Với nòng cốt là các máy bay Liên Xô, Trung Quốc đã xây dựng được một lực lượng không quân khá hiện đại.
J-11B |
Không quân Trung Quốc cùng với cả quân đội nước này gần đây đang trải qua sự đổi mới chất lượng triệt để diễn ra với nhịp độ rất cao.
Từ năm 2016, không quân Trung Quốc được chia thành 5 bộ tư lệnh khu vực, thay cho 7 đại quân khu trước đây.
Nhìn chung, không quân Trung Quốc vẫn duy trì cơ cấu tổ chức truyền thống và gồm các sư đoàn, mỗi sư có 3 (đôi khi 2) trung đoàn không quân. Một trung đoàn được trang bị các máy bay hay trực thăng cùng một loại, trong một sư đoàn có thể có các trung đoàn với các loại máy bay khác nhau. Gần đây, một số sư đoàn đã bị giải thể, còn các trung đoàn thuộc các sư này thì được đổi tên thành các lữ đoàn (có tổ chức biên chế giống với trung đoàn trước đây).
Bộ tư lệnh miền bắc bao gồm các đơn vị thuộc các đại quân khu Thẩm Dương và Tế Nam trước đây. Đó là 8 sư đoàn, 4 lữ đoàn không quân, 2 lữ đoàn tên lửa phòng không và 1 lữ đoàn pháo phòng không, 1 trung đoàn radar.
Bộ tư lệnh trung tâm bao gồm các đơn vị thuộc đại quân khu Bắc Kinh và một phần của đại quân khu Lan Châu trước đây.
Trung tâm huấn luyện-thử nghiệm nằm dưới sự quản lý kép của Bộ tư lệnh trung tâm và Bộ tư lệnh không quân, và gồm 4 lữ đoàn: 170, 171, 172 và 175. Sư đoàn 34 cũng nằm dưới sự quản lý kép và bao gồm các trung đoàn 100, 101 và 102 được trang bị các máy bay và trực thăng vận tải, chở khách và chuyên dụng. Ngoài ra, trong lực lượng không quân thuộc Bộ tư lệnh trung tâm có 4 sư đoàn, 1 trung đoàn không quân trinh sát, đội bay biểu diễn Bát Nhất, các sư đoàn phòng không 4, 5, 6 và 7, lữ đoàn radar số 9.
Bộ tư lệnh miền tây bao gồm các đơn vị thuộc đại quân khu Thành Đô và phần lớn đại quân khu Lan Châu trước đây. Trong biên chế của bộ tư lệnh có 5 sư đoàn, 4 lữ đoàn không quân và 1 lữ đoàn phòng không, 3 trung đoàn tên lửa phòng không.
Bộ tư lệnh miền nam được thành lập trên cơ sở đại quân khu Quảng Châu trước đây. Bộ tư lệnh này có 5 sư đoàn, 3 lữ đoàn không quân, 1 trung đoàn trực thăng ở Hồng Công, 1 lữ đoàn máy bay không người lái chiến đấu, 2 lữ đoàn tên lửa phòng không và 1 trung đoàn tên lửa phòng không.
Bộ tư lệnh miền đông được thành lập trên cơ sở đại quân khu Nam Kinh trước đây. Bộ tư lệnh này có 5 sư đoàn, 4 lữ đoàn không quân, 1 lữ đoàn máy bay không người lái (UAV) chiến đấu, 2 lữ đoàn tên lửa phòng không.
Giống như các quân chủng khác của quân đội Trung Quốc, không quân Trung Quốc được trang bị các mẫu máy bay sao chép các loại vũ khí trang bị cũ và mới của Liên Xô và Nga, và ở mức độ ít hơn là của phương Tây (chủ yếu là của Pháp), cũng như các loại vũ khí trang bị nội địa. Các mẫu hiện đại đang thay thế khá nhanh chóng các mẫu cũ, mặc dù các mẫu cũ vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo.
Máy bay ném bom chiến lược Н-6 chính là mẫu Tu-16 của Liên Xô do Trung Quốc sản xuất theo giấy phép, được chế tạo từ thập niên 1950 và đến nay đã rất lạc hậu. Nhưng Trung Quốc đã chế tạo các biến thể cải tiến là Н-6Н/М/K với động cơ mới và tầm bay xa hơn. Các máy bay này có khả năng mang tên lửa hành trình CJ-10 (Trường Kiếm 10) có thể lắp đầu đạn hạt nhân và thông thường, và dùng để chống các mục tiêu mặt đất và mặt nước.
Hiện nay, trong biên chế chỉ còn 1 máy bay ném bom cổ lỗ Н-6А mang bom hạt nhân В-5 (hiện có không dưới 120 quả), 91 chiếc Н-6 các serie đầu đang được cất giữ. Trong biên chế thường trực có đến 147 Н-6 mới (đến 75 chiếc H-6H, đến 18 H-6М, đến 53 H-6K; ngoài ra, còn có 12 H-6Н đang được cất giữ), việc sản xuất đang tiếp tục. Hiện không rõ số lượng tên lửa hành trình phóng từ máy bay CJ-10 và đầu đạn hạt nhân lắp cho chúng.
JH-7A là máy bay ném bom chiến thuật của không quân Trung Quốc. Hiện có đến 140 máy bay này, việc sản xuất đang tiếp tục. Ngoài vũ khí hàng không thông thường, nó có thể mang bom hạt nhân В-4 (hiện có không dưới 320 quả).
Cường kích Q-5 được Trung Quốc chế tạo trên cơ sở tiêm kích J-6 (sao chép tiêm kích MiG-19 của Liên Xô) với nhiều biến thể. Hiện trong biên chế vẫn còn đến 162 chiếc Q-5 thuộc các biến thể cuối (J/K/L). Chúng cũng có thể mang bom hạt nhân В-4. Có không dưới 58 Q-5 đang được cất giữ.
Nòng cốt của không quân tiêm kích Trung Quốc là các tiêm kích hạng nặng họ Su-27/J-11/Su-30/J-16. Họ đã mua trực tiếp từ Nga 36 Su-27SK, 40 máy bay huấn luyện-chiến đấu Su-27UBK và 76 Su-30MKK. Trung Quốc sản xuất theo giấy phép 105 J-11А (Su-27SK), sau đó sản xuất trái phép J-11В và biến thể huấn luyện-chiến đấu của nó là J-11BS. Họ cũng đang triển khai sản xuất trái phép J-16 (làm nhái Su-30) và loại máy bay này đang chỉ được đưa vào trang bị cho không quân hải quân. Hiện nay, trong trang bị của không quân Trung Quốc có 67 Su-30 và đến 266 Su-27/J-11 (130-134 Su-27SK và J-11А, 33-37 Su-27UBK, đến 82 J-11В, 13-17 J-11BS), việc sản xuất J-11B/BS đang được tiếp tục.
Tiêm kích hạng nhẹ hiện đại J-10 của không quân Trung Quốc được chế tạo trên cơ sở tiêm kích Lavi của Israel (còn Lavi thì được thiết kế dựa trên F-16 của Mỹ), nhưng có sử dụng các thiết bị của Nga và Trung Quốc. Hiện nay, trong trang bị có đến 265 J-10 (đến 190 J-10А, 40-45 máy bay huấn luyện-chiến đấu J-10S, 30 J-10 thuộc các biến thể mới - 18 J-10В, 12 J-10С), việc sản xuất đang được tiếp tục.
J-7 từng là máy bay có số lượng đông đảo nhất của không quân Trung Quốc. J-7 chính là biến thể do Trung Quốc sản xuất của tiêm kích MiG-21 và được sản xuất theo nhiều biến thể. Hiện nay, trong trang bị vẫn còn khoảng 300 J-7, ngoài ra có hơn 200 J-7 và JJ-7 bị loại khỏi biên chế các đơn vị chiến đấu và đang được cất giữ, một phần được cải hoán thành UAV chiến đấu.
Xét về trình độ phát triển UAV, Trung Quốc nằm trong số 3 cường quốc mạnh nhất thế giới cùng với Mỹ và Israel. Ngoài nhiều loại UAV trinh sát, Trung Quốc đã chế tạo các UAV chiến đấu Dực Long (Yilong / Pterodactyl), WJ-600, Lợi Kiếm (Lijian / Sharp Sword), họ СН. Ngoài ra, các tiêm kích J-7 và J-6 bị loại khỏi biên chế cũng đang được cải hoán thành UAV chiến đấu. Các UAV này sẽ được dùng để đột phá phòng không đối phương (với tư cách UAV cảm tử, buộc đối phương phải tiêu hao tên lửa phòng không để tiêu diệt chúng).
Các máy bay chỉ huy/báo động sớm (AE&C) đầu tiên của Trung Quốc được chế tạo dựa trên máy bay vận tải Y-8 (làm nhái máy bay vận tải An-12 của Liên Xô). Đó là 4 chiếc Y-8T, 3 KJ-500 và 6 KJ-200 (chính là Y-8W). Ngoài ra, Trung Quốc còn mua từ Nga 5 chiếc KJ-2000 chế tạo dựa trên máy bay AE&C А-50 của Nga, nhưng lắp radar Trung Quốc.
Các máy bay tác chiến điện tử cũng được chế tạo trên cơ sở Y-8, tổng cộng có 20-24 chiếc. Ngoài ra, còn có 7 máy bay trinh sát điện tử Y-9JB/XZ/G.
Để bảo đảm cho công tác thử nghiệm tên lửa đường đạn, Trung Quốc sử dụng 2 máy bay Boeing, 3 Learjet-35 và 2 Learjet-36 của Mỹ và 5 Tu-154 (ngoài ra, còn có 2 chiếc đang được cất giữ).
Lực lượng máy bay tiếp dầu gồm 8 Н-6U (biến thể của máy bay ném bom Н-6) và 3 Il-78 của Liên Xô, sẽ mua thêm 5 chiếc nữa.
Đội máy bay vận tải và chuyên cơ chở khách gồm: 12 Boeing-737, 3 А-319, 7 Tu-154 (còn đến 3 chiếc đang được cất giữ), 20 Il-76, 5 CRJ-200ER và 5 CRJ-700 của Canada, 7 CRJ-702, không dưới 5 máy bay vận tải nội địa hiện đại Y-20, 57 Y-8C, 7 Y-9, đến 20 Y-11, 8 Y-12, 61 Y-7 (sao chép An-24, còn 2-6 chiếc đang được cất giữ), ít nhất 36 Y-5 (sao chép An-2, còn không dưới 4 chiếc đang được cất giữ). Trung Quốc đang từng bước loại bỏ Tu-154, Y-5, Y-7, Y-8, mua sắm từ Nga Il-76, sản xuất Y-9, sắp tới sẽ bắt đầu sản xuất loạt máy bay vận tải hạng nặng đầu tiên của Trung Quốc Y-20.
Một phần đáng kể các trực thăng của quân đội Trung Quốc được biên chế cho không quân lục quân và không quân hải quân. Trong không quân có một số lượng nhỏ trực thăng vận tải, chở khách và tìm cứu: 6-9 AS332L của Pháp, 3 EC225LP của châu Âu, đến 35 Mi-8 (còn đến 6 chiếc đang được cất giữ) và 12 Mi-17 của Nga, 17 Z-9В (sao chép SA365 của Pháp), 12-24 Z-8 (sao chép SA321 của Pháp).
Nòng cốt của lực lượng phòng không mặt đất thuộc biên chế không quân Trung Quốc là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300 mà Trung Quốc đã mua sắm 25 tiểu đoàn (mỗi tiểu đoàn biên chế 8 bệ phóng, mỗi bệ lắp 4 tên lửa) thuộc 3 biến thể. Đó là 1 trung đoàn (2 tiểu đoàn) S-300PMU (tương đương với biến thể cũ nhất của họ S-300 là S-300PT), 2 trung đoàn (mỗi trung đoàn biên chế 4 tiểu đoàn) S-300PMU1 (tương đương S-300PS), 4 trung đoàn (15 tiểu đoàn: 3 trung đoàn (mỗi trung đoàn biên chế 4 tiểu đoàn), 1 trung đoàn (3 tiểu đoàn)) S-300PMU2 (tương đương S-300PM).
Trên cơ sở S-300, Trung Quốc đã chế tạo hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 (Hồng Kỳ 9), mặc dù đây không hoàn toàn là bản sao chép S-300 của Nga. Hiện nay, trong trang bị có không dưới 12 tiểu đoàn (mỗi tiểu đoàn biên chế 8 bệ phóng, mỗi bệ lắp 4 tên lửa) HQ-9, việc sản xuất đang được tiếp tục.
HQ-12 (KS-1A) là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung do Trung Quốc phát triển. Trong trang bị có không dưới 20 đại đội (mỗi đại đội biên chế 4-6 bệ phóng, mỗi bệ lắp 2 tên lửa). Các hệ thống tên lửa phòng không HQ-16 (LY-80Е) đã bắt đầu được chuyển giao cho không quân Trung Quốc. HQ-16 có sử dụng công nghệ của hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Buk của Nga. Hiện nay có không dưới 4 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn biên chế 3 đại đội HQ-16 (mỗi đại đội biên chế 4 bệ phóng, mỗi bệ lắp 6 tên lửa).
Nhìn chung, không quân Trung Quốc có sức mạnh chiến đấu cao và thường xuyên được tăng cường nhờ trang bị đồng thời 5 loại máy bay chiến đấu mới (Н-6Н/М/K, JH-7, J-11B/BS, J-16, J-10).
Các mặt yếu của không quân Trung Quốc là chất lượng động cơ máy bay thấp, thiếu vũ khí chính xác cao và các hệ thống bảo đảm tác chiến lấy mạng làm trung tâm, cụ thể là các máy bay AE&C và tác chiến điện tử. Tuy nhiên, những nhược điểm này không thể coi là trí mạng. Chẳng hạn, động cơ máy bay của Trung Quốc chỉ khác động cơ nước ngoài ở chỗ có dự trữ làm việc nhỏ hơn, nhưng điều đó có thể được bù đắp bằng số lượng sản xuất. Ngoài ra, Trung Quốc đang triển khai các dự án rầm rộ trong lĩnh vực chế tạo động cơ máy bay. Tương tự như vậy, sự thiếu thốn vũ khí chính xác cao được bù đắp bởi số lượng vũ khí thông thường.
Điều dễ hiểu là việc quá say mê vũ khí chính xác cao đắt tiền vốn đặc trưng cho quân đội phương Tây tỏ ra cực kỳ không hiệu quả về mặt kinh tế và thường không tăng cường mà lại làm suy yếu khả năng chiến đấu: các kho vũ khí hao hụt nhanh, sau đó không thể chiến đấu, còn sản xuất vũ khí mới thì lâu và tốn kém. Từ giác độ này, sự lạc hậu của quân đội Trung Quốc về mặt vũ khí chính xác cao thậm chí có thể trở thành ưu thế, nhất là khi xảy ra chiến tranh truyền thống quy mô lớn. Việc thiếu máy bay AE&C và tác chiến điện tử cũng sẽ được khắc phục trong thời gian sắp tới vì lãnh đạo quân đội Trung Quốc rất chú trọng vấn đề này.
http://vietnamdefence.com/Home/quandoi/trungquoc/Khong-quan-Trung-Quoc/201610/55052.vnd
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét