Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

Hồ Quý Ly

Hồ Quý Ly (chữ Hán: 胡季犛; 1336 – 1407), tự Lý Nguyên, là vua sáng lập nhà Hồ Việt Nam. Ông trị vì được 1 năm thì trao ngôi cho con là Hồ Hán Thương để lên ngôi làm Thái thượng hoàng, cho đến khi ông bị bắt qua nhà Minhsau khi bị thua trận vào năm 1407.

Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]

Hồ Quý Ly trước có tên là Lê Quý Ly (黎季犛), tên tự là Lý Nguyên (理元). Ông sinh năm Ất Hợi (1335), quê ở Đại Lại, Vĩnh Lộc (nay là xã Hà Đông, huyện Hà TrungThanh Hóa). Về dòng dõi Hồ Quý Ly, sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển VII chép:[1]
...Tổ tiên Hồ Quý Ly là Hồ Hưng Dật, vốn là người Triết Giang bên Trung Quốc, thời Hậu Hán (947-950) được vua Hán cử sang làm Thái thú Châu Diễn (tức vùng Diễn ChâuNghệ An). Đến thời loạn mười hai sứ quân, họ Hồ dời vào hương Bào Đột (nay là xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu, Nghệ An) và trở thành một trại chủ. Đến thời Lý, trong họ có người lấy công chúa Nguyệt Đích, sinh ra công chúa Nguyệt Đoan. Đời cháu thứ 12 của Hồ Hưng Dật là Hồ Liêm dời đến ở hương Đại Lại, Vĩnh LộcThanh Hóa. Hồ Liêm làm con nuôi của Tuyên úy Lê Huấn rồi lấy họ Lê làm họ của mình. Hồ Quý Ly là cháu 4 đời của Lê Liêm, khi lên làm vua thì đổi lại họ Hồ...
Mẹ Hồ Quý Ly là con gái Phạm Bân, một thầy thuốc giỏi người huyện Vĩnh Lộc, là quan Thái y dưới triều Trần Anh Tông. Hồ Quý Ly còn có hai người cô trong họ làm phi tần của Trần Minh Tông, một bà sinh ra Trần Nghệ Tông, một bà sinh ra Trần Duệ Tông.

Đời nhà Trần[sửa | sửa mã nguồn]

Nghệ Tông tin dùng[sửa | sửa mã nguồn]

Cuối năm 1370, Cung Định vương Trần Phủ đảo chính lật đổ Dương Nhật Lễ, lên ngôi vua, tức Trần Nghệ Tông. Lê Quý Ly là anh em họ bên ngoại, nên rất được Nghệ Tông tin tưởng. Năm 1371, ông được Trần Nghệ Tông bổ nhiệm làm Trưởng cục chi hậu, chẳng bao lâu sau, ông lại được thăng lên làm Khu mật viện đại sứ. Sự tin tưởng tuyệt đối của Nghệ Tông đối với Lê Quý Ly có thể được thể hiện rõ qua việc ông được Nghệ Tông gả người em gái là Huy Ninh công chúa[2]. Tháng 8 năm đó, ông được lệnh phải đi đến Nghệ An để chiêu tập dân chúng, vỗ yên nơi biên giới. Sang tháng 9, Trần Nghệ Tông lại gia phong Lê Quý Ly làm Trung Tuyên quốc thượng hầu.[3]
Tháng 11 năm 1372, Trần Nghệ Tông xuống chiếu nhường ngôi cho em là Trần Kính, tức là Trần Duệ Tông, còn bản thân lên làm Thái thượng hoàng. Trần Duệ Tông là con của Đôn Từ thái phi, cũng là cô của Lê Quý Ly. Trần Duệ Tông lấy Lê Quý Ly làm Tham mưu quân sự.[4] Năm 1376, vua Chiêm là Chế Bồng Nga lại mang quân xâm lấn. Duệ Tông sai Đỗ Tử Bình đi đánh. Chế Bồng Nga sợ hãi, xin dâng 10 mâm vàng tạ tội. Tử Bình giấu vàng đi, lại tâu về triều rằng vua Chiêm kiêu ngạo không thần phục. Duệ Tông quyết định thân chinh đi đánh. Tháng 12 năm 1376, Duệ Tông cầm 12 vạn quân đánh Chiêm Thành.[5] Tháng giêng năm 1377, quân Trần tiến vào cửa Thi Nại (Quy Nhơn), đánh lấy đồn Thạch Kiều rồi tiến tới kinh thành Đồ Bàn nước Chiêm. Quân nhà Trần bị quân Chiêm phục kích, Duệ Tông tử trận. Lê Quý Ly bấy giờ đang đốc thúc quân tải lương, được tin Duệ Tông tử trận, sợ hãi, bỏ chạy về trước.[6]
Trần Nghệ Tông thấy Duệ Tông tử trận, nên chiêu hồn chôn ở Hy Lăng và cho lập con trưởng của em là Kiến Đức Đại vương Trần Hiện lên làm vua, tức là Trần Phế Đế, tôn hiệu Giản Hoàng.[6][7]
Sau khi đánh bại Trần Duệ Tông, vua Chăm Pa Chế Bồng Nga biết binh lực nhà Trần suy nhược nên liên tục phát binh Bắc tiến. Trong vòng chỉ hai năm (1377-1378), quân Chăm Pa tiến công hai lần, hai lần đều vào được thành Thăng Long. Đầu năm 1380, vua Chăm Pa phát quân đánh vào Thanh Hóa, Nghệ An. Tháng 3 năm đó, Lê Quý Ly được lệnh thống lĩnh quân mã đi vào Thanh Hóa để chống giữ. Quý Ly đem quân đến sông Ngu (nay là sông Lạch Trường ở huyện Hoằng Hóatỉnh Thanh Hóa), thì ông ra lệnh cho binh sĩ đóc cọc gỗ ở giữa lòng sông.[8] Tháng 5 cùng năm, Quý Ly dẫn viên tướng chỉ huy quân Thần Vũ và Nguyễn Kim Ngao và tướng chỉ huy quân Thị vệ là Đỗ Dã Kha ra đánh. Kim Ngao quay thuyền trở lại để tránh mũi nhọn của giặc. Quý Ly chém Ngao để thị uy trước ba quân, rồi ra lệnh quân sĩ nổi trống hò reo mà tiến. Vua Chiêm Chế Bồng Nga chống cự không được, phải rút chạỵ về nam.[9] Sang năm 1382, quân Chiêm lại Bắc tiến đánh vào Thanh Hóa. Lê Quý Ly đem quân đóng đồn ở núi Long Đại ở Thanh Hóa (tức núi Hàm Rồng), Nguyễn Đa Phương đóng cọc giữ cửa biển Thần Đầu. Quân Chiêm hai đường tiến đánh. Khi thủy quân Chiêm lại gần, Đa Phương không đợi lệnh Quý Ly, cho mở cọc cắm cừ, tiến ra giao chiến. Quân Chiêm trở tay không kịp, quân Trần dùng hỏa khí ném vào làm thuyền Chiêm bị cháy đắm gần hết. Quân Chiêm thua to, phải bỏ chạy vào rừng núi. Quân Trần vây núi ba ngày, quân Chiêm nhiều người bị chết đói. Thủy quân Chiêm còn lại bỏ chạy về nước. Quân Trần đuổi theo đánh đến Nghệ An.[10]
Kể từ khi giành toàn thắng trong các trân sông Ngu và cửa Thần Đầu, quân thế quân Trần đã tốt hơn nhiều. Do vậy, tháng 1 năm 1383, Trần Nghệ Tông ra lệnh cho Lê Quý Ly đem quân vào đến Lại Bộ Nương Loan (ở huyện Kỳ AnhHà Tĩnh ngày nay) nhưng gặp phải bão đánh nát mất nhiều thuyền chiến, vì vậy lại phải rút quân về. Sang tháng 6, Chế Bồng Nga cùng với đại tướng La Khải đem quân đi đường núi ra đóng ở đất Quảng Oai (nay thuộc Ba VìHà Nội). Về sau, Trần Nghệ Tông sai tướng Mật Ôn đi đánh, nhưng bị quân Chiêm bắt. Nghệ Tông sợ hãi, chạy khỏi Thăng Long, quân Chiêm lại vào Thăng Long một lần nữa.[11]

Chính biến năm Mậu Thìn (1388)[sửa | sửa mã nguồn]

Thượng hoàng Trần Nghệ Tông tuy nắm giữ đại quyền, nhưng việc gì cũng Lê Quí Ly quyết định. Quý Ly tìm cách phát triển thế lực riêng, nhưng Nghệ Tông vẫn không hề nghi ngại. Lúc đó, lòng các quan lại, tôn thất phần nhiều đã chán nản, rã rời, nhiều người biết trước Hồ Quý Ly sẽ cướp ngôi nhà Trần như Trần Nguyên Đán liền kết thông gia với họ Hồ, mong được phú quý và toàn mạng sau này.[12] Tuy nhiên, Nghệ Tông hết lòng tin rằng Quý Ly vẫn trung thành với triều Trần, nên trao cho họ ông gươm và một lá cờ có đề "Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức".[13]
Bấy giờ, Hoàng đế Trần Hiễn thấy thượng hoàng quá tin dùng Quý Ly, mới bàn với thái úy Trần Ngạc (là con trưởng của Trần Nghệ Tông) rằng nếu không trừ đi ắt thành vạ to. Không ngờ rằng, người hầu vua học là Vũ Như Mai biết được chuyện này, liền báo cho Quý Ly biết trước. Nguyễn Đa Phương khuyên ông nên tránh ra núi Đại Lại (ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa ngày nay) để chờ đợi biến động. Trong khi đó, Phạm Cự Luận lại can rằng:[13][14]
"Không được, một khi đã ra ngoài thì khó lo chuyện sống còn".
Quý Ly nói:
"Nếu không còn phương sách gì thì ta đành tự tử, không để tay kẻ khác giết mình".
Cự Luận nói:
"Thượng hoàng trong lòng vẫn căm vua về việc giết Quan Phục Đại Vương, vua rất không hài lòng. Nay quyền bính trong thiên hạ đều ở đại nhân cả mà vua lại mưu hại ngài thì Thượng hoàng lại càng ngờ lắm. Đại nhân hãy liều vào lạy Thượng hoàng, bày tỏ lợi hại, thì nhất định Thượng hoàng sẽ nghe theo ngài, chuyển họa thành phúc, dễ như trở bàn tay. Thượng hoàng có nhiều con chính đích, ngài cứ tâu rằng thần nghe ngạn ngữ nói "Chưa có ai bán con để nuôi cháu, chỉ thấy bán cháu để nuôi con may ra thượng hoàng tỉnh ngộ mà đổi lập Chiêu Định Vương. Nếu thượng hoàng không nghe thì chết cũng chưa muộn".
Quý Ly nghe vậy, bèn bí mật vào yết kiến thượng hoàng rồi cứ y tâu như lời Cụ Luận.[15] Thượng hoàng nghe vậy, bèn giả vờ vi hành về Yên Sinh, rồi sai người gọi Đế Hiễn đến bàn việc nước. Đế Hiễn đến, lập tức bị bắt rồi bị giam vào chùa Tư Phúc. Các tướng chỉ huy các phủ quân cũ như tướng chỉ huy quân Thiết Liêm là Nguyễn Khoái, Nguyễn Vân Nhi, tướng chỉ huy quân Thiết Giáp là Nguyễn Kha, Lê Lặc, tướng chỉ huy quân Thiết Sang là Nguyễn Bát Sách định đem quân vào cướp lấy vua đem ra. Đế Hiễn viết hai chữ "Giải giáp" đưa cho các tướng và răn bảo họ không được trái ý thượng hoàng, các tướng mới thôi. Lát sau, Nghệ Tông đưa vua xuống phủ Thái Dương và cho thắt cổ cho chết. Bấy giờ Lê Á Phu, cùng nhiều người nữa vì cùng mưu với Đế Hiễn nên đều bị giết cả. Về sự việc này, sử gia Ngô Sĩ Liên trong tác phẩm Đại Việt sử ký toàn thư có nói rằng:[16]

Dần nắm đại quyền[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 10 năm 1389Chế Bồng Nga lại đánh lên Thanh Hóa, tiến vào hương Cổ Vô. Nghệ Tông lại sai Lê Quý Ly dẫn quân chống cự. Quân Chiêm đắp ngăn sông Bản Nha ở thượng lưu, quân Trần đóng cọc đối địch, giữ nhau 20 ngày. Quân Chiêm đặt phục binh, giả cách rút lui. Lê Quý Ly chọn những quân khỏe cho đuổi theo. Quân Trần nhổ cọc ra đánh, quân Chiêm phá đập nước. Quân bộ khỏe mạnh đã đi xa, quân thủy bị ngược dòng không tiến lên được. Kết quả quân Trần bị thua to, hàng trăm tướng tử trận. Quý Ly để tỳ tướng Phạm Khả Vĩnh và Nguyễn Đa Phương ở lại cầm cự với giặc, còn mình thì trốn về Thăng Long xin thêm chiến thuyền để chống cự. Trần Nghệ Tông không cho, vì thế ông giao trả binh quyền, không đi đánh nữa. Phạm Khả Vĩnh và Nguyễn Đa Phương chống giữ ở Ngu Giang, biết mình thế yếu, bèn dùng kế giương nhiều cờ xí để nghi binh mà rút lui. Về việc này, Việt sử tiêu án có ghi rằng:
Việc này Quý Ly trốn trước, Đa Phương trốn theo, thế mà còn cho rằng: toán quân đi giữ gìn sau cùng, là công của mình, có vẻ khoe khoang, thế là những người thua bỏ chạy 50 bước cười người chạy 100 bước, lại không xấu hổ với quân lính buộc thuyền giữ cây gỗ đó hay sao? Còn tài cán gì mà khoe khoang.[17]
Quân Chiêm không dám đuổi theo. Quân Trần rút lui trọn vẹn không bị tổn thất. Trở về kinh thành, Nguyễn Đa Phương công khai chê Quý Ly là bất tài. Quý Ly căm tức, nói với Nghệ Tông rằng trận thua này là do nghe lời Đa Phương. Nghệ Tông nghe vậy bèn cách chức Đa Phương. Quý Ly lại bảo Nghệ Tông nên giết Phương vì sợ Phương đi hàng Chiêm, do đó Nghệ Tông bèn ép Phương tự vẫn.[2]
Bấy giờ, quân nổi loạn khắp nơi, Nguyễn Thanh làm loạn ở Lương Giang, Phạm Sư Ôn nổi dậy ở Quốc Oai. Về việc này, Việt Nam sử lược ghi rằng:
Bấy giờ trong triều thì Lê Quý Ly chuyên quyền, chọn những chân tay cai quản các đội quân để làm vây cánh, ngoài các trấn thì giặc giã nổi lên nhiều lắm. Ở Thanh Hóa có tên Nguyễn Thanh tự xưng là Linh Đức Vương làm loạn ở Lương Giang; tên Nguyễn Kị tự xưng là Lỗ Vương làm loạn ở Nông Cống. Ở Quốc Oai thì có người sư tên là Phạm Sư Ôn nổi lên đem quân về đánh Kinh Sư. Thượng Hoàng, Thuận Tông và Triều đình phải bỏ chạy lên Bắc giang. Phạm Sư Ôn lấy được Kinh sư, ở ba ngày rồi rút về Quốc Oai. Bấy giờ có tướng quân là Hoàng Phụng Thế đóng ở Hoàng Giang để phòng giữ quân Chiêm Thành, nghe tin Sư Ôn phạm đất Kinh sư mới đem quân về đánh lẻn bắt được Sư Ôn và phá tan giặc ấy.
Lúc đó, quân Trần và quân Chiêm cầm cự nhau ở sông Hoàng giang (khúc sông Hồng ở Hà Nam). Chế Bồng Nga bị tướng Trần Khát Chân cho quân dùng súng bắn chết. Quan quân đánh đuổi tàn quân rồi cắt lấy đầu Chế Bồng Nga đem về dâng triều đình. Nghệ Tông thấy đầu Chế Bồng Nga, tự ví mình như Hán Cao Tổthấy đầu Hạng Vũ.
Sau khi nhà nước đã hết loạn quân Chiêm xâm phạm bờ cõi, Lê Quý Ly càng ngày càng tỏ ý chuyên quyền hơn. Đối với những người có ý không tùng phục mình, thì ông xui Trần Nghệ Tông giết đi. Do đó, nhiều hoàng tử, thân vương đều bị giết hại. Mặc dù vậy, Trần Nghệ Tông vẫn đặt lên Quý Ly một niềm tin tuyệt đối. Bây giờ có văn sĩ Trần Mộng Hoa dâng sớ tâu với Thượng hoàng rằng Quý Ly có ý muốn dòm cơ nghiệp nhà Trần. Nghệ Tông xem xong lại đưa tờ sớ cho Quý Ly xem, cho nên những người trung thần đều chán nản không ai muốn nói năng gì nữa.

Tiếm ngôi họ Trần[sửa | sửa mã nguồn]

Uy quyền của Quý Ly một ngày một to, vây cánh một ngày một nhiều, Nghệ Tông sau tỉnh dần dần lại biết lấy làm sợ, nhưng đã chậm lắm rồi, thế không sao được nữa; mới bắt người vẽ cái tranh tứ phụ cho Quý Ly. Trong tranh ấy vẽ Chu công giúp vua Chu Thành VươngHoắc Quang giúp Hán Chiêu ĐếGia Cát Lượng giúpThục Hậu ChủTô Hiến Thành giúp vua Lý Cao Tông, rồi bảo Quý Ly rằng:
"Nhà ngươi giúp con trẫm cũng nên như thế."
Tháng 4, Thượng hoàng Nghệ Tông gọi Quý Ly vào trong điện bắt chước câu nói của Lưu Bị lúc hấp hối Gia Cát Lượng ngày trước, tưởng để mua chuộc được lòng Quý Ly mà bảo rằng:
Bình chương[18] là họ thân thích nhà vua, mọi việc nước nhà đều trao cho khanh cả. Nay thế nước suy yếu, trẫm thì già nua. Sau khi trẫm chết, quan gia nếu giúp được thì giúp, nếu hèn kém ngu muội thì khanh cứ tự nhận lấy ngôi vua.
Quý Ly cởi mũ, khấu đầu khóc lóc mà thề rằng:
"Nếu hạ thần không hết lòng, hết sức giúp nhà vua, thì trời tru đất diệt. Vả ngày trước Linh Đức Vương (tức là Phế Đế) có lòng làm hại, nếu không có uy linh của bệ hạ, thì nay đã ngậm cười dưới đất, còn đâu ngày nay nữa mà mài thân nghiền cốt để báo đền vạn nhất! Vậy hạ thần đâu có ý gì khác, xin bệ hạ tỏ lòng ấy cho và đừng lo gì!"
Tháng 12, năm 1394, Thượng hoàng Nghệ Tông băng hà. Lê Quý Ly lên làm Phụ Chính Thái Sư vào ở trong điện, cho người dịch thiên Vô Dật[19] ra chữ Nôm để dạy Thuận Tông và tự xưng là Phụ Chính Cai Giáo Hoàng Đế.
Tháng 6, năm 1399, Quý Ly tự xưng làm Quốc Tổ Chương Hoàng (國祖章皇), vào ở cung Nhân Thọ, điềm nhiên mặc áo vàng, ra vào hoàng cung theo lệ như hoàng đế, dùng 12 cái lọng vàng. Con là Hán Thương xưng là Nhiếp thái phó, ở bên hữu điện Hoàng Nguyên. Nguyên Trừng làm tư đồ. Bảng văn thì đề là Phụng Nhiếp Chính Quốc Tổ Chương Hoàng, chỉ xưng là "dư" mà chưa dám xưng "trẫm".

Hoàng đế Đại Ngu[sửa | sửa mã nguồn]

Xây dựng đất nước[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 3, năm 1400, Hồ Quý Ly lên ngôi, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên (聖元), đổi quốc hiệu là Đại Ngu. Chưa được một năm, theo cách nhà Trần, ông nhường ngôi cho con thứ là Hồ Hán Thương, làm Thái Thượng hoàng nhưng vẫn tự mình quyết đoán mọi công việc. Về phần Trần Thiếu Đế, do là cháu ngoại nên ông chỉ phế làm Bảo Ninh đại vương và giam lỏng.
Năm 1403, ông ban hành các đồ đo lường (cânthướcđấuthưng) để làm chuẩn trong việc buôn bán.
Năm 1404, Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương quy định các người đỗ thi Hương phải qua kì thi làm toán pháp mới được tiếp tục thi Hội.
Trước sự lăm le xâm lược của nhà Minh, Hồ Quý Ly tích cực chấn chỉnh quân đội, xây thành, đóng thuyền chiến, v.v. Ông thường hỏi các quan:
"Ta làm thế nào cho có 100 vạn quân để đánh giặc Bắc?"
Để có nhiều quân, Hồ Quý Ly lập ra hộ tịch bắt mọi người cứ 2 tuổi trở lên phải kê khai ai ẩn náu phải phạt. Hộ tịch làm xong, số người từ 15 tuổi đến 60 hơn gấp mấy lần trước. Quân số do vậy tăng thêm nhiều.
Hồ Quý Ly đặc biệt chú trọng luyện tập thủy binh để giữ mặt sông mặt biển. Ông cho đóng những con thuyền lớn bên trên lát ván để đi lại dễ dàng, khoang dưới cho người chèo chống rất lợi hại. Ở các cửa bể và những nơi hiểm yếu trên các sông lớn, ông cho đóng cọc, hình thành những trận địa mai phục quy mô.
Về biên chế quân đội, Quý Ly phân chia Nam Bắc gồm 12 vệ, Đông Tây phân ra 8 vệ. Mỗi vệ có 18 đội, mỗi đội có 18 người. Đại quân có 30 đội, trung quân 20 đội Mỗi doanh có 15 đội, mỗi đoàn có 10 đội. Ngoài ra còn 5 đội cấm vệ quân. Tất cả do một Đại tướng thống lĩnh.
Về mặt xã hội, ông thiết lập sở Quản tế (như ti y tế ngày nay). Ở các lộ, ông đều lập một kho lúa gọi là Thường bình, lấy tiền công mua lúa trữ vào, phòng những năm mất mùa đem bán rẻ cho dân chúng.
Ông thực thi lại chính sách phân phối ruộng đất, quy định trong nước chỉ trừ đại vương và trưởng công chúa, còn không người nào được phép có quá 10 mẫuruộng. Số ruộng thừa phải nộp lại cho Nhà nước. Ông còn hạn chế số nô tì trong các nhà quyền quý, các gia đình phải tùy theo thứ bậc mà nuôi tôi tớ nhiều hay ít, không được quá số quy định.

Thất bại trước nhà Minh[sửa | sửa mã nguồn]

Năm Ất Dậu (1405) sau những năm tháng ngoại giao mềm mỏng, chịu lép không kết quả, cha con Hồ Quý Ly phải đứng trước thử thách hiểm nghèo: Đối phó với cuộc xâm lược của nhà Minh. Hồ Quý Ly giao cho Hoàng Hối Khanh chỉ huy đắp thành Đa Bang, lấy gỗ đóng cọc ở ngã ba sông Bạch Hạc (Việt Trì) và đưa quân đóng giữ các nơi. Nhưng đúng như Hồ Nguyên Trừng nói: "Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân có theo hay không theo mà thôi."
Năm 1406, lấy cớ "Phù Trần diệt Hồ", nhà Minh sai Trương Phụ, Mộc Thạnh mang 20 vạn quân sang đánh Đại Ngu.
Trước các mũi tiến công của địch, đội quân nhà Hồ có chặn đánh ở một vài nơi rồi rút về giữ phòng tuyến Nam sông Hồng. Quân Minh thừa cơ hội đã tập trung binh lực vượt sông Hồng đánh chiếm thành Đa Bang. Cuối năm Bính Tuất (ngày 20 tháng 1 năm 1407) thành Đa Bang thất thủ, tuyến phòng ngự của quân nhà Hồ cũng tan vỡ nhanh chóng. Từ Đa Bang ngày 22 tháng 1 năm 1407, quân nhà Minh tràn xuống chiếm cố đô Thăng Long. Quân nhà Hồ lại một lần nữa rút lui xuống miền hạ lưu sông Hồng. Và sau một vài trận phản công thất bại, Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương đem theo các thuộc hạ chạy ra biển rồi vào Thanh Hóa.
Đến Lỗi Giang (Mã Giang) quân Minh đuổi kịp, quân Hồ lại một phen tan tác. Tướng Ngụy Thức thấy thế nguy cấp, bèn tâu:
"Nước đã mất, làm ông vua không nên để cho người ta bắt được, xin Bệ hạ tự đốt đi mà chết còn hơn."
Hồ Quý Ly giận lắm, bắt Ngụy Thức chém rồi chạy vào Nghệ An. Quân Minh tiếp tục đuổi theo, đến Kỳ La (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cha con Hồ Quý Ly đều bị bắt. Lúc đó là tháng 6 năm Đinh Hợi (1407). Có thuyết nói ông bị nhà Minh sát hại khi sang Yên Kinh (Bắc Kinh), có thuyết lại nói ông bị đày làm lính ở Quảng Tây và mất sau đó vài năm[20].
Nhà Hồ trị vì đất nước từ năm Canh Thìn (1400) đến năm Đinh Hợi (1407), được trọn 7 năm thì sụp đổ.

Nhà thơ[sửa | sửa mã nguồn]

Hồ Quý Ly là một vua có nhiều năng lực về chính trị, kinh tế, văn hóa. Trong các tác phẩm của ông, có những bài thơ sáng tác dùng vào việc cai trị và đối ngoại.
Khi còn là một đại quan nhà Trần, trong hoàn cảnh nhà Trần đã suy yếu cực độ, đất nước nghiêng ngả, nhân dân cực khổ, Hồ Quý Ly đã cương quyết đề cao công tác giám sát, chống thói xu thời không dám can gián cái sai của nhà vua khiến quốc pháp bị xem thường. Với quan Ngự sử Trung đô úy Đỗ Tử Trừng là người có trách nhiệm, ông gửi lời trách cứ trong một bài thơ:
烏臺久矣噤無聲
頓使朝庭風憲輕
借問子澄懦中尉
書生何事負平生
Ô đài cửu hỹ, cấm vô thanh
Đốn sử triều đình phong hiến khinh
Tá vấn Tử Trừng nhu Trung úy
Thư sinh hà sự phụ bình sinh
Đài gián từ lâu tiếng lặng thinh
Triều đình để phép bị coi khinh
Tử Trừng, Trung úy sao mềm yếu?
Kẻ sĩ không nên bỏ chí mình!
Ông còn có bài thơ Ký Nguyên quân (gửi Nguyên quân - Trần Thuận Tông[21]) như sau:
前有庸暗君
昏德及靈德
何不早安排
徒使勞人力
Tiền hữu dung ám quân
Hôn Đức cập Linh Đức
Hà bất tảo an bài
Đồ sử lao nhân lực
Được Tuấn Nghi dịch là:
Cũng một duộc vua hèn
Hôn Đức và Linh Đức
Sao chẳng sớm liệu đi?
Chỉ để người nhọc sức!
Ông là vị Hoàng đế Việt Nam đầu tiên quyết định dùng chữ Nôm để chấn hưng nền văn hóa của người Việt, cho dịch các kinh, thư, thi. Chính ông đã biên tập thiên "Vô dật" để dạy cho con cái nhà quan và soạn ra 14 thiên Minh đạo dâng lên Trần Nghệ Tông khi trước.
Khi đã bị nhà Minh bắt giữ, ông đáp lời người Trung Quốc hỏi về phong hóa nước Nam bằng một bài thơ:
欲問安南事
安南風俗淳
衣冠唐制度
禮樂漢君臣
玉瓮開新酒
金刀斫細鱗
年年二三月
桃李一般春
Dục vấn An Nam sự
An Nam phong tục thuần
Y quan Đường chế độ
Lễ nhạc Hán quân thần
Ngọc ủng khai tân tửu
Kim đao chước tế lân
Niên niên nhị tam nguyệt
Đào lí nhất ban xuân
An Nam muốn hỏi rõ
Xin đáp: phong tục thuần
Y quan chẳng kém Đường
Lễ nhạc nghiêm như Hán
Bình ngọc rượu lừng hương
Dao vàng cá nhỏ vẩy
Mỗi độ mùa xuân tới
Mận đào nở chật vườn

Giai thoại[sửa | sửa mã nguồn]

Trong Kiên biều tập của Chử Nhân Hoạch soạn đời nhà Thanh có chép một giai thoại lạ lùng về Hồ Quý Ly, được Lê Quý Đôn dẫn lại trong Kiến văn tiểu lục [22]

Tác phẩm[sửa | sửa mã nguồn]

Hồ Quý Ly đã viết các tác phẩm sau:

Nhận định[sửa | sửa mã nguồn]

Về cải cách và chống xâm lược[sửa | sửa mã nguồn]

Sách Hồ Quý Ly và những cuộc cải cách trong lịch sử của Viện Sử học đã nêu nhận định khái quát về Hồ Quý Ly.
Nói chung, những cải cách của Hồ Quý Ly nhằm mục đích xây dựng một nước Đại Ngu cường thịnh. Tuy nhiên, tư tưởng đổi mới của Hồ Quý Ly và những cải cách của ông thực hiện quá dồn dập trong một thời gian ngắn, không đạt kết quả như mong đợi và gây ra sự phẫn nộ trong nhân dân; đặc biệt là với các sĩ phu trung thành với nhà Trần.
Hồ Quý Ly, theo nhận định của một số nhà nghiên cứu, là một nhà cải cách có tài nhưng khả năng về quân sự của ông chưa tương đương với tài năng về văn trị. Khi còn làm tướng nhà Trần cầm quân chống Chiêm Thành, Hồ Quý Ly thường bị thua trận (thậm chí đã bị tướng dưới quyền chê là "bất tài"). Khi phải đối phó với nguy cơ xâm lược của nhà Minh, Hồ Quý Ly chỉ mong dùng lực đối lực để chống lại kẻ địch đất rộng người nhiều mà không tính tới chiến thuật. Ông than thở với các quan: "Ước gì có 100 vạn quân để chống lại giặc bắc". Về điểm này Hồ Nguyên Trừng sáng suốt hơn ông. Khi được Hồ Quý Ly giao phó việc quân sự, Hồ Nguyên Trừng nói "Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi". Nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của Hồ Quý Ly chống lại thế lực ngoại bang của nhà Minh là sự mất lòng dân[23].
Khi lâm nguy, ông cũng mang phong độ của một văn nhân chứ không giống một chiến tướng (xem bài thơ phần Nội trị) nên không dám liều mình chết ở Lỗi Giang, dù lúc đó tuổi đã 70.
Hồ Quý Ly là vị vua giỏi cầm bút hơn cầm gươm. Nếu không có sự can thiệp mạnh của nhà Minh, rất có thể sự nghiệp của ông hoàn toàn có khả năng phát triển, mặc dù gặp phải sự chống đối của những người trung thành với nhà Trần trong nước[24]..

Về trách nhiệm trước sự xâm lăng của nhà Minh[sửa | sửa mã nguồn]

Sử gia Trần Trọng Kim trong sách Việt Nam sử lược nêu một giả thiết khác hơn về ông[25].
Tuy nhiên, các sử gia hiện đại có ý kiến cho rằng: Dù nhà Hồ thay ngôi nhà Trần hay không thì nhà Minh vẫn xâm lược. Dẫn chiếu từ thời Trần Phế Đế cho thấy khiTrần Duệ Tông tử trận ở Chiêm ThànhMinh Thái Tổ đã định đánh Đại Việt, nhưng do có người can gián (chưa có thời cơ tốt) nên tạm thôi[26]. Tới khi Minh Thái Tổ qua đời, cháu nội Minh Huệ Đế (Chu Doãn Văn) là ông vua ôn hoà lên thay (1398), Hồ Quý Ly chọn thời điểm lấy ngôi nhà Trần (1400) lúc đó khá phù hợp, khi bản thân ông tuổi đã cao. Nhưng biến cố sau đó nằm ngoài dự tính của ông. Không lâu sau (1403), Doãn Văn bị chú là Chu Đệ cướp ngôi. Chu Đệ - Minh Thành Tổ là một vị vua hiếu chiến như vua cha Thái Tổ, và đây cũng có thể xem là một nguyên nhân khiến Đại Ngu bị xâm lược. Nếu Quý Ly không lấy ngôi nhà Trần thì sau khi ông mất, nhà Trần suy yếu và kiệt quệ sau "hoạ Chiêm Thành" cũng sẽ trở thành tiêu điểm cho "lòng tham" của những vua phương bắc hiếu chiến như Chu Đệ[27].

Tổng quát chung[sửa | sửa mã nguồn]

Hồ Quý Ly là một nhân vật lịch sử khó mà nhận xét cho đích đáng được. Nếu nhìn bằng quan điểm kiểu phong kiến, Hồ Quý Ly là kẻ nghịch thần tiếm ngôi vua, đại gian đại ác; nhưng xét theo mặt khác, Hồ Quý Ly lại là nhà cải cách, nhà chính trị không tệ, mang hoài bão xây dựng đất nước thái bình. Nhận xét về ông, có nhiều sử gia bàn luận khen chê khác nhau.
Nhìn lại và đánh giá cho thật kỹ lưỡng thì Hồ Quý Ly tuy là người có tấm lòng vì sự phồn vinh của đất nước, nhưng tư cách lại quá tầm thường, ích kỷ. Lúc làm quan cho nhà Trần, đầu tiên thì ông ta xu phụ quyền thế, chỉ biết dựa vào thân thế và tài nịnh vua để mà leo lên vũ đài chính trị, lại ngầm dựng bè đảng tạo thế lực hùng hậu cho mình. Thân là quan đại thần mà không chính trực vì công việc mà lại làm chuyện nịnh dối vua, lôi kéo bè thế, ấy quả là gian thần. Nhưng ông lên ngôi đâu phải là lạ mà đó cũng là sự thay đỏi thời thế tất yếu của lịch sử:"Đời vua nào yếu tất có người tài giỏi khác thay thế cải cách". Một điều lạ lùng là vua Trần Nghệ Tông lại tin ông ta một cách lạ lùng, điều đó cũng có thể vì Nghệ Tông quá u muội, mà cũng vì tài dối vua của Hồ Quý Ly quá "cao cơ". Đến khi nắm quyền rồi, ông ta bắt đầu cải cách đất nước (những cải cách của ông đã bắt đầu từ khi lên nắm quyền phụ chính cho nhà Trần chứ không phải mới ban khi lên ngôi vua), có vẻ là người am hiểu thế sự, biết canh tân đổi mới đất nước, tỏ tài kinh bang tế thế, nhưng lòng dạ ông ta lại quá vị kỷ, hẹp hòi, lòng tham vô đáy một cách đúng nghĩa, có quyền cao rồi còn muốn leo lên ngôi vua, lại còn hãm hại những kẻ không cùng phe cánh với mình. Có thể nói, công lao kiến thiết của ông ta thì chưa tỏ bao nhiêu, mà cái đức xấu đã hiện ra quá rõ. Hồ Quý Ly tuy có tài mà cái đức bị mang tiếng nhơ thì làm sao mà được lòng người, huống chi những cải cách của ông ta quá dồn dập, khiến đảo lộn cả xã hội một nước. Mặc dù những cải cách đó có vẻ nghe qua thì lợi dân lợi nước, nhưng thực chất thì chẳng hợp lòng dân được, vì cái tính của dân rất ngại có thay đổi mà họ chưa biết điều thay đổi đó có đem lại cho họ tương lai tốt hơn không.
Rốt cuộc từ dân cho đến giới quyền quý, ai nấy đều ghét ông, mà cũng vì cái tư tưởng Nho giáo thời đó người người đều kì thị ông là phản nghịch, thành ra cái "lòng thành" vì nước của Hồ Quý Ly lại chẳng được ai đón nhận, mà còn trở thành cái cớ cho giặc Minh xâm lược. Nói cho gọn thì công lao của ông ta đương thời chẳng ai thèm ghi nhận, mà cái tội nhơ nhuốc cũng ông thì ai cũng biết, thế mới biết, một nhà chính trị ngoài cái tài kinh tế ra, còn phải biết gây dựng cho mình cái danh tiếng tốt trước khi bước lên vũ đài chính trị vậy.
https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%93_Qu%C3%BD_Ly

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét