Một Trung Quốc với chủ nghĩa dân tộc ngày càng gia tăng sẽ là một quả bom nổ chậm đang âm ỉ đối với những nước láng giềng trong khu vực. Nhưng có vẻ như quả bom nổ chậm mang tên chủ nghĩa dân tộc ấy đang không khác gì hơn là một vở hài kịch.
Nếu có một sự kiện mang tính bước ngoặt lớn nhất đối với bản đồ kinh tế và địa chính trị thế giới trong giai đoạn cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, thì đó hẳn phải là sự trỗi dậy và lớn mạnh của Trung Quốc. Đất nước 1,3 tỷ dân này cuối cùng cũng chấm dứt cơn mê ngủ kéo dài hàng thế kỷ để chính thức trở thành một trong những cường quốc lớn nhất trên thế giới. Sự trỗi dậy về kinh tế và đi kèm với đó là sức mạnh quân sự đang khiến cho người Trung Quốc cảm thấy ngày càng tự tin hơn
Và đó là lý do vì sao giới phân tích thế giới đã cảnh báo các nước láng giềng của Trung Quốc về một sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc quá đà của người dân nước này. Một Trung Quốc với sự hung hăng của người dân ngày càng gia tăng sẽ là một quả bom nổ chậm đang âm ỉ đối với những nước láng giềng trong khu vực. Nhưng có vẻ như quả bom nổ chậm mang tên dân tộc chủ nghĩa ấy đang không khác gì hơn là một vở hài kịch.
Một quan điểm chung thống trị trong giới học giả thế giới khi nghiên cứu về xã hội Trung Quốc, đó là sự tự hào cao độ của người dân Trung Quốc về lịch sử, truyền thống và văn hóa lâu đời của họ. Trung Quốc là đất nước duy nhất trên thế giới không bị gián đoạn và đứt gãy về văn hóa trong lịch sử nhân loại khi mà nền văn minh cổ của nước này vẫn được duy trì liên tục trong khoảng thời gian hàng ngàn năm. Hầu như mọi người Trung Quốc đều sống trong niềm tin rằng đất nước và dân tộc của họ xứng đáng có một vị trí cao thuộc diện đứng đầu trong hệ thống thứ bậc trên thế giới.
Tâm lý này đã bị tổn thương một cách nặng nề khi Trung Quốc giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 bị các cường quốc phương Tây lấn bức và chia cắt và sau đó phải hứng chịu cuộc xâm lăng của Nhật Bản. Vì thế, không lấy gì làm lạ khi một trong những mục tiêu và khẩu hiệu quan trọng nhất mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra trong giai đoạn mở cửa đất nước để phát triển kinh tế là “khôi phục lại vị trí và niềm tự hào của người Trung Quốc”.
Và cùng với quá trình phát triển kinh tế chóng mặt của đất nước, người Trung Quốc cũng đang ngày càng tự tin hơn với sự hãnh diện đến từ những thành công kinh tế vượt bậc đó. Ngay khi cảm thấy đã đủ mạnh, Bắc Kinh lập tức chấm dứt thái độ im hơi lặng tiếng bấy lâu để chính thức khởi động chính sách đòi chủ quyền đối với hàng loạt vùng lãnh hải đối với các nước láng giềng ASEAN, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Những động thái này khiến cho chủ nghĩa dân tộc đang nảy nở trong tư tưởng những người dân Trung Quốc một hướng phát triển đầy tiềm năng, dù nhiều học giả cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng về sự quá khích của nó.
Thậm chí Bắc Kinh còn đi xa đến mức đem những vùng lãnh hải trong diện tranh chấp vào sách giáo khoa cho học sinh ngay từ bậc tiểu học để hằn sâu những ấn tượng về chủ nghĩa dân tộc này vào những đầu óc ấu thơ. Không ngạc nhiên khi mà sau những động thái ủng hộ và dung dưỡng tinh thần dân tộc chủ nghĩa đó, những dấu hiệu của một sự quá khích đang ngày càng tăng lên trong một bộ phận giới trẻ Trung Quốc, những người thừa nhiệt tình nhưng thiếu kinh nghiệm xét đoán.
Và có vẻ như làn sóng dân tộc chủ nghĩa đó của người Trung Quốc, mà nhiều học giả gọi là một cơn hồng thủy có thể cuốn phăng mọi thứ, cũng không phải là không đáng sợ. Không ai có thể quên không khí cuồng loạn đến điên rồ khi một chiến dịch bài Nhật Bản nổ ra ở Trung Quốc cách đây vài năm sau khi Nhật Bản bắt giữ một vài tàu đánh cá Trung Quốc xâm nhập vùng lãnh hải đang tranh chấp giữa hai nước.
Không ai là không hãi hùng khi chứng kiến một sự cuồng loạn đáng sợ trong những ngày đó, khi mà mọi thứ dính dáng đến Nhật Bản đều bị tấn công và phá phách, từ các siêu thị và cửa hàng buôn bán hay thậm chí là cả những đồ vật vô tội như những chiếc xe hơi Nhật mang nhãn Toyota hay Nissan đều bị đập phá và đốt trụi dù chủ nhân của nó là người Trung Quốc đi nữa.
Chính quyền Trung Quốc hoàn toàn không can thiệp và để mặc cho những kẻ điên rồ đang đắm chìm trong men say của một thứ dân tộc chủ nghĩa cực đoan muốn làm gì thì làm. Cuộc tấn công gần như một vụ khủng bố đó của người Trung Quốc đã khiến người Nhật cảm thấy lo ngại thực sự và bắt đầu chuyển dần những cơ sở sản xuất của mình ở Trung Quốc sang các nước khác như một sự đảm bảo.
Người Nhật sẽ không bao giờ quên sự kiện đó, nhưng có vẻ như người Trung Quốc – vốn là những người gây ra sự kiện đó – thì đã quên từ lâu. Bằng chứng là bất chấp những sự kỳ thị và thù ghét người Nhật vốn được người Trung Quốc tích tụ từ đầu thế kỷ 20 sau khi hạm đội của nhà Thanh bị người Nhật đánh bại và cuộc xâm lược của Nhật Bản với Trung Quốc trong thế chiến thứ 2 và giờ đây là những tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Senkaku, thì ngày càng có nhiều người Trung Quốc đến Nhật Bản để du lịch và mua sắm hơn.
Trong một cuộc khảo sát gần nhất, chỉ có 11,3% người Trung Quốc được hỏi bày tỏ những ý kiến khá tích cực với vấn đề Nhật Bản trong khi có tới 57,3% số người tuyên bố rằng quan điểm của họ với Nhật Bản là rất xấu. Tuy nhiên điều này cũng không ngăn chặn được việc lượng người Trung Quốc đến Nhật Bản trong năm 2014 đã tăng 83% so với năm trước, đạt mức 2,4 triệu khách.
Một trong những nguyên nhân lý giải cho thực tế có vẻ nghịch lý này là người Trung Quốc đang mê mẩn với hàng hóa của Nhật thay vì hàng nội địa kém chất lượng và giá thành quá cao. Đa phần người Trung Quốc đến Nhật Bản là để mua sắm do đồng Yen giảm tỷ giá và hàng hóa chất lượng cao của Nhật. Thậm chí đã hình thành cả một cơn sốt săn lùng những bồn vệ sinh loại sang do Nhật sản xuất trong dịp Tết nguyên đán vừa rồi của người Trung Quốc.
Chỉ riêng trong dịp nghỉ Tết này người Trung Quốc đã chi tiêu tổng cộng hơn 1 tỷ USD ở Nhật Bản. Nhìn những khách du lịch Trung Quốc tràn vào các cửa hàng miễn thuế trên khắp Nhật Bản để mua hàng theo kiểu vơ vét một cách phấn khích, ít ai nghĩ được chính họ lại là những người từng tiến hành chiến dịch bài hàng hóa Nhật lớn nhất trong lịch sử. Đó là khi mà bất cứ hàng hóa nào có nhãn mác Nhật Bản rơi vào tay họ đều sẽ tan tành trong nháy mắt.
Chủ nghĩa dân tộc của người Trung Quốc ở thời điểm hiện tại vì thế cũng đang được ví với một vở hài kịch, có đầy đủ những chương hồi, có cảnh cao trào và thoái trào, và sau khi kết thúc nó để lại một dư âm đặc trưng của thể loại hài kịch là một sự tức cười.
Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc vì thế vẫn sẽ được coi là một thứ chủ nghĩa dân tộc nửa mùa và bị đường lối tuyên truyền của Bắc Kinh chi phối mạnh mẽ, chỉ khi nào được cho phép thì con hổ giấy mang tên chủ nghĩa dân tộc đó mới được tháo cũi, còn nếu không thì nó sẽ vẫn có những hành động nghịch lý đầy tức cười như một con mèo.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)http://motthegioi.vn/ho-so-phan-tich/trung-quoc-va-vo-hai-kich-chu-nghia-dan-toc-169490.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét