Thứ Năm, 23 tháng 7, 2020

CHỦ TRƯƠNG QUÂN ĐỘI THAM GIA XÂY DỰNG KINH TẾ GẮN VỚI QUỐC PHÒNG - AN NINH

Trong hình ảnh có thể có: 16 người


Gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện một loạt bài viết có nội dung chống lại việc Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế. Những người này viện dẫn việc quân đội nước này nước nọ là quân đội có tính chuyên nghiệp cao, được nhà nước chu cấp đầy đủ, không phải tham gia vào các hoạt động mà theo họ nói là “quân đội làm kinh tế” như Quân đội Nhân dân Việt Nam. Những người này còn lớn tiếng hô hào giải thể các doanh nghiệp quốc phòng, đòi sục vào những vấn đề quốc phòng kết hợp với kinh tế, thậm chí đòi công khai cả những bí mật quân sự.
Những người đó muốn gì ? Mục đích của họ có thật sự là muốn xây dựng một quân đội vững mạnh, tiến lê chính quy hiện đại, đủ sức bảo về độc lập tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc không ? Họ có thật sự muốn xây dựng một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, vì Tổ quốc mà chiến đấu không ? Chúng ta hãy thử tìm hiểu vấn đề kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng trên thế giới và ở Việt Nam ra sao.
1- Tất cả các nước có nền công nghiệp phát triển trên thế giới đều gắn kinh tế với quốc phòng – an ninh.
Ngay từ Chiến tranh thế giới thứ hai, các nước lớn của cả phe Trục (Đức, Ý Nhật) và Đồng Minh (Liên Xô, Mỹ, Anh) đều có một nền sản xuất gắn chặt kinh tế với quóc phòng. Đơn cử một doanh nghiệp sản xuất máy kéo lớn nhất nhì ở Liên Xô thời đó là nhà máy Cheliabinsk. Thời bình, doanh nghiệp này sản xuất các loại máy kéo bánh hơi và bánh xích, máy gặt đập liên hợp và các máy động lực khác cung cấp cho nền sản xuất nông nghiệp. Khi có chiến tranh, nhà máy này chuyển sang sản xuất các loại xe tăng nổi tiếng thời đó là KV-1, KV-2, T-34 và sau này là IS-1, IS-2. Khi cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại kết thúc thắng lợi, tổ hợp công nghiệp chế tạo Cheiabinsk lại làm ra những máy kéo, máy gặt đập liên hợp, máy động lực trong khi vẫn cung cấp đều đặn những xe tăng kiểu mới nhất, hiện đại nhất cho quân đội. Không chỉ riêng Cheliabinsk mà các tổ hợp công nghiệp chế tạo ô tô của Liên Xô cũng là các doanh nghiệp vừa chế tạo phương tiện vận tải cho dân sự, vừa chế tạo phương tiện vận tải cho quân sự như các tổ hợp công nghiệp chế tạo máy Minsk, Kharkov, Gorky, Likhachov, Lvov .v.v…
Cũng như vậy, người Nga hiện nay vẫn duy trì các doanh nghiệp quốc phòng cỡ lớn nhất nhì thế giới như các tổ hợp hàng không – vũ trụ Yakovlev (OKB-115), Ilyushin (OKB-29), Sukhoi (OKB-51), Klimov, Omsk-Motors (OKB-20), Tupolev (OKB-155), Myasishchev (OKB-23), MKB Raduga (OKB155-2), Lavochkin (OKB-301), Kamov (OKB-938), Moniya (OKB-4), Novator (OKB-8), Shvetsov (OKB-19), Kuznetsov (OKB-119), Turmasky (OKB-300); các tổ hợp hàng hải quân sự Sevmash, Krasnoye Sormovo, Zelenodolsk, Vladivosstok, Yaroslav, Khabarovsk; các tổ hợp sản xuất vũ khí Uraltransmash, Izmash Tula, Tula Arsenal, Izvetsk, Tulsky Oruzheiny Zavod v.v… Tương tự như Nga, ở Mỹ có các tổ hợp hàng không - vũ trụ như McDonnell Douglas, General Dynamics, Lockheed Martin, Chrysler Defence, Boeing; các tổ hợp đóng tàu quân sự Newport News Shipbuilding, Huntington Ingalls, Northrop Grumman, các tổ hợp sản xuất súng đạn Arma Lite, Colt Defense, FN Herstal, H & R Firearms .v.v… Trung Quốc có các tổ hợp công nghiệp hàng không quân sự Tây An, Thẩm Dương, Nam Xương, Thành Đô; Tập đoàn hàng không vũ trụ CMSEO, Tập đoàn vũ khí Norinco, các tổ hợp đóng tàu quân sự Wuzhang, Qiuxi, Hudong, Jiangnan, Liêu Ninh. .v.v… Các nước Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản cũng đều có các tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Các tổ hợp này, ngoài việc sản xuất vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự đều tham gia vào sản xuất các mặt hàng phục vụ quốc kế dân sinh.
Có một thực tế hiển nhiên là trong thời bình, các cơ sở công nghiệp quốc phòng chỉ hoạt động từ 20% đến 30% công suất danh định, đủ để cung cấp cho các hoạt động huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu ở cấp thường xuyên. Phần công suất còn lại là dự trữ chiến lược để phòng khi chiến tranh xảy ra. Nếu để đến khi chiến tranh xảy ra rồi mới đầu tư để nâng công suất lên mức đủ đảm bảo cho các hoạt động chiến đấu ở cường độ cao thì khi đó đã quá muộn. Tuy nhiên, nếu để phần công suất dự trữ này không hoạt động thì riêng việc bảo trì, bảo dưỡng chúng đã tiêu tốn một khoản tài chính không nhỏ. Vì vậy, nhiều nước vẫn tận dụng một phần công suất dự trữ chiến lược ấy để sản xuất các mặt hàng dân dụng, vừa phục vụ cho quốc kế dân sinh, vừa tự túc kinh phí bảo trì, bảo dưỡng máy móc, trang thiết bị.
2- Quân đội tham gia sản xuất và xây dựng nền kinh tế ở Việt Nam trong truyền thống và hiện đại.
Quân đội Việt Nam có truyền thống tham gia sản xuất và xây dựng nền kinh tế của quốc gia từ thời xa xưa. Từ thế kỷ thứ X, triều đại Nhà Đinh đã thực thi chính sách “NGỤ BINH Ư NÔNG”, nghĩa là “gửi binh ở nông”, gửi quân vào nông nghiệp, cho binh sĩ lao động, sản xuất tại địa phương trong một khoảng thời gian xác định. Chính sách này được phát triển với quy mô lớn trong các triều đại Nhà Lý, Nhà Trần. Sang đến thời kỳ Nhà Hậu Lê, chính sách “ngụ binh ư nông” còn được áp dụng cả với cấm quân bảo vệ kinh thành Thăng Long.
Từ lịch sử xa xưa đến nay, nhu cầu bảo vệ đất nước cần một lực lượng quân đội hùng hậu. Tuy nhiên, nhu cầu nhân lực để sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế cũng rất lớn. Vì vậy việc đưa quân đội về địa phương luân phiên cày cấy giúp lực lượng này tự túc được về lương thực, giảm bớt gánh nặng về lương thực nuôi quân. Ngụ binh ư nông là việc liên kết hài hòa giữa việc quân sự và nông nghiệp, giữa kinh tế và quân sự, chuyển hóa nhanh từ thời bình và sang thời chiến khi cần. Nhờ chính sách này, đất nước Việt Nam có được lực lượng quân đội hùng mạnh, đông đảo trong khi sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì và phát triển.
Ngay từ buổi đầu giành được độc lập sau gần 1.000 năm Bắc thuộc, chính sách “ngụ binh ư nông” của Nhà Tiền Lê đã kết hợp rất tốt hai mục tiêu quốc phòng và kinh tế, đã đưa lại hiệu lực quốc phòng mạnh mẽ. Quân đội Nhà Tiền Lê đã chống Tống, phạt Chiêm thắng lợi. Khi đất nước đã ra khỏi tình trạng chiến tranh sau năm 982, thì các vua Tiền Lê – từ Lê Hoàn đến Long Đĩnh, đều huy động quân sĩ cùng nhân dân tham gia một số công việc kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, đặc biệt là công việc bảo đảm và phát triển giao thông vận tải, như đóng thuyền, đào sông, đắp đường quốc lộ, có năm huy động đến 5.000 lính của Châu Hoan (Nghệ An – Hà Tĩnh), đi sửa sang đường đất từ Nghệ An – Hà Tĩnh đến giáp đèo Ngang, mở một thủy lộ quan trọng cả về kinh tế và quốc phòng ở Bắc Trung Bộ. Đến nay, dấu tích Kênh Nhà Lê vẫn còn tại các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Với tổng chiều dài lên đến 500 km, được quân và dân Đại Việt xây dựng từ năm 983 (thời Tiền Lê) đến cuối thế kỷ XV (Thời Hậu Lê), Kênh Nhà Lê là một kỳ tích và đã được Nhà nước ta hiện nay công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia (đoạn đi qua Nghệ An). Trong kháng chiến chống Mỹ, Kênh nhà Lê được coi như tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên sông, góp phần to lớn cho sự nghiệp chống ngoại xâm, thống nhất đất nước. Việc xây dựng Kênh Nhà Lê thể hiện tầm nhìn chiến lược của cho ông ta trong việc kết hợp kinh tế với quốc phòng.
Chính sách “ngụ binh ư nông” là điểm sáng rất đặc sắc trong chiến lược phòng thủ quốc gia của truyền thống quân sự Việt Nam. Nó phản ánh tư duy "nông binh bất phân" (không phân biệt quân đội và nông dân). Ở đâu có dân là ở đó có quân, rất phù hợp với điều kiện xây dựng nền quốc phòng của một nước đất không rộng, người không đông, cần phải huy động tiềm lực cả nước vừa sản xuất, vừa đánh giặc. Vào thời kỳ Nhà Nguyễn, chính sách này được phát triển sang cả lĩnh vực ngư nghiệp khi nhu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo phát sinh. Phương châm xây dựng các đội Hoàng Sa, kiêm quản Bắc Hải của Nhà Nguyễn đáp ứng được yêu cầu “khi bình là ngư, khi biến là quân”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn giữ bản chất là một đội quân vừa đánh giặc, vừa sản xuất. Trong suốt những năm tháng chiến đấu, trên các tuyến đường mòn Hồ Chí Minh băng qua Trường Sơn có rất nhiều trại sản xuất tại các binh trạm nghỉ chân của các đoàn quân Nam tiến. Cây trồng chủ yếu tại các trại này là sắn (củ mỳ) và các loại rau xanh. Mỗi một đơn vị đi qua và nghỉ lại đều có thể nhổ sắn làm lương ăn, nhổ rau nấu canh cho bữa cơm đỡ xót ruột. Cứ nhổ bao nhiêu cây thì lại lấy hom sắn, nhánh rau trồng lại bấy nhiêu cây để các đơn vị đến sau có cái mà ăn. Ở miền Bắc, các nhà máy quốc phòng không chỉ sản xuất hàng hóa cho quân đội mà còn cung cấp nhiều mặt hang phục vụ dân sinh như chăn, màn, giày, dép .v.v…
Trong thời kỳ khó khăn 1975-1990, khi nước ta bị các thế lực thù địch bao vây, cấm vận về kinh tế, các nhà máy quốc phòng đã có đóng góp rất to lớn đối với nền kinh tế và đời sống dân sinh. Những ai đã sống qua thời đó đều biết đến những gói mỳ tôm do Công ty Quốc phòng 120 (Nhà máy 120 – Tổng tục Hậu cần) sản xuất mà đến nay, di duệ của những gói mỳ tôm ấy vẫn lưu hành trên thị trường với nhãn hiệu “Micoem”. Những ai đã sống qua thời đó đều biết đến những đôi dép nhựa nổi tiếng thường được gọi là “dép rọ”, một sản phẩm của Công ty Quốc phòng 32 (Nhà máy 32 – Tổng cục Hậu cần) cung cấp cho đời sống dân sinh. Trên miền Bắc, ngay từ khi đế quốc Mỹ mở các chiến dịch Sấm rền, đánh phá ác liệt, các đơn vị công binh không chỉ sát cánh cùng với thanh niên xung phong và nhân dân khôi phục lại những tuyến giao thông bị đánh phá mà còn tham gia đào đắp các công trình thủy lợi, đắp đê ngăn lũ lụt .v.v…
Những hoạt động trên đây của Quân đội Nhân dân Việt Nam thể hiện đúng đắn tư tưởng quân sự của Hồ Chí Minh về quân đội: “Quân đội ta là đội quân chiến đấu, là đội quân công tác, là đội quân lao động sản xuất”. Khi đất nước có giặc ngoại xâm, Quân đội Nhân dân Việt Nam có mặt trên tuyến đầu, tiêu diệt quân xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đó là đội quân chiến đấu.
Khi đất nước hòa bình, Quân đội nhân dân luôn giữ vững mối quan hệ máu thịt với nhân dân, là một trong các lực lượng nòng cốt tham gia công tác vận động quần chúng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Các đơn vị quân đội đã tích cực thực hiện công tác dân vận, đi đầu trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng sâu, vùng xa biên giới, hải đảo; tích cực tham gia phòng chống lụt, bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, giảm nhẹ tác hại của thiên tai và bảo vệ tài nguyên, môi trường… Các đơn vị trong quân đội nhân dân đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương còn nhiều khó khăn trên địa bàn đóng quân, tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Đó là đội quân công tác.
Khi đất nước có hòa bình, các đơn vị quân đội tận dụng mọi tiềm năng, nguồn lực lao động, đất đai, kỹ thuật..., đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tạo nguồn thực phẩm bổ sung tại chỗ, góp phần giữ ổn định và cải thiện đáng kể đời sống vật chất cho bộ đội. Các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp quốc phòng đã sản xuất được một số loại vũ khí, trang bị khí tài phù hợp, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại, yêu cầu sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội. Nhiều đơn vị làm kinh tế của quân đội đã sản xuất và kinh doanh có hiệu quả, trở thành các tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn của đất nước, đi đầu trong việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, góp phần xứng đáng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước… Đó là đội quân sản xuất.
Tại cuộc Tọa đàm “Kết hợp kinh tế với quốc phòng vì sự phát triển đất nước và lợi ích của nhân dân” tổ chức ngày 6-7 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân, Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Phó vụ trưởng, Phó trưởng ban Tuyên truyền lý luận của Báo Nhân Dân đánh giá cao sự nhất quán của chủ trương quân đội tham gia sản xuất, phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng và cho rằng, đây là nhiệm vụ truyền thống của Quân đội ta, thể hiện tư tưởng chiến lược kinh tế - quốc phòng hết sức sâu sắc của dân tộc ta, đã cho thấy những hiệu quả trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ ấy xuất phát từ nhu cầu, yêu cầu của đất nước trong việc phát triển quân đội, xây dựng sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, hết sức cần thiết và cũng hết sức khách quan.
Ông Nguyễn Minh Phong phát biểu: “Thật ra tư tưởng kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng cũng không phải là điều gì khác lạ so với các nước trên thế giới. Ngay trong các công ty của Mỹ cũng kết hợp rất hài hòa các mảng quân sự và mảng dân sự”. Nói tóm lại, kết hợp kinh tế với quốc phòng là nhiệm vụ chiến lược của Quân đội Nhân dân Việt Nam vì sự phát triển của đất nước, vì lợi ích của nhân dân.
3- Những người phản bác chủ trương quân đội tham gia sản xuất và xây dựng kinh tế muốn gì ?
Nói một cách đơn giản như nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan thì đừng vì mấy chuyện sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất hay sân Bay Gia Lâm mà hiểu sai vấn đề. Trong việc làm kinh tế của quân đội, nhiệm vụ sản xuất là chính, còn nhiệm vụ kinh doanh xếp hàng thứ hai. Đặc biệt là quân đội gánh vác những nhiệm vụ chính trị xã hội mà không ai có thể làm được. Đơn cử như chúng ta quan niệm doanh nghiệp nhà nước làm những cái mà doanh nghiệp tư nhân không làm thì quân đội cũng phải làm những việc mà ngay cả doanh nghiệp nhà nước không làm. Vấn đề kết hợp kinh tế với quốc phòng là vấn đề chiến lược bảo vệ Tổ Quốc trong tình hình mới và là vấn đề cực kỳ quan trọng. Việc tổ chức các tập đoàn kinh tế của quân đội đứng chân trên những địa bàn vùng sâu vùng xa, những nơi trắng dân, trắng chính quyền, trắng đảng viên là điều cực kỳ quan trọng bởi mỗi khi đất nước có nguy cơ bị xâm lược, chính những đơn vị này sẽ là lực lượng tại chỗ có thể chuyển trạng thái chiến đấu một cách nhanh nhất để bảo vệ Tổ Quốc.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng việc xây dựng các tuyến đường tuần tra biên giới dài tới gần 10.000 km thực hiện trong 10 năm qua vừa có vai trò cực kỳ quan trọng trong phòng thủ quốc gia, vừa có vai trò to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa. Nhưng không một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nào có thể đảm nhận. Ngay cả doanh nghiệp nhà nước cũng không dám đăng ký đấu thầu vì thời gian thu hồi vốn là rất dài. Sử dụng hình thức BOT thì không thể vì đây là công trình phục vụ quốc phòng – an ninh là chính. Gọi đầu tư nước ngoài lại càng không ổn vì bản chất của tuyến đường này phục vụ cho mục đích quân sự. Vì thế, các tổng công ty xây dựng của Quân đội phải vào cuộc và Ban Quản lý dự án 147 của Bộ Quốc phòng đảm nhận quản lý thi công, giám sát, kiểm tra và nghiệm thu các công trình này. Một số Đoàn kinh tế - Quốc phòng đứng chân trên các địa bàn Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên… không những đảm bảo cho việc phòng thủ quốc gia trên những vùng chiến lược mà còn góp phần to lớn tạo công ăn việc làm cho nhân dân địa phương, phát triển kinh tế xã hội ở đó.
Để tái cơ cấu các doanh nghiệp quốc phòng thì Đảng đã có Nghị quyết số 520-NQ/QUTW ngày 25-9-2012 của Quân ủy Trung ương về đổi mới và sắp xếp lại các doanh nghiệp Quốc phòng. Theo đó, Bộ Quốc phòng sẽ sắp xếp chỉ còn 17 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, 12 công ty cổ phần có vốn Nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý (Nhà nước giữ trên 51% cổ phần đến năm 2019); thực sự là các doanh nghiệp cần thiết cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Các công ty quốc phòng được cổ phần hóa sẽ không được hưởng sự bù lỗ từ Nhà nước, buộc phải cạnh tranh lành mạnh với các doanh nghiệp khác.
Việc đã rõ như ban ngày nhưng nhiều người vẫn không hiểu. Vì sao vậy ?
Ở luồng ý kiến thứ nhất, đó là những người thiếu thông tin về đường lối chính sách bảo vệ Tổ quốc của Đảng và Nhà nước ta. Đường lối chính sách về kết hợp kinh tế với quốc phòng – an ninh đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, có luận cứ khoa học, có khảo sát thực tiễn chứ không phải cứ thích là ban hành chủ trương. Những người có ý kiến theo hướng này trước hết vì họ lo ngại việc tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế sẽ tạo ra nguy cơ tham nhũng trong quân đội. Họ cũng có cơ sở nhất định khi nhắc đến một số sai phạm của vài doanh nghiệp quốc phòng cũng như liên hệ với những “chuyện động trời” xảy ra với Quân đội Trung Quốc (PLA) trong thời gian vừa qua.
Về chuyện minh bạch tài chính trong hoạt động kinh tế của Quân đội Nhân dân Việt Nam thì Cục Đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch đầu tư đã công khai rõ: Đến hết năm 2016, doanh thu đầu tư nước ngoài năm 2016 của các doanh nghiệp quốc phòng đạt hơn 1 tỷ USD, tổng doanh thu lũy kế đến hết năm 2016 đạt hơn 4,8 tỷ USD. Số tiền chuyển về Việt Nam đến hết năm 2016 đạt hơn 475 triệu USD. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài này của các doanh nghiệp quốc phòng không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế cho đất nước, mở đường để các doanh nghiệp khác của Việt Nam có thêm dũng khí chiếm lĩnh thị trường nước ngoài thời kỳ hội nhập, mà còn giúp tạo mối quan hệ hữu hảo với các nước, là cơ sở để bảo vệ đất nước từ xa.
Còn việc chống tham nhũng trong các doanh nghiệp quốc phòng thì việc đương nhiên phải làm là xây dựng những hành lang pháp lý hữu hiệu sao cho vừa phát huy được sức mạnh của các doanh nghiệp quốc phòng, vừa kiểm soát chặt chẽ về quản lý tài chính, tài sản nhưng không trói chân trói tay các doanh nghiệp này. Tóm lại, đó là những ý kiến của những người có thiện ý. Đối với những người này, cần tuyên truyền giải thích thêm về chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để họ hiểu.
Ở luồng ý kiến thứ hai, đó là những người cố tình không hiểu biết, thậm chí là viện dẫn quân đội của nước nọ, nước kia để biện bạch cho lập trường sai trái của họ mà lập trường ấy có thể tạo nên dư luận chống lại quân đội, phi chính trị hóa quân đội, làm suy yếu quân đội, chia rẽ quân đội với nhân dân, chia rẽ quân đội với công an và các ngành khác, gây bất lợi cho chủ trương, chính sách quốc phòng – an ninh của ta.
Không những thế, những người này tiếp tục đặt “nhân quyền” cao hơn “chủ quyền” của quốc gia – dân tộc. Họ đem cái nhân quyền của cá nhân họ và một số ít người đối lập với lợi ích của cả dân tộc, của toàn thể nhân dân Việt Nam. Họ đòi được biết cả những bí mật quân sự, bí mật quốc gia tối cao có liên quan đến sự tồn vong của dân tộc, sự an nguy của đất nước. Việc làm của họ chính là sự tiếp tay cho các thế lực phản động chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân Việt Nam. Ngay cả những tên gián điệp thượng thặng của nước ngoài cũng không thể nghĩ ra cách hay hơn để làm suy yếu nền quốc phòng toàn dân của đất nước ta.
Những lập luận của họ dựa trên sự phân tích và học đòi quân đội của các nước tư bản, của các đội quân xâm lược chuyên đánh thuê cho các ông chủ. Ở những đội quân đấy, không có việc chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc mà chỉ có sự chém giết, không có lý tưởng chiến dấu mà chỉ có việc trả công cho các cuộc giết chóc ấy bằng những đồng dollar tanh máu người. Ở những đội quân ấy, không có việc bảo vệ dân hay huy động sức dân để cùng với nhân dân chiến đấu giữ nước. Ở những qhân đội ấy, chỉ có thái độ lạnh lùng, vô cảm của một lũ kiêu binh và loạn binh.
Những người cố tình phản bác lại chủ trương quân đội tham gia sản xuất và xây dựng kinh tế thừa biết rằng việc quân đội tham gia tích cực vào phát triển kinh tế chính là làm gia tăng sức mạnh của bản thân quân đội, gia tăng sức mạnh tổng hợp của quốc gia; từng bước nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam thông qua kinh tế quốc phòng; đồng thời góp phần tận dụng tiềm lực, tiềm năng của đất nước về mọi mặt, con người, vật chất, trí tuệ. Quân đội tham gia sản xuất và xây dựng kinh tế phục vụ trước hết cho nhiệm vụ quân sự-quốc phòng, đồng thời phát huy tính lưỡng dụng. Quân đội có nhiều năng lực vật chất và trí tuệ để nghiên cứu để tận dụng thành tựu công nghiệp quốc phòng sang công nghiệp dân sự và ngược lại, có thể tận dụng thành tựu của công nghiệp dân sự sang công nghiệp quốc phòng. Sự kết nối này sẽ tăng sức mạnh cho nền kinh tế rất nhiều. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp quốc phòng còn có thể liên doanh, liên kết với dân dụng cả trong nước và nước ngoài. Những người chống lại chủ trương để quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế dã mong muốn điều ngược lại với những tác dụng tích cực kể trên.
Từ một vài những sai lầm, tiêu cực phát sinh trong quá trình quản lý sản xuất và hoạt động kinh tế của một vài doanh nghiệp, đơn vị quân đội, những kẻ chống đối đã thổi phồng lên, xuyên tạc đi, thậm chí là bịa đặt, dựng chuyện để tạo dư luận không tốt đối với quân đội nói riêng và lực lượng vũ trang Việt Nam nói chung. Những thủ đoạn tuyên truyền của họ được các hãng truyền thông của Mỹ, của phương Tây và những cái loa chống cộng trong số người Việt ở nước ngoài bơm thổi lên thành cái mà chúng gọi là dư luận. Hung hăng nhất trong số các hãng truyền thông phương Tây về vấn đề Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia sản xuất và xây dựng kinh tế phải kể đến BBC Việt ngữ và RFA. Trong một tuần kể từ ngày 6-7-2017, BBC Việt ngữ có đến 7 bài về vấn đề này. Thậm chí BBC Việt ngữ còn tổ chức cả một cuộc tọa đàm qua mạng. Không ngạc nhiên khi thấy xuất hiện trong cuộc tọa đàm này những gương mặt chống phá Việt Nam một cách có hệ thống như Nguyễn Quang A, Nguyễn Xuân Nghĩa…
Để kết thúc bài viết này, tôi xin dẫn lời nhà báo người Mỹ Neil Sheehan (tác giả cuốn sách “Lời nói dối hào nhoáng về Việt Nam”) từ năm 1989 khi ông viết một bài về Trung tá, Anh hùng lao động Trần Văn Cường, Phó chỉ huy trưởng Đoàn kinh tế quân đội N65, đơn vị tham gia từ đầu đến cuối việc xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình: “Có rất nhiều điểm khác nhau giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân đội Mỹ. Nhưng có một điều tôi phát hiện ra là: Quân đội Mỹ sinh ra để tiêu phí tiền của, trong đó có những việc vô ích và có hại; còn Quân đội Nhân dân Việt Nam thì lại làm ra được tiền và lúc nào cũng có ích cho đất nước. Dư luận Mỹ cần phải biết điều này”./.
Nguồn: Fb Nguyễn Minh Tâm
Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một đơn vị quân đội đang tham gia xây dựng khu công nghiệp Việt Trì, Vĩnh Phú (1963).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét