Chiến thắng của William Kẻ chinh phục trong trận Hastings vào ngày 14/10/1066 đánh dấu sự sụp đổ của Anglo – Saxons và làm thay đổi mãi mãi cách chúng ta nói tiếng Anh ngày nay.
Năm 1066, trong khi Vua Edward Sám hối của nước Anh nằm hấp hối trên giường bệnh, yêu sách từ khắp châu Âu thi nhau đổ về đòi lập người kế vị vì nhà vua không có con.
Cuộc chiến vương quyền
Người ta cho rằng từ nhiều năm trước, Edward đã hứa trao ngai vàng cho người em họ là William, Công tước xứ Normandy. Nhưng có vẻ, nhà vua đã thay đổi di chúc và lựa chọn em rể Harold Godwinson, Bá tước xứ Wessex, làm người kế vị, trước khi trút hơi thở cuối cùng ngày 5/1/1066.
Hôm sau, Godwinson lên ngôi tại Tu viện Westminster, tức vua Harold II, tiếp nối các đời vua Anglo – Saxons đã cai trị nước Anh suốt sáu thế kỷ, kể từ khi đế chế La Mã sụp đổ.
Việc đăng quang này dẫn đến một cuộc tranh đoạt ngôi vị khốc liệt. Cháu trai của Edward cũng tuyên bố lên ngôi, nhưng khi đó mới chỉ là một cậu thiếu niên.
Vua Harald Hadrada của Na Uy nhòm ngó nước Anh từ lâu nên đã liên minh với người anh lưu vong của Harold là Tostig, mở cuộc xâm lược vào tháng 9 năm đó.
Quân đội của Harold ngăn chặn được quân xâm lăng và bao vây chúng trong trận Stamford Bridge ngày 25/9/1066, trận chiến đẫm máu đã lấy mạng cả vua Na Uy và ông anh trai nổi loạn của Harold.
Vua Harold chỉ có vài ngày để tận hưởng chiến thắng trước khi nghe tin nước Anh lại bị tấn công bởi một "ứng cử viên" cho ngai vàng khác.
Nhận thấy bờ biển miền Nam nước Anh không được bảo vệ, William dẫn dắt khoảng 7000 bộ binh, kỵ binh người Norman và lính đánh thuê Pháp vượt eo biển Anh, đổ bộ vào Pevensey ngày 28/9.
Trước tình hình này, Harold II lãnh đạo lực lượng về phía Nam Luân Đôn, dừng lại nghỉ ngơi và chờ đợi quân tiếp viện, trước khi tiếp tục hành quân 250 dặm để nghênh đón kẻ thù.
Ngày 14/10, hai đạo quân đụng độ tại vị trí cách làng Hastings 7 dặm về phía Tây Bắc. Cuộc chiến diễn ra vô cùng khốc liệt kéo dài cả ngày trời.
Harold triển khai lực lượng phòng thủ dọc theo sườn núi và ra lệnh cho binh sĩ đứng sát kề nhau tạo thành một "bức tường khiên". Biện pháp này ngăn chặn thành công những đợt tấn công dồn dập của kỵ binh và các trận mưa tên của đội cung thủ thiện chiến người Norman.
Sau đó, quân xâm lược giả vờ rút chạy khiến đội hình của Harold bị phá vỡ. Cơ hội đến, người Norman dễ dàng xâm nhập và tiêu diệt quân đội Anglo – Saxons.
Đêm xuống, hàng ngàn thi thể nằm rải khắp chiến trường, trong đó có cả Vua Harold II với một mũi tên đâm vào mắt.
Sáu thế kỷ người Anglo – Saxons cai trị nước Anh chấm dứt tại đây. William hành quân dọc theo bờ biển nước Anh và tiến vào Luân Đôn mà không gặp bất kỳ sự phản kháng nào.
William Kẻ chinh phục đăng quang trở thành vị vua người Norman đầu tiên của nước Anh ở Tu viện Westminster vào Lễ Giáng sinh, hoàn tất cuộc chinh phạt và cũng kết thúc một năm đầy biến động.
Tiếng Anh và lịch sử thế giới mãi mãi thay đổi
Trước cuộc chinh phạt của người Norman, Anh là một quốc đảo khép kín và có mối liên hệ chặt chẽ với vùng Scandinavia hơn phần còn lại của châu Âu.
Kể từ khi người Norman giành quyền kiểm soát eo biển, chế độ quân chủ ở Anh có mối quan hệ khăng khít hơn với lục địa già, tạo dựng được vị thế vững chắc để phô trương sức mạnh của họ với phần còn lại của châu Âu.
Trong cuốn sách "Khoảng khắc chiến trận: Những cuộc đụng độ thay đổi thế giới", hai tác giả James Lacey và Williamson Murray đã viết:
"Nếu không có sự đảm bảo từ lục địa, có thể chắc chắn rằng quân đội Anh không bao giờ có cơ hội can thiệp ở Pháp hay nơi nào khác, ít nhất cho đến khi bắt đầu kỷ nguyên hiện đại".
Cuộc chinh phạt của William là cuộc xâm lược nước Anh thành công cuối cùng. Hàng thế kỷ sau đó, Anh dần lớn mạnh và tiến hành bành trướng, cuối cùng dẫn đến sự hình thành chế độ thực dân trên khắp thế giới.
Bên cạnh địa chính trị, chiến thắng của người Norman trong trận Hastings khởi đầu sự biến đổi văn hóa Anh, với những tác động mạnh mẽ từ luật pháp đến tôn giáo, kiến trúc và ngôn ngữ.
Sau khi William I lên ngôi, người Norman bắt đầu xây dựng những pháo đài lớn, chưa từng có ở Anh trước đó, để bảo vệ vùng đất mới của họ và cản lại những cuộc nổi dậy chống đối của người Anglo – Saxons.
Nắm quyền mới chỉ vài tháng, vị vua mới đã bắt đầu cho xây dựng Tháp Luân Đôn và phiên bản đầu tiên của lâu đài Windsor.
Bằng chế độ lao dịch với người Anh, quý tộc Norman xây dựng những pháo đài khổng lồ với hàng rào và hào nước vây quanh, lấn áp hoàn toàn những thái ấp của người Anglo – Saxons. Đến năm 1087, có hơn 80 lâu đài nằm rải rác trên các đồng quê nước Anh.
Giành được quyền kiểm soát nhà thờ, người Norman cũng đẩy mạnh kiến tạo những tu viện, nhà thờ vào thánh đường cao vút, trong đó có Canterbury, Winchester và Durham.
Ngoài ra, đến tận ngày nay, ảnh hưởng của trận chiến Hastings vẫn còn được nhận thấy qua lời nó của hàng trăm triệu người nói tiếng Anh trên thế giới.
Sau cuộc chinh phạt, tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ của nhà nước và giao thương. Khẩu hiểu của chế độ quân chủ Anh trên huy hiệu hoàng gia vẫn còn một cụm từ tiếng Pháp "Dieu et mon droit", nghĩa là "Chúa và quyền của tôi".
William Kẻ chinh phục không biết nói tiếng Anh và chưa bao giờ thành thạo nó trong suốt 21 năm trị vị, một phần vì ông coi đó là ngôn ngữ của dân thường.
Cách nói tiếng Anh của người Anglo – Saxons khá giống tiếng Đức. Người Norman pha trộn tiếng Anh kiểu cũ với tiếng Pháp để tạo thành tiếng Anh hiện đại. Họ cũng thêm một số từ mới vào tiếng Anh mà vẫn được sử dụng ngày này.
Những cái tên kiểu Pháp như Henry hay Richard cũng được đưa vào Anh. Đến thế kỷ 13, William – một cái tên cổ điển ở Pháp gồm các yếu tố Đức ("wil" nghĩa là mong muốn, "helm" nghĩa là bảo vệ) trở thành tên đàn ông phổ biến nhất ở Anh.
http://soha.vn/tran-chien-co-dai-thay-doi-cach-noi-tieng-anh-ngay-nay-20161026095024183rf20161102150601446.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét