Vấn đề "Người kế tục" sự nghiệp lãnh đạo là chủ đề rất quan trọng và cũng rất nhạy cảm ở Trung Quốc.
Hội nghị toàn thể trung ương 6 Khóa 18 đảng Cộng sản Trung Quốc họp trong 4 ngày (24/10 - 27/10/2016) tại Bắc Kinh đã chính thức xác lập địa vị “Hạt nhân lãnh đạo Tập Cận Bình”.
Hồi đầu năm, vấn đề “Hạt nhân lãnh đạo” được báo chí Trung Quốc tuyên truyền rầm rộ một thời gian nhưng sau đó bị lắng xuống do có những tiếng nói phản đối nổi lên.
Báo chí Hồng Kông ngày 9/10 cho rằng tới nay chưa có khuôn mặt nào nổi lên là “Người kế tục” Tập Cận Bình trong Đại hội 20 họp vào năm 2022. Bởi vậy cần phải xác lập “Hạt nhân lãnh đạo” để tạo điều kiện cho ông Tập tiếp tục thêm một nhiệm kỳ nữa hoặc ít nhất có thể "cầm trịch" trong Ban lãnh đạo khi ông không nắm giữ chức vụ nào.
Theo Báo chí Trung Quốc, cụm từ “đảng Cộng Sản do đồng chí Tập Cận Bình đứng đầu” và “đảng Cộng Sản do đồng chí Tập Cận Bình làm hạt nhân” tuy chỉ khác nhau hai chữ, nhưng ý nghĩa cách xa nhau rất lớn. “Hạt nhân” khẳng định địa vị trong thời gian dài ngay cả khi ông Tập không nắm quyền giống như Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Từ Thời kỳ Mao Trạch Đông tới người kế nhiệm là Hoa Quốc Phong, Trung Quốc sử dụng từ "lãnh tụ", đến ông Đặng Tiểu Bình thì không còn danh xưng này.
Vụ "biến động chính trị" năm 1989 khiến ông Đặng bị các nguyên lão lên án. Ngày 22/5/1989, trong cuộc họp nội bộ, Thủ tướng Lý Bằng nói:
“Rốt cuộc đảng ta ai làm hạt nhân, ai đại biểu cho cải cách mở cửa? Đồng chí Triệu Tử Dương (Tổng bí thư ĐCSTQ thời điểm đó) hay đồng chí Đặng Tiểu Bình? Nếu chúng ta cần phải đoàn kết bảo vệ đảng, bảo vệ hạt nhân của đảng thì phải có lập trường rõ ràng bảo vệ đồng chí Đặng Tiểu Bình”.
Kể từ đó cụm từ “hạt nhân” hình thành, bởi vậy, việc “người kế tục” cũng gắn liền với “hạt nhân lãnh đạo”.
Số phận những người từng được chỉ định kế nhiệm lãnh đạo ở Trung Quốc
Nhìn lại lịch sử từ Thời Mao Trạch Đông tới nay cho thấy "người được chỉ định kế nhiệm" thường không được kế nhiệm hoặc chỉ thời gian ngắn là bị hạ bệ và được thay thế bằng người khác
Khi đương nhiệm, Mao Trạch Đông đã chỉ định Lâm Bưu là “Người kế tục”, thậm chí khi đó còn được ghi rõ ràng vào trong Điều lệ ĐCSTQ. Nhưng từ tháng 10/1970 Lâm Bưu ngầm lệnh con trai là Lâm Lập Quả lập ra một tổ chức mang bí số là “Hạm đội Liên hợp” đảo chính và ám sát Mao.
Tháng 3/1971 kế hoạch này gọi là “Cương lĩnh công trình 571”, được tiến hành khi Mao Trạch Đông đi thị sát các tỉnh phía nam từ 16/8 tới 27/8 cùng năm. Nhưng ý đồ bị bại lộ do con gái của Lâm Bưu là Lâm Đậu Đậu và người yêu là Trương Thanh Lâm tố cáo, nên Mao Trạch Đông thoát chết.
Sau đó, Lâm Bưu cùng vợ là Diệp Quần và Lâm Lập Quả đã lên máy bay bỏ trốn, nhưng cả ba thiệt mạng khi máy bay bị rơi ngày 13/9/1971 trên đất Mông Cổ.
Tiếp đó, Mao Trạch Đông lại chỉ định Hoa Quốc Phong là “Người kế tục”. Ngày 30/4/1976, Mao tiếp kiến Thủ tướng New Zealand, có Hoa Quốc Phong cùng dự.
Sau buổi tiếp, ông gọi Hoa Quốc Phong ở lại. Khi đó Mao Trạch Đông quá yếu, nói không rõ, nên dùng bút ghi vào giấy mấy câu mà có thể gọi là di chúc cho Hoa Quốc Phong, như sau: “Cứ làm theo phương châm như trước đây”, “Cứ làm từ từ, không nên nóng vội”, “Chú làm việc, tôi yên tâm”.
Tháng 8/1977 tại Đại hội ĐCSTQ Khóa 11, Hoa Quốc Phong được bầu làm Chủ tịch đảng, Chủ tịch Quân ủy trung ương và kiêm luôn chức Thủ tướng nắm giữ từ năm 1976. Cho đến nay, ông là người duy nhất giữ cùng lúc cả ba chức vụ này trong Trung Nam Hải.
Nhưng tới cuối năm 1977, ông bị Đặng Tiểu Bình, Trần Vân, Diệp Kiếm Anh hạ bệ, đưa Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền.
Ngày 31/5/1989, khi đánh giá về Hoa Quốc Phong, Đặng nói: “Hoa Quốc Phong chỉ là quá độ, không thể đại diện cho một Thế hệ lãnh đạo, bản thân ông ta không có chính kiến gì độc lập mà chỉ có phương châm '2 điều phàm là'”.
("Hai điều phàm là" của Hoa Quốc Phong gồm: Phàm là quyết sách Mao Trạch Đông thì phải kiên quyết bảo vệ. Phàm là chỉ thị của Mao Trạch Đông thì phải trước sau tuân thủ theo).
Khi nắm quyền, Đặng Tiểu Bình đã chọn Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương làm “người kế tục”, thậm chí khi đó ông Đặng từng nói khi tiếp khách nước ngoài rằng: “Trung Quốc giờ đây không sợ trời sập xuống vì đã có hai đồng chí Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương chống đỡ”.
Nhưng rồi cả hai đều bị hạ bệ, Hồ Diệu Bang bị hạ bệ năm 1987 và Triệu Tử Dương bị hạ bệ năm 1989. Đặng Tiểu Bình buộc phải vội vã đưa Giang Trạch Dân khi đó là Bí thư thành ủy Thượng Hải lên làm “Người kế tục quá độ”, khi mà ông chưa chọn được “Người kế tục“ như ý.
Năm 1992, Đặng Tiểu Bình chọn Hồ Cẩm Đào làm “Người kế tục” thay thế “Tổng bí thư quá độ Giang Trạch Dân”.
Sau khi lên nắm quyền, Hồ Cẩm Đào đã rất chú trọng bồi dưỡng “Người kế tục”, trong đó hai khuôn mặt sáng giá là Lý Khắc Cường và Lý Nguyên Triều, những người cũng tiến thân qua con đường đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc.
Nhưng trong Đại hội 18 vào tháng 11/2012, ông Tập Cận Bình đã trở thành lãnh đạo, trong khi Lý Khắc Cường làm Thủ tướng. Lý Nguyên Triều trở thành người đứng thứ hai trong nhà nước Trung Quốc và không còn nhiều tiếng tăm.
Bởi vậy, việc xác lập “Hạt nhân lãnh đạo Tập Cận Bình” là cần thiết để ông có thể tiếp tục nắm quyền hoặc chỉ đạo sau màn trướng như ông Đặng Tiểu Bình đã làm trong khi chưa lựa chọn được “Người kế tục” thực sự ưng ý./.
http://soha.vn/giai-ma-hat-nhan-tap-can-binh-hay-nhin-ket-cuc-bi-dat-cua-nhung-nguoi-ke-thua-o-tq-20161219140951026.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét