Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

CHÚNG TA ĐANG ĐỨNG Ở ĐÂU TRÊN THẾ GIỚI NÀY ?

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4

No automatic alt text available.

Chúng ta đang tiến tới một cuộc cách mạng công nghệ làm thay đổi cơ bản lối sống, phong cách làm việc và cách thức giao tiếp. Xét về phạm vi, mức độ và tính phức tạp, sự dịch chuyển này không giống với bất kỳ điều gì mà con người từng trải qua. Đó là khẳng định của ông Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos và đó cũng là chủ đề chính của diễn đàn kinh tế lớn nhất thế giới của năm nay. Vậy thực chất cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 là gì?

QUÁ TRÌNH ĐỊNH HÌNH

Cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất năm 1784 sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hoá sản xuất. Cuộc cách mạng công nghiệp lần 2 năm 1870 sử dụng năng lượng điện để tạo nên nền sản xuất quy mô lớn. Cuộc cách mạng công nghiệp thứ 3 năm 1969 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hoá sản xuất. Tới ngày nay, một cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 4 đang được hình thành trên nền tảng của cuộc cách mạng thứ 3, đó là cuộc cách mạng số, đã bắt đầu xuất hiện từ giữa thế kỷ trước. Cuộc cách mạng này là một loạt công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học.

Robot sẽ dần chiếm việc làm của người lao động trên toàn thế giới.

Có ba lý do giải thích tại sao thời đại ngày nay không chỉ là Cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 3 kéo dài mà còn chứng kiến sự xuất hiện của một cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 4 ưu việt, đó là tốc độ, phạm vi và sự tác động hệ thống. Tốc độ của những đột phá ngày nay là chưa hề có tiền lệ. So sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 4 này đang phát triển với tốc độ ở cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng. Hơn nữa, nó đang làm biến đổi mọi nền công nghiệp ở mọi quốc gia. Bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này tạo nên sự biến đổi của toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.

Khả năng hàng triệu người kết nối với nhau qua điện thoại di động, với sức mạnh xử lý, dung lượng lưu trữ và sự tiếp cận tri thức chưa từng có tiền lệ, là không giới hạn. Thậm chí, những khả năng đó còn được nhân lên gấp bội nhờ vào những đột phá về công nghệ mới nổi trong các lĩnh vực như trí thông minh nhân tạo, robot, mạng Internet, phương tiện độc lập, in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học về vật liệu, lưu trữ năng lượng và tin học lượng tử.

Trí thông minh nhân tạo đã luôn tồn tại quanh chúng ta, từ những chiếc xe hơi và thiết bị bay không người lái cho tới những trợ lý ảo trên mạng và phần mềm giúp biên dịch tài liệu. Trong những năm qua, đã có nhiều bước tiến ấn tượng trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, nhờ sự gia tăng ở cấp số nhân của sức mạnh điện tử và sự tiếp cận nguồn dữ liệu rộng lớn, từ phần mềm được sử dụng để tìm ra các loại thuốc mới tới những thuật toán được sử dụng để tiên đoán về những sở thích văn hóa của con người. Trong khi đó, công nghệ chế tạo số đang từng ngày tương tác với thế giới sinh học. Các kỹ sư, nhà thiết kế và kiến trúc sư đang kết hợp việc thiết kế qua máy tính với gia công thêm, chế tạo vật liệu và sinh học tổng hợp để khám phá ra sự cộng sinh giữa các vi sinh, cơ thể con người, các sản phẩm chúng ta tiêu thụ và thậm chí là những tòa nhà chúng ta đang ở.

Thách thức và cơ hội

Giống như các cuộc cách mạng trước đây, cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 4 hứa hẹn sẽ giúp gia tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân trên toàn thế giới. Hiện nay, những người được hưởng lợi lớn nhất là người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận và sử dụng thế giới số. Công nghệ đã giúp tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, từ đó tăng hiệu quả và thỏa mãn cuộc sống cá nhân của mỗi con người. Gọi xe taxi, đặt vé máy bay, mua sản phẩm, thanh toán, nghe nhạc, xem phim hay chơi trò chơi… tất cả đều có thể được thực hiện từ xa.

Trong tương lai, sáng tạo công nghệ cũng sẽ đổi thay kỳ diệu lĩnh vực cung cấp, với những lợi ích lâu dài về tính hiệu quả và năng suất. Chi phí vận chuyển và liên lạc giảm, dây chuyền hậu cần và cung cấp toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn, chi phí thương mại được giảm thiểu. Tất cả những yếu tố đó sẽ mở ra những thị trường mới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, như các nhà kinh tế Erik Brynjolfsson và Andrew McAfee đã chỉ ra, cuộc cách mạng này cũng có thể tạo ra sự bất công lớn hơn, đặc biệt là gây ra nguy cơ phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế con người trong toàn bộ nền kinh tế, người lao động sẽ bị dư thừa và điều đó làm trầm trọng hơn khoảng cách giữa lợi nhuận so với đồng vốn và lợi nhuận so với sức lao động. Mặt khác, xét về tổng thể, các công việc an toàn và thu nhập cao hơn có thể sẽ gia tăng sau khi công nghệ thay thế dần con người.

Cho tới nay, chúng ta chưa thể dự đoán được khả năng nào sẽ xảy ra, nhưng lịch sử đã cho thấy kết quả thường là sự kết hợp của cả hai viễn cảnh đó. Tuy nhiên, trong tương lai, năng lực, chứ không phải nguồn vốn, sẽ trở thành nhân tố cốt lõi của nền sản xuất. Điều đó sẽ tạo nên một sự gia tăng trong thị trường việc làm và ngày càng phân hóa theo hai nhóm: Nhóm kỹ năng thấp/trả lương thấp và nhóm kỹ năng cao/trả lương cao. Viễn cảnh này sẽ góp phần làm gia tăng những mâu thuẫn trong xã hội.

Một vấn đề kinh tế quan trọng, đồng thời cũng là vấn đề xã hội lớn nhất liên quan tới cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 4 đó là sự bất bình đẳng. Những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự sáng tạo sẽ là những nhà cung cấp vốn tri thức và vốn tài chính, cụ thể là các nhà sáng chế, cổ đông và nhà đầu tư. Điều đó giải thích tại sao khoảng cách về sự giàu có giữa những đối tượng phụ thuộc vào vốn và những đối tượng phụ thuộc vào sức lao động ngày một gia tăng. Vì vậy, công nghệ chính là một trong những lý do gây ra sự đình trệ, thậm chí sụt giảm thu nhập đối với phần lớn người dân tại các nước có thu nhập cao: Nhu cầu sử dụng lao động tay nghề cao tăng trong khi nhu cầu tuyển dụng lao động tay nghề và trình độ thấp đã giảm. Kết quả là, một thị trường việc làm với nhu cầu tuyển dụng mạnh ở hai đầu cao và thấp nhưng lại trống rỗng ở giữa được hình thành.

Trên thực tế, đã có bằng chứng rõ ràng cho thấy những công nghệ nền tảng của cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ Tư đang có tác động lớn tới các doanh nghiệp trong tất cả các nền công nghiệp.
Về lĩnh vực cung cấp, nhiều nền công nghiệp đang chứng kiến sự xuất hiện của những công nghệ giúp tạo ra những phương thức hoàn toàn mới nhằm phục vụ cho những nhu cầu hiện nay, đồng thời tạo đột phá quan trọng trong những chuỗi giá trị công nghiệp hiện nay. Sự đột phá cũng đang xuất hiện từ những nhà cạnh tranh linh hoạt và sáng tạo, những người được hưởng lợi từ việc tiếp cận các phương tiện số toàn cầu để tiến hành nghiên cứu, phát triển, tiếp thị, bán hàng và phân phối. Thuận lợi đó giúp họ cải thiện chất lượng, tốc độ và giá cả cho phù hợp với giá trị của hàng hóa được phân phối, từ đó có thể cạnh tranh và đánh bại các đối thủ lớn khác với tốc độ nhanh chưa từng thấy.

Những thay đổi lớn về nhu cầu cũng đang diễn ra khi tính minh bạch ngày một cao, sự tham gia của người tiêu dùng và những hành vi mới của người tiêu dùng (ngày càng được xây dựng trên cơ sở tiếp cận mạng lưới và dữ liệu di động) buộc các công ty phải điều chỉnh phương thức thiết kế, tiếp thị và phân phối sản phẩm và dịch vụ của mình.

Một thiết bị không người lái trên cánh đồng gần thị trấn Raglan, New Zealand. Ảnh: Reuters
Một xu thế quan trọng là sự phát triển của các thiết bị dựa trên công nghệ, kết nối cung và cầu, phá vỡ kết cấu công nghiệp hiện nay, giống như những thiết bị mà chúng ta đã thấy trong nền kinh tế “chia sẻ” hoặc “theo nhu cầu”. Những thiết bị công nghệ này, chẳng hạn như điện thoại thông minh, giúp kết nối con người với tài sản và dữ liệu, từ đó tạo nên những phương thức tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ hoàn toàn mới. Thêm vào đó, chúng còn hạ thấp rào cản, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân tạo ra của cải, thay đổi cả môi trường riêng tư cũng như nghề nghiệp của người lao động. Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động dựa trên những thiết bị như vậy đang gia tăng theo cấp số nhân và tham gia vào nhiều dịch vụ mới như giặt, mua sắm, đỗ xe, dịch vụ mát-xa, du lịch…

Tóm lại, có 4 tác động chính mà cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ Tư mang lại đối với doanh nghiệp, đó là những tác động đối với sự mong đợi của người tiêu dùng, gia tăng sản xuất, đối với sự sáng tạo và với các hình thức tổ chức.

Sự dịch chuyển tất yếu từ số hóa đơn giản (cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ Ba) sang sự sáng tạo dựa trên sự kết hợp giữa các công nghệ (cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ Tư) đang buộc các doanh nghiệp phải xem xét lại cách thức hoạt động kinh doanh của mình. Như vậy, các lãnh đạo và giám đốc điều hành doanh nghiệp cần nắm chắc sự thay đổi môi trường, thử thách nhận định của các bộ phận và không ngừng sáng tạo.

Khi chính phủ sở hữu sức mạnh công nghệ

Khi thế giới vật lý, số và sinh học đang tiếp tục xích lại gần nhau hơn thì công nghệ và thiết bị sẽ ngày càng cho phép người dân tiếp cận gần hơn tới chính phủ để nêu ý kiến, cùng phối hợp hoạt động. Đồng thời, các chính phủ cũng sở hữu sức mạnh về công nghệ để tăng cường sự lãnh đạo của mình đối với người dân dựa trên những hệ thống giám sát rộng rãi và khả năng điểu khiển hạ tầng số. Tuy nhiên, xét về tổng thể, các chính phủ sẽ ngày càng phải đối mặt với áp lực phải thay đổi cách thức tiếp cận hiện nay của họ đối với sự tham gia của công chúng và quy trình đưa ra quyết định khi vai trò trung tâm của họ trong việc thực thi chính sách suy giảm trước sự xuất hiện của các nguồn cạnh tranh mới, sự phân phối lại và phân bổ quyền lực dưới sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ.

Xét cho cùng, khả năng các cơ quan chính phủ và tổ chức xã hội có thể thích ứng sẽ quyết định sự tồn tại của họ. Nếu chứng minh được khả năng có thể bắt kịp một thế giới với những thay đổi đột phá, cải thiện cơ cấu để đạt mức minh bạch và hiệu quả để cho phép họ duy trì được lợi thế cạnh tranh của mình, họ sẽ tồn tại. Ngược lại, nếu không thể cải thiện, họ sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều vấn đề.

Điều này đặc biệt đúng trong hệ thống điều hành. Các hệ thống chính sách công và quy trình ra quyết định hiện nay được phát triển cùng với cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ Hai khi các nhà hoạch định chính sách có thời gian để nghiên cứu một vấn đề cụ thể và đưa ra cách ứng phó cần thiết hoặc khuôn khổ quy định phù hợp. Toàn bộ quá trình này được vận hành trơn tru và có hệ thống, theo mô hình chặt chẽ từ cao xuống thấp.

Tuy nhiên, một cách thức như vậy hiện nay không còn khả thi. Trước tốc độ thay đổi nhanh chóng và tác động sâu rộng của cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 4, các nhà lập pháp và điều hành đang bị thử thách ở một mức độ chưa từng có tiền lệ và phần lớn trong số đó chưa cho thấy khả năng ứng phó tốt.

Vậy làm thế nào họ có thể vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và công chúng nói chung lại vừa tiếp tục hỗ trợ cho sáng tạo và phát triển công nghệ? Câu trả lời là: Họ có thể xây dựng một sự quản lý “năng động” giống như việc khu vực tư nhân đang ngày càng có ứng phó linh hoạt trước sự phát triển của phần mềm và hoạt động của các doanh nghiệp nói chung. Điều này có nghĩa là các nhà lập pháp phải không ngừng thích nghi với môi trường mới và biến đổi nhanh chóng, đồng thời phải trau dồi bản thân để thực sự hiểu rõ họ đang điều hành cái gì. Để làm được vậy, các chính phủ và cơ quan lập pháp cần có sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp và công dân của mình.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 4 cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới vấn đề an ninh quốc gia và quốc tế, tác động tới cả bản chất và khả năng xảy ra xung đột. Lịch sử chiến tranh và an ninh quốc tế là lịch sử của sự sáng tạo về công nghệ, và ngày nay cũng không phải ngoại lệ.

ĐỊNH HÌNH TƯƠNG LAI

Các cuộc xung đột hiện nay giữa các quốc gia đang ngày càng “lai tạp” về bản chất, kết hợp các kỹ năng chiến đấu truyền thống với các yếu tố có liên quan trước đó với các đối tượng phi nhà nước. Ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình, giữa chiến binh và dân thường, thậm chí là giữa bạo lực và phi bạo lực (chẳng hạn như chiến tranh mạng) đang trở nên ngày càng mong manh.

Khi quá trình này diễn ra và các công nghệ mới như vũ khí tự động và vũ khí sinh học trở nên dễ dàng sử dụng hơn, từng cá nhân và các nhóm nhỏ sẽ sở hữu khả năng gây ra những tổn thương hàng loạt không thua kém các quốc gia. Nguy cơ đó sẽ dẫn tới những nỗi sợ hãi mới. Tuy vậy, những tiến bộ về công nghệ cũng đồng thời tạo ra tiềm năng giúp làm giảm quy mô và tác động của bạo lực bằng cách phát triển các phương thức bảo vệ mới, chẳng hạn như độ chính xác cao hơn trong ngắm bắn mục tiêu.

Không có công nghệ hay sự đột phá nào nằm ngoài sự kiểm soát của con người. Con người cần nắm lấy cơ hội và sức mạnh sẵn có để hình thành nên cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 4 và hướng nó tới một tương lai phản ánh những mục tiêu và giá trị chung của chúng ta.

Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng ta phải hình thành một tầm nhìn toàn diện và thống nhất mang tính toàn cầu về cách thức công nghệ tác động tới cuộc sống cũng như định hình lại môi trường kinh tế, xã hội, văn hóa và con người. Chưa bao giờ xuất hiện sự hứa hẹn hoặc nguy cơ tiềm tàng nào lớn như hiện nay. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo thường bị mắc kẹt trong tư duy truyền thống và đơn giản hoặc quá bị tác động bởi các cuộc khủng hoảng đòi hỏi họ phải lưu tâm. Điều đó cản trở họ có tư duy chiến lược về các lực lượng đột phá và sáng tạo giúp hình thành tương lai của chúng ta.

Tác động đối với người dân

Cuối cùng, cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 4 sẽ thay đổi không chỉ những gì chúng ta làm mà cả ngay chính con người chúng ta. Nó sẽ làm thay đổi bản sắc của chúng ta và tất cả những vấn đề liên quan tới bản sắc đó, bao gồm: Sự riêng tư, ý thức về sự sở hữu, phương thức tiêu dùng, thời gian chúng ta dành cho công việc và giải trí, và cách thức chúng ta phát triển sự nghiệp, trau dồi kỹ năng, gặp gỡ mọi người và củng cố các mối quan hệ. Nó đã và đang làm thay đổi sức khỏe của chúng ta và dẫn tới một cái tôi nhất định, và có thể dẫn tới sự gia tăng dân số nhanh hơn chúng ta nghĩ. Danh sách đó là vô tận bởi lẽ nó được gắn bó chặt chẽ trí tưởng tượng của chúng ta.

Điều đó sẽ đặt ra câu hỏi liệu sự hội nhập tất yếu của công nghệ trong cuộc sống có thể làm suy giảm một số bản năng tinh tuý của con người, chẳng hạn như lòng thương cảm và sự hợp tác. Mối quan hệ của chúng ta với điện thoại di động là một trường hợp như vậy. Sự kết nối thường xuyên liên tục với điện thoại di động có thể cô lập chúng ta khỏi một trong những tài sản quan trọng nhất của cuộc sống, đó là thời gian để ngừng nghỉ, suy ngẫm hay đơn giản là tham gia vào một cuộc hội thoại có ý nghĩa.

Một trong những thách thức mang tính cá nhân lớn nhất mà các công nghệ thông tin mang lại là sự riêng tư. Thông tin về cá nhân sẽ dễ dàng để tra cứu và tìm kiếm vì chúng ta buộc phải kết nối với các hệ thống điện tử. Tương tự, các cuộc cách mạng diễn ra trong lĩnh vực công nghệ sinh học và trí thông minh nhân tạo giúp định nghĩa lại con người là gì bằng cách hạ thấp những giới hạn hiện tại về tuổi thọ, sức khỏe, nhận thức và năng lực. Chúng buộc chúng ta phải định hình lại những ranh giới về đạo đức và phẩm hạnh.

Nói tóm lại, tất cả đều quy về con người và giá trị. Chúng ta cần hình thành nên một tương lai phục vụ cho tất cả chúng ta, trong đó, vị trí của người dân là trên hết và họ được tăng thêm quyền lực. Trong viễn cảnh bi quan và phi nhân đạo nhất, cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 4 có thể robot hóa con người và từ đó tước bỏ tâm hồn và trái tim của chúng ta. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tốt đẹp nhất trong bản chất của con người, đó là sự sáng tạo, lòng cảm thông và khả năng quản lý, cuộc Cách mạng cũng có thể đưa con người tới một sự nhận thức về đạo đức mang tính tập thể, dựa trên một vận mệnh chung. Trách nhiệm của tất cả chúng ta là đảm bảo rằng điều thứ hai sẽ xảy ra. 

Theo FB Quoc Thai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét