Gần đây, Hoa Kỳ và Trung cộng đã tổ chức các cuộc tập trận "khoe cơ bắp" ở Biển Đông. Căng thẳng giữa hai nước ngày một gia tăng do các vấn đề Hong Kong, đại dịch virus Corona Vũ hán và chiến tranh thương mại…, điều này khiến ngoại giới lo ngại rằng Chiến tranh Lạnh giữa hai bên sẽ biến thành "Chiến tranh Nóng". Vậy nếu "Chiến tranh Nóng" xảy ra, chiến trường sẽ ở đâu?
Hoa Kỳ phát tín hiệu cho các đồng minh và đối tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Trung cộng không phải là không thể đối phó.
Từ ngày 1 đến ngày 5/7, Trung cộng đã tổ chức một cuộc tập trận ở quần đảo Hoàng Sa (Trung cộng gọi là Tây Sa). Vào ngày 4/7, Lực lượng tấn công hàng không mẫu hạm Nimitz (Nimitz Carrier Strike Force) của Hoa Kỳ gồm 2 nhóm là tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan cũng đã tiến vào khu vực Biển Đông để tập trận.
Mặc dù Mỹ phủ nhận cuộc tập trận lần này của quân đội Mỹ là nhằm đáp trả cuộc tập trận của quân đội Trung cộng, các nhà phân tích cho rằng động thái của quân đội Mỹ có liên quan đến hàng loạt hành động của Trung cộng ở Biển Đông hồi đầu năm nay. Hoa Kỳ hy vọng thông qua các cuộc tập trận để nói với các đồng minh và đối tác trong khu vực rằng Hoa Kỳ vẫn là một lực lượng đáng tin cậy, và Trung cộng không phải là không thể đối phó.
Rodger Baker, Phó Chủ tịch cao cấp phân tích chiến lược tại Stratfor, một cơ quan phân tích rủi ro địa chính trị của Mỹ, nói rằng: "Thông qua các tổ hợp tàu sân bay, các đội máy bay chiến đấu mở rộng và các cơ sở quân sự trung gian, Hoa Kỳ đang cố gắng nhắc lại:
Đây là vùng biển khai thác chung mà mọi người đều có thể sử dụng và Hoa Kỳ sẽ là người bảo vệ của khu vực này. Hoa Kỳ là một lực lượng đáng tin cậy mà các cường quốc và quốc gia trong khu vực có thể tin tưởng, và Trung cộng thì không phải là không thể ngăn cản được. Trên cơ sở như vậy, các quốc gia trong khu vực có thể đưa ra quyết định của riêng mình về Trung cộng. Hoa Kỳ sẽ ở đó và các quốc gia này có thể giữ vững các yêu cầu về chủ quyền của riêng họ".
Hai nhóm tàu sân bay của Mỹ đều được trang bị 65 đến 70 máy bay chiến đấu và mỗi một nhóm lại gồm 4 đến 5 tàu khu trục, tàu hộ vệ và ít nhất một tàu ngầm, tổng cộng mỗi nhóm tàu sân bay sẽ có khoảng 20 chiếc tàu. Hiện tại, Trung cộng chỉ có 1 tàu sân bay có thể hoạt động toàn diện, và chiếc thứ hai đang tiến gần đến cấp độ này. Tuy nhiên, số lượng máy bay mà cả 2 hàng không mẫu hạm của Trung cộng có khả năng mang theo đều không bằng của Mỹ. Điều này cho thấy quân đội Mỹ vẫn có lợi thế tuyệt đối về phương diện hàng không mẫu hạm.
Hạm đội 7 Hoa Kỳ đã bày tỏ mục đích của họ trong một tuyên bố. Tuyên bố cho biết: "USS Ronald Reagan là nhóm tấn công duy nhất của hải quân Mỹ được bố trí ở tuyến đầu và đây cũng là biểu tượng rõ nhất cho quyết tâm của Hoa Kỳ … Dưới sự phối hợp giữa Không đoàn số 17, Không đoàn số 5 cùng hạm chiến trên mặt biển của USS Nimitz và USS Ronald Reagan, lực lượng chiến đấu cơ động nhất và hiệu quả nhất thế giới đã được thành lập. Việc này sẽ hỗ trợ cho thỏa thuận quốc phòng chung giữa Hoa Kỳ và các đồng minh cùng các nước đối tác trong khu vực, qua đó thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trên khắp khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Đầu năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch viêm phổi Vũ Hán, các tàu sân bay Mỹ đã vắng mặt ở khu vực Tây Thái Bình Dương trong khoảng 3 tháng. Ông Rodger Baker cho rằng Trung cộng đã tận dụng triệt để cơ hội này để gây ồn ào, cường điệu rằng quân đội Mỹ đã suy yếu và không đủ năng lực ở khu vực Thái Bình Dương, và Trung cộng mới là lực lượng cần thiết ở đó.
Ông nói: "Họ đã gửi đi rất nhiều tín hiệu, nhưng không phải là giữa Hoa Kỳ và Trung cộng, mà là nhắm vào các quốc gia khác trong khu vực, rằng Hoa Kỳ không còn đáng tin cậy".
Năm nay, Trung cộng đã tiến hành một loạt các hành động gây hấn ở Biển Đông. Vào đầu tháng 4, Trung cộng đã đánh chìm một tàu đánh cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa; sau đó không lâu, các tàu hải quân và tàu cảnh sát biển của Trung cộng đã bao vây một tàu thăm dò địa chất hải dương của Malaysia.
Vào ngày 18/4, Trung cộng tuyên bố thành lập hai khu vực hành chính mới trong khu vực tranh chấp. Sau đó, Trung cộng tuyên bố đặt tên cho các đảo và thực thể ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Trung cộng có những hành động như vậy kể từ năm 1983.
Hôm 10/6, hai tàu của chính phủ Trung cộng lại va chạm với một tàu đánh cá Việt Nam ở Quần đảo Hoàng Sa, khiến thuyền đánh cá bị chìm và ngư dân đã phải bỏ thuyền để thoát thân.
Kể từ đầu năm nay, các máy bay chiến đấu của Giải phóng quân Trung cộng cũng đã bay vào không phận của Đài Loan 9 lần.
* Rủi ro lớn nhất ở Biển Đông là Trung cộng đã đánh giá thấp quyết tâm và sức mạnh của Hoa Kỳ.
Ông Baker cho rằng, cuộc tập trận của 2 tàu sân bay thuộc quân đội Mỹ ở Biển Đông là một tín hiệu mạnh mẽ, điều này cũng báo hiệu rằng Hoa Kỳ sẽ tăng cường các hoạt động quân sự ở Tây Thái Bình Dương trong tương lai. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng Trung cộng cũng sẽ không rút lui chỉ vì các hoạt động quân sự của Mỹ gia tăng. Cục diện này sẽ làm tăng nguy cơ xung đột bất ngờ giữa quân đội hai nước ở Biển Đông.
Ông Baker nói: "Cả hai bên đều rất cẩn trọng để tránh rơi vào “Chiến tranh Nóng", nhưng bất ngờ có thể xảy ra. Bạn biết đấy, chưa đầy 20 năm trước, trong thế cục căng thẳng ban đầu, sự cố EP3 đã xảy ra gần đảo Hải Nam. Vào thời điểm đó, Trung cộng rõ ràng không có đủ sức mạnh để tiến xa hơn và họ đã rút lui. Còn bây giờ, nếu sự cố tương tự xảy ra, tôi không chắc chắn liệu Trung cộng có sẵn sàng lùi lại, bình tĩnh và đánh giá lại (tình hình) hay không".
Vào ngày 1/4/2001, một máy bay trinh sát điện tử quân sự EP-3 của quân đội Hoa Kỳ đã va chạm với một chiếc J-8B của hải quân Trung cộng ở một không phận cách đảo Hải Nam Trung cộng khoảng 100 km. Máy bay chiến đấu Trung cộng đã rơi xuống biển và phi công mất tích sau khi nhảy dù. Chiếc EP-3 của Mỹ đã buộc phải hạ cánh xuống sân bay Lăng Thuỷ (Lingshui) ở Hải Nam sau khi bị hư hại. Tai nạn đó đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao.
Gần đây, bà Michele Flournoy, cựu Phó bộ trưởng phụ trách chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ, đã làm chứng trước Ủy ban đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ - Trung (USCC) thuộc Quốc hội Hoa Kỳ. Bà cho biết, bà lo ngại rằng cùng với việc sức mạnh của quân đội Trung cộng, đặc biệt là lực lượng hải quân, đang không ngừng gia tăng, rất có khả năng họ sẽ có những hành động liều lĩnh, đặc biệt là khi Trung cộng cho rằng Hoa Kỳ đang suy yếu và đang bị phân tâm.
Bà Flournoy nói: "Trung cộng cho rằng Hoa Kỳ hiện đang trong thời kỳ suy yếu không thể tránh khỏi và sẽ rút khỏi vũ đài thế giới. Nhưng tôi thì lại nghĩ rằng họ đang đánh giá thấp cam kết của chúng tôi với các đồng minh và đối tác trong khu vực, đặc biệt là Đài Loan. Tôi cho rằng đây là một rủi ro rất thực tế. Họ đang quan sát việc Hoa Kỳ đang phải xoay sở để đối phó với virus Corona mới và các vấn đề trong nước, hoặc bị Trung Đông và các nơi khác làm xao lãng. Tôi nghĩ họ có thể đã đánh giá thấp việc cuộc khủng hoảng có khả năng trở thành cú hích cho sự quyết tâm của Hoa Kỳ”.
Hôm 21/5/2020, Vụ Khảo cứu Quốc hội Hoa Kỳ đã công bố báo cáo "Hiện đại hóa Hải quân Trung cộng" bản mới nhất. Báo cáo viết rằng việc hiện đại hóa hải quân Trung cộng kể từ giữa những năm 1990 đã cho phép Trung cộng phát triển thành một lực lượng quân sự hùng mạnh ở khu vực duyên hải Trung cộng. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Hoa Kỳ phải đối mặt với thách thức to lớn trong việc giành lấy và duy trì sự kiểm soát trong thời chiến đối với khu vực ngoài khơi Tây Thái Bình Dương. Báo cáo cho biết, hải quân Trung cộng cũng là thách thức cho địa vị chủ đạo của quân đội Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương.
Báo cáo của Vụ Khảo cứu Quốc hội Hoa Kỳ cũng kết luận rằng, Giải phóng quân Trung cộng sẽ thua nếu khai chiến toàn diện với Quân đội Hoa Kỳ, nhưng hiện đại hóa hải quân của Trung cộng đã phát triển đến mức có thể giành được lợi thế tạm thời so với Quân đội Hoa Kỳ ở một số khu vực thuộc Tây Thái Bình Dương. Vì vậy, điều này có thể dẫn đến việc Giải phóng quân Trung cộng sẽ làm liều, cho rằng có thể dùng vũ lực để thực hiện ý đồ thống trị Đài Loan, cũng như là không phải lo lắng quá nhiều về sự can thiệp của quân đội Hoa Kỳ.
Bà Michele Flournoy, cựu Phó bộ trưởng phụ trách chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ, đề xuất rằng những gì Hoa Kỳ cần làm là bảo đảm rằng Trung cộng sẽ không có cơ hội đánh giá sai khả năng của Hoa Kỳ, ví dụ như phát huy lợi thế công nghệ tiên tiến của mình để duy trì ưu thế quân sự và khiến Trung cộng tin rằng Hoa Kỳ có khả năng ngăn chặn những hành động mạo hiểm của Trung cộng, hoặc Trung cộng sẽ phải trả bằng một mức giá tương xứng.
Bà Janka Oertel, Giám đốc hạng mục châu Á của Viện nghiên cứu quan hệ ngoại giao châu Âu (European Council On Foreign Relations), cho rằng Trung cộng cũng có khả năng đã đánh giá sai tình hình. Bà Oertel nói rằng trong đại dịch virus Corona mới, một số hành vi ngoại giao của Trung cộng đối với châu Âu cũng là do đánh giá sai tình hình.
* Đài Loan rất có thể sẽ là nguyên do khiến Mỹ - Trung rơi vào "Chiến tranh Nóng".
Ông Baker, Phó Chủ tịch cơ quan phân tích rủi ro địa chính trị Hoa Kỳ Stratford cũng nói rằng, ngay cả khi có biến động bất ngờ xảy ra ở Biển Đông, Hoa Kỳ và Trung cộng sẽ tìm mọi cách để sự việc lắng xuống, nhưng vấn đề Đài Loan lại khác, vì Đài Loan là khu vực mà Trung cộng không thể rút lui nhất. Trong trường hợp xảy ra sự vụ ở Đài Loan, rất có khả năng đây sẽ là nơi căng thẳng nhanh chóng leo thang và rơi vào một cuộc "Chiến tranh Nóng".
Kể từ đầu năm nay, các hoạt động quân sự của Mỹ và Trung cộng gần Đài Loan cũng tăng lên. Trong khi máy bay quân sự Trung cộng tiếp tục bay vào không phận của Đài Loan, Hoa Kỳ cũng đã tăng cường các hoạt động quân sự gần Đài Loan. Trong nửa đầu năm nay, các tàu quân sự Mỹ đã đi vào eo biển Đài Loan 7 lần. Vào ngày 9/6, một chiếc máy bay vận tải C-40A của Hoa Kỳ cũng đã thi thoảng bay qua vùng đất trên bờ biển phía tây Đài Loan. Ông Baker cho rằng các hoạt động quân sự có tần suất như vậy của Hoa Kỳ và Trung cộng chắc chắn sẽ làm tăng khả năng xảy ra biến động giữa quân đội hai nước về vấn đề Đài Loan.
Tuy nhiên, ông cho rằng về vấn đề Đài Loan, trong thời gian ngắn Trung cộng sẽ không có hành động liều lĩnh. Ông nói rằng thống nhất Đài Loan là ưu tiên hàng đầu của Trung cộng, nhưng trước khi giải quyết vấn đề Đài Loan, Trung cộng phải bảo đảm chắc chắn rằng họ có năng lực gia tăng cực đại để đối phó với việc Mỹ can thiệp vào tình hình ở Đài Loan.
Ông Baker nói: "Thống nhất (Đài Loan) tất nhiên là ưu tiên hàng đầu của Trung cộng, nhưng trước khi họ tự tin làm như vậy, họ vẫn cần phải thực hiện một số bước. Họ phải bảo đảm chắc chắn rằng họ có khả năng tăng mức chi phí cực đại để đối phó với việc Mỹ can thiệp vào tình hình ở Đài Loan. Trong giai đoạn này, họ sẽ gây áp lực đủ lớn đối với Đài Loan để bảo đảm rằng Đài Loan sẽ không tích cực chuyển sang lập trường ủng hộ độc lập. Trung cộng có thể trì hoãn hành động một chút. Họ vẫn luôn chú ý đến những thay đổi chính trị và xã hội ở Đài Loan... Bây giờ, việc Trung cộng cần bảo đảm là Đài Loan sẽ không tích cực tìm kiếm sự độc lập. Nếu có bất cứ điều gì xảy ra, điều này có thể sẽ khởi phát các hoạt động quân sự của Trung cộng".
Thiếu tướng Kiều Lương (Qiao Liang), một nhà bình luận quân sự Trung cộng và là giáo sư tại Đại học Quốc phòng Trung cộng, gần đây cũng bày tỏ thái độ rằng, Trung cộng không nên có hành động nhắm vào Đài Loan trong thời gian ngắn.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ South China Morning Post vào ngày 4/7, Thiếu tướng Kiều Lương nói rằng Bắc Kinh không nên coi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán là cơ hội để thu hồi Đài Loan bằng vũ lực. Vào thời điểm này, cái giá để thu hồi bằng vũ lực là quá đắt, và đó không phải là vấn đề cấp bách, sự nghiệp phục hưng dân tộc mới là trọng điểm.
Ông Kiều Lương nói: "Có thể đạt được phục hưng dân tộc bằng cách thu hồi Đài Loan không? Tất nhiên là không, đây không phải là ưu tiên hàng đầu của chúng ta. Nếu Bắc Kinh muốn thu hồi Đài Loan bằng vũ lực, sẽ cần huy động tất cả các nguồn lực và sức mạnh. Bạn không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ, cái giá phải trả là quá đắt”. (Đông Phương)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét