Một phần của di sản của Cách mạng Pháp là sự phát triển hai hiện tượng mới lạ: chủ nghĩa dân tộc và cách tiến hành các cuộc chiến tranh hiện đại. Học thuyết về chủ nghĩa dân tộc – mỗi dân tộc, một quốc gia; mỗi quốc gia, một dân tộc – phát triển cùng với chủ nghĩa cộng hòa hiện đại. Các cuộc chiến của Napoleon theo sau Cách mạng Pháp làm gia tăng chủ nghĩa dân tộc – ở Pháp và các vùng đất bị chinh phục – và là các cuộc chiến tranh hiện đại đầu tiên. Nhà lý thuyết quân sự vĩ đại Carl von Clausewitz thừa nhận rằng Napoleon đã thay đổi chiến tranh vĩnh viễn. Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa của hai sự thay đổi vĩ đại này.
Định nghĩa chủ nghĩa dân tộc
· Chủ nghĩa dân tộc là một hiện tượng hiện đại. Đúng là con người luôn sống theo các nhóm trong đó chia sẻ văn hóa, tôn giáo, chủng tộc chung, nhưng họ không phải là các quốc gia. Họ là những tập hợp kết dính chủ yếu dựa vào các yếu tố như họ hàng, địa phương, có lẽ với một thổ ngữ được sử dụng bởi một số làng gần nhau.
o Chủ nghĩa dân tộc có nghĩa là một quốc gia có chủ quyền mà chính nó đại diện cho một nhóm sắc tộc, văn hóa trên một khu vực rộng lớn và tin rằng nhóm sắc tộc này phải có quyền tự trị.
· Sử dụng định nghĩa của Gellner, chủ nghĩa dân tộc có nghĩa là: mỗi dân tộc, một quốc gia; mỗi quốc gia, một dân tộc. Các dân tộc có quyền tự quyết; điều này không hàm ý chế độ dân chủ mà hàm ý là chính quyền, muốn trở thành hợp pháp, phải cùng chia sẻ và đại diện cho văn hóa của một dân tộc.
· Chủ nghĩa dân tộc có mối liên hệ về mặt lịch sử với sự tự trị dân tộc. Chẳng hạn, đó là sai trái khi người Algeria bị cai tri hay bị làm thuộc địa của Pháp bởi vì người Algeria phải cai trị chính họ như là một dân tộc. Trong thực tế, vào thời điểm kết thúc chiến tranh thế giới thứ nhất, Woodrow Wilson nhấn mạnh một sự đoạn tuyệt với các đế chế thuộc địa, thì ông đang là một người theo chủ nghĩa dân tộc dân chủ.
o Trong xã hội phong kiến, một quý tộc nói tiếng Pháp có nhiều điểm chung với một quý tộc nói tiếng Đức hơn với một nông dân Pháp.
o Để trở thành một người theo chủ nghĩa dân tộc có nghĩa là người quý tộc Pháp và người nông dân Pháp phải chia sẻ chung một số thứ mà quan trọng hơn những sự khác biệt khác của họ, đó là: “bản sắc Pháp” của họ. Chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy sự bình đẳng trong một quốc gia hơn là sự bình đẳng quốc tế.
· Cũng lưu ý rằng chủ nghĩa dân tộc đi cùng với sự cai trị tập trung trong các quốc gia hiện đại hay các quốc gia dân tộc. Nó đòi hỏi sự giáo dục phổ thông, bởi vì người dân trên một khu vực rộng lớn phải biết rằng họ cùng chia sẻ một lịch sử và văn hóa. Chủ nghĩa dân tộc với một chính quyền trung ương cung cấp một môi trường thương mại mở với những luật lệ chung và một ngôn ngữ chung và do đó là tốt cho thương mại.
Sự xuất hiện của chủ nghĩa dân tộc ở Châu âu
· Pháp không phát minh ra chủ nghĩa dân tộc, nhưng Cách mạng Pháp làm gia tăng nó. Sự phá hủy sự bất bình đẳng và nhu cầu tập trung dân chúng xung quanh một chính quyền mới, dĩ nhiên, khuyến khích chủ nghĩa dân tộc ở chính nước Pháp. Nhưng cũng quan trọng tương tự đó là sự chinh phạt của Pháp khuyến khích chủ nghĩa dân tộc hình thành ở các dân tộc bị chinh phạt.
· Điều này đặc biệt đúng ở các bang của người Đức ở trung Âu. Một trong những triết gia Đức xuất chúng nhất, Johann Gottlieb Fichte (1762–1814), đã xuất bản cuốn sách Diễn văn cho dân tộc Đức vào năm 1808.
Johann Gottlieb Fichte (1762–1814)
o Ông kêu gọi người Đức tự hào vì là người Đức và thừa nhận ý tưởng Đức về Buidung – sự xây dựng nên văn hóa đạo đức nội tại – vốn được thể hiện rõ trong nghệ thuật, thư từ, và triết học Đức.
o Đức, mà ông tin là độc nhất ở chủ nghĩa quân bình của nó, quan tâm của nó cho sự giáo dục con người “tổng thể”, và tinh thần của nó chống lại thuyết duy thực trừu tượng, duy vật, cơ giới của Khai sáng Pháp, Anh, và Hà lan.
· Fichte bị ảnh hưởng bởi von Herder (1744–1803), một người đồng thời của Kant, người đã khẳng định rằng mỗi nền văn hóa phản ánh một phần vinh quang của Thượng đế và chỉ khi tất cả hòa cùng làm một thì mới phản ánh Thượng đế như một toàn bộ. Đó là một trong những sự phát biểu sớm nhất của sự ca tụng Lãng mạn về sự đa dạng và khác biệt, chống lại chủ nghĩa vũ trụ, hay quan niệm cho rằng chúng ta phải hành động giống như “các công dân toàn cầu”.
· Theo sau Herde, Fichte tuyên bố rằng một dân tộc là: “một tổng thể xuất hiện hoàn toàn từ một luật cụ thể nào đó của một sự phát triển thần thánh”. Mỗi dân tộc phát triển các đặc điểm riêng của nó vốn phản ánh một mặt của thần linh và là một hình ảnh trung thực của thần linh, do đó đang phát triển ‘sự danh giá, xứng đáng, và đức hạnh’ của nó. Điều này dẫn đến sự tiến bộ nội tại không ngừng của việc hình thành một tinh thần chung.
· Fichte tin rằng Đức là một dân tộc sẽ khoan dung với tính độc nhất của dân tộc khác. Quốc gia đơn thuần là một phương tiện để tái sinh; và phương pháp không dựa trên chính trị hay quân sự mà trên sự giáo dục, yêu cầu một sự giáo dục kiểu Đức về một con người tổng thể. Đức phải chống lại Napoleon thông qua các phương pháp giáo dục và sự xây dựng văn hóa. Mỗi bang Đức phải phát triển các phương pháp riêng của nó hướng đến mục đích này.
Sự đa dạng của chủ nghĩa quốc gia
· Một dân tộc có thể được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau; có thể là chủ nghĩa dân tộc dân sự như đối lập với chủ nghĩa dân tộc chủng tộc, có thể là các dạng thức gây hấn của chủ nghĩa dân tộc như đối lập với các dạng thức cộng hòa tự trị của chủ nghĩa dân tộc. Đường phân chia giữ các dạng nhà nước – dân tộc dựa trên hai vấn đề: họ định nghĩa dân tộc của họ như tế nào và họ đối xử với các dân tộc khác không thỏa mãn tiêu chí của họ như thế nào.
· Chẳng hạn, Phát xít sử dụng tiêu chí chủng tộc và giết các dân tộc không phù hợp với tiêu chí đó. Các dân tộc khác sử dụng tiêu chí bản sắc, chẳng hạn như có một lịch sử, ngôn ngữ, hay truyền thống văn hóa chung. Ở nước Pháp ngày nay, tư cách thành viên dựa vào ngôn ngữ Pháp và tri thức về nền cộng hòa và lịch sử văn hóa Pháp. Mỹ ngày nay, vốn là một xã hội nhập cư, chắc chắn có một quan niệm đơn giản hơn về dân tộc của mình: một bản sắc dân sự, không liên quan đến ngôn ngữ hay lịch sử văn hóa, mà liên quan đến một tập hợp các lý tưởng dân sự.
[Một số dạng chủ nghĩa quốc gia là xấu xa, nhưng một số khác thì không, và một số cần thiết cho nền dân chủ hiện đại]
· Chủ nghĩa dân tộc ngày càng liên minh với chủ nghĩa cộng hòa tự do trong thế kỉ 19. Ở thời điểm của Hòa ước Versailles, Woodrow Wilson, một người cấp tiến bộ, bảo vệ chủ nghĩa dân tộc chống lại quyền lực của các đến chế lớn của châu Âu. Nhớ rằng, chủ nghĩa dân tộc hàm ý một dân tộc phải cai trị chính họ; và chỉ chủ nghĩa phát xít ở giữa thế kỉ 20 mới làm cho chủ nghĩa dân tộc dường như chống lại tự do và dân chủ.
Chiến tranh thay đổi bản chất
· Chiến tranh giữa các dân tộc luôn có các quy tắc truyền thống, liên quan đến khi nào đối thủ có thể chiến đấu, ai có thể chiến đấu, và họ có thể chiến đấu như thế nào. Chiến tranh tiền hiện đại thường hết sức cách điệu và giới hạn. Điều này không có nghĩa là nó không đổ máu, đặc biệt khi có sự tham gia của các dân tộc khác nhau về văn hóa và chủng tộc. Nhưng trong suốt thời trung cổ, các chiến binh phải mua và sở hữu các trang bị riêng của họ, điều này có nghĩa là không có nhiều chiến binh. Quân đội thường trực là điều bất thường bởi vì nó quá đắt đỏ.
· Trong các nước cộng hòa cổ đại, có một truyền thống mạnh mẽ rằng người công dân cũng là một người lính. Chủ nghĩa cộng hòa cổ đại là một chủ nghĩa mang tính quân nhân. Trong thời phong kiến trung cổ, một hệ thống tương tự được áp dụng khi chỉ các chủ đất là các chiến binh. Vua kêu gọi mọi người thực hiện các nghĩa vụ phong kiến của họ và trao thưởng cho họ. Và các cuộc chiến bị giới hạn và bị kiểm soát bởi những người cai trị và hiệp sĩ, và không áp dụng cho người dân thường.
· Chiến tranh giữa các nhà quý tộc là một vấn đề danh dự (đối xử mang tính tôn trọng), nhưng việc đối xử với người không phải Ki tô giáo, chẳng hạn trong các cuộc thập tự chinh thường không theo quy tắc, và việc đối xử với những người tá điền Ki tô giáo thì phụ thuộc vào hoàn cảnh. Điều này đặc biệt đúng đối với các cuộc bao vây các thị trấn, vốn gồm toàn những người dân thường; nếu thị trấn từ chối đầu hàng một quý tộc, thì nó sẽ bị vây hãm, và nếu cuộc bao vây thành công, mọi tài sản và sinh mạng được xem như một sự đề bù.
· Giai đoạn cận đại bị chi phối bởi tính thực tế. Nó cho rằng chiến tranh là một thực tế trong quan hệ giữa các cộng đồng và lãnh đạo chính trị, và các tiêu chuẩn đạo đức dân sự không thể được áp dụng cho chiến tranh. Trong giai đoạn này, điều này được gọi là “lý do của quốc gia”, có nghĩa là các lý do cho rằng sự đổ máu không thể phục tùng các tiêu chuẩn đạo đức dân sự.
· Cách mạng Pháp và các cuộc chiến của Napoleon đã thay đổi chiến tranh mãi mãi. Quân đội Pháp, vốn phải chiến đấu nhiều nhất châu Âu, đã phải áp dụng chế độ quân ngũ bắt buộc. Sự kết hợp giữa nền dân chủ mới của Pháp và việc xây dựng chủ nghĩa dân tộc, khiến nó trở thành quân đội nhân dân đầu tiên, với một sự huy động toàn bộ các công dân bình thường chiến đấu cho Pháp, mà không cho giai cấp, quý tộc, hay vua chúa. Đó là quân đội lớn nhất trong lịch sử, làm gia tăng đáng kể năng lực khởi đầu cho một cuộc chiến.
Carl von Clausewitz
· Sự biến đổi của chiến tranh có lẽ được phản ánh lần đầu tiên trong tác phẩm về lý thuyết quân sự của Châu âu hiện đại, có thể được gọi là một triết lý, tác phẩm Bàn về Chiến tranh (1832), do quan chức Phổ Carl von Clausewitz (1780 -1831) viết.
Carl von Clausewitz (1780 -1831)
· Clausewitz định nghĩa cuộc chiến “thực tế” như là một “sự liên tục của chính sách với phương tiện khác”, phân biệt với cuộc chiến tranh “thuần túy”, được định nghĩa là “một hành động bạo lực để khiến kẻ thù tuân theo ý chí của chúng ta”. Chiến tranh đơn thuần chỉ liên quan đến khía cạnh quân sự của chiến tranh, như triển khai quân đội, địa hình, phương pháp…Những điều này phải được phân tích và nhận thức tách rời với các xem xét về mặt chính trị, vốn có thể thay đổi và làm rối loạn sự phân tích về mặt quân sự. Clausewitz khẳng định rằng chiến tranh thực tế là mang tính chính trị, có nghĩa là cả mục đích và thực tiễn chiến tranh đều thay đổi liên tục theo các cân nhắc chính trị.
· Trọng tâm của ông là phân biệt chiến tranh đúng nghĩa (đơn thuần) với các thực tiễn mà chiến tranh phục vụ và không thể tách rời, nhưng ông cũng đưa ra một quan điểm về mặt lịch sử. Đó là chiến tranh hiện đại – khởi đầu với các cuộc chiến của Napoleon và các đội quân quốc gia - dân tộc mới –có xu hướng hướng đến các cuộc chiến đơn thuần bởi vì các nguồn lực của các quốc gia hiện đại quan trọng hơn mọi xem xét khác. Chiến tranh sẽ đơn thuần hơn, ít nghi thức hơn, bạo lực hơn, và ít giới hạn hơn bởi các xem xét về mặt chính trị (vốn xếp sau các cân nhắc về nguồn lực).
· Clausewitz thấy rằng các quốc gia dân tộc hiện đại chắc chắn trở thành một thực thể trong đó sự bình đẳng của con người và dân chủ trở nên phổ biến, nhưng đặt nhiều hơn các nguồn lực vào trong tay của một quân đội quốc gia, làm cho nhà nước hiện đại là thực thể nguy hiểm nhất trong lịch sử con người.
Nguồn: The Modern Political Tradition: Hobbes to Habermas
http://tinhthankhaiminh.blogspot.com/2015/12/chu-nghia-dan-toc-va-chien-tranh-giua.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét