Một chính quyền Ukraine thân Nga thời hậu Poroshenko là điều có thể báo trước, và điều đó đồng nghĩa phương Tây thất bại hoàn toàn trước Putin trong ván cờ Ukraine.
Reuters ngày 14/11 đưa tin ứng viên đảng Xã hội chủ nghĩa Bulgaria, cựu Tư lệnh Không quân Bulgaria Rumen Radev đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống nước này, với gần 60% số phiếu bầu. Trong khi ứng viên của đảng Công dân vì sự phát triển châu Âu của Bulgaria (GERB) Tsetska Tsacheva chỉ giành được hơn 36% số phiếu bầu.
Lãnh tụ GERB cũng đồng thời là Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov đã chúc mừng ông Radev và tuyên bố sẽ từ chức, vì theo ông Borisov thì chính đảng của ông hiện nay như đang “đối lập với ý chí của nhân dân Bulgaria”.
Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Bulgaria thực sự là một cú sốc với NATO và EU, bởi quốc gia vùng Balkan này bỗng dưng hướng về Nga.
Tân Tổng thống Bulgaria Rumen Radev - một người thân Nga, có thể gây chia rẽ NATO. Ảnh : AP |
Không những vậy, tại Moldova, ứng viên đảng Xã hội chủ nghĩa Igor Dodon cũng chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống nước này vào ngày 13/11.
Ông Dodon là ứng cử viên được xem là thân Nga với cương lĩnh tranh cử là dung hòa lợi ích giữa EU và Nga. Ông Dodon ủng hộ Moldova gia nhập liên minh kinh tế Á - Âu do Nga cầm trịch.
Hai chiến thắng liên tiếp của lực lượng chính trị thân Nga tại hai quốc gia thuộc khối Đông Âu và Liên Xô cũ nhưng đã ngả về phương Tây sau khi Liên Xô tan rã, được xem là một thắng lợi chính trị quan trọng của Moscow trong đối đầu với Washington và các đồng minh khi vẽ lại bàn cờ chính trị tại Châu Âu.
Lời cảnh báo nguy hại cho chiến lược Đông tiến của NATO
Bulgaria là một thành viên của NATO và có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng trong khu vực Balkan. Vậy nhưng ngay sau khi đắc cử Tổng thống Bulgaria ông Radev đã đề nghị bãi bỏ lệnh cấm vận trừng phạt Nga ngay lập tức.
Ông Radev tuyên bố sẽ nối lại quan hệ tốt đẹp với Nga và nói rằng Bulgaria sẽ không bao giờ cho phép xem Nga như một kẻ thù.
Nhà lãnh đạo mới của Bulgaria cho biết sẽ với tân Tổng thống Mỹ Donald Trump giúp nhanh chóng tái lập quan hệ với Nga để giảm xung đột tại các điểm nóng.
Giới chức NATO rất lo ngại việc tân Tổng thống Bulgaria thể hiện công khai thân Nga sẽ khiến quan hệ giữa NATO với thành viên này có thể căng thẳng trong thời gian tới và Moscow sẽ “đục nước béo cò”.
Có thể thấy rằng sau khi Liên Xô tan rã, NATO và một số quốc gia thuộc khối Hiệp ước Warszawa và Liên Xô cũ đã rơi vào cảnh “đồng sàng dị mộng”, từ đó nhanh chóng kết nối với nhau tạo ra hàng rào bao quanh nước Nga, tạo ra sự đố kỵ với nước Nga thời hậu xô viết. Một số quốc gia nhanh chóng là thành viên mới của NATO và thách thức Moscow.
Tuy nhiên, qua thời gian thì cả NATO và những thực thể mà họ hướng tới để tạo tầm ảnh hưởng đều nhận ra mình đã rơi vào ảo mộng nên nhanh chóng vỡ mộng. Cá nhân người viết cho rằng sức mạnh Nga thời hậu xô viết không thể đe doạ NATO cũng như thách thức họ. Đặc biệt là Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, do vậy việc NATO tăng cường sức mạnh là nhằm mục đích khác.
Đó là sai lầm chiến lược của NATO. Bởi lẽ hầu hết các quốc gia thành viên mới đều không giúp cho NATO mạnh hơn, nguy hiểm hơn, tạo thế chủ động hơn cho NATO trước đối phương.
Tuy nhiên NATO đã phải tốn kém rất nhiều cho các thành viên này mà sự có mặt của họ trong NATO chỉ là “thêm đũa thêm bát”, như tân Tổng thông Mỹ Donald Trump đã cảnh báo.
Ngược lại, với các quốc gia hướng về NATO, xem tổ chức quân sự này như một cứu cánh thì họ chỉ nhận được quá ít những điều họ ước muốn từ NATO, nhưng lại gánh những trọng trách quá lớn và nguy hiểm – đó là đối mặt trực tiếp với nước Nga. Họ trở thành vị trí tiền tiêu của NATO trong cuộc đối đầu với nước Nga đang được Putin hồi sinh sức mạnh.
Khi NATO không thể trao thêm những gì họ không muốn và những thành viên mới không được nhận thêm những gì họ muốn, thì hai bên cùng thất vọng. Khi nhận ra lợi ích thì không như mong đợi, nhiều lực lượng chính trị đã thay đổi cương lĩnh hoạt động, còn người dân thì thất vọng và quyết định trao quyền lực cho lực lương thân Nga. Bởi lợi ích từ Nga tuy ít nhưng thực tế. Và Bulgaria là một trường hợp như vậy.
Lời cảnh báo nghiêm khắc với phương Tây cho ván cờ tàn Ukraine
Có thể nói rằng Kiev thất vọng về Washington và đồng minh không kém gì đồng minh và Washington thất vọng ở Kiev.
Có thể thấy rằng Kiev đã đánh đổi tất cả những gì có thể để hy vọng vào sự giúp đỡ và che chở của phương Tây. Nhưng kết quả là gì? Đất mất, biên giới quốc gia bị thu hẹp, xung đột xã hội rồi nội chiến bùng nổ với máu chảy đầu rơi, ly tán loạn lạc.
Mà nguyên nhân của vấn đề không thể phủ nhận chính là chia rẽ, mâu thuẫn xã hội do “củ cà rốt” mà phương Tây trưng ra cho Ukraine.
Lệnh cấm vận Nga sau “sự kiện Crimea” là phương Tây trừng phạt Nga vì quyền lợi của họ chứ không phải vì Ukraine. Kiev không hề được hưởng một chút lợi ích nào từ lệnh cấm vận mà Mỹ và phương Tây áp đặt với nước Nga.
Viễn cảnh một chính quyền Ukraine thân Nga thời hậu Poroshenko là sự báo trước cho thất bại hoàn toàn của phương Tây trước Putin. Ảnh : RT.com |
Thậm chí ngược lại Ukraine còn chịu nhiều thiệt hại, cụ thể nhất là vấn đề giá khí đốt cùng khoản tín dụng 15 tỷ USD mà Nga cam kết với chính quyền của Viktor Yanukovych và đã giải ngân thì bị đình lại.
Ukraine kiệt quệ nhưng Mỹ và phương Tây chỉ rót nước lã để Kiev cầm hơi. Đe doạ từ Nga là nỗi ám ảnh Kiev, nhưng Mỹ và đồng minh không có hành động cụ thể.
Phương Tây chủ yếu chỉ lên án Moscow và xiết cấm vận với Nga – những hành động mà Kiev hầu hết phải nhận lãnh hậu quả. Kiev đã trả giá quá đắt vì ảo mộng về sự hào phóng của những người bạn phương xa.
Bởi vậy khi Kiev vỡ mộng thì Ukraine đã nhanh chóng tham gia “liên minh chồn – cáo” với Thổ Nhĩ Kỳ cùng Gruzia và Azerbajan vì sự an nguy của tổ quốc mình.
Tuy nhiên, Erdogan đã quay ngoắt, bất ngờ xin lỗi Putin và quan hệ Ankara – Moscow thân thiện vượt thời gian khiến cho Kiev bơ vơ, đứng một mình chịu trận.
Khi Nga sáp nhập Crimea thì Kiev không còn gì cho Washington và đồng minh khai thác, vì vậy Ukraine trở thành ván cờ tàn, lực lượng cầm quyền tại Kiev ngậm đắng nuốt cay, còn người dân Ukraine thì uất nghẹn.
Có lẽ gia nhập NATO dần sẽ bị Kiev lãng quên và người dân Ukraine cũng không còn quan tâm tới điều xa xỉ ấy nữa. Khí đốt của Nga giúp cho người dấn sưởi ấm trong mùa Đông giá buốt mới là điều họ quan tâm lúc này.
Tân Tổng thống Bulgaria là người thân Nga sẽ có thể giúp Moscow tái khởi động “Dòng chảy phương Nam” và khi đó thì Ukraine sẽ phải trả giá đắt.
Bởi lẽ dự án “Dòng chảy phương Nam” dẫn khí đốt từ Nga tới các quốc gia Châu Âu được cho là sẽ thay thế cho đường ống đang “quá cảnh” Ukraine.
Dự án bị đình lại tại Bulgaria, nay tân Tổng thống có thể giúp Nga khai thông bế tắc. Và khi “Dòng chảy phương Nam” thông suốt cũng là lúc van khí của Nga qua Ukraine đóng lại, Kiev hết làm khó và hưởng lợi từ Moscow.
Kiev chắc chắn không thể không đề phòng viễn cảnh tệ hại ấy và lực lượng cầm quyền hiện nay tại Ukraine cũng nhận ra nguy cơ không thể được người dân nước này trao gởi niềm tin một lần nữa nếu không tạo ra lợi ích thiết thực nào cho Ukraine trong nhiệm kỳ này.
Vì vậy, viễn cảnh một chính quyền Ukraine thân Nga thời hậu Poroshenko là điều có thể được báo trước. Và nếu điều đó xảy ra thì đồng nghĩa phương Tây thất bại hoàn toàn trước Putin trong ván cờ Ukraine.
http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/dong-au-dao-chieu-phuong-tay-thua-hoan-toan-van-co-ukraine-3323021/?paged=2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét