Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

Chiến tranh tương lai tiến hành từ biển

Các chuyên gia của PricewaterhouseCoopers đã đưa ra dự báo về các xu hướng chính trị-quân sự trong 50 năm tới.

Sự tranh giành các tuyến đường biển ác liệt, chạy đua vũ trang, chiến tranh trong đô thị và các trận đánh quy mô ngày càng lớn với các phần tử khủng bố là những thách thức mà các nhà phân tích của PricewaterhouseCoopers (PwC), tác giả của báo cáo “5 xu hướng toàn cầu và ảnh hưởng của chúng đối với quốc phòng và an ninh, là những gì mà các xu hướng lớn đem đến cho nhân loại trong 50 năm tới.

PwC nổi tiếng trước hết với tư cách một công ty kiểm toán, nhưng họ có các bộ phận chuyên trách cung cấp dịch vụ tư vấn cho các cơ quan chính phủ, cơ quan an ninh và doanh nghiệp quốc phòng. Mấy ngày trước, PwC đã công bố phiên bản mới của báo cáo thường niên của họ về các xu hướng lớn. Nhiệm vụ chính của báo cáo là giúp các khách hàng của PwC hoạch định chiến lược dài hạn có xét đến những thay đổi trong nền kinh tế thế giới, tình hình nhân khẩu học, các điều kiện tự nhiên và công nghệ.

Việc soạn thảo báo cáo do các chuyên gia tại chi nhánh quốc tế chuyên cung cấp dịch vụ cho ngành quốc phòng và các cơ quan an ninh của PwC ở London thực hiện. Trên cơ sở các số liệu thống kê công khai, họ đã phân tích những thách thức trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh tạo ra bởi 5 xu hướng toàn cầu chủ yếu. Báo cáo này trước hết dành cho giới quản lý cao cấp của các công ty và quan chức chính phủ, nhưng cũng đáng quan tâm đối với những người muốn hiểu nhân loại sẽ sống trong một thế giới như thế nào sau mấy thập kỷ nữa.

Trò chơi lớn trên biển

Sự dịch chuyển đã diễn ra của các trung tâm sản xuất sang châu Á trước hết có nghĩa là sự gia tăng tầm quan trọng của các tuyến đường giao thông (bởi lẽ hàng hóa còn cần phải vận chuyển tới người tiêu dùng ở các nước phát triển) mà phần lớn trong số đó đi qua các vùng biển. Việc kiểm soát đối với các huyết mạch giao thông trong những thập niên sẽ quan trọng chưa từng có bởi vì sự thịnh vượng của rất nhiều quốc gia phụ thuộc vào sự di chuyển tự do của hàng hóa. Từ đó mà xuất hiện nhu cầu cao hơn không chỉ đối với vũ khí mà cả các hệ thống dành cho hải quân và không quân. Các nhà phân tích của PwC lưu ý rằng, cuộc chạy đua vũ trang trên biển sẽ gia tăng do sự dịch chuyển sức mạnh kinh tế sang châu Á, điều sẽ dẫn đến sự xuất hiện ở đó những đấu thủ chính trị mới với những nguồn lực mà họ sẽ có thể đầu tư để mở rộng sức mạnh quân sự.

Cuộc đấu tranh giành các tuyến đường biển đã bắt đầu. Điều đó thấy rõ ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang xây dựng trái phép những hòn đảo nhân tạo để kiểm soát vùng biển này, còn các nước láng giềng của họ đi ráo riết mua sắm vũ khí cho hạm đội.

Tổng biên tập tạp chí “Xuất khẩu vũ khí” (Nga) Andrei Frolov cho biết, Mỹ, Trung Quốc, Nga và nhiều nước khác đang ráo riết tăng cường hải quân của mình.

- Ví dụ, ông Trump đã cam kết tăng cường 20% hạm đội Mỹ, cộng với các kế hoạch tham vọng của Trung Quốc, Nga và Ấn Độ cũng đang tích cực đổi mới hạm đội của mình. Hiện nay đang diễn ra sự thay đổi các thế hệ tàu. Diễn ra song song là việc đổi mới đội máy bay chống ngầm. Australia, Ấn Độ, Anh đang mua các máy bay tuần biển Poseidon của Mỹ, Nga thì đang đổi mới hệ thống Novella, Trung Quốc đang tăng cường lực lượng máy bay tuần biển. Liên quan đến các hệ thống phòng thủ bờ biển thì ở đây tăng cường hoạt động còn có cả các nhà sản xuất nhỏ, thậm chí các công ty của Thụy Điển, ông Frolov nói.

Những thập kỷ tới sẽ là giai đoạn nóng bỏng cả đối với các hãng sản xuất tàu và các loại vũ khí trang bị khác dành cho hải quân.

- Các công ty đóng tàu Nga sẽ hưởng lợi ngay cả khi không có các đơn hàng từ nước ngoài bởi lẽ Nga dự kiến chi 20-25% kinh phí của Chương trình vũ khí nhà nước, ông Frolov cho biết thêm.

Các chuyên gia PwC dự kiến rằng, trong 50 năm tới, Trung Quốc sẽ từ cường quốc khu vực trở thành cường quốc toàn cầu và sẽ ráo riết hơn tung sức mạnh đi khắp thế giới. Điều đó có thể sẽ làm các nước láng giềng của họ không thích. Ngay hiện nay đang gia tăng những rạn nứt với ASEAN, Ấn Độ cũng đang ứng xử rất thận trọng.

Các thành phố trong thời chiến

Một đại xu hướng của các thập niên tới sẽ là đô thị hóa nhanh chóng. Đến năm 2050, từ 50-72% dân số trái đất sẽ sống trong các thành phố. Từ góc độ quân sự, điều đó có nghĩa là sự dịch chuyển tất yếu hoạt động tác chiến (nhất là chống các phong trào khủng bố và nổi dậy) vào các thành phố. Các cuộc xung đột ở Syria và Iraq xác nhận sự đúng đắn của những dự báo này. Các bên ở đó đang chiến đấu không phải để giành giật diện tích lãnh thổ mà chính là vì các thành phố - Aleppo ở Syria và Mosul ở Iraq.

Do mật độ tập trung dân cư cao, các thành phố là môi trường tốt cho các lực lượng khủng bố và nổi dậy - mật độ xây dựng nhà cửa dày đặc và dân thường quá đông gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan tình báo và hành động của quân đội chính quy. Do đó, khi xây dựng quân đội, người ta sẽ đặt trọng tâm chính vào việc chuẩn bị tác chiến trong đô thị, các đơn vị đặc nhiệm sẽ được thành lập, các vũ khí trang bị và kỹ thuật tương ứng sẽ được mua sắm.

Nổi lên riêng rẽ là vấn đề hình thành trong quá trình đô thị hóa của cái gọi là các vùng xám không nằm dưới sự quản lý của chính quyền. Đây là hiện tượng đặc biệt phổ biến ở các nước thế giới thứ ba. Ví dụ điển hình là các khu ổ chột ở Rio de Janeiro của Brazil và Caracas của Venezuela là những vùng lãnh thổ được chính quyền kiểm soát rất ước lệ.

Nhân khẩu học của chiến tranh

Các nhà phân tích của PwC lưu ý đến một xu hướng lớn là sự già hóa của dân cư ở các nước phát triển và sự gia tăng song song tỷ lệ thanh niên ở thế giới thứ ba.

Ở các nước phát triển, sự già hóa dân số sẽ dẫn đến làm giảm các nguồn lực động viên, bởi vậy khi phát triển quân đội, người ta sẽ trông cậy vào chất lượng chứ không phải số lượng. Các quân đội nhỏ gọn, nhưng được trang bị những vũ khí công nghệ cao nhất sẽ thay thế cho các quân đội đông người. Nhu cầu đối với các hệ thống đắt tiền và tinh vi - tăng-thiết giáp, máy bay, phương tiện không người lai (chúng đã bắt đầu được trang bị ồ ạt). Quá trình này đang diễn ra, đặc biệt thấy rõ ở ví dụ quân đội Mỹ, nơi mà các máy bay không người lái chiến đấu đã trở thành chuẩn mực, còn giá của một số hệ thống vũ khí lên tới mấy trăm triệu đô la.

Tại các nước đang phát triển, nơi mà sự tăng trưởng kinh tế thường không theo kịp đà tăng dân số, sẽ xuất hiện một vấn đề khác - tỷ lệ thanh niên không được bảo đảm về mặt xã hội, thất nghiệp sẽ gia tăng, tạo ra môi trường thuận lợi cho các tư tưởng cấp tiến hứa hẹn mang lại công bằng xã hội và cải tạo thế giới. Tình hình đó đã tồn tại một thời gian ở nhiều nước Arab, điều đó là nền tảng thuận lợi cho vô số những cuộc đảo chính.

Công nghệ như một mối đe dọa
Sự phát triển của công nghệ cũng tiềm ẩn những thách thức mới trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Trong tương lai, chờ đón chúng ta là sự gia tăng chiến tranh mạng bởi lẽ sự phụ thuộc của hạ tầng vào các hệ thống máy tính sẽ tạo ra sự hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới quân sự và lực lượng khủng bố thực hiện cuộc tấn công đầu tiên chihs là vào các hệ thống này nhằm làm tê liệt đối phương từ trước khi bắt đầu sự đụng độ chiến đấu vật lý.

Sự phát triển của công nghệ thông tin sẽ tạo ra những khả năng mới cho bọn khủng bố và các thể chế phi nhà nước khác để chúng có thể sử dụng công nghệ thông tin để điều phối hoạt động hay tiến hành tuyên truyền. Tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS, ISIL, Daesh) đang tuyển chọn chiến binh mới qua các mạng xã hội, còn “Mùa xuân Arab” đã mangg đến công nghệ gọi là “Facebook cách mạng”, khi mà những kẻ tham gia các hoạt động chống đối đông người đã sử dụng các công cụ nhắn tin làm môi trường truyền thông chủ yếu.

Cuối cùng, sẽ còn nổi bật hơn nữa là xu hướng lớn hao mòn các tài nguyên và sự nóng lên toàn cầu. Dĩ nhiên là các cuộc chiến tranh giành tài nguyên không phải là hiện tượng mới mẻ gì, nhưng nay thì người ta sẽ đánh nhau không chỉ vì vàng hay dầu mỏ, mà vì những thứ “tầm phào” hơn, các chuyên gia PwC dự báo. Ví dụ, sắp tới, hơn 50 nước (ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh) sẽ có thể bị lôi cuốn vào các cuộc xung đột vì nước uống. Đây là tin tốt cho các nhà buôn bán vũ khí, nhưng rất đáng lo đối với tất cả những người còn lại, bởi vì như sự bỏ đi ồ ạt của người tị nạn khỏi Syria, trong thế giới toàn cầu hóa đương đại, cuộc xung đột quy mô ở một phần này của trái đất cũng là sự phản ứng với những vấn đề ở nhiều khu vực khác.

http://vietnamdefence.com/Home/phantich/Chien-tranh-tuong-lai-tien-hanh-tu-bien/201612/55118.vnd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét