Tướng James N. Mattis từng chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng của Mỹ ở Iraq hay Afghanistan, nhưng có một điều bất thường: Ông chưa từng có kinh nghiệm với Trung Quốc.
Tướng Mattis thường chỉ trích Washington thiếu một chiến lược nhất quán ở Trung Đông, giải quyết các vấn đề một cách cục bộ và không hiệu quả.Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trumphôm 1/12 đã thông báo việc lựa chọn Mattis, vị tướng có biệt danh "Chó điên", làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) hôm 3/12 nhận xét, lựa chọn tướng James Mattis làm lãnh đạo mới ở Lầu Năm Góc chứng minh cuộc chiến chưa có hồi kết của Mỹ ở khu vực Trung Đông sẽ tiếp diễn.
Đối với khu vực này, ông Mattis tỏ rõ thái độ sẵn sàng sử dụng các biện pháp vũ lực cứng rắn hơn so với chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Sự xuất hiện của Mattis, một tướng được Hoàn Cầu đánh giá là "hiếu chiến" điển hình của Mỹ, đã tô đậm thêm sắc thái "diều hâu" của chính quyền Trump. Nhưng báo giới Trung Quốc bối rối khi nhận thấy ông hiếm khi công khai thảo luận về vấn đề châu Á-Thái Bình Dương.
Dù vậy, vào tháng 1/2015, viên tướng về hưu đã chỉ trích chính sách an ninh của Obama và nói rằng "vì các hành động của Trung Quốc ở biển Đông ngày càng rõ rệt, Mỹ cần xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh và có nhiều tàu chiến hơn".
Ông tuyên bố, "dù chúng ta nỗ lực duy trì quan hệ tốt ở Thái Bình Dương với Trung Quốc, nhưng nếu Trung Quốc tiếp tục bành trướng ở biển Đông và các khu vực khác, chúng ta buộc phải đặt ra chính sách cân bằng tương ứng".
Giáo sư Thời Ân Hoằng của Viện quan hệ quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc bình luận trên tờ Hoàn Cầu rằng James Mattis chưa từng có kinh nghiệm ứng xử hay đối đầu với Trung Quốc trước đây, do đó rất khó hình dung với bản lý lịch của mình, ông liệu có khác với Ashton Carter và trở thành một Bộ trưởng cứng rắn với Bắc Kinh?
Trong hàng loạt bài bình luận về sự bổ nhiệm của Trump, các báo ở Trung Quốc cũng không đi đến một nhận định rõ ràng về cục diện khu vực dưới thời Mattis. Hoàn Cầu chỉ đưa ra cảnh báo, dù thế nào Bắc Kinh cũng nên cẩn trọng bởi chiến lược "xoay trục châu Á" của Mỹ sẽ không dừng lại.
Chuyên gia Trương Quân Xã từ Sở nghiên cứu học thuật quân sự Hải quân Trung Quốc thì tin rằng, Mattis sẽ đưa quân đội Mỹ can thiệp nhiều hơn ở Trung Đông và tập trung lấy lại ảnh hưởng ở khu vực này.
Vị tướng thủy quân lục chiến về hưu thường chỉ trích Washington thiếu chiến lược nhất quán ở Trung Đông, xử lý nhiều vấn đề một cách cục bộ và không hiệu quả. Ông ủng hộ các biện pháp mạnh nhằm vào đối thủ của Mỹ như Iran hay Nga.
Tờ Nihon Keizai Shimbun (Nhật Bản) nhận định, việc bổ nhiệm tướng Mattis thể hiện quyết tâm của chính quyền Trump nhằm loại bỏ mối đe dọa đến từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Ngoài Mattis, ông Trump còn muốn đưa một quân nhân khác là tướng tình báo về hưu Michael Flynn vào vị trí Cố vấn an ninh quốc gia cũng làm dấy lên quan ngại về chính sách đối ngoại thiên về sức mạnh.
Đại tướng thủy quân lục chiến về hưu James Mattis, 66 tuổi, là cái tên lừng danh gắn với nhiều chiến dịch quan trọng của quân đội Mỹ trong 20 năm qua.
Khi còn là tướng 1 sao, ông Mattis từng chỉ huy lực lượng đặc nhiệm của thủy quân lục chiến đột kích bằng trực thăng vào Kandahar, Afghanistan, hồi tháng 11/2001; thiết lập căn cứ tiền tuyến phục vụ cuộc chiến chống Taliban sau vụ khủng bố 11/9.
Ông được bổ nhiệm làm chỉ huy Bộ Tư lệnh miền trung (CENTCOM) vào tháng 8/2010, nhưng bất ngờ bị Nhà Trắng thay thế vào tháng 3/2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét