Như đã biết, Hoa Kỳ có ảnh hưởng lớn đối với các nước khác trên thế giới dù tính từ góc độ nào.
Trong số những công cụ gây ảnh hưởng đó có thể dẫn ra 3 công cụ (chính xác hơn là sức mạnh) cơ bản của Mỹ.
Trước hết, đó là sức mạnh của nền kinh tế Mỹ - kinh tế của rất nhiều nước trên thế giới có mối quan hệ trực tiếp và chặt chẽ với nền kinh tế Mỹ; tiếp theo là hệ thống tài chính Mỹ. Và sau nữa, thứ ba - nước Mỹ có một quân đội được xếp vào loại mạnh nhất thế giới. Nước Mỹ dẫn đầu về ngân sách quân sự và dĩ nhiên vì thế nên có ưu thế vượt trội về kỹ thuật (quân sự) và nhiều ưu thế khác đối trước quân đội nước khác.
Trong các bảng xếp hạng khác nhau của nhiều tổ chức khác nhau, các lực lượng vũ trang Mỹ vẫn luôn được xếp ở vị trí hàng đầu.
Để có một cách nhìn khái quát nhất về Quân đội Mỹ qua các số liệu cụ thể, xin được cung cấp một số thông tin để bạn đọc tham khảo. Số liệu được dẫn từ “Bình luận quân sự” (Nga) năm 2015 và có đối chiếu với các nguồn khác.
1. Các số liệu chung
Một trong những đặc điểm chủ yếu của Các lực lượng vũ trang Mỹ là ngân sách dành cho chúng luôn chiếm kỷ lục trên thế giới.
Trong mấy năm trở lại đây Mỹ đã từng tìm cách cắt giảm ngân sách quốc phòng, tuy nhiên theo một số nguồn số liệu thì nước này đang có kế hoạch tăng lại ngân sách quân sự.
Trong năm tài chính 2014, đã có 610 tỷ đô la dành cho quốc phòng. Năm 2015, ngân sách có thấp hơn 2014 (569.3 tỷ đô la – theo một số nguồn ). Mặc dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, quy mô ngân sách quốc phòng của Mỹ vẫn bỏ xa các đối thủ “bám sát nhất” như Nga và Trung Quốc.
Đó là về ngân sách, còn về quân số, theo số liệu của “The Military Balance”, năm 2014 có 1.492.200 quân nhân phục vụ trong Các lực lượng vũ trang Mỹ. Ngoài ra, còn có 14.000 vị trí do các chuyên gia dân sự đảm nhiệm. Trong trường hợp cần thiết, Lầu Năm Góc có thể huy động lực lượng dự bị với quân số 843.750 người.
Công dân Hoa Kỳ có thể gia nhập quân đội từ năm 18 tuổi (hoặc từ 17 tuổi nếu được cha mẹ hoặc người bảo hộ cho phép). Độ tuổi tối đa của các “ứng cử viên” nhập ngũ tùy thuộc vào từng quân (binh) chủng. Ví dụ, Lục quân Mỹ chỉ nhận những người có độ tuổi không quá 35, Quân đoàn lính thủy đánh bộ - những người không quá 28 tuổi.
Với dân số hơn 316 triệu người (số liệu năm 2015) Mỹ có một tiềm lực động viên rất lớn. Theo những số liệu có được, con số những người đủ điều kiện phục vụ trong quân đội của Mỹ là gần 120 triệu người.
2. Lục quân Mỹ (US Army)
Tổng quân số của Lục quân (tính cả Lục quân của Lực lượng vệ binh quốc gia) – 586.700 người. Ngoài ra, lực lượng dự bị cho Lục quân là 528.500 người. Như vậy, US Army (Lục quân Mỹ) là cơ cấu có số quân đông nhất trong thành phần Các lực lượng vũ trang Mỹ.
Quân số và phương tiện kỹ thuật của Lục quân được phân bố giữa một số các cơ cấu với các chức năng khác nhau. Chịu trách nhiệm tiến hành trinh sát phục vụ Lục quân có các trung đoàn kỵ binh số 2 và số 3 (cách gọi truyền thống), 03 lữ đoàn trinh sát. Có 05 sư đoàn “hạng nặng” được trang bị các loại phương tiện kỹ thuật bọc thép các kiểu khác nhau, pháo tự hành và v.v..
Các sư đoàn bộ binh số 2 và số 25 thuộc lớp “sư đoàn hạng trung” và có biên chế tương thích. Chúng (các sư đoàn số 2 và số 25) có các phương tiện vận tải và hỗ trợ hỏa lực cùng các phương tiện kỹ thuật khác. Còn có một sư đoàn bộ binh hạng nhẹ. Bộ đội đổ bộ có các sư đoàn số 82 và 101 và lữ đoàn số 173.
Lực lượng thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ (đảm bảo) trong Lục quân Hoa Kỳ là 2 lữ đoàn máy bay lên thẳng, 7 lữ đoàn pháo binh, 5 lữ đoàn công binh, 3 lữ đoàn Logistc (hậu cần) và các phân đội khác.
Lục quân Vệ binh quốc gia có quân số 20.000 người. Số lượng quân nhân dự bị của Vệ binh quốc gia là hơn 330.000 người. Vì có chức năng khác nên số lượng các đơn vị, phân đội của Lục quân Vệ binh quốc gia ít hơn so với Các lực lượng vũ trang.
Cụ thế, Vệ binh quốc gia chỉ có 7 lữ đoàn tăng thiết giáp và 3 lữ đoàn bộ binh “hạng nặng”. Chỉ có 1 lữ đoàn bộ binh cơ giới “hạng trung” , còn các lữ đoàn “hạng nhẹ“ – có 20 lữ đoàn. Lục quân Vệ binh quốc gia còn có 13 lữ đoàn máy bay lên thẳng, 7 lữ đoàn pháo binh, 8 lữ đoàn công binh và nhiều đơn vị, phân đội khác.
Lục quân Mỹ có một khối lượng rất lớn các phương tiện kỹ thuật- khí tài quân sự đa dạng về chủng loại. Đến năm 2014, trong các đơn vị của Lục quân có 2.338 tăng M1 Abrams đang được khai thác. Còn gần 3.500 chiếc M1 Abrams nữa đang được niêm cất, bảo quản.
Có 1.928 xe trinh sát các loại, phần lớn trong số đó (hơn 1.000 xe) là phương tiện kỹ thuật trên khung gầm Stryker. Phương tiện vận tải có 4.559 xe chiến đấu bộ binh (BMP) M2 và M3 Bradle. Còn khoảng 2.000 chiếc M2 và M3 Bradley đang được bảo quản trong các kho.
Loại phương tiện kỹ thuật có số lượng nhiều nhất trong Lục quân Mỹ là các xe vận tải bọc thép ( BTR): có tới 25.209 BTR các kiểu. Mặc dù bị cắt giảm, nhưng kiểu BTR có số lượng nhiều nhất vẫn là M113 các biến thể mới nhất.
Tại các đơn vị hiên có gần 5.000 chiếc M113 đang được khai thác, còn 8.000 chiếc nữa đang được niêm cất.
Hiện các BTR dòng Stryker vẫn đang được tiếp tục đưa vào trang bị : đến thời điểm này Lục quân Mỹ đã nhận 2.792 chiếc xe loại này. Trong mấy năm trở lại đây đã có 17.417 chiếc xe bọc thép lớp MRAP được xuất xưởng, trong đó có 5.759 chiếc kiểu M-ATV.
Pháo binh Lục quân có 5.899 khẩu pháo các kiểu khác nhau. Đó là 969 tổ hợp pháo tự hành M109A6 (còn 500 tổ hợp pháo tự hành nói trên đang được bảo quản); 1.242 khẩu pháo kéo cỡ 105 và 155 ly; 1.205 hệ thống pháo phản lực bắn dàn các kiểu khác nhau; 2.483 khẩu sung cối, trong đó có cả cối tự hành.
Vũ khí chống tăng có 1.512 tổ hợp chống tăng tự hành. Đó là 1.379 tổ hợp TOW trên khung gầm xe HMMWV và 133 xe trên khung gầm Stryker. Ngoài ra, các phân đội bộ binh còn được trang bị các tổ hợp tên lửa chống tăng vác vai Javelin.
Để đổ bộ, US Army (Lục quân Hoa Kỳ) có thể sử dụng 45 tàu đổ bộ kiểu LCU-1600 và LCU-2000. Ngoài ra, còn có 8 tàu nhỏ kiểu Frank Besson và 73 chiếc kiểu LCM-8.
Trong biên chế tổ chức của Lục quân Hoa Kỳ có các phân đội không quân. Các phân đội này có 61 máy bay trinh sát với các thiết bị chụp ảnh, thiết bị trinh sát vô tuyến kỹ thuật. Lục quân Mỹ cũng có 160 máy bay vận tải các loại.
Thành phần chủ yếu của Không quân Lục quân là các phân đội được trang bị máy bay lên thẳng. Có tổng cộng 737 máy bay lên thẳng tiến công AH-64D/E Apache, 356 chiếc máy bay lên thẳng đa năng OH-58D Kiowa Warrior, 90 chiếc máy bay lên thẳng trinh sát OH-58A/C Kiowa, 126 chiếc máy bay lên thẳng đa năng HH-60.
Không quân Lục quân Mỹ còn có 2.787 máy bay lên thẳng vận tải các kiểu khác nhau, trong đó có 397 chiếc máy bay lên thẳng vận tải hạng nặng CH-47 Chinook nhiều biến thể khác nhau.
Các máy bay dùng phục vụ công tác huấn luyện là 154 máy bay lên thẳng TH-154 Creek .
Các phân đội không quân của Lục quân cũng khai thác 323 máy bay không người lái (UAV). Loại UAV có số lượng nhiều nhất là RQ-7A Shadow (236 chiếc).
Bộ đội phòng không Lục quân có trong trang bị khoảng 1.300 đơn vị (chiếc, tổ hợp) vũ khí phòng không. Đó là 816 tổ hợp tự hành: 703 tổ hợp FIM-92A Avenger, 95 tổ hợp M6 Linebacker và 18 tổ hợp THAAD.
Ngoài ra còn có 480 tổ hợp xe kéo MIM-104 Patriot nhiều biến thể. Một số phân đội bộ binh được trang bị tổ hợp tên lửa phòng không vác vai FIM-92 Stinger.
3. Hải quân Mỹ ( US Navy)
Về quân số: Hải quân Mỹ có 322.700 quân nhân . Lực lượng dự bị là 100.750 người. Tất cả các phân đội (đơn vị) Hải quân nằm trong thành phần 2 hạm đội đội lớn có các căn cứ trên bờ biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương của Mỹ.
Ngoài ra, còn có 5 hạm đội chịu trách nhiệm về các khu vực khác nhau trên các đại dương. Trong thành phần của tất cả các binh đoàn US Navy (Hải quân Mỹ) có 72 tàu ngầm và 107 tàu chiến.
Trong trang bị của US Navy có 14 tàu ngầm dự án Ohio mang 24 tên lửa đạn đạo UGM-133 Trident II mỗi chiếc. Ngoài ra, các tàu ngầm này còn được trang bị các thiết bị phóng ngư lôi. Các tàu ngầm kiểu Ohio hiện nay là phương tiện tấn công duy nhất của thành phần Hải quân trong Lực lượng hạt nhân chiến lược Mỹ .
Bốn chiếc tàu ngầm kiểu Ohio trước đây trang bị tên lửa đạn đạo đã được sửa chữa và cải hoán để mang tên lửa có cánh ( hành trình ) Tomahawk LACM ". Sau hiện đại hóa mỗi tàu ngầm trên mang đến 154 tên lửa.
Nhiệm vụ tìm kiếm và tiêu diệt các tàu và các mục tiêu trên mặt đất của đối phương cũng được giao cho 30 tàu ngầm đa năng kiểu Los Angeles với 2 biến thể.
Có 10 tàu ngầm nguyên tử đa năng dự án Virginia. Loại vũ khí chủ yếu của các tàu ngầm kiểu Los Angeles và Virginia là các tên lửa LACM.
Hiện US Navy vẫn còn một số tàu ngầm nguyên tử phóng lôi . Đấy là 11 chiếc tàu ngầm kiểu Los Angeles biến thể đầu tiên chỉ được trang bị ngư lôi và 8 tàu ngầm kiểu Seawolf. Các tàu ngầm kiểu Seawolf có thể sử dụng cả ngư lôi lẫn các tên lửa được phóng bằng các thiết bị phóng lôi.
Lực lượng tấn công chủ yếu của Hải quân Mỹ là 10 tàu sân bay kiểu Nimiz. Mỗi chiếc Nimiz mang nhiều loại vũ khí phòng không và vài chục máy bay và máy bay lên thẳng. Phương tiện tấn công chủ yếu của các tàu sân bay này là các máy bay tiêm kích – ném bom F/A-18 Hornet. Mỗi tàu sân bay Nimiz mang đến 50 – 60 máy bay .
Trong thành phần của Hải quân Mỹ có 22 tàu tuần dương kiểu Ticonderoga được trang bị 2 tổ hợp phóng thẳng đứng Mk-41 với 61 hầm chứa vũ khí. Tùy thuộc vào nhiệm vụ tác chiến, các tàu này có thể mang tên lửa chống tên lửa RGM-84, tên lửa hành trình (có cánh) Tomahawk LACM, tên lửa phòng không một số loại khác nhau và v.v .
Loại tàu có số lượng nhiều nhất của US Navy là các tàu khu trục lớp Arleigh Burke với 62 chiếc. Hiện nay, trong trang bị có các tàu khu trục nhiều biến thể khác nhau được trang bị các loại vũ khí và khí tài khác nhau. Loại vũ khí chính của các tàu khu trục này – một tổ hợp phóng thẳng đứng Mk-41 như tổ hợp trên các tàu tuần dương Ticonderoga .
Trong trang bị Hải quân Mỹ có 10 khinh hạm dự án Oliver Hazard Perry mang vũ khí phòng không, pháo và ngư lôi .
Ngoài ra, trong mấy năm trở lại đây ( đến năm 2015) Mỹ cũng đã đóng 3 tàu lớp Littoral Combat Ship. Hai chiếc được đóng theo dự án mang tên Independence , 01 chiếc theo dự án Freedom.
Để thực hiện nhiệm vụ tuần tiễu, US Navy có 55 tàu và tàu nhỏ các kiểu khác nhau . US Navy cũng có 13 tàu quét mìn kiểu Avenger, 245 tàu đổ bộ cỡ nhỏ và 71 tàu bảo đảm. Để vận chuyển và đổ bộ lính thủy đánh bộ lên bờ có 30 tàu đổ bộ các kiểu khác nhau , trong đó có 01 tàu dự án Tarawa và 8 tàu kiểu San Antonio.
Một thành phần rất quan trọng của Hải quân Hoa Kỳ là Không quân hải quân . Trong cơ cấu này của Hải quân có tới 98.700 quân nhân phục vụ.
Tất cả có 10 không đoàn, mỗi không đoàn có trung bình 8 phi đội. Có các đơn vị máy bay tấn công, trinh sát và tác chiến điện tử, các phi đội chống ngầm và v.v .
Không quân hải quân Mỹ có tổng cộng 1.089 máy bay các kiểu. Loại có số lượng nhiều nhất là các máy bay tiêm kích- ném bom cất hạ cánh trên tàu với 823 chiếc.
Đại bộ phận trong số đó là các máy bay F/A-18 Hornet các biến thể khác nhau . Hải quân Mỹ cũng đã bắt đầu tiếp nhận các máy bay F-35C Lightning II.
Loại máy bay có số lượng lớn thứ hai là các máy bay chống ngầm – tổng cộng có 151 chiếc. Đấy là 140 máy bay P-3C Orion và 11 chiếc P-8A Poseidon.
Loại số lượng lớn thứ ba – các máy bay tác chiến điện tử EA-6B Prowler và EA-18G Growler (có 115 chiếc ).
Hải quân Mỹ còn có 69 máy bay radar phát hiện từ xa E-2C/D Hawkeye, 11 chiếc máy bay trinh sát vô tuyến kỹ thuật EP-3E Aries II, 02 chiếc máy bay trinh sát RC-12F/M Huron, 68 máy bay vận tải , 640 máy bay huấn luyện nhiều kiểu khác nhau.
Kiểu máy bay lên thẳng đa năng chủ yếu của US Navy là MH-60 – với 495 chiếc với 3 biến thể.
Có 28 chiếc máy bay lên thẳng MH-53E Sea Dragon, 03 chiếc OH-58C Kiowa, 11 chiếc HH-60H Seahawk, 13 chiếc máy bay lên thẳng vận tải và 120 chiếc máy bay lên thẳng huấn luyện các kiểu khác nhau .
Không quân hải quân Mỹ có trong trang bị 60 máy bay không người lái. Đang tiếp tục nhận máy bay không người lái MQ-8B/C (21 chiếc ), đã nhận 04 chiếc RQ-4A Global Hawk để thử nghiệm.
4. Không quân Mỹ
Các đơn vị khác nhau của Không quân Mỹ trực thuộc một số bộ tư lệnh.
Ví dụ : Global Strike Command (Bộ tư lệnh tấn công toàn cầu) chỉ huy Không quân chiến lược và các phân đội trang bị tên lửa đạn đạo. Dưới quyền chỉ huy của Air Combat Command (Bộ Tư lệnh không quân chiến đấu) là các binh đoàn được trang bị các máy bay tấn công khác nhau.
Còn Air Mobility Command (nôm na – Bộ Tư lệnh không quân vận tải) chịu trách nhiệm chỉ huy không quân vận tải quân sự. Air Education and Training Command (Bộ Tư lệnh đào tạo và huấn luyện không quân) – chịu trách nhiệm huấn luyện phi công quân sự và một số bộ tư lệnh khác. (Sẽ có bài chi tiết hơn về Không quân Mỹ nếu bạn đọc quan tâm).
Tổng cộng Không quân Mỹ có 1.438 máy bay chiến đấu nhiều kiểu khác nhau (còn có các số liệu khác). Không quân tầm xa sở hữu 136 máy bay ném bom 3 kiểu, đó là: 63 chiếc B-1B Lancer, 19 chiếc B-2A Spirit và 52 chiếc B-52H Stratofortress.
Có một chi tiết cần lưu ý là các phân đội (đơn vị) trang bị B-1B nằm dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư lệnh tác chiến đường không (Air Combat Command). Trong khi đó các máy bay hai kiểu còn lại (B-2A Spirit và B-52H Stratofortress) nằm dưới quyền chỉ huy của Global Strike Command (Bộ Tư lệnh tấn công toàn cầu).
Đó là 585 chiếc F-16 Fighting Falcon một số biến thể, 211 chiếc F-15E Strike Eagle và 27 chiếc F-35A Lightning II – tổng cộng 823 máy bay.
Nhiệm vụ yểm trợ trực tiếp cho bộ đội (trong các chiến dịch trên mặt đất) được giao cho 160 chiếc máy bay cường kích A-10C Thunderbolt II. Để thực hiện các nhiệm vụ tiêm kích, Không quân Mỹ có 275 máy bay: F-15C Eagle (106 chiếc), F-15D Eagle (10 chiếc) và F-22A Raptor (159 chiếc).
Để thực hiện các nhiệm vụ tác chiến, còn có thể sử dụng 14 máy bay tác chiến điện tử EC-130H Compass Call, 80 máy bay trinh sát một số kiểu, 22 máy bay trinh sát vô tuyến kỹ thuật, 32 máy bay radar phát hiện từ xa E-3B/C Sentry…
Không quân Mỹ còn có tới 167 máy bay tiếp dầu trên không KC-135 với 2 biến thể và 59 máy bay vận tải KC-10A Extender.
Trong biên chế của các phân đội trực thuộc Air Mobility Command (Bộ Tư lệnh không quân vận tải) có 228 máy bay vận tải hạng nặng C -17A Globemaster và C-5 Galaxy; 140 máy bay vận tải hạng trung C-130 Hercules và 39 máy bay vận tải hạng nhẹ nhiều kiểu khác nhau.
Đáng chú ý là Không quân Mỹ cũng có tới 24 máy bay chở khách.
Để huấn luyện đào tạo phi công, có các máy bay 3 kiểu khác nhau. Đó là T-1A Jayhawk (179 chiếc), T-6A Texan II (405 chiếc) và T-38A Talon (546 chiếc).
Theo số liệu của A.Khramchikhin, Phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự Viện Hàn lâm khoa học Nga thì các số liệu trên như sau: T-1A – 178 chiếc; T-6A- 444 chiếc; T-38 504 chiếc (đang khai thác).
Trong Quân đội Mỹ, đại bộ phận máy bay lên thẳng tấn công được biên chế cho Không quân Lục quân và được khai thác tại các đơn vị Lục quân. Vì thế nên Không quân Mỹ chỉ có 143 máy bay lên thẳng một số kiểu khác nhau. Loại phương tiện kỹ thuật này của Không quân chủ yếu dùng để vận tải hàng hóa – vũ khí – khí tài và binh lính.
Trong biên chế của Không quân Mỹ có 248 máy bay không người lái (UAV) được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ trinh sát và tấn công các mục tiêu trên mặt đất. Chúng gồm có 101 chiếc MQ-1B Predator, 115 chiếc MQ-9A/B Reaper, 31 chiếc RQ-4B Global Hawk và một số chiếc RQ-170 Sentinel.
Ngoài Không quân chiến lược, Bộ Tư lệnh tấn công toàn cầu (Global Strike Command) còn chỉ huy các phân đội (đơn vị) trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục dịa LGM-30 Minuteman. Đến thời điểm 2015, có khoảng 450 -500 LGM-30 Minuteman đang có trong trang bị.
Không quân Mỹ có các loại tên lửa và bom khác nhau, kể cả có điều khiển và không điều khiển. Có vũ khí lớp “không đối không” và “không đối đất”.
Ngoài các loại vũ khí quy ước còn có vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết các máy bay có thể sử dụng các thiết bị tác chiến điện tử trong các container treo.
5. Quân đoàn lính thủy đánh bộ
Trong biên chế tổ chức của Quân đoàn lính thủy đánh bộ (sau đây xin viết tắt là Quân đoàn) có 197.300 quân nhân.
Lực lượng dự bị của Quân đoàn 37.550 người. Quân chủng này của Các lực lượng vũ trang có chức năng tiến hành các hoạt động tác chiến ở địa bàn xa căn cứ đóng quân – vì thế cơ cấu và trang bị của nó cũng có nhiều điểm khác biệt.
Cụ thể, Quân đoàn lính thủy đánh bộ thường sử dụng các phương tiện đổ bộ thủy bộ như xe lội nước… Ngoài ra, Quân đoàn còn có không quân riêng. Tuy nhiên, việc huy động các tàu và tàu nhỏ đổ bộ để tiến hành các chiến dịch đổ bộ lại do Hải quân Mỹ chịu trách nhiệm .
Tại các đơn vị của Quân đoàn hiện có 447 xe tăng M1A1 Abrams. Có 252 xe bọc thép LAV-25 đang được khai thác sử dụng. Để đưa lính thủy đánh bộ lên bờ khi đổ bộ và thực hiện các nhiệm vụ vận tải khác, Quân đoàn sử dụng 1.311 xe lội nước AAV-7A1.
Các phương tiện vận tải khác là 1.679 xe bọc thép M-ATV và 2.380 xe bọc thép lớp MRAP.
Các phân đội pháo binh của Quân đoàn có 1.506 khẩu pháo các kiểu khác nhau. Đó là 832 khẩu pháo cỡ nòng 105 và 155 ly, 40 hệ thống pháo phản lực bắn dàn M142 HIMARS và 634 khẩu cối, trong đó có cả phiên bản cối tự hành.
Phương tiện chống tăng của Quân đoàn có 95 tổ hợp tên lửa tự hành LAV-TOW trên khung gầm xe BTR LAV-25 và một khối lượng lớn tổ hợp tên lửa chống tăng vác vai TOW.
Phương tiện bảo vệ chủ yếu chống tấn công đường không là các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai FIM-92 Stinger.
Một thành phần quan trọng của Quân đoàn lính thủy đánh bộ là các phân đội không quân có nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực và thực hiện các nhiệm vụ khác. Trong biên chế của Không quân Quân đoàn có gần 70 (phân đội) đơn vị với các loại phương tiện kỹ thuật và vũ khí đa dạng.
Không quân của Quân đoàn có 394 máy bay một số kiểu. Lực lượng chủ yếu của Không quân Quân đoàn là các máy bay F/A-18 nhiều biến thể (222 máy bay) và AV-8B Harrier (125 máy bay). Các máy bay F-35B Lightning I cũng đã được đưa vào trang bị, hiện đã có 30 chiếc đang được khai thác.
Để thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ (đảm bảo), Không quân của Quân đoàn có thể sử dụng 29 máy bay tác chiến điện tử EA-6B Prowler, 46 máy bay vận tải KC-130J Hercules, 19 máy bay vận tải và chở khách, 3 máy bay huấn luyện T-34C Turbo Mentor.
Trong mấy năm gần đây, loại phương tiện vận tải chủ yếu của Quân đoàn là các máy bay MV-22 Osprey (210 chiếc các biến thể khác nhau).
Ngoài ra còn có 374 máy bay lên thẳng vận tải, trong đó có 145 chiếc máy bay lên thẳng vận tải hạng nặng CH-53E Sea Stallion, 90 chiếc vận tải hạng trung CH-46E Sea Knight và 70 chiếc UH-1Y Iroquois.
Quân đoàn vẫn tiếp tục khai thác 58 máy bay lên thẳng tấn công AH-1W Cobra và AH-1Z Viper.
6 . Lực lượng bảo vệ bờ
Có 41.200 quân nhân và 7.600 nhân viên dân sự phục vụ trong cơ cấu này và chịu trách nhiệm kiểm soát các tình huống trên biển.
Tất cả khu vực biển mà Lực lượng bảo vệ bờ chịu trách nhiệm được chia thành 9 khu vực .
Bốn khu vực trên Thái Bình Dương, 5 khu vực còn lại – trên Đại Tây Dương. Nhiệm vụ chính của Lực lượng bảo vệ bờ là tuần tiễu các vùng biển và ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp trên biển .
Lực lượng bảo vệ bờ của Mỹ có 159 tàu tuần tiễu và tàu chiến . Đấy là các tàu nhiều kiểu khác nhau. Lực lượng tàu hỗ trợ gồm 377 chiếc với các chức năng khác nhau.
Lực lượng bảo vệ bờ biển cũng có Không quân riêng. Có tổng cộng 57 máy bay, trong đó có 14 chiếc HU-25 nhiều biến thể và 27 chiếc HC-130H/J Hercules, 125 máy bay lên thẳng nhiều kiểu khác nhau. Loại máy bay lên thẳng có số lượng nhiều nhất là AS366G1 – có 90 chiếc, dự định mua thêm 11 chiếc nữa.
7 . Lực lượng các chiến dịch đặc biệt (đặc nhiệm)
US Special Operations Command (USSOCOM) (Bộ Tư lệnh các chiến dịch đặc biệt) là cơ quan trung ương điều phối hoạt động của các phân đội (đơn vị) đặc nhiệm trong Các lực lượng vũ trang.
Trực thuộc Bộ tư lệnh này là các bộ tư lệnh (các chiến dịch đặc biệt) trong biên chế của các quân chủng khác nhau. Tổng quân số của Lực lượng các chiến dịch đặc biệt Mỹ 60.200 người. Ngoài ra còn có 6.400 nhân viên dân sự làm việc tại USSOCOM.
Trong biên chế Lục quân Mỹ có có US Army Special Operations Command (USASOC) (Bộ Tư lệnh các chiến dịch đặc biệt lục quân) với 32.400 quân nhân. Dưới quyền của Bộ Tư lệnh này là một số phân đội (đơn vị) lục quân, một trung đoàn không quân, một lữ đoàn hậu cần và một số tiểu đoàn chuyên làm việc với các cơ quan dân sự.
USASOC có 640 xe bọc thép M-ATV, 50 máy bay lên thẳng AH-6M/MH-6M Little Bird, 130 máy bay lên thẳng MH-47G Chinook và 62 chiếc MH-60 một số biến thể. USASOC cũng có trong trang bị 57 máy bay không người lái trinh sát nhiều biến thể khác nhau.
US Naval Special Warfare Command (NAVSOC) (Bộ tư lệnh các chiến dịch đặc biệt hải quân) chỉ huy một số phân đội của Hải quân Mỹ trong thành phần đặc nhiệm. Trong cơ cấu này có 9.500 quân nhân phục vụ. Lực lượng tấn công chủ yếu của NAVSOC là các phân đội SEAL. Để hỗ trợ SEAL có một số phân đội làm công tác vận tải, cung cấp trang bị…
Không quân Mỹ có US Air Force Special Operations Command (AFSOC) (Bộ Tư lệnh các chiến dịch đặc biệt Không quân Mỹ) với quân số 15.300 người. Dưới quyền AFSOC là 2 phi đội máy bay yểm trợ hỏa lực AC-130H/U, 14 phi đội máy bay vận tải, 5 phi đội huấn luyện và 2 phi đội máy bay không người lái (UAV) .
Tại các phân đội (đơn vị) này có tổng cộng 149 máy bay, trong đó có 25 máy bay tấn công AC-130H/U và 61 máy bay vận tải MH-130 (các biến thể khác nhau). AFSOS có 35 máy bay CV-22 Osprey.
Ngoài ra, có 40 máy bay lên thẳng các kiểu. Phần lớn trong số đó là máy bay lên thẳng hạng nhẹ Bell 205 (24 chiếc). Có một chi tiết khá thú vị là trong các phân đội máy bay vận tải có một số chiếc máy bay do Liên Xô (Nga) sản xuất như Аn-26, Мi 8 và Мi-171 (theo số liệu của A.Khramchikhin thì AFSOS có 6 Mi-8).
Trong trang bị của AFSOC còn có 39 máy bay không người lái (UAV) hạng nặng. Đó là 29 UAV trinh sát MQ-1B Predator và 10 chiếc MQ-9 Reaper có chức năng tương tự.
Bộ Tư lệnh các chiến dịch đặc biệt lính thủy đánh bộ (US Marine Special Operations Command – MARSOC) có 3.000 quân. Do một số nguyên nhân nên trong cơ cấu này chỉ có 3 đơn vị: 1 trung đoàn đặc nhiệm và 2 tiểu đoàn đảm bảo.
8. Cụm vệ tinh
Cụm vệ tinh trực thuộc Bộ quốc phòng Mỹ có 115 vệ tinh vũ trụ nhiều chức năng. Loại phương tiện kỹ thuật này được sử dụng để thực hiện những nhiệm vụ khác nhau có liên quan đến công tác đảm bảo cho Quân đội Mỹ.
Có 36 vệ tinh phục vụ nhiệm vụ liên lạc, trong đó có 3 vệ tinh kiểu AEHF, 8 chiếc kiểu DSCS-III, 7 chiếc kiểu UFO, 6 chiếc kiểu WGS SV2 và nhiều vệ tinh khác.
Trong thành phần của hệ thống dẫn đường (định vị) GPS NAVSTAR có 33 vệ tinh: 9 chiếc NAVSTAR Block II/IIA, 4 chiếc NAVSTAR Block IIF và 20 chiếc NAVSTAR Block IIR/RM.
Phục vụ cho cơ quan khí tượng và nghiên cứu đại dương có 6 vệ tinh DSMP-5 .
Mỹ sở hữu một cụm vệ tinh vũ trụ trinh sát rất tân tiến. Đó là 2 thiết bị FIA, 01 vệ tinh ORS-1, 01 vệ tinh TacSat-1, 01 vệ tinh SBSS, và 22 vệ tinh trinh sát kỹ thuật vô tuyến các kiểu khác nhau.
Hệ thống phát hiện đòn tấn công tên lửa có 04 vệ tinh kiểu DSP và 2 cjieesc SBIRS Geo-1.
http://baodatviet.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/tong-quan-suc-manh-quan-luc-hoa-ky-3323108/?paged=3
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét