vẫn bằng rất nhiều con số, %, tỷ lệ... thì đại đa số dân Nga vẫn thể hiện sự bất bình, bởi một đất nước giàu tài nguyên như Nga mà không đủ tiền để lo cho những người cao tuổi thì còn nói chuyện gì! Uy tín của “VVP” bắt đầu đi xuống từ sự kiện này. Nhưng cái “gợn” thứ ba mới thực sự là cú sốc đối với toàn dân Nga – nó bắt đầu từ cuối năm 2019, khi Chính phủ manh nha một cuộc thay đổi Hiến pháp. Tâm lý dân Nga đã từ lâu đều suy nghĩ, là có thay đổi thì chỉ có xấu đi, khó khăn thêm mà thôi – đã từ rất lâu người Nga coi là có 2 nước Nga: một nước Nga của Matxcơva (thêm Saint-Petersburg nữa, thành phố quê hương của những Putin và Medvedev) mà dân dã người ta gọi là “Matxcovshina”, nơi tất cả quyền lực và tiền bạc tập trung về đấy; còn một nước Nga thứ hai là tất cả những vùng còn lại. Mà “Matxcovshina” có nghĩ ra cái gì, thì chỉ thiệt thêm cho nước Nga thứ hai mà thôi. Cả một bộ máy truyền thông vào cuộc, để giải thích cho dân: không, Putin còn được làm tổng thống đến 2024 thì bây giờ đã vội gì, mà đến lúc ấy có bí thì lại dùng tay Medvedev thêm 4 năm nữa, rồi trả lại ghế cho “sếp” thì vẫn đẹp như thường cơ mà! Vui nhất là đề nghị “xóa đi làm lại” với các nhiệm kỳ Tổng thống trước cho tới này, coi như bắt đầu tính lại từ đầu - người dân biểu được chọn ra làm “mõ làng” đưa ra thảo luận cái đề nghị kỳ cục trong trường hợp này là một cái tên rất quen: Valentina Tereshcova – người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ (và phụ trách Hội hữu nghị Nga – Việt khá lâu đời đấy), khỏi nói bà được dân Nga vốn coi việc chửi bậy như cơm ăn nước uống ban thưởng cho không biết bao nhiêu lời xóc óc, mặc dù ai chả biết nếu không có “bật đèn xanh” từ VVP thì bà ấy “tuổi gì”.
Hơn nữa người ta giải thích cho dân: có đến dăm sáu chục cái sửa đổi, cần thiết lắm đấy, việc bầu Tổng thống chỉ là một trong số đó thôi, nhưng mà trưng cầu dân ý rồi bầu để thông qua thì làm luôn thể, đồng ý thì đồng ý tất, không đồng ý thì thôi tất, ai hơi đâu làm lẻ tẻ. Dân Nga bây giờ khôn rồi, đúng hơn là họ thừa đọc vị ra cái gì ẩn chứa đằng sau, “khôn như thế thì quê tớ đầy!”. Trước khi trưng cầu dân ý những khảo cứu ý kiến xã hội cho thấy: đúng một nửa dân số Nga coi đó là “mẹo kỹ thuật” để Putin có thể làm Tổng thống Nga lâu hơn được nhiểu nữa, còn cũng một nửa coi đó là cách để hoàn thiện hệ thống quản trị của quốc gia. Để tình huống trông có vẻ vì dân vì nước hơn nữa, nghĩa là không chơi cái kiểu hoán đổi với Medvedev nữa đâu, ngày 15/1/2020 Putin cho phép đệ tử ruột của mình từ chức Thủ tướng đã làm 8 năm nay, giải tán Chính phủ và hình như lại theo truyền thống Nga “không cho ai biết đâu mà lần”, chọn một tay mơ chẳng ai ngờ tới lên làm Thủ tướng: Mishustin – vốn là đứng đầu ngành Thuế của Nga! Một công tác cán bộ mà ai cũng hiểu mục đích: phải xiết, phải thu thuế hơn bây giờ rất nhiều, các doanh nghiệp hãy đợi đấy!
Tưởng như Putin sẽ gặp khó khăn cực kỳ với việc thông qua chuyện thay đổi Hiến pháp này thì lại có chuyện đúng là “người tính không bằng trời tính” – virus Vũ Hán gây hoảng loạn khắp thế giới, một cuộc khủng hoảng kinh tế và hơn thế nữa xảy ra chóng váng toàn cầu! Người chịu nhiều “đau thương” nhất có thể mạnh dạn coi là Tổng thống Mỹ - cả nước Mỹ lao đao và ngay cả cái ghế tổng thống của Donald Trump cũng lung lay hơn bao giờ hết chỉ vì cái con virus Corona vô tri vô giác kia! Một lãnh đạo nữa cũng chịu rất nhiều áp lực bởi dịch bệnh toàn cầu, đó là Tập Cận Bình – “gậy ông đập lưng ông” thôi, Trung Quốc lập tức trở thành mục tiêu công kích của rất nhiều quốc gia! Như đã nói, Mỹ là người đánh vỗ mặt Trung Quốc sớm nhất và trên diện rộng, bởi “America first”! Trong trường hợp này thì người may mắn phải kể đến là Vladimir Putin: tuy rằng Nga cũng khá chủ quan và chịu ảnh hưởng khá tồi tệ vì dịch bệnh Covid nhưng vì thế dân Nga mải lo tới việc sống chết hơn là việc lập pháp, và rồi bất kể dịch bệnh hoành hành Putin vẫn cho tiến hành trưng cầu dân ý. Dù hình thức bỏ phiếu bị kêu nhiều lắm và kết quả thật sự thế nào có trời mà biết (tỷ lệ người đi bầu thực sự thấp lắm), nhưng cuối cùng con số gần 70% “đồng ý” - đa số phiếu bầu cho việc đưa vào mấy chục thay đổi trong Hiến pháp, tất nhiên Nghị viên Nga còn phải ra luật để cụ thể hóa nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian. Những thay đổi lớn nhất đã cụ thể hóa 03/7/2020 như sau:
- đối với Tổng thống Nga bỏ đi chữ “liên tục” và tính lại từ khi có hiến pháp mới này, tức là Putin có thể ra tranh cử tiếp năm 2024, và trong trường hợp thắng cử 2 nhiệm kỳ thì Putin sẽ là Tổng thống Nga tới 2036 (lúc đó Putin còn trẻ ấy mà, 84 tuổi!).
-đối với chức vụ Tổng thống thì bỏ đi từ “liên tục” – tức là làm xong 2 nhiệm kỳ dù không liên tục cũng phải thôi.
-Hiến pháp Nga có quyền pháp lý cao hơn mọi thỏa thuận quốc tế, các hợp đồng ngoại, các kết luận của bất cứ tổ chức quốc tế nào.
-Người đứng đầu Chính phủ bây giờ quyền hạn lại ít đi nữa, Tổng thống có quyền cách chức không phải thông qua cơ quan nào cả, còn vị này nếu muốn từ chức phải xin phép Tổng thống, cho phép mới được về vườn.
-cấm những cá nhân có quốc tịch hay quyền cư trú tại các quốc gia khác được nắm những chức vụ cao trong Chính phủ, tại địa phương, tòa án...
-các viện trưởng viện kiểm sát Tổng thống phong chức, chứ không cần hỏi ý kiến Hội đồng Liên bang.
-Vai trò của Nghị viện và Hội đồng Liên bang được thu hẹp lại...
Mọi chuyện được diễn giải bằng các con số, %, tỷ lệ... trông rất khoa học, chả hiểu người dân Nga đi bỏ phiếu làm sao mà nắm bắt rồi bầu bán được bằng một lá phiếu duy nhất. Còn rất nhiều mục lớn nhỏ khác nhau nữa, chẳng hạn sẽ cấm các vụ kết hôn đồng tính... Nhưng ai cũng hiểu, mấy cái gạch đầu dòng kia mới là chính, cái gì cần thì “Matxcovshina” đã đạt được rồi!
Uy tín của Putin trên trường quốc tế có vẻ vẫn không khác trước, nhưng đối với dân trong nước thì 3 năm cuối, nhất là sau 7 tháng đầu năm 2020 này uy tín và nhất là tình cảm của dân Nga đối với “Sa hoàng” đã thay đổi rất nhiều – hãy nhớ bản tính dân Nga là luôn cọi trọng cái “tình” cao hơn cái “lý”! Và cũng đúng bản tính của Ivan, dân Nga không dấu diếm cảm xúc của mình, đơn cử vài ví dụ:
-Putin trước kia thuần phục được tầng lớp người giàu, vì họ dưới chế độ này vẫn kiếm được những số tiền khổng lồ. Thế nhưng bây giờ có khác trước: từ khi Trump và một số đồng minh cấm vận kinh tế nhiều tập đoàn Nga gặp khó khăn trong hoạt động quốc tế. Tầng lớp giàu có bây giờ không dễ dàng đi lại khắp nơi, sở hữu bất động sản và các khỏan đầu tư ngoài biên giới nữa. Vợ con không dễ ra nước ngoài đi nghỉ, đi học, đang sướng quen giờ khác trước khổ là phản ứng thôi! Khi bầu cử cho đại diện của đảng “Nước Nga thống nhất” của Putin tại Matxcơva có những khu dân cư tất cả các căn hộ đều có giá ít nhất 1 triệu USD thì kết quả lại cực thấp cho đảng cầm quyền – chỉ 15% - cho thấy đã “đến ngưỡng” rồi!
-với tính cách rất Nga phản ứng trước tiên là những nhà khoa học, những nhà hoạt động văn hóa – thực ra họ là con cưng của xã hội, dù có đổi thay gì thì chắc họ vẫn là những người hưởng lợi mà thôi, thế nhưng họ dám nói lên tiếng nói ủng hộ những người không được may mắn như mình! Mấy trăm vị, trong đó có 18 viện sỹ hàn lâm đã gửi thư chung tới Tòa án hiến pháp, để bác bỏ cuộc trưng cầu dân ý theo họ là trái với Hiến pháp này. Các danh hài như Zadornov, Galkin...dám diễn hài về “Sa hoàng, các ca sỹ như Makarevich viết thư phản đối thẳng đến ngài Tổng thống. Giới tinh hoa của Nga không có truyền thống cúi đầu, ngậm miệng...
-người Nga từ trước tới nay rất tâm linh, bất chấp hơn 70 năm chế độ cộng sản – đó là một phần của văn hóa, của tâm hồn Slavơ. Chỉ vài năm sau khi Liên Xô sụp đổ các hệ thống nhà thờ, chùa chiên, thánh đường... đã được khôi phục và xây mới – tất cả đều do sự đóng góp cá nhân của đông đảo những người có tín ngưỡng. Điều đó cũng đúng với các tầng lớp quan chức – “niềm tin” đối với họ không phải là một từ chung chung. Và có nhiều chuyện nói lên sự bất bình của dân Nga đối với “Sa hoàng”, chẳng hạn chuyện ông thầy phù thủy Alexander Gabyshev. Ông này người Yakutia, tức là sống cách Matxcơva hơn 7000 km, theo những đạo của người Yakutia là những người dân bản xứ rất cổ ở Sibery, tự xưng là “shaman-chiến binh”. Năm 2018 Gabyshev tuyên bố là sẽ hành hương từ quê nhà đến Matxcơva, bằng cách đi bộ, để “trục tà Putin ra khỏi điện Kremlin”. Theo kế hoạch ông sẽ đến Matxcơva tháng 8/2021, bởi theo ông ta “tháng 8 ở nước Nga luôn là tháng của những đổi thay cách mạng” – ông đi và kéo theo cái xe đựng đồ đạc, cả nước theo dõi cuộc hành hương này:
Đi được 4 tháng, dọc đường rất nhiều người đồng hành và giúp đỡ “shaman” này thì ông bị cảnh sát túm cổ dùng vũ lực chở ngược về bản quán, cho một cái án cảnh cáo bởi tội “kích động người khác làm những hành động bạo lực”. Sau đó vào 2019 và 2020 Gabyshev còn 2 lần quyết định lên đường nữa, nhưng lần thì bị bắt để khám xem có bị nhiễm Covid không, lần khác thì bị bắt nằm bệnh viện tâm thần để xem có nguy hiểm đối với xã hội không (đang nằm viện đấy). Nhiều người có thể không hiểu: Putin là ai, Gabyshev là ai mà Tổng thống lại phải sợ cái tay phù thủy, lang băm miền núi này? Xin nhớ rằng Putin cũng vô cùng mê tín, và cũng phải biết sợ, nhỡ đâu những năng lượng của vùng đất hoang sơ hùng vĩ Sibery mà Gabyshev sẽ nhận được và đem theo tới Matxcơva lại mạnh tới mức mà có thể lật đổ ngai vàng? Tiên hạ thủ vi cường... Nhưng Gabyshev không đơn độc, người dân Yakutia ủng hộ ông ta, thậm chí thị trưởng thành phố Ulan-Uđê cũng lên tiếng bảo vệ công dân của mình. Gabyshev không sớm thì muộn sẽ còn lên đường đi Matxcơva, làm sao ai cản được mãi, có lẽ đó là số mệnh?
-Câu chuyện đang xảy ra trong những ngày này ở thành phố Khabarovsk sẽ là một cản trở vô cùng hóc hiểm cho quá trình Putin trở thành “Sa hoàng vĩnh cửu” của Nga. Tưởng rằng mọi thứ vẫn như xưa, đất nước vẫn thế, Tổng thống vẫn vậy, có gì thay đổi có lẽ phải gần tới 2024 cơ, nhưng hóa ra không phải vậy, Tôi xin kể kỹ hơn về nó:
Khabarovsk là một thành phố triệu dân duy nhất ở vùng Viễn Đông của Nga (vùng này với dân số cả vùng chỉ 8,2 triệu người (sau 30 năm dân số giảm tới 30% do di dân) và diện tích bằng 20 lần nước Việt Nam, 42% diện tích nước Nga) – thế mới thấy vùng này nó mênh mông thế nào! Nằm trên biên giới với Trung Quốc và xưa kia theo chiến lược quy hoạch của Liên Xô cũ thì đây là trung tâm công nghiệp, quốc phòng... (phải nằm sâu trong lục địa để tránh những cuộc tấn công trực diện), nói thế để thấy vai trò quan trọng của địa danh này đối với phía đông của nước Nga. Sau khi Liên Xô tan rã thì cả vùng Viễn Đông sống một cuộc sống khác hẳn với “Matxcovshina”: đánh bắt cá, chặt rừng, buôn lậu, làm mỏ, rồi Trung Quốc ào ạt tràn sang... Có thể nói đây là vùng nổi bật nhất về tội phạm, kể cả tội phạm hình sự lẫn kinh tế. Đời sống cũng khác hẳn với 2/3 còn lại của nước Nga: thời gian cách Matxcơva tới 7 múi giờ, người ta đi xe ô tô tay lái nghịch cũ của Nhật, dùng hàng Tàu và sẵn sàng nói chuyện phải quấy với nhau bằng súng... Sau những năm 2000 thì tình hình có vẻ được kiểm soát hơn, rồi sau này lấy lí do APEC cần được tổ chức tại Viễn Đông chính phủ Nga (mà ai cũng biết là ai rồi đấy) đổ rất nhiều tiền vào vùng này để nâng cấp hạ tầng khu này lên, đây có lẽ là nơi tiền ngân sách được ném ra tiêu nhiều nhất. Khabarovsk vốn nổi tiếng là khó bảo, thế nên cách đây mấy năm Putin quyết đinh chuyển “thủ phủ” vùng này về Vladivostok, nơi mà sau khi cho mấy tỉnh trưởng, thị trưởng mất chức và đi tù thì Matxcơva đã đặt được người của mình về để quản lý tình hình. Còn ở Khabarovsk cuối năm 2018 tỉnh trưởng tỉnh Khabarovsk được bầu là một dân biểu có tên là Sergey Furgal.
Furgal tương đối trẻ, sinh năm 1970 là con thứ mười trong gia đình khá nghèo khổ tại thành phố Blagoveshensk vùng Khabarovsk, sau thời Liên Xô tan rã chàng này là “phít nặng” (tức là vào loại tên tuổi trong tổ chức maphia đấy). Hồi đó nổi tiếng cả vùng Viễn Đông là băng “Obshak” (“Quỹ chung”) của trùm maphia biệt danh “Jam” – đàn em đắc lực của Jam là “Bác sỹ” – đó là biệt danh của Furgal bởi có thời chàng đã làm y tá trên tàu thủy. Nhưng công việc chính của “bác sỹ” là cai quản việc thu mua và xuất khẩu sắt vụn ở thành phố Komsomol trên sông Amur (nơi Việt Nam ta mua mấy cái tầu ngầm đấy). 2001 Jam chết trong tù, lúc đó Furgal đã là chủ của một tập đoàn buôn bán, chế biến kim loại khá lớn trong vùng. Từ 2005 Furgal bước chân vào chính trường, lúc đầu là đại biểu Hội đồng nhân dân vùng Khabarovsk, sau đó nhanh chóng trở thành đại biểu Nghị viện ở thủ đô. “Bác sỹ” là thành viên của đảng Trung lập Dân chủ Nga (LDPR) – mộtt rong 3 đảng lớn nhất của Nga hiện nay - và từ năm 2018 thắng cử bất ngờ vào chức tỉnh trưởng tỉnh Khabarovsk. Ở vùng này LDPR thắng đảng “Nước Nga thống nhất” của Putin với tỷ lệ phiếu bầu 55% so với 15%. Có lẽ Matxcơva bắt đầu ngứa mắt với Furgal từ đấy...
Nhưng tỉnh trưởng này hành động cũng vô cùng khác lạ so với các quan chức khác của Nga. Mới một năm rưỡi mà “bác sỹ” đã làm được khá nhiều cho quê nhà (thực ra là làm đúng nhiệm vụ cần làm của một tỉnh trưởng, nhưng đối với nước Nga ngày nay đó làm việc vô cùng hiếm): lo bữa ăn trưa không mất tiền cho trẻ em ở trường, xây nhà xã hội bán cho người thu nhập thấp, cắt giảm lương và phúc lợi của chính giới quan chức nhà nước trong đó có bản thân mình... Do lương tâm cắn rứt, do tình yêu quê hương hay trách nhiệm bản thân, hay còn ẩn ý sâu xa gì nữa thì khó ai đoán được, nhưng những hành động ấy của Furgal đã được toàn dân ghi nhận....
Furgal bị bắt ngày 09/7/2020, áp tải ngay về Matxcơva và nhận một án tạm giam 2 tháng. “Bác sỹ” bị buộc tội vì 3 tội: tham gia vào 2 vụ giết người và 1 vụ ám sát không thành, đều xảy ra cách đây gần suýt soát 15 năm rồi (15 năm là thời điểm để vô hiệu lực những buộc tội dù nếu có cơ sở). Sẽ có một phiên tòa xử kín ở Matxcơva và cái án được chờ đợi dành cho Furgal là 15 năm tù giam.
Hôm nay là ngày thứ 9 liên tiếp người dân thành phố Khabarovsk ra đường mit tinh ủng hộ cho tỉnh trưởng (chưa bị cách chức) của mình đã chọn lựa. Hàng chục nghìn người đi dọc trung tâm thành phố, vỗ tay, hô khẩu hiệu kêu gọi phải thả ngay Furgal, phải cho anh một toà án công khai ngay tại quê nhà! Họ dăng biểu ngữ, họ bấm còi xe inh ỏi, họ biểu tình ôn hòa (không xin phép nhưng vì không có bạo động chả ai làm gì được), họ bất chấp dịch Covid còn đang hoành hành ở đây, bất chấp là sẽ bị ghi hình, bị theo dõi... Chính họ bắt giữ và trao lại cho cảnh sát những kẻ quá khích, muốn đẩy đám đông đến bạo loạn để có cớ cho lực lượng an ninh vào cuộc – từ nhiều tỉnh lân cận các đơn vị “Lực lượng cận vệ Nga” đã bay tới Khabarovsk để chuẩn bị ra tay giữ gìn trật tự nếu có biến xảy ra. Thời tiết mùa hè đang rất đẹp, họ tụ tập ở trung tâm tới đêm khuya, bật đèn pin ở điện thoại, cả thành phố như ngày hội... Hay nhất là không có ai “tổ chức” họ cả, đảng LDPR cũng không, chả có bè lũ “đế quốc” nào đứng sau bơm tiền cho người dân Khabarovsk như một số báo chí vụng về định đưa tin cả. Nói chung media cố tình đưa tin thật ít về sự kiện chưa từng có này, bất chấp việc nó như một đống lửa có thể trở thành một đám cháy khổng lồ bất cứ lúc nào. Maidan xưa kia bắt đầu còn “lãng xẹt” hơn thế này nhiều...
Sẽ có nhiều người hỏi, vậy Furgal có tội hay không? Chưa có tòa nên không thể kết luận ngay được, nhưng người viết đã từng ở chính vùng này khá nhiều năm nên có thể nói lên ý kiến của mình: Furgal chính xác là maphia, và nếu xét về chuyện năm xưa thì khả năng có tội là khá lớn. Bởi ở vùng Viễn Đông này trong mấy chục năm qua tìm được một thị trưởng hay tỉnh trưởng không phải đại diện của băng đảng maphia nào thì quá khó! Tuy vậy điều đó không phải là gì ghê gớm lắm đối với người dân Khabarovsk và Viễn Đông ngày nay – cái này đúng là “không thể hiểu nước Nga bằng lý trí” được, như câu thơ của Fyodor Tyutchev năm xưa. “Dù ông ấy có là tội phạm thì đó vẫn là người của chúng tôi!” – đấy là cách nghĩ của người dân biểu tình, "hắn ta "có thể có tội nhưng mà tốt... Cái làm người Khabarovsk bất bình nhiều nhất là việc “Matxcovshina” thích gì thì làm như thế, tại sao đã để Furgal làm dân biểu mười mấy năm trời, rồi năm 2018 để “bác sỹ” thắng cử tỉnh trưởng rồi – tức là đã qua không biết bao nhiêu tầng kiểm soát, mà an ninh của Nga nổi tiếng về việc nắm lí lịch người dân, chưa nói đến các nhân vật “phít nặng” như Furgal! Tức là Matxcơva biết hết, nhưng vì lí do gì đó nên cứ để kệ đi, còn lúc nào muốn trừng phạt thì ra tay nhanh lắm – người dân vốn vẫn biết điều ấy, nhưng đến hôm nay họ đã chán ngán lắm rồi! Và nhân tiện đây người ta trút giận luôn cả lên việc thay đổi Hiến pháp: họ đòi Putin từ chức...
Ngày mai người dân Khabarovsk lại ra đường! Và các cuộc biểu tình ủng hộ Khabarovsk xuất hiện ở Matxcơva đầu tiên, nay đã lan ra cả loạt thành phố miền Viễn Đông – chưa bao giờ ở đây từng có những cuộc tuần hành đông đảo đến thế (thậm chí nhiều người đánh giá trong lịch sử nước Nga mới cũng chưa có những sự kiện đông đảo người tham gia như vậy!). Nước Nga không còn như tuần trước, tháng trước nữa! Sẽ có bạn coi rằng Furgal vẫn “bé” lắm, chỉ là tỉnh trưởng của một tỉnh kiểu như Quảng Ninh nhà mình, có gì đâu mà Putin không “xử đẹp” được. Xin thưa rằng vấn đề không nằm ở Furgal mà nằm ở chính những người dân Nga, họ coi chữ “tình” cao hơn chữ “lý” rất nhiều. Họ đã quý ai thì sẵn sàng phanh ngực áo ra để bảo vệ người đó, còn đã ghét rồi thì đừng hòng ngồi vào bàn chung uống rượu dù có thèm đến cỡ nào. Khi con gấu Nga thức dậy, đừng để nó thấy bạn làm mục tiêu, ai cũng biết điều đó, Putin lại càng biết điều đó!
Vậy việc gì sẽ xảy ra với nước Nga? Tôi không biết được, vì tương lai đó là ngày mai, ngày kia, năm sau... tôi chỉ biết nước Nga sẽ có một tương lai vĩ đại theo lời của nhà tiên tri Vanga hay Đức Đà Lai Lạt Ma 14 đã nói không chỉ một lần. Vậy tôi xin đoán mò, rằng với vụ việc Sergey Furgal thì Putin có thừa kỹ năng cũng như quyền hạn để xử lý êm thuận nhất, để dân Khabarovsk không kéo nhau ra quảng trường cắm lều dài ngày như ở Maidan. Nhưng thế vẫn chưa yên dân được, Putin sẽ vẫn làm Tổng thống cho tới 2024 (và tôi nghĩ ông sẽ “ghi công” để đi vào lịch sử nước Nga mới như một vị Tổng thống lâu đời và tốt nhất), nhưng tới trước cái thời điểm bầu cử nhạy cảm ấy Putin sẽ làm một hành động giống như người tiền nhiệm năm xưa – sẽ không tranh cử nữa mặc dù Hiến pháp mới cho ông toàn quyền làm việc đó. Ông sẽ giới thiệu với nước Nga một người kế nhiệm, có thể là chả ai biết đó là ai, nhưng người đó sẽ đưa nước Nga lên những tàm cao mới. Và giống như Yeltsin năm xưa dân Nga sẽ nhớ ơn Vladimir Putin đầu tiên vì cái nghĩa cử này, chứ không phải chỉ là 25 năm đứng cầm lái con thuyền dân tộc.
Kết thúc bài viết tại đây tác giả xin nhắc lại, đó chỉ là suy nghĩ và đánh giá của bản thân mình, một người yêu quý và theo dõi câu chuyện ở nước Nga xa xôi. Tổng thống Putin sẽ sang thăm Việt Nam mùa thu năm nay, hy vọng sau sự kiện đó Việt Nam và Nga lại tiếp tục chương trình Nhà máy điện hạt nhân, rồi sự hiện diện và ảnh hưởng của nước Nga ở Đông Nam Á và biển Đông sẽ còn ý nghĩa hơn nữa. Thực ra thì có thể diễn giải đơn giản hơn nhiều, “tôi tin vào tương lai của nước Nga” – mộc mạc vậy thôi, nhà thơ Fyodor Tyutchev đã nói vậy từ một thế kỷ rưỡi trước rồi...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét