Với hơn 200 quan chức cấp cao "ngã ngựa" kể từ Đại hội XVIII, chiến dịch "đả hổ" của Tập Cận Bình được cho có "quy mô lớn nhất với cục diện phức tạp nhất trong lịch sử Trung Quốc".
Ngày 21/11, website của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) đăng tải bài viết "Nghiêm trị bắt đầu từ cán bộ cấp cao", trong đó tiết lộ, từ Đại hội Khóa XVIII của đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2012) đến nay đã có hơn 200 cán bộ cấp cao bị xử lý.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, số liệu của CCDI có sự chênh lệch với con số hơn 170 quan chức cấp cao "ngã ngựa" do chính phủ nước này công bố trước đó.
Và theo thống kê chưa đầy đủ, số lượng quan chức cấp cao bị điều tra từ Đại hội XVIII đến nay còn nhiều hơn cả tổng số cán bộ cấp cao "ngã ngựa" trong vòng 63 năm kể từ khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập (từ năm 1949 - đến trước Đại hội XVIII) cộng lại.
Đây có thể được gọi là "chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn nhất, liên quan đến nhiều quan chức cấp cao nhất và có cục diện phức tạp nhất trong lịch sử Trung Quốc".
CCDI điểm lại những vụ án tham nhũng chấn động liên quan đến hàng loạt các cựu quan chức cấp cao như cựu Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang, hay hai cựu Phó Chủ tịch Quân uỷ trung ương Trung Quốc Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu v.v...
CCDI đặc biệt nhấn mạnh, những vụ án trên phát sinh, "cảnh báo [xã hội Trung Quốc] hiện nay không phải thời kỳ thiên hạ thái bình“ và kêu gọi giới cán bộ quan chức nước này không được "buông lỏng tính cảnh giác chính trị".
"Cán bộ cấp cao cần nâng cao bản lĩnh chính trị, duy trì ý thức tỉnh táo, không được phép dao động, không biết phân rõ đúng sai, thậm chí lạc bước trên những vấn đề nguyên tắc quan trọng", CCDI cho biết.
Giới phân tích nhận định, bài viết của CCDI phát đi hai tín hiệu mới về chiến dịch "đả hổ".
Thứ nhất, tiết lộ số lượng quan chức "ngã ngựa" trên thực tế nhiều hơn so với số liệu được công bố trước đó của Trung Nam Hải.
Thứ hai, không loại trừ khả năng CCDI sẽ tiến hành một đợt "đả hổ" mới với cường độ ngày càng dày đặc, sát sao.
Một số ý kiến cho rằng, bài viết trên giống như "thông điệp cuối cùng" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm dằn mặt các thế lực chống đối - "nếu lập trường dao động, không phân rõ đúng sai, lạc hướng" có thể sẽ trở thành mục tiêu của đợt thanh trừng tiếp theo.
http://soha.vn/co-quan-an-ninh-so-1-trung-quoc-noi-thien-ha-khong-thai-binh-duoi-thoi-ong-tap-20161123005715952.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét