Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

Từ vụ Su-24 dọa tàu Cook: Ngẫm về chạm trán Mỹ-Trung ở Biển Đông

Theo nhà phân tích Steven Stashwick, vụ việc máy bay ném bom Su-24 Nga áp sát tàu chiến Mỹ trên biển Baltic cho thấy chúng ta không nên thổi phồng nguy cơ xung đột.

Nhìn nhận về chạm trán Mỹ-Trung trên Biển Đông
Thứ Tư tuần trước, Bộ Tư lệnh châu Âu (EUCOM) của Mỹ tiết lộ, trong hai ngày 11 và 12/4, máy bay ném bom Su-24 Nga đã nhiều lần áp sát tàu khu trục USS Donald Cook của Hải quân Mỹ, khi tàu này đang di chuyển trên biển Baltic.
Chiếc Su-24 đã có những lần tiếp cận tàu Donald Cook ở cự ly rất gần, chỉ khoảng 9m. Ngoài ra, các trực thăng quân sự Nga đã lượn quanh con tàu này vài lần ở độ cao thấp.
Thông cáo của EUCOM nhấn mạnh:
"Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước hoạt động thao diễn bay không an toàn và thiếu chuyên nghiệp của Nga.
Những hành động này có nguy cơ leo thang căng thẳng không cần thiết giữa hai nước, có thể dẫn đến tính toán sai lầm hay tai nạn gây thương vong".

Su-24 bay qua tàu USS Donald Cook trên biển Baltic.
Su-24 bay qua tàu USS Donald Cook trên biển Baltic.
Theo tờ Washington Post, đây không phải lần đầu tiên chiến đấu cơ Nga "quấy rối" tàu chiến Mỹ trong những năm gần đây. Hai vụ chạm trán trước đó xảy ra với tàu Cook vào năm 2014 và tàu USS Ross ở Biển Đen năm 2015.
Tờ Navy Times dẫn một nhận định quan trọng từ sĩ quan hải quân đã về hưu Rick Hoffman cho rằng, hành vi của các máy bay Nga mang tính khiêu khích nhưng chưa tới mức có thể coi là mối đe dọa.
"Không thể cứ đơn giản nổ súng nếu có ai đó chọc giận chúng ta" - ông Hoffman phát biểu, ý muốn nói đến tuyên bố của Ngoại trưởng John Kerry rằng Mỹ đáng ra đã có thể bắn hạ chiếc Su-24.
Tuy nhiên, cách nhìn nhận kiềm chế và cân nhắc hoàn cảnh như vậy lại khó có thể tìm thấy trong những bài báo về Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông.
Bài viết của nhà báo Helene Cooper trên New York Times về cuộc chạm trán giữa tàu USS Chancellorsville và tàu Trung Quốc gần quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) không mô tả chi tiết nào kịch tính hay tiềm tàng nguy hiểm như khi máy bay Nga áp sát tàu Cook.
Giải đáp thắc mắc trên Facebook, bà Cooper cho biết, tàu hộ vệ Trung Quốc không có thời điểm nào áp sát tàu chiến Mỹ ở khoảng cách dưới 3 hải lý; và khác với máy bay Nga ở Baltic, trực thăng Trung Quốc không "tấn công giả định" tàu chiến Mỹ.
Bên cạnh đó, nếu như Nga phớt lờ thì tàu Trung Quốc cuối cùng đã phản hồi lại cuộc gọi của phía Mỹ qua radio và hai phía đã có một cuộc hội thoại "chuyên nghiệp" sau đó. Thậm chí, họ còn thay nhau khen... trời đẹp.
Tuy nhiên, ngôn từ mà Cooper dùng để mô tả toàn cảnh vụ việc mang lại cảm giác đó là tình huống căng thẳng, nhạy cảm, có nguy cơ bùng nổ thành một cuộc đụng độ bất cứ lúc nào:
"Một cảnh báo bất ngờ vang lên qua hệ thống liên lạc trên tàu", "chiếc tàu Trung Quốc và trực thăng trên tàu không chịu trả lời", "đáng ngại thay, không có phản hồi nào", "lực lượng hải quân 2 phía (Mỹ-Trung) gần như ở trong trạng thái báo động liên tục"...
(Xem chi tiết cuộc đối thoại giữa chiến hạm Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông tại đây).

Tàu hộ vệ Trung Quốc (ở phía xa) đã bám theo chiếc USS Chancellorsville trong phần lớn thời gian tuần tra của tàu Mỹ trên biển Đông , trước khi Trung Quốc thay bằng một tàu khu trục.
Tàu hộ vệ Trung Quốc (ở phía xa) đã bám theo chiếc USS Chancellorsville trong phần lớn thời gian tuần tra của tàu Mỹ trên biển Đông , trước khi Trung Quốc thay bằng một tàu khu trục.
Một số người có thể tranh luận rằng cách nhìn nhận khác biệt trong 2 tình huống này là do khu vực Biển Đông căng thẳng hơn biển Baltic.
Song, trên thực tế, Tướng Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ từng chỉ trích hành động của Nga "rất đáng báo động" và Moscow (chứ không phải Bắc Kinh) mới là mối đe dọa quân sự lớn nhất mà Mỹ có thể phải đối mặt.
Không dễ leo thang thành xung đột vũ trang
Trước đây, những cuộc chạm trán giữa tàu chiến hay máy bay như thế này được cho là có thể dẫn tới tính toán sai lầm, từ đó leo thang thành xung đột. Tuy nhiên, lịch sử chưa từng ghi nhận trường hợp nào như vậy.

Tàu Bezzavetnyy (Liên Xô) húc vào tàu USS Yorktown (Mỹ) trong Chiến tranh Lạnh.
Tàu Bezzavetnyy (Liên Xô) húc vào tàu USS Yorktown (Mỹ) trong Chiến tranh Lạnh.
Bài học từ Chiến tranh Lạnh, cũng như phi vụ gần đây giữa Nga và Mỹ, đã cho thấy rằng, khi các nước cạnh tranh ảnh hưởng lẫn nhau có gây hấn, thì điều đó cũng không khiến căng thẳng leo thang, mà đơn thuần chỉ thể hiện mối quan hệ hục hặc vốn có giữa hai bên.
Điểm mấu chốt trong hàng trăm cuộc chạm trán "nghiêm trọng" giữa hải quân Mỹ-Xô thời Chiến tranh Lạnh (quấy rối, áp sát... thậm chí cố ý đâm va) là chúng chưa bao giờ dẫn đến nổ súng qua lại giữa 2 phía hoặc khiến họ rơi vào một cuộc chiến tận diệt bằng hạt nhân.
Những lo ngại về nguy cơ quấy rối, gây hấn hoặc các hoạt động thao diễn bay có thể dẫn đến tai nạn, thậm chí chết người là chính đáng, như đã thấy trong vụ va chạm thảm khốc năm 2001, giữa máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ và chiến đấu cơ Trung Quốc trên Biển Đông.
Vụ việc đã khiến phi công Trung Quốc thiệt mạng.

Chiếc EP-3E đã va chạm với 1 chiếc J-8. Hậu quả là phi công Trung Quốc thiệt mạng.
Chiếc EP-3E đã va chạm với 1 chiếc J-8. Hậu quả là phi công Trung Quốc thiệt mạng.
Tuy nhiên, tàu Donald Cook đã không triển khai bất cứ biện pháp phòng phủ nào trong vụ việc lần này. Đoạn video được công bố cho thấy các thủy thủ trên tàu khá cảnh giác nhưng do lo ngại về an toàn nhiều hơn là nguy cơ bị tấn công.
Thông cáo của EUCOM cho biết vụ việc đã được giải quyết với Nga thông qua "các kênh Hải quân". Cơ chế chính của phương thức này dựa trên thỏa thuận thời Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô nhằm ngăn chặn các sự cố trên biển (INCSEA).
Thỏa thuận đã định ra quy tắc ứng xử và một diễn đàn để giải quyết các vụ việc tương tự như máy bay áp sát tàu chiến.
Song, trên thực tế, những thỏa thuận và hiệp ước đó không giúp giảm bớt các hành vi nguy hiểm.
Dữ liệu từ thời Chiến tranh Lạnh cho thấy có nhiều sự cố nghiêm trọng xảy ra giữa Hải quân Mỹ và Liên Xô trong vòng 20 năm sau khi thỏa thuận INCSEA được ký kết năm 1972, tương tự như tình cảnh trong vòng 20 năm trước khi nó được ký kết.
Điều mà các thỏa thuận thực sự báo hiệu, đó là cả Mỹ và Liên Xô sẽ tiếp tục có những động thái nguy hiểm khi đạt được một thỏa thuận chính trị. Chỉ có điều, mỗi bên sẽ tự tin rằng bên còn lại sẽ không châm ngòi chiến tranh trong quá trình này.
Điều IV trong thỏa thuận INCSEA (hiện vẫn còn hiệu lực với Nga) yêu cầu chỉ huy máy bay cần thận trọng ở mức cao nhất khi đến gần máy bay hoặc tàu chiến của nước khác..., đặc biệt là các tàu đang phóng hoặc hạ cánh máy bay.
Vì lợi ích an toàn giữa 2 phía, không được phép có những hành vi sau: tấn công giả định vào các tàu chiến/máy bay khác, hoặc thực hiện các thao tác bay khác nhau trên những con tàu này.
Các phi công Nga áp sát tàu Donald Cook đã vi phạm quy định của điều khoản đó, song cũng giống như các thế hệ phi công trước, hành vi của họ không nhằm gây thù địch và có vẻ tàu Donald Cook cũng hiểu được điều này.
Mỹ và Trung Quốc đã ký một biên bản ghi nhớ tương tự về quy tắc ứng xử giữa tàu chiến và máy bay của 2 phía, nhưng thỏa thuận giữa Nga với Mỹ có tính chất bắt buộc hơn, trong khi thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc mang tính chất tự nguyện nhiều hơn.
Trong gần 70 năm nay, hải quân Mỹ và Nga đã hoạt động quanh nhau, đôi lúc có những hành vi nguy hiểm và vô trách nhiệm (có lúc dẫn tới kết quả bi thảm) nhưng chưa bao giờ có ý định châm ngòi chiến tranh bằng một vụ tai nạn hoặc hiểu lầm.
Chúng ta cần ghi nhớ điều này và không nên thổi phồng nguy cơ đối đầu, ngay cả khi đó là những tương tác nghiêm trọng có thể xảy ra giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc trong những năm tới.
***Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Steven Stashwick. Ông từng là sĩ quan hải quân Mỹ trong 10 năm và đã nhiều lần được triển khai tới khu vực tây Thái Bình Dương.
http://soha.vn/tu-vu-su-24-doa-tau-cook-ngam-ve-cham-tran-my-trung-o-bien-dong-20160420110828581.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét