Báo chí Ấn Độ cho biết, trong chuyến thăm Ấn Độ, lãnh đạo Việt Nam đã chính thức yêu cầu Ấn Độ cung cấp cho Việt Nam tên lửa hành trình siêu âm uy lực khủng khiếp BrahMos, cùng với việc cung cấp tàu chiến, huấn luyện thủy thủ tàu ngầm và phi công Su-30.
Các nguồn thạo tin cho biết, Việt Nam đã chính thức yêu cầu Ấn Độ cung cấp loại tên lửa hành trình siêu âm BrahMos do Nga-Ấn hợp tác phát triển và sản xuất tại một cuộc gặp ở New Delhi. Yêu cầu được đưa ra khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm thủ đô Ấn Độ, Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ quốc phòng với Ấn Độ.
Việt Nam và Ấn Độ đã đàm phán không chính thức về việc mua bán BrahMos. Việt Nam hy vọng Ấn Độ cung cấp BrahMos để đáp ứng ngay nhu cầu trước mắt. Hiện chưa rõ Ấn Độ có khả năng cung cấp tên lửa này trong tương lai gần hay không. Các quan chức Ấn Độ từ chối bình luận về việc đàm phán bán BrahMos cho Việt Nam. Trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phía Việt Nam cũng đặt vấn đề Ấn Độ giúp huấn luyện thủy thủ tàu ngầm và phi công lái Su-30.
Tờ The Diplomat (Nhật Bản) bình luận, chuyến thăm New Delhi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy, Việt Nam muốn giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp vũ khí Nga và mở rộng danh mục các nước hỗ trợ phát triển quân đội Việt Nam. Có tin, đáp lại yêu cầu của Việt Nam về việc cung cấp tàu chiến, Ấn Độ đã có bước đi chưa từng có là đề nghị cấp tín dụng 100 triệu USD để Việt Nam mua 4 tàu tuần tra. Không lâu sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, báo chí đưa tin, Ấn Độ sẽ đào tạo 500 thủy thủ Việt Nam để “thực hiện đầy đủ các hoạt động tác chiến dưới mặt nước” tại căn cứ huấn luyện tàu ngầm INS Satavahana của Ấn Độ.
Các nguồn tin cho biết, Ấn Độ sẽ sẵn sàng cung cấp tên lửa vì họ đang tìm kiếm khách hàng mua BrahMos và các nước như Malaysia và Indonesia đã tỏ ý quan tâm đến BrahMos. New Delhi cũng sẵn sàng huấn luyện phi công cho Việt Nam, nhưng tỏ ra thận trọng trong việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác quân sự do yếu tố Trung Quốc. Bắc Kinh đang quan sát sự hiện diện gia tăng của Ấn Độ tại Việt Nam với sự ngờ vực. Ấn Độ và Việt Nam vốn có truyền thống quan hệ hữu nghị lâu đời.
Các biến thể phóng từ mặt đất, tàu chiến mặt nước của tên lửa hành trình BrahMos đã được Lục quân, Hải quân và Không quân Ấn Độ nhận vào trang bị. Trong một vài năm tới, các biến thể phóng từ máy bay Su-30MKI và tàu ngầm sẽ được thử nghiệm và đưa vào sản xuất, trang bị.
Về hoạt động mua sắm vũ khí của Việt Nam, trước hết, phải khẳng định, chúng ta mua vũ khí hiện đại là việc làm tự nhiên vì mục đích chính đáng là tăng cường khả năng phòng thủ, răn đe xâm lược, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Gần đây, có những ý kiến cả ở trong và ngoài nước nói đến gánh nặng tài chính của việc mua sắm vũ khí đối với sự phát triển kinh tế đất nước. Đúng là trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, Việt Nam phải giảm đầu tư cho một số mục tiêu phát triển để có tiền mua sắm vũ khí, nhất là những binh khí kỹ thuật tiên tiến và đắt tiền, là việc miễn cưỡng, chẳng đặng đừng. Nhưng mặt khác, một câu hỏi đặt ra, vì mục đích bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ những đầu tư đó có đắt không?
Cổ nhân nói: “Muốn có hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh” và “Vũ khí là trụ cột của hòa bình” hay “Không có quân đội mạnh thì không được tôn trọng”. Chiến lược quốc phòng tự vệ của chúng ta là răn đe chống xâm lược, bắt các kẻ thù tiềm tàng trả giá đắt khi đụng vào lợi ích quốc gia, chủ quyền, lãnh thổ của chúng ta. Yếu ớt là mời chào xâm lược. Chúng ta tăng cường quân bị là để tránh chiến tranh, bảo vệ hòa bình. Như thế thì những đầu tư đó có đắt không? Có phải làm không? Không! Đó là một trong những cách làm thông minh, ít tốn kém nhất, đó là sự đầu tư hiệu quả nhất cho lợi ích của dân tộc, đất nước và nhân dân!
Cũng có ai đó ngây thơ và mơ hồ hy vọng người Nga, người Mỹ, người Nhật, người Ấn sẽ đổ máu bảo vệ chủ quyền biển đảo cho chúng ta chăng? Không! Chỉ có người Việt Nam sẽ phải đổ máu trên chiến trường một khi chiến tranh xâm lược nổ ra mà thôi. Giống như nước Nga, chúng ta cũng chủ yếu và trước hết phải trông cậy vào quân đội và hạm đội của mình. Chúng ta muốn hòa bình, muốn lấy hợp tác, tôn trọng, hòa hiếu để hóa giải binh đao. Nhưng chỉ muốn là không đủ. Chúng ta còn nhất định phải có năng lực để đối phương tôn trọng, hợp tác và cùng tránh nguy cơ binh đao.
Bàn về giác độ chiến lược và kỹ thuật quân sự, việc mua sắm và xây dựng tiềm lực tên lửa hành trình là hoàn toàn đúng đắn. Trong bối cảnh các nước xung quanh tăng cường tiềm lực tên lửa tấn công mặt đất: Trung Quốc có hàng ngàn tên lửa đường đạn, hành trình, rocket phóng loạt có tầm bắn hàng trăm, hàng ngàn kilômet, Đài Loan đã phát triển tên lửa hành trình tầm bắn hàng ngàn kilômet, Thái Lan, Indonesia cũng đang hợp tác, phát triển hay mua sắm tên lửa có tầm bắn hàng trăm kilômet. Việt Nam tất yếu phải có tiềm lực tên lửa tấn công mặt đất để phòng thủ, phải mua sắm hoặc phát triển các loại vũ khí này, dù đó là các tên lửa đường đạn chiến thuật Iskander (Nga), Extra (Israel), Prithvi, Pragati (Ấn Độ) hay các tên lửa hành trình Club-S, Club-K/Kh-35UE (Nga) và BrahMos (Ấn Độ).
Tuy nhiên, nếu chỉ đi mua mãi thì vô cùng tốn kém và phụ thuộc. Mỗi quả tên lửa hành trình chống hạm Yakhont mà Indonesia mua (Yakhont cũng chính là cơ sở để phát triển BrahMos) có giá hơn 1 triệu USD, mỗi quả tên lửa chống hạm dưới âm Kh-35 chắc cũng có giá mấy trăm ngàn đô la. Vì thế, chúng ta cần phải đi từ liên doanh sản xuất tiến đến tự chủ về công nghệ vũ khí tối quan trọng này. Một cách hợp pháp, Việt Nam có thể mua sắm công nghệ tên lửa đường đạn có tầm bắn đến 300 km.
Như vậy, theo báo chí nước ngoài, Việt Nam quan tâm đến cả hai hướng: mua sắm tên lửa đường đạn tầm ngắn (Iskander, Extra, Prithvi, Pragati) và sản xuất tên lửa hành trình (Kh-35UE) có tầm bắn tối đa 300 km trở lại.
Về mặt luật pháp quốc tế, việc chuyển giao công nghệ tên lửa hành trình đỡ khắt khe hơn so với công nghệ tên lửa đường đạn, trong khi chi phí sản xuất tên lửa hành trình lại rẻ hơn, việc cải tiến để có khả năng tấn công mặt đất và tăng tầm cho tên lửa hành trình có thể dễ dàng hơn. Không phải ngẫu nhiên mà tuy có hàng ngàn tên lửa đường đạn tầm trung và tầm ngắn, Trung Quốc gần đây rất chú trọng phát triển tiềm lực tên lửa hành trình tấn công mặt đất (CJ-10).
Trở lại với câu chuyện BrahMos, cần phải biết rằng, đây là tên lửa hành trình vạn năng về mặt phương tiện mang (máy bay, tàu nổi, tàu ngầm, xe bệ phóng mặt đất), về mặt mục tiêu (hạm tàu mặt nước và mục tiêu mặt đất) và về đầu đạn (thông thường và hạt nhân). Hơn nữa, Nga và Ấn Độ còn đang phát triển tên lửa siêu vượt âm BrahMos II có tốc độ 7M (khoảng 8.000 km/h).
Theo báo chí nước ngoài, các tàu ngầm lớp Projekt 636.1 của Việt Nam sẽ được trang bị hệ thống tên lửa hành trình tấn công mặt đất tầm 300 km Club-S.
Vậy nếu mua BrahMos, Việt Nam sẽ mua biến thể chống hạm (đất đối hạm, hạm đối hạm, tàu ngầm đối hạm, không đối hạm) hay tấn công mặt đất (đất đối đất, không đối đất, hạm đối đất, tàu ngầm đối đất)? Đó là câu hỏi rất thú vị mà ta sẽ được trả lời nếu thương vụ mua BrahMos thành công.
Tuy nhiên, có thể Việt Nam sẽ cân nhắc lựa chọn mua BrahMos thuộc các biến thể đất đối đất và đặc biệt là không đối đất và không đối hạm (việc này đòi hỏi phải cải tiến Su-30MK2V). Với tầm bay, tốc độ và tính cơ động tác chiến linh hoạt, của Su-30MK2V, BrahMos sẽ trở thành vũ khí răn đe có uy lực chiến lược.
http://trandaiquangvn.org/sat-thu-brasmosh-giup-viet-nam-ran-de-chien-luoc.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét