Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2016

Biển Đông nóng bỏng, Trung Quốc hãi bị Mỹ bao vây



Các chuyên gia Trung Quốc thường cho rằng yếu tố cốt lõi trong tranh chấp Biển Đông trong những năm gần đây chính là chiến lược “trở lại châu Á” của Washington. Dường như nhiều người Trung Quốc cho rằng mục tiêu chính của chiến lược “trở lại châu Á” là để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ thường trực ở châu Á-Thái Bình DươngCụm tác chiến tàu sân bay Mỹ thường trực ở châu Á-Thái Bình Dương
Những năm gần đây là một giai đoạn đầy ắp sự kiện đối với tranh chấp Biển Đông. Vào năm 2009, việc các bên khác nhau đệ trình các yêu sách đối với thềm lục địa mở rộng lên Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Ranh giới Thềm lục địa đã khởi đầu cho một cuộc chiến ngoại giao nảy lửa. Đặc biệt, hành động của Trung Quốc trong việc đệ trình bản đồ đường chín đoạn ở Biển Đông lên Liên Hợp Quốc đã làm bùng lên sự phản đối mạnh mẽ từ các quốc gia tranh chấp khác.
Sự đối đầu ngoại giao ở Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) vào năm 2010 ở Hà  Nội, đặc biệt là giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc, đã đánh dấu sự gia tăng căng thẳng chưa từng có đối với vấn đề Biển Đông trong vòng hơn một thập kỷ. Nửa đầu năm 2011, hàng loạt các sự cố, bao gồm việc Bắc Kinh phản ứng nặng tay với các hoạt động khai thác năng lượng và hải sản của Philippines và Việt Nam ở Biển Đông, càng làm quan hệ giữa các bên tranh chấp ngày càng xấu đi. Kết quả là mối bang giao giữa Trung Quốc và các quốc gia tranh chấp trong ASEAN càng trở nên tồi tệ và các cường quốc bên ngoài ngày càng can thiệp sâu hơn vào vấn đề Biển Đông.
Áp lực về ngoại giao và chiến lược nặng nề đặt lên vai Bắc Kinh đã thúc đẩy giới làm chính sách và các nhà phân tích Trung Quốc chú ý hơn đến vấn đề tranh chấp, khiến họ phải nghiên cứu chính sách của các quốc gia khác và đưa ra những phản ứng thích hợp cũng như các lựa chọn chính sách trong tương lai.
Có bốn chủ đề đáng lưu ý nổi lên từ cuộc tranh luận ở Trung Quốc. Đầu tiên, đối lập với sự phê phán phổ biến từ bên ngoài về sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc, đa số quan điểm của những nhà phân tích Trung Quốc cho rằng sự căng thẳng và các tranh chấp chủ yếu là do sự câu kết giữa Mỹ và những bên yêu sách khác trong khu vực. Thứ hai, họ cũng cho rằng Trung Quốc cần chủ động hơn trên Biển Đông nhằm thay đổi trạng thái bị động hiện tại. Theo đó, Trung Quốc có thể thực hiện được mục tiêu này bằng việc chủ động trong ba lĩnh vực: tăng tốc khai thác tài nguyên ở Biển Đông; hạn chế sự can dự của Mỹ trong vấn đề Biển Đông; và linh hoạt hơn trong việc áp dụng chủ nghĩa đa phương nhằm giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống khác nhau ở Biển Đông. Thứ ba, đa số những nhà nghiên cứu và quan chức Trung Quốc tin rằng các tranh chấp xung quanh Biển Đông trong những năm qua đã khiến cho môi trường an ninh khu vực của Trung Quốc bị xấu đi. Thứ tư, dường như có một sự đồng thuận đang gia tăng cho rằng Bắc Kinh nên thi hành một chính sách Biển Đông ôn hòa, phù hợp hơn trong thời gian sắp tới.
Người ta cho rằng có hai phe chính trong cuộc tranh luận ở Trung Quốc: phe cứng rắn và phe ôn hoà. Nghiên cứu này cho rằng còn có một luồng quan điểm trung dung đáng lưu ý cho rằng cần có các chính sách cứng rắn hơn nhằm bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc tốt hơn, đồng thời cần duy trì tình trạng không có đối đầu với các cường quốc bên ngoài cũng như các quốc gia tranh chấp khác trong khu vực. Dựa vào những phát hiện này, nghiên cứu kết luận rằng Bắc Kinh có thể sẽ thi hành chính sách cứng rắn nhưng tránh đối đầu trong tranh chấp Biển Đông trong thời gian sắp tới.
Nhìn chung, dường như có ba luồng quan điểm chính về nguồn gốc căng thẳng ở Biển Đông trong thời gian gần đây. Nhiều học giả bên ngoài Trung Quốc cho rằng Trung Quốc đã thi hành một chính sách cương quyết ở vùng Biển Đông dẫn đến căng thẳng trong khu vực. Quan điểm này được thừa nhận rộng rãi bởi truyền thông quốc tế cũng như nhiều nhà quan sát và quan chức nước ngoài. Một số ít các nhà quan sát quốc tế lập luận rằng Trung Quốc, trong nhiều trường hợp, chỉ đơn giản là đã phản ứng lại những hành động của các bên tranh chấp khác mà Bắc Kinh cho là đang thách thức quyền lợi và yêu sách của mình trong cuộc tranh chấp.
Cuộc tranh luận ở Trung Quốc đã hé lộ một quan điểm thứ ba, cho thấy sự khác biệt về nhận thức đáng kể giữa Trung Quốc và thế giới bên ngoài về nguồn gốc của các căng thẳng và xung đột ở Biển Đông trong những năm gần đây. Quan điểm chủ đạo ở Trung Quốc cho rằng các quốc gia tranh chấp khác và Mỹ đã câu kết để chống lại Trung Quốc. Trung Quốc dường như tin rằng sự câu kết này là nguyên nhân của căng thẳng và xung đột ở Biển Đông từ năm 2009.
Các chuyên gia Trung Quốc thường cho rằng yếu tố cốt lõi trong tranh chấp Biển Đông trong những năm gần đây chính là chiến lược “trở lại châu Á” của Washington. Dường như nhiều người Trung Quốc cho rằng mục tiêu chính của chiến lược “trở lại châu Á” là để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Thiếu tướng hải quân đã nghỉ hưu Yang Yi thể hiện rõ tình cảm bài Mỹ ở Trung Quốc. Ông Yang buộc tội Mỹ về việc “đẩy mạnh chính sách ngăn chặn Trung Quốc đã có lâu nay: một mặt, Washington muốn Trung Quốc đóng vai trò nào đó trong các vấn đề an ninh khu vực, mặt khác, lại dần thắt chặt sự bao vây Trung Quốc và liên tục thách thức những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”.
 Nhóm các nhà phân tích Trung Quốc này cho rằng ủng hộ những nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc là một phần chiến lược của Washington. Họ cáo buộc rằng sự can dự ngày càng nhiều vào tranh chấp Biển Đông của Mỹ cũng được cổ súy bởi các quốc gia trong khu vực như Việt Nam và Philippines.
 Nhiều nhà phân tích cũng tìm cách xem xét toàn diện các nguyên nhân dẫn đến căng thẳng ở Biển Đông. Theo một bài báo trên Nhân dân Nhật báo, có ba nhân tố tạo nên căng thẳng gia tăng ở Biển Đông trong những năm gần đây. Thứ nhất, các quốc gia lân cận ngày càng chú ý khai thác nguồn lợi kinh tế, đặc biệt là tài nguyên năng lượng ở Biển Đông. Một cách rất phi lý, bài báo đặc biệt đề cập đến việc doanh thu dầu và khí của Việt Nam chiếm đến 24% tổng GDP trong năm 2010.
Thứ hai, đó là sự dịch chuyển chiến lược sang Đông Á của Mỹ. Washington đã sử dụng Biển Đông như một con bài để duy trì vị thế an ninh vượt trội trong khu vực và điều này trùng khớp với mong muốn của nhiều quốc gia lân cận trong việc quốc tế hoá vấn đề Biển Đông. Thứ ba, sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc đã khiến cho các quốc gia láng giềng tìm cách lôi kéo Mỹ vào nhằm cân bằng lại sự trỗi dậy này. Luận điểm cuối cùng, có phần nào nhìn vào bản thân Trung Quốc để mổ xẻ vấn đề, dù không được nhiều nhà phân tích ở Trung Quốc chia sẻ nhưng lại được chấp nhận bởi một số chuyên gia Đông Nam Á ở Trung Quốc. Theo ông Ma Yanbing, một chuyên gia Đông Nam Á tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR), sự gia tăng quyền lực của Trung Quốc, đặc biệt là sức mạnh hải quân, đã “khiến Việt Nam lo sợ”. Điều này khiến cho lãnh đạo Việt Nam nghĩ rằng họ nên chớp lấy cơ hội cuối cùng để xử lý ván bài Biển Đông trước khi Trung Quốc trở nên quá mạnh.
Những năm gần đây, một đề tài thường xuyên được chú ý về tranh chấp Biển Đông là các quan ngại về tự do hàng hải. Một luận điểm phổ biến được các chuyên gia phân tích Trung Quốc thường xuyên đưa ra là Washington đã dựng nên câu chuyện “tự do hàng hải” và sử dụng nó như một công cụ để gây áp lực cho Trung Quốc. Họ cho rằng Mỹ đã đưa ra một giả thuyết sai trái về mối đe doạ tự do hàng hải ở Biển Đông. Bắc Kinh tin rằng Mỹ chỉ đơn giản đang niệm câu thần chú “tự do hàng hải” như một cái cớ để xen vào ở tranh chấp Biển Đông nhằm duy trì ưu thế quân sự vượt trội của Mỹ trong khu vực. Nhiều chuyên gia Trung Quốc tin rằng luận điệu của Mỹ về tự do hàng hải ở Biển Đông là nhằm nhấn mạnh lập trường của Mỹ về việc tự do tiến hành các hoạt động trinh thám quân sự ở vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, như sự cố tàu Impeccable đã chứng minh.
Khu trục hạm Mỹ thực hiện tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông
Một bài báo trong Thời báo Quốc phòng chỉ ra rằng Mỹ đã tung ra hàng loạt những tàu giám sát quân sự để thu thập thông tin tình báo từ các quốc gia ven Biển Đông, đe doạ nghiêm trọng cho an ninh của các quốc gia này. Tác giả tuyên bố rằng “sự tự do hàng hải thật sự mà Mỹ muốn đảm bảo chính là sự tự do của Mỹ trong việc đe doạ quân sự các quốc gia khác”. Quan điểm này dường như cũng phản ánh lập trường chính thức của Trung Quốc. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Dương Khiết Trì tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) vào tháng 7/2010 đã phản pháo lại tuyên bố của bà Hillary Clinton về Biển Đông bằng việc phủ nhận tự do hàng hải là một vấn đề. Sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần nói rằng Washington chỉ sử dụng luận điệu về tự do hàng hải nhằm trục lợi về mặt chiến lược và ngoại giao mà thôi.
Các căng thẳng và tranh chấp trong những năm gần đây đã làm gia tăng tinh thần dân tộc ở Trung Quốc. Những cư dân mạng Trung Quốc thường thể hiện cái nhìn hết sức cứng rắn với những quốc gia tranh chấp khác, đặc biệt là Việt Nam, Philippines cũng như Mỹ. Họ chỉ trích chính phủ Trung Quốc đã quá nhu nhược trong vấn đề Biển Đông. Một lá thư của độc giả gửi đến tờ National Defence Times với tựa đề “Nếu hiện tại không mạnh tay ở Biển Đông, sẽ không có bất cứ cơ hội nào trong tương lai” đã phản ánh cái nhìn diều hâu của một bộ phận đáng kể công luận Trung Quốc. Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc, vốn có tiếng trong việc thu lợi từ việc kinh doanh chủ nghĩa dân tộc, đã xuất bản nhiều bài báo và xã luận có quan điểm gay gắt về việc gia tăng căng thẳng ở Biển Đông trong hai năm trở lại đây. Một bài xã luận thu hút được nhiều sự chú ý đã hô hào như sau:
“Một vài quốc gia láng giềng của Trung Quốc đã lợi dụng những chính sách đối ngoại mềm dẻo của Trung Quốc, biến nó thành cơ hội vàng để mở rộng lợi ích khu vực của họ… Hiện tại, theo như quan điểm chính thống, trước hết Trung Quốc nên thông qua những kênh đàm phán chính để giải quyết tranh chấp biển với các quốc gia khác. Nhưng nếu tình huống chuyển biến xấu đi, thì cần phải có những hành động quân sự… Nếu những quốc gia này không muốn thay đổi cách đối xử của họ với Trung Quốc, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ chiến tranh. Chúng ta cần sẵn sàng cho điều này, bởi vì nó có thể là cách duy nhất để giải quyết vấn đề tranh chấp biển.
Có vẻ như giới quân sự Trung Quốc đã lựa chọn một lập trường cứng rắn đối với tranh chấp Biển Đông. Không lâu sau những mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ ở Diễn đàn ARF vào tháng 7/2010 tại Hà Nội, hải quân Trung Quốc  đã tổ chức một cuộc diễn tập quy mô lớn ở Biển Đông. Tổng tham mưu trưởng PLA Chen Bingde đã nói rằng: “chúng ta phải đặc biệt chú ý sự thay đổi tình hình ở khu vực và sự gia tăng nhiệm vụ của chúng ta; tự thân chuẩn bị cho đấu tranh quân sự”.  Ba hạm đội của PLA đã tiến hành một cuộc diễn tập chung thay vì tiến hành các cuộc tập trận riêng rẽ như thường lệ trong suốt lễ kỷ niệm thành lập PLA vào ngày 1/8. Xu Guangyu, chuyên gia cấp cao tại Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí và Giải trừ Quân bị Trung Quốc, cho rằng đây là phản ứng của PLA đối với “một đòi hỏi chiến lược”. Thiếu tướng Lưu Nguyên thì cho rằng: “Trung Quốc là một nạn nhân của tranh chấp Biển Đông, tuy nhiên Trung Quốc đã nhẫn nhịn. Các quốc gia tranh chấp lân cận không nên tiếp tục lấn tới… Nếu không thì hậu quả có thể trầm trọng hơn là sự đe doạ suông”.
Việc sử dụng vũ lực có thể khiến Trung Quốc rơi vào cái bẫy của Mỹ. Một học giả Trung Quốc cho rằng sự can thiệp của Mỹ ở Biển Đông có thể là một âm mưu của Mỹ để lôi kéo Trung Quốc vào một cuộc chiến tranh khu vực dai dẳng nhằm làm suy yếu Trung Quốc.

Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ dàn trận diễn tập trên biểnCụm tác chiến tàu sân bay Mỹ dàn trận diễn tập trên biển
Giữa những tuyên bố và bình luận hiếu chiến, Trung Quốc nhận thức rõ được những tác động tiêu cực của các diễn biến ở Biển Đông đối với quan hệ an ninh của nó trong khu vực. Sách trắng thường niên về ngoại giao Trung Quốc, được xuất bản bởi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, và Sách xanh về Châu Á – Thái Bình Dương, được phát hành bởi Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) vào tháng 1/2011 đã cho rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với các thách thức an ninh chưa từng có trong năm 2010.
Một nhóm chuyên gia ở CASS cũng kết luận rằng việc Mỹ “trở lại châu Á” đã gây nguy hiểm cho mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng bằng cách tạo ra hàng rào ngăn cách giữa hai bên, làm suy giảm lòng tin chính trị và tạo ra sự phức tạp mới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia Trung Quốc vẫn giữ thái độ điềm đạm và ủng hộ một cách tiếp cận ít nhiều thận trọng đối với vấn đề Biển Đông.
Vào đầu tháng 6/2011, một số viện nghiên cứu chính sách đáng chú ý, bao gồm CASS, Hội Thái Bình Dương của Trung Quốc, Quỹ Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược của Trung Quốc, Đại học Nhân Dân, Học viện Thương Hải về Nghiên cứu Quốc tế, phối hợp tổ chức một diễn đàn về các vấn đề an ninh liên quan đến Trung Quốc và khu vực Thái Bình Dương. Quan điểm bao trùm của diễn đàn, được tham dự bởi một số nhà phân tích Trung Quốc hàng đầu, đã khác biệt rõ rệt với thái độ cứng rắn và hiếu chiến như miêu tả ở phần trên. Ví dụ, Liu Jiangyong, một nhà phân tích an ninh tại Đại học Thanh Hoa, chỉ ra rằng Trung Quốc nên nỗ lực dung hoà vị thế “ẩn mình chờ thời” với việc “đạt được điều gì đó” trong tranh chấp Biển Đông. Ông cũng đưa ra một gợi ý đúng đắn cho chính sách an ninh Trung Quốc ở Đông Á: hợp tác lâu dài, phát triển lâu dài và an ninh bền vững, đồng thời ngăn chặn các mối đe dọa thông qua hợp tác, và thúc đẩy hợp tác trong khi ngăn chặn các mối đe dọa.
Nhiều nhà phân tích ở Trung Quốc bác bỏ thẳng thừng phương án sử dụng vũ lực ở Biển Đông. Họ cho rằng việc sử dụng vũ lực là không thực tế vì những hạn chế của Trung Quốc. Học giả đến từ Hải Nam Ngô Sĩ Tồn nhấn mạnh rằng Trung Quốc phải biết cân bằng giữa việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình với việc gìn giữ ổn định ở Biển Đông, đồng thời hướng đến sự ổn định toàn cục ở Biển Đông nhằm giữ vững giai đoạn cơ hội chiến lược. Vì thế, ông tin rằng trong tương lai, việc giải quyết vấn đề Biển Đông sẽ nhiều khả năng thông qua biện pháp hoà bình, đặc biệt là thông qua đàm phán dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và luật biển đương đại.
Thứ hai, việc sử dụng vũ lực có thể khiến Trung Quốc rơi vào cái bẫy của Mỹ. Một học giả Trung Quốc cho rằng sự can thiệp của Mỹ ở Biển Đông có thể là một âm mưu của Mỹ để lôi kéo Trung Quốc vào một cuộc chiến tranh khu vực dai dẳng nhằm làm suy yếu Trung Quốc. Ông cho rằng chính vì lý do này mà Trung Quốc nên thận trọng. Hơn nữa, Trung Quốc vẫn còn kém xa Mỹ, nên cần nhiều thời gian hơn để phát triển quốc gia. Vì vậy, ông kết luận rằng Trung Quốc hoàn toàn không cần thiết và quá mạo hiểm khi tham gia vào xung đột quân sự.Thứ ba, xung đột quân sự ở Biển Đông có thể làm chệch hướng chú ý của Trung Quốc khỏi tranh chấp đối với Đài Loan. Từ quan điểm địa chính trị, Trung Quốc nên duy trì quan tâm an ninh chủ yếu của mình vào Đài Loan và Nhật Bản trong khi tìm cách xây dựng các quan hệ đối tác ở Đông Nam Á. Một khi Trung Quốc vẫn chưa giải quyết xong vấn đề tranh chấp Đài Loan và đảo Điếu Ngư, Trung Quốc nên tránh đối đầu với các quốc gia Đông Nam Á.
Xue Li, một nhà chiến lược ở CASS cũng chứng minh rằng việc sử dụng bạo lực ở Biển Đông sẽ lôi Trung Quốc vào nhiều hệ quả khó khăn khác: áp lực ngoại giao nặng nề từ cộng đồng quốc tế về việc Trung Quốc thách thức luật pháp quốc tế, phá huỷ môi trường khu vực ổn định cho sự phát triển hoà bình của Trung Quốc, và làm mất đi giai đoạn cơ hội chiến lược cho sự phát triển xa hơn của quốc gia. Bác bỏ việc sử dụng vũ lực, các nhà phân tích khác nhấn mạnh việc Trung Quốc cần tiếp tục sử dụng phương thức hoà bình để giải quyết tranh chấp, và can dự quân sự với các quốc gia trong khu vực để nâng cao sự tin tưởng lẫn nhau. Họ thúc giục Trung Quốc làm việc với các quốc gia tranh chấp khác để giảm căng thẳng và đạt được một số đột phá trong đàm phán nhằm tránh việc Mỹ có cớ để can thiệp.
Ở mức độ chính thức, phía Trung Quốc kiên định các yêu sách của mình ở Biển Đông và bảo vệ các hành động quyết liệt chống lại các bên tranh chấp khác. Cùng lúc đó, Bắc Kinh cũng tranh thủ cơ hội để cải thiện quan hệ với các quốc gia tranh chấp khác. Dù sao đi nữa, cách xử lý chính thức các cuộc khủng hoảng Biển Đông trong những năm gần đây đã phản ánh các chính sách mà các học giả ôn hoà ủng hộ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng là cơ quan giữ vai trò chủ đạo trong xử lý tranh chấp Biển Đông và họ luôn ủng hộ chính sách mang tính ôn hòa.
Khi được hỏi ý kiến về nội dung của bài xã luận nêu trên của Thời báo Hoàn Cầu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho rằng các cơ quan truyền thông có quyền biên tập và bình luận. Bà cũng nói thêm rằng bà tin truyền thông Trung Quốc sẽ đưa tin một cách trung thực, khách quan và có trách nhiệm. Sau đó bà nhắc lại ý định hoà bình của Trung Quốc đối với các nước láng giềng và nhấn mạnh các cuộc đàm phán là cách thức tốt hơn nhằm giúp ổn định tình hình. Nhận định của bà có thể được xem như là sự không đồng ý với bài xã luận của Thời báo Hoàn Cầu.
Các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nỗ lực bảo vệ chính sách bị cho là nhu nhược này. Một quan chức Ngoại giao tên là Zhang Yan đã phản bác lại những chỉ trích cho rằng chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông là quá yếu ớt tại diễn đàn hồi tháng 6/2011. Bà bảo vệ chính sách của Trung Quốc trên cơ sở cho rằng chính sách đối ngoại Trung Quốc là để phục vụ cho mục tiêu tạo dựng một xã hội khá giả trong nước. Nguyên Vụ trưởng Vụ Châu Á tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhang Jiuheng cũng bảo vệ cho chính sách này rằng: “Vấn đề Biển Đông thật sự rất phức tạp. Chúng ta cần thừa nhận sự tồn tại của tranh chấp… Không ai muốn thấy căng thẳng trong khu vực. Không ai mong muốn có xung đột quân sự trong khu vực cả.”
 Đáp lại lời kêu gọi trong nước đòi Trung Quốc lựa chọn lập trường cứng rắn hơn trong các vấn đề quốc tế, Uỷ viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc đã đăng một bài trên tờ Nhân dân Nhật báo vào tháng 12/2010, trong đó ông có đề cập rằng: “nếu chúng ta không thể xử lý đúng đắn các mối quan hệ với thế giới bên ngoài, cơ hội phát triển trong 20 năm của thế kỷ mới được gầy dựng nên bởi nền hoà bình quốc tế, sự ổn định tổng thể trong quan hệ giữa các cường quốc và sự phát triển nhanh chóng của khoa học – công nghệ, sẽ bị đánh mất”.
Sự bất đồng ngoại giao tại ARF năm 2010 ở Hà Nội đã thúc đẩy Bắc Kinh nhìn nhận nghiêm túc vấn đề Biển Đông, đặc biệt là chính sách mang tính can thiệp ngày càng nhiều của Mỹ. Sau mùa hè năm 2010, Trung Quốc bắt đầu có nhiều hành động để xoa dịu tranh chấp ở Biển Đông. Các bên tranh chấp khác đã phản ứng tích cực trước những nỗ lực ngoại giao này. Vào tháng 8, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh đã đến thăm Bắc Kinh và một lần nữa cam đoan với Trung Quốc về các ý định và cam kết ôn hoà của Việt Nam. Ông tỏ ý rằng Việt Nam sẽ không theo đuổi ba hành động sau: tham gia liên minh với quốc gia khác; cho phép thiết lập các căn cứ nước ngoài ở Việt Nam; và phát triển mối quan hệ với các nước khác nhằm chống lại bên thứ ba.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc –ASEAN vào tháng 10, thủ tướng Ôn Gia Bảo đã xác nhận lại rằng Trung Quốc sẵn sàng làm việc với các quốc gia ASEAN để thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Tại cuộc họp bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM Plus) lần đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã phản hồi nhẹ nhàng khi vấn đề Biển Đông được đưa ra. Vào tháng 10, Thứ trưởng Ngoại giao Trương Chí Quân đã thăm bốn nước ASEAN trong một chuyến đi tìm kiếm sự thật. Vào tháng 11, Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình, trong một chuyến thăm Singapore, đã cố gắng đảm bảo với các nước về khuynh hướng hoà bình của Trung Quốc trong khu vực.
Tới cuối năm 2010, nhiều nhà quan sát trông chờ một giai đoạn tương đối hoà dịu ở Biển Đông vì các quốc gia tranh chấp đã bắt đầu đàm phán về dự thảo bản hướng dẫn thực hiện DOC. Tuy nhiên, một loạt các hành động của các cơ quan chấp pháp Trung Quốc chống lại các hoạt động kinh tế của Philippines và Việt Nam ở Biển Đông một lần nữa lại thổi bùng mâu thuẫn từ tháng 3 đến tháng 6/2011. Trước khi mâu thuẫn leo thang, Bắc Kinh và Hà Nội đã đồng ý đàm phán. Tháng 6/2011, Việt Nam đã cử đặc phái viên đến Bắc Kinh. Hai bên đồng ý về những điểm sau: giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán; kiềm chế không thực hiện những hành động có thể làm căng thẳng leo thang; chống lại sự can thiệp từ bên thứ ba; và chủ động định hướng dư luận ở mỗi nước.
Cuối tháng 8, các quan chức quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc gặp nhau ở Bắc Kinh và thảo luận cách thức giảm căng thẳng ở Biển Đông. Một số quan chức cấp cao của cả hai nước tiếp tục gặp nhau ở Hà Nội vào đầu tháng 9 để tham dự cuộc họp lần thứ năm của Uỷ ban chỉ đạo quan hệ Trung Quốc – Việt Nam. Cả hai nước đều nắm lấy cơ hội này để làm giảm căng thẳng. Tuyên bố chung được đưa ra bởi các đồng chủ tịch của ủy ban, Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khi đó, đều mang giọng hoà giải, cả hai bên cam kết sẽ chấp hành DOC.
Sau vài tháng đàm phán, Bắc Kinh cuối cùng đã quyết định ký kết văn bản này với ASEAN vào tháng 7/2011 tại Hội nghị Ngoại trưởng Trung Quốc – ASEAN. Trung Quốc cam kết hợp tác với các quốc gia tranh chấp khác để thực hiện DOC và đề xuất đứng ra tổ chức một hội thảo về tự do hàng hải ở Biển Đông cũng như thiết lập ba ủy ban kỹ thuật về nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường, an toàn hàng hải và tìm kiếm và cứu nạn, và chống tội phạm xuyên quốc gia trên biển. Sau khi bản hướng dẫn được thông qua, tờ Nhân dân Nhật báo đã nhận định rằng: “Điều này có lợi cho hoà bình và ổn định ở Biển Đông và sẽ đóng vai trò quan trọng đối với việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và phân định các vùng biển của Biển Đông giữa các quốc gia liên quan. Nó chứng tỏ rằng Trung Quốc và các nước ASEAN đã có quyết tâm, niềm tin cũng như khả năng thúc đẩy hoà bình và ổn định ở Biển Đông”.
Trung Quốc ngang nhiên cho máy bay đáp xuống Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ngang nhiên thách thức dư luận quốc tế, gây căng thẳng khu vực
Chuyến thăm của lãnh đạo Đảng Việt Nam đến Trung Quốc vào tháng 10/2011 là một cột mốc đáng kể. Trong chuyến thăm này, cả hai nước đã quyết định thiết lập một đường dây nóng giữa lãnh đạo hai nước, một chỉ dấu cho thấy mối quan tâm chung trong việc ngăn chặn những khủng hoảng trong tương lai. Hai nước cũng đồng ý thắt chặt hợp tác quân sự qua nhiều phương thức: tiếp tục đối thoại chiến lược ở cấp thứ trưởng quốc phòng; chuẩn bị thiết lập đường dây điện thoại trực tiếp giữa bộ quốc phòng hai nước, mở rộng giao lưu trao đổi giữa những sĩ quan trẻ, thăm dò tính khả thi của việc tiến hành tuần tra chung dọc biên giới; tiếp tục tuần tra hải quân chung tại Vịnh Bắc Bộ, và gia tăng các chuyến thăm cảng lẫn nhau của hải quân hai bên.
Trong thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản cho việc giải quyết tranh chấp biển, Trung Quốc và Việt Nam cam kết tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho các tranh chấp. Cả hai bên cũng đồng ý thảo luận những giải pháp tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và yêu sách của mỗi bên, bao gồm cả việc khai thác chung. Hai nước đều đồng ý trước tiên cần giải quyết các vấn đề ít mâu thuẫn trước, bao gồm việc phân định ranh giới và khai thác chung khu vực phía Nam cửa Vịnh Bắc Bộ, hợp tác bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu biển, tìm kiếm và cứu nạn cũng như ngăn ngừa và cứu trợ thiên tai. Trung Quốc và Việt Nam cũng đồng ý để trưởng đoàn đàm phán về biên giới gặp gỡ thường xuyên và thiết lập đường dây nóng để trao đổi nhằm giải quyết các xung đột trên biển một cách kịp thời và hiệu quả.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Philippines Aquino đến Trung Quốc vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2011, cả hai nước đều làm nhẹ những tranh chấp của họ ở Biển Đông. Tuyên bố chung được công bố trong chuyến thăm chỉ đề cập ngắn gọn rằng tranh chấp biển không nên ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước. Lãnh đạo hai bên lặp lại rằng họ sẽ giải quyết tranh chấp qua đàm phán hoà bình và tuân thủ DOC. Theo đó, Trung Quốc và Philippines tập trung vào việc thắt chặt kinh tế. Hai trăm doanh nhân Philippines cũng đã tháp tùng chuyến đi của Tổng thống Aquino. Trong chuyến đi, nhiều đề xuất cho việc tăng cường hợp tác kinh tế cũng được công bố. Cả hai bên đều thể hiện sự quan tâm chung đối với các liên doanh khai thác mỏ ở Philippines vốn có thể thu hút từ 2 đến 7 tỷ đô la Mỹ đầu tư từ Trung Quốc. Bắc Kinh và Manila tuyên bố sẽ gia tăng mức thương mại song phương lên 60 tỷ USD và nâng số khách du lịch lên 2 triệu người vào năm 2016.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc vào tháng 11/2011, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục là một láng giềng tốt, người bạn tốt và đối tác tốt của ASEAN, nhấn mạnh Trung Quốc sẵn sàng làm việc với các quốc gia ASEAN để hướng đến việc thực thi toàn diện DOC. Ông nói thêm rằng Trung Quốc cũng sẵn sàng thảo luận soạn thảo Bản Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và cam kết sẽ gia tăng viện trợ của Trung Quốc và hợp tác kinh tế với ASEAN. Ông đề nghị gửi nhiều nhóm doanh nghiệp đến ASEAN để gia tăng thương mại và đầu tư, thiết lập một trung tâm trưng bày sản phẩm ASEAN ở Nam Ninh (Quảng Tây), và thúc đẩy hơn nữa kết nối đường biển và đường bộ giữa Trung Quốc và Đông Nam Á.
Ông Ôn cũng cam kết cung cấp các khoản vay trị giá 10 tỷ đô la Mỹ (bao gồm 4 tỷ đô la Mỹ vay ưu đãi) cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước ASEAN và một quỹ hợp tác biển Trung Quốc-ASEAN với số tiền 3 tỷ nhân dân tệ để hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển, vận tải đường biển, an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, và hoạt động chống tội phạm xuyên quốc gia. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, ông Ôn đã không phản bác lại phát biểu của Tổng thống Obama và những lãnh đạo khác. Thay vào đó, ông xác nhận lại tự do hàng hải ở Biển Đông. Ông cũng thể hiện cái nhìn tích cực về DOC và lặp lại quan điểm chính thức của Trung Quốc về việc tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho các tranh chấp với các nước có liên quan.
Nhiều nhà quan sát đồng ý rằng các cơ quan chấp pháp biển Trung Quốc đã trở nên hung hăng và cứng rắn hơn trong việc bảo vệ những gì được cho là lợi ích của nước họ trên Biển Đông. Trong khi nhận định này là đúng, cũng cần phải để ý rằng các tàu tuần tra của Trung Quốc dường như thể hiện thái độ thận trọng ít nhiều. Vào ngày 2 tháng 3/2011, sau khi cảnh báo tàu khảo sát của Philippines MV Veritas Voyager hoạt động gần Bãi Cỏ Rong, hai tàu tuần tra của Trung Quốc đã nhanh chóng rời khỏi hiện trường trước khi máy bay và tàu của lực lượng tuần duyên Philippines đến. Những tàu tuần tra này sau đó đã không trở lại hiện trường để tiếp tục quấy rối tàu của Philippines.
Các trường hợp tàu Trung Quốc cắt cáp của tàu khảo sát dầu khí Việt Nam vào tháng 5 và tháng 6/2011 lại phản ánh sự khác biệt nhỏ trong cách thức Trung Quốc giải quyết hai sự kiện. Sự kiện đầu tiên vào cuối tháng 5, thuỷ thủ đoàn trên một tàu hải giám Trung Quốc đã cắt dây cáp của tàu khảo sát của Việt Nam. Trường hợp thứ hai vào đầu tháng 6, người Trung Quốc cố gắng tinh vi hơn. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc biện bạch, các tàu cá của Trung Quốc đã bị tàu có vũ trang của Việt Nam truy đuổi, và trong khi chạy trốn, lưới đánh cá của một trong những tàu Trung Quốc đã bị vướng vào dây cáp tàu khảo sát dầu Việt Nam.
Tàu cá Trung Quốc đã bị kéo đi hơn một giờ trước khi nó được trả tự do. Trường hợp thứ hai, nếu những tuyên bố của Trung Quốc được chứng minh là đúng, sẽ chứng tỏ rằng Trung Quốc đã cố gắng khéo léo hơn nhằm tránh một cuộc đối đầu trực tiếp với Việt Nam. Bên cạnh việc cho rằng tàu Việt Nam đang hoạt động bất hợp pháp trên vùng biển mà Trung Quốc yêu sách, Bắc Kinh còn cố gắng biện minh cho hành động cắt dây cáp với lý do bảo vệ ngư dân và tàu cá Trung Quốc khỏi nguy hiểm. (Tuy nhiên sự kiện hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014 và thực trạng Trung Quốc ráo riết cải tạo, xây đảo trái phép, quân sự hóa Biển Đông hiện nay đã nói lên dã tâm và mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc).
http://viettimes.vn/dia-chinh-tri/bien-dong-nong-trung-quoc-hai-bi-my-cho-vao-bay-ii-49186.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét