Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Trung Quốc bành trướng Biển Đông, đe dọa bùng nổ xung đột


Việc cải tạo đảo và quân sự hóa khu vực Biển Đông của Trung Quốc càng “kích thích” quyết tâm bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ, việc tăng cường năng lực và liên kết quân sự khu vực nhằm đối phó với Trung Quốc là những nhân tố có thể phá vỡ hòa bình vốn đang mong manh ở Biển Đông.
Trung Quốc đang ráo riết xây dựng công trình kiên cố trên Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt NamTrung Quốc đang ráo riết xây dựng công trình kiên cố trên Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Những dự báo trước đây rằng tình hình tại Biển Đông sẽ tiếp tục leo thang hoàn toàn được khẳng định. Trung Quốc đã không có ý định dừng lại và sẽ không dừng lại, mà sẽ chỉ gia tăng quá trình chạy đua vũ trang trên các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc nỗ lực biến các đảo đá này, những thực thể mà xét trên quan điểm luật quốc tế thì Trung Quốc đã chiếm đoạt một cách bất hợp pháp, biến thành những "tàu sân bay" cố định. Quan sát những bức ảnh mà vệ tinh Mỹ chụp ngày 14/02/2016 thì Trung Quốc đã triển khai hai khẩu đội tên lửa hiện đại với 8 bệ phóng tên lửa HQ-9 trên đảo Phú Lâm nằm trong thành phần của quần đảo Hoàng Sa thuộc Biển Đông. Ngày 16/2/2016 đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ và ngày 17/2 đại diện cơ quan quốc phòng Đài Loan đã thông báo về điều này. 
Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, quần đảo cho đến năm 1974 vẫn thuộc quyền tài phán của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Trung Quốc đã chiếm quần đảo này sau vài ngày. Đúng khi chiến sự trên Biển Đông lúc đó đang căng thẳng nhất thì Hạm đội 7 Mỹ đã nhận đuợc lệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt lập trường trung lập và không can thiệp vào xung đột giữa Trung Quốc với Việt Nam Cộng hòa, mặc dù khi đó Việt Nam Cộng hòa là đồng minh của Mỹ.
Khi đó Mỹ đặt cược vào việc phát triển quan hệ với Trung Quốc như một đồng minh nhằm chống lại Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, và sau đó Mỹ đã công khai chấm dứt sự ủng hộ những người bạn Việt Nam Cộng hòa của mình trong vấn đề này. Khi đó, trong cuộc thảo luận vấn đề về quần đảo Hoàng Sa tại Quốc hội Mỹ, Mỹ đã thông qua quyết định về vấn đề Trung Quốc chiếm những đảo này cần phải được giải quyết bởi chính những bên tuyên bố chủ quyền. 
Lãnh đạo Việt Nam chưa bao giờ và không bao giờ thừa nhận tính hợp pháp trong sự xâm lược của Trung Quốc, và cho đến bây giờ Việt Nam vẫn thường xuyên đề nghị Trung Quốc tiến hành đàm phán về số phận quần đảo này và cố gắng giải quyết xung đột có từ rất lâu này bằng biện pháp hòa bình. Những đề nghị này đã không nhận được sự phản hồi tích cực từ Trung Quốc mà ngược lại Trung Quốc đã tăng thêm đồn binh tại quần đảo Hoàng Sa vốn trước đó đã có lực lượng đáng kể, củng cố lực lượng tại đó trong thời gian gần đây, trong đó có việc triển khai tên lửa HQ-9.
Ngoài ra trên sân bay tại đảo Phú Lâm trong năm gần đây, Trung Quốc triển khai máy bay chiến đấu của Không quân và máy bay thuộc lực lượng Không quân Hải quân Trung Quốc theo định kỳ, bao gồm cả máy bay tiêm kích ném bom JH-7A và máy bay tiêm kích J-11BH. Hiện nay trên đảo này đang diễn ra việc xây dựng rất tích cực, điều này được thể hiện qua rất nhiều ảnh chụp được, những cơ sở hạ tầng quân sự Trung Quốc gia tăng liên tục tại đây: Hàng chục tàu neo trên âu tàu của đảo, nơi đã xây dựng nhiều bến đỗ, những máy bay bên cạnh đường băng mới, rất nhiều kho bãi và các công trình kinh tế. 
Quân đội Trung Quốc đã triển khai chiến đấu cơ J-11, tên lửa phòng không HQ-9 và tên lửa chống hạm tại đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa
Các đại diện chính thức chính quyền Trung Quốc luôn nói là tất cả những điều này Trung Quốc chỉ làm phục vụ mục đích dân sự và hòa bình. Ví dụ như khi đáp lại tuyên bố của người đứng đầu Lầu Năm Góc Ashton Carter cáo buộc Trung Quốc xây dựng những đảo nhân tạo trên Biển Đông với quy mô và tốc độ lớn chưa từng thấy, vượt xa tất cả các nước tuyên bố chủ quyền khác trên Biển Đông cộng lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã ngang nhiên tuyên bố Trung Quốc xây dựng trên những bãi đá quần đảo Trường Sa (vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam) là hợp pháp và có cơ sở và không nhằm chống lại nước nào. Ngay trong chính câu mở đầu tuyên bố của đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chứa đựng nếu không phải là sự lừa dối thì là sự phóng đại nghiêm trọng - Chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo này, điều mà bà Hoa Xuân Oánh nói một cách quả quyết là điều không một nước nào trên thế giới công nhận. Và ngay cả Nga cũng vậy. 
Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam ngày 13/11/2013, Tổng thống Nga Putin đã ký “tuyên bố chung về việc tiếp tục củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Liên bang Nga và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam”. Trong tuyên bố về kết quả chuyến thăm ông Putin và Chủ tịch nước Việt Nam đã ghi nhận rằng những tranh chấp lãnh thổ và những tranh chấp khác trong không gian châu Á-Thái Bình Dương cần giải quyết chỉ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế hiện hành, trước hết là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Hai lãnh đạo cùng tuyên bố ủng hộ việc tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cần nhanh chóng thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), văn kiện có tính ràng buộc pháp lý. 
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ những văn kiện quốc tế mà phía Việt Nam hoặc Nga viện dẫn thì phía Trung Quốc không công nhận, Trung Quốc không muốn tuân thủ UNCLOS hay DOC. Hơn thế, Trung Quốc thậm chí còn không thực hiện những thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam, điều này ảnh hưởng rất tiêu cực đến tổng thể quan hệ giữa hai nước láng giềng. Trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 10/2011 của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, tại cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc, hai bên đã có thỏa thuận ban đầu đối với những biện pháp giải quyết vấn đề liên quan đến Biển Đông: không bên nào được có những hành động có thể dẫn đến làm phức tạp thêm tình hình, không tham gia đối thoại trước với bên thứ ba. Sau đó, trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Vladivostok tháng 9/2012, trong cuộc gặp với Chủ tịch nước của Việt Nam Trương Tấn Sang, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã tuyên bố “Trung Quốc và Việt Nam cần bình tĩnh và thể hiện sự kiềm chế trong vấn đề Biển Đông, gác tranh chấp cùng khai thác”. 
Tuy nhiên, sau những tuyên bố trên không diễn ra bất kỳ sự dịch chuyển tích cực nào theo hướng “cùng hợp tác và kiềm chế” tại Biển Đông mặc dù Việt Nam sẵn sàng đàm phán. Trung Quốc vẫn tiếp tục một cách ráo riết nhất khẳng định vị thế trên các đảo, dù vẫn luôn rêu rao là để thực hiện những mục đích hòa bình như - thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế trong những lĩnh vực tìm kiếm - cứu nạn trên biển, cảnh báo và khắc phục hậu quả thiên tai, những hoạt động nghiên cứu khoa học biển, quan sát thiên văn, bảo vệ môi trường, an toàn hàng hải, cung cấp dịch vụ đánh bắt cá...
Đó chỉ là những cái cớ để vịn vào đó Trung Quốc đang mở rộng hiện diện quân sự trên Biển Đông. Còn hiện nay không có bất kỳ điều gì cho thấy Trung Quốc sẽ thực hiện những mục đích đó, mà ngược lại, những sự kiện đang diễn ra chỉ cho thấy xu hướng quân sự hóa khu vực, khi mà Trung Quốc liên tiếp điều ra các đảo những lực lượng mới, trang bị vũ khí ngày càng hiện đại hơn, nhiều tàu chiến và các hệ thống phòng không.
Trong khi đó, cả vị thế pháp lý của các hòn đảo cũng như lợi ích của các nước láng giềng thì đối với Chính phủ Trung Quốc đều không có giá trị nào hết. Đến nay, vị thế pháp lý của Biển Đông và các đảo trên đó trên quan điểm của luật pháp quốc tế vẫn còn chưa rõ ràng. Vẫn tồn tại những tranh cãi pháp lý, bao trùm tất cả những thành phần then chốt của xung đột trên Biển Đông: chủ quyền các đảo; phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; tự do lưu thông trong các vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế, trong vùng vịnh quốc tế và xung quanh các quần đảo. 
Vấn đề nằm ở chỗ, Chính phủ Trung Quốc từ chối tiến hành bất cứ cuộc đàm phán nào về một trong ba vấn đề then chốt trên. Trung Quốc tuyên bố rằng, họ có cơ sở lịch sử cho những vấn đề đó. Nhưng những bằng chứng lịch sử như vậy, nếu không muốn nói là bằng chứng xác đáng, có ở Việt Nam, nước đã khai khẩn Hoàng Sa và Trường Sa từ thời kỳ cổ đại và trung cổ và trong triều đại của Hoàng đế Minh Mạng vào giữa thế kỷ XIX, và những cơ sở lịch sử cũng có cả ở những nước láng giềng với Trung Quốc trên Biển Đông. Nhưng Trung Quốc không đếm xỉa đến tất cả những điều đó và sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông chỉ ngày càng gia tăng. 
Đặc biệt, sự bành trướng của Trung Quốc càng trở nên tích cực trong thời gian gần đây, khi mà mối quan tâm của cộng đồng quốc tế đến các sự kiện diễn ra trên Biển Đông đã phần nào giảm xuống. Tình hình tại Syria và rộng hơn là khu vực Trung Đông đã đẩy những thông tin về Biển Đông ra khỏi tiêu điểm của truyền thông thế giới. Trong khi đó tại khu vực này của thế giới, tình hình đang được giữ cân bằng trong giới hạn mong manh của xung đột quân sự nghiêm trọng, tích tụ tiềm năng bùng nổ xung đột ngày càng cao. 
Thêm vào đó, nếu như trước kia sự bành trướng của Trung Quốc chỉ là chiếm từng đảo riêng biệt hoặc thậm chí là bãi đá, thì hiện nay, ngày này qua ngày khác hàng chục tàu thuyền Trung Quốc đã đổ lên đó hàng tấn cát, đá, cỏ, bằng cách đó để khẳng định rõ sự hiện diện của họ trong khu vực này của thế giới. Đồng thời không một sự phản đối nào của các nước láng giềng, trước hết là Philippines và Việt Nam, rộng hơn là các nước ASEAN được Trung Quốc đếm xỉa tới. 
Trong bối cảnh đó, cơ hội thúc đẩy sự hiện diện trong khu vực này mở ra với Mỹ. Vấn đề ở chỗ khi tìm kiếm đồng minh, một số nước láng giềng của Trung Quốc nghĩ rằng Mỹ là thế lực duy nhất có khả năng khôi phục thế cân bằng sức mạnh trên Biển Đông. Về phần mình, Mỹ trong khuôn khổ chiến lược quay trở lại châu Á mà họ công bố đã nỗ lực bằng mọi cách thể hiện khả năng quân sự - chính trị và tính quyết đoán trong việc đối đầu với những hành động của Trung Quốc tại khu vực này. 
Sự kết hợp của hai yếu tố này - Trung Quốc tiếp tục bành trướng và mong muốn của Mỹ thể hiện khả năng đối đầu của mình với sự bành trướng của Trung Quốc đã làm phát sinh tình thế cực kỳ nguy hiểm đối với hòa bình và ổn định tại khu vực. Mỹ đang nỗ lực xây dựng mặt trận chống Trung Quốc từ các quốc gia láng giềng của Trung Quốc, kéo các nước Đông Nam Á vào xung đột thực sự với Bắc Kinh. Mặt khác, Trung Quốc đáp trả những hành động này của Mỹ bằng việc ngày càng quyết đoán hơn và Trung Quốc ngày càng rời xa hơn những biện pháp giải quyết bất đồng đang tồn tại bằng đàm phán và những thỏa hiệp nhất định mà các bên cùng có thể chấp nhận. 
Hiện nay, việc Trung Quốc xây dựng "những tàu sân bay bất khả xâm phạm" dưới dạng căn cứ quân sự trên những đảo bồi đắp nhân tạo đang bước vào giai đoạn đỉnh điểm nhất. Đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa đã kết thúc việc xây dựng đường băng đầu tiên, trong khu vực đảo đá Subi một đường băng như thế cũng đã gần như hoàn tất cho việc sử dụng. Trong khu vực Đá Vành Khăn gần đảo Palawan của Philippines, đang tiến hành các công việc chuẩn bị cho việc xây dựng đường băng và bến cảng cho tàu thuyền. Những bức ảnh ghi lại cho thấy eo biển đã bị lấp kín bởi tàu thuyền Trung Quốc chở cát đến đây, và nhờ đó mà đảo đá nửa nổi này từ có thể biến mất trong thời gian thủy triều lên đã trở thành một hòn đảo thực thụ, không những thế còn trở thành một trong những đảo lớn nhất trên Biển Đông. 
Điều gì sẽ xảy ra sau khi hoàn tất việc xây dựng các đảo này? Câu trả lời đã được Trung Quốc thể hiện gần đây qua các chuyến bay thử nghiệm của máy bay dân sự Trung Quốc, lần đầu tiên hạ cánh bất hợp pháp xuống đường băng trên Đá Chữ Thập. Tại đó, họ xây dựng không những đường băng mà cả bến cảng có khả năng tiếp nhận những tàu lớn. Việc máy bay Trung Quốc hạ cánh xuống Đá Chữ Thập đã chứng tỏ không quân Trung Quốc giờ đây đã loại bỏ được một trong những điểm yếu nhất của mình - đó là sự cách xa giữa các căn cứ không quân của mình đến các đảo trên quần đảo Trường Sa. Từ bây giờ Trung Quốc sẽ kiểm soát gần như tất cả cái gọi là "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc xem như ranh giới của mình trên Biển Đông. Đường này chiếm gần 2,2 triệu km2 (80% diện tích Biển Đông). 
Việc Trung Quốc mở rộng các đảo, xây dựng những cơ sở trên đó, hoàn toàn dễ dàng biến thành các căn cứ quân sự không thể không gây quan ngại cho các nước. Nhưng mối đe dọa bùng nổ xung đột nghiêm trọng nằm ở chỗ tình thế hiện nay sẽ liên tục làm gia tăng mối đe dọa đụng độ quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc biến những đảo đá trước đây thành đảo nhân tạo và sau đó họ tuyên bố về quyền 12 hải lý của mình xung quanh các đảo đó và cấm tàu nước khác đi vào khu vực này. Đáp lại, các nước ASEAN và tất nhiên là cả Mỹ không công nhận các yêu cầu này của Trung Quốc và tuyên bố họ coi tất cả những đảo nhân tạo này như đảo đá và tương ứng như vậy vùng biển xung quanh nó phải được xem như vùng biển quốc tế. Và vùng xung đột nguy hiểm này đã xảy ra những đụng độ nguy hiểm như trường hợp máy bay Mỹ mặc cho những cảnh báo của Trung Quốc vẫn thực hiện việc bay trên các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép.
Hoặc một sứ mệnh nguy hiểm hơn nữa mà tàu chiến Mỹ Lassen thực hiện tháng 10/2015 khi mặc cho các cảnh báo của Trung Quốc vẫn tiến gần sát tới sân bay và bến cảng Trung Quốc xây dựng tại Đá Subi. Những tàu quân sự của Trung Quốc bám theo tàu Mỹ có thể nổ súng trong bất cứ thời điểm nào và do đó có thể phá vỡ hòa bình mong manh trên quần đảo Trường Sa. Vấn đề nằm ở chỗ Mỹ tuyên bố là hoạt động của tàu Lassen không chỉ là duy nhất và đó là một phần trong chương trình dài hạn của Mỹ nhằm bảo vệ tự do hàng hải. Mặt khác hoàn toàn rõ ràng qua tuyên bố của Thiếu tướng Hải quân Trung Quốc Yin Zhuo rằng Trung Quốc có đầy đủ khả năng chống lại cái mà Trung Quốc gọi là "bất kỳ sự khiêu khích nào". Yin Zhuo huênh hoang tuyên bố: “Hải quân chúng ta hoàn toàn có khả năng và sự tự tin để sử dụng vũ khí với mục đích bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như những quyền lợi hàng hải của Trung Quốc. Chúng ta chỉ đang chờ một mệnh lệnh”. 
Như vậy, có thể chờ đợi sắp tới các tàu chiến của hải quân Mỹ lại đi theo tuyến đường nguy hiểm như vậy. Và không có gì đảm bảo là tất cả sẽ diễn ra êm thấm như trước.
* Bài viết của tác giả Dmitry M. Mosyakov - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, Úc và châu Đại Dương - Viện nghiên cứu Phương Đông - Viện hàn lâm khoa học Nga (RAN).
http://viettimes.vn/dia-chinh-tri/trung-quoc-banh-truong-bien-dong-de-doa-bung-no-xung-dot-49092.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét