Trung Quốc lên kế hoạch tiến hành “chiến tranh nhân dân” trên biển như thế nào?
Ngày 07/4/2015, tờ “Lenta.ru” có uy tín và lượng bạn đọc đông đảo của Nga đã dịch và cho đăng lại bài báo với tiêu đề như trên của “The Wall Street Journal” (Mỹ). Xin dịch lại để giới thiệu với bạn đọc.
Để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng, Trung Quốc đôi khi áp dụng những thủ pháp rất không bình thường. Ví dụ, chính quyền Trung Quốc xây những đảo nhân tạo nhằm tăng cường sự kiểm soát đối với các khu vực lãnh thổ đang tranh chấp.
Hiện Trung Quốc còn có trong tay một phương tiện nữa rất lợi hại để thực hiện mưu đồ này – đó là lực lượng dân quân biển gồm các đội tàu đánh cá. Lúc bình thường thì dân quân biển đánh cá, nhưng trong trường hợp xảy ra xung đột (trên biển) với một quốc gia khác thì lực lượng dân quân biển này sẵn sàng hỗ trợ lực lượng quân sự Trung Quốc.
Hơn nữa, dân quân biển có một ưu thế đặc biệt mà Quân đội Trung Quốc không có: đó là không phải bất cứ một đối thủ nào (của Trung Quốc ) cũng có đủ sự cứng rắn cần thiết để nổ súng vào các tàu nhìn bề ngoài là tàu dân sự này.
Mới đây Philippin tuyên bố là sẽ khởi động lại hoạt động xây dựng trên các đảo ở khu vực tranh chấp để đáp trả những hành động tương tự từ phía Trung Quốc. Như vậy là nước này đã công khai đối đầu với Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đã sẵn sàng thử nghiệm một loại “vũ khí” mới trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ – đó là xây các đảo nhân tạo. Căn cứ vào các bức ảnh vệ tinh được công bố trong tháng 2/2015.
Bắc Kinh đã triển khai một chương trình chưa từng có tiền lệ – xây dựng các đảo mới và mở rộng diện tích các đảo cũ (kể cả xây (đắp) một đảo nhân tạo diện tích gần 63.000 m2 chỉ cách bờ biển Philippin 200 hải lý và trên đó đã cho triển khai xây một nhà máy xi măng và bãi đỗ cho máy bay lên thẳng).
Dự án này được thực hiện nhằm tăng cường sự kiểm soát của Trung Quốc trên phần lớn diện tích Biển Đông.
Những tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông từ lâu đã không còn là điều bí mật đối với thế giới. Nhưng có một thực tế ít người biết về một công cụ khác mà nước này sử dụng để hiện thực hóa các tham vọng lãnh thổ: đó là lực lượng dân quân biển (Trung Quốc).
Trung Quốc là một trong số rất ít nước trên thế giới có lực lượng dân quân biển. Thường thì lực lượng này gồm các tàu đánh cá và thực hiện rất nhiều chức năng khác nhau – từ chức năng là lực lượng phản ứng nhanh trong các trường hợp khẩn cấp như cứu hộ các thuyền mắc cạn, đến thực hiện những sứ mệnh quan trọng và tham vọng hơn như vận chuyển lính đổ bộ lên các đảo và tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo này.
Các thủy thủ trên các tàu này vừa là thủy thủ (hoặc ngư dân) của các công ty tàu dân sự hoặc các hợp tác xã đánh cá nhưng đồng thời cũng là một thành viên của một cơ quan (tổ chức) hoạt động dưới sự chỉ đạo của Các lực lượng vũ trang Trung Quốc.
Cụ thể là các cơ quan quân sự chịu trách nhiệm huấn luyện quân sự và giáo dục chính trị cho dân quân biển và trong trường hợp cần thiết sẽ huy động lực lượng này thực hiện các nhiệm vụ quân sự để hiện thực hóa các tham vọng của Trung Quốc.
Dân quân biển (Trung Quốc) đã được thành lập ngay từ những năm đầu lập quốc của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa với lực lượng chủ yếu là các đội tàu đánh cá.
Trong những năm gần đây sức mạnh của lực lượng này được tăng cường đánh kể và có thể thực hiện được rất nhiều nhiệm vụ – từ vận chuyển vật liệu xây dựng lên các đảo (tranh chấp) đến thu thập tin tức tình báo.
Thủy thủ của nhiều tàu còn được qua các khóa huấn luyện đặc biệt sử dụng mìn biển, thậm chí cả sử dụng tên lửa phòng không để có thể sẵn sàng tấn công các tàu của đối phương và tiến hành “cuộc chiến tranh nhân dân” trên biển.
Hiện nay các “chiến sỹ” dân quân biển Trung Quốc hoạt động như một lực lượng “tiên phong” bảo vệ các “lợi ích ” của Bắc Kinh ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Thế giới biết rất ít về lực lượng dân quân biển Trung Quốc, nhưng từ các nguồn thông tin công khai của nước này chúng ta cũng có thể thu thập được nhiều thông tin quý giá.
Vấn đề phức tạp khó tìm hiểu nhất liên quan đến cảnh sát (dân quân) biển Trung Quốc, đó là ai kiểm soát lực lượng này. Công tác huấn luyện thường xuyên lực lượng này do rất nhiều cơ quan của Các lực lượng vũ trang Trung Quốc ở cấp các bộ chỉ huy quân sự tỉnh và các thành phố duyên hải đảm trách dưới sự chỉ đạo của các cơ quan quân sự cấp quân khu.
Nhưng dưới cấp thành phố và cấp tỉnh thì bắt đầu khó phân biệt vì lực lượng dân quân biển (Trung Quốc) thực hiện nhiều chức năng khác nhau và vì thế mà các thành viên lực lượng dân quân biển trực thuộc nhiều bộ ngành khác nhau.
Trong thời gian gần đây chính quyền Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm số lượng tàu của từng đội quân dân quân biển và chuyên môn hóa sâu các đội dân quân này. Một số phân đội chuyên thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng quân sự (Hải quân) và lực lượng quân đội bảo vệ bờ.
Một ví dụ – đó là tiểu đoàn dân quân biển huyện Yuhuan Tỉnh Chiết Giang (xin lỗi bạn đọc vì cách phiên âm nửa tây nửa ta này- do không tìm thấy phiên âm Hán Việt của huyện) – tiểu đoàn này chuyên vận chuyển nhiên liệu và đạn dược cho các tàu chiến của Hải quân Trung Quốc.
Một số phân đội khác có chức năng hỗ trợ, tham gia vào các hoạt động trinh sát, bảo vệ các khu vực biển và các mục tiêu quan trọng, tổ chức các hoạt động khác như trinh sát vô tuyến điện, vận chuyển hàng hóa, sửa chữa trang thiết bị và sơ tán người bị nạn trong các trường hợp khẩn cấp.
Một dẫn chứng: Chỉ trong năm 2014, một đại đội dân quân biển của thị trấn Thai châu (Tỉnh Chiết Giang) chuyên hoạt động trong các tình huống khẩn cấp đã thực hiện 136 chiến dịch cứu hộ- cứu nạn. Đại đội này đã cứu được 16 tàu (thuyền) và 286 người.
Còn có những chức năng nhiệm vụ khác: trong các cuộc tập trận chung giữa Hải quân, Lực lượng phòng thủ ven biển và dân quân biển (Trung Quốc) ở Vịnh Bắc Bộ tháng 8/2014 (như thế có thể hiểu đối phương giả định của Lực lượng này là ai-ND).
Các tàu đánh cá Trung Quốc đã luyện tập các phương án tiến hành thu thập tin tức và bắt giữ các tàu của đối phương (giả định) đang tìm cách tiếp cận và cản trở hoạt động của các giàn khoan mà lực lượng chung này của Trung Quốc (Hải quân, lực lượng phòng thủ duyên hải và dân quân) có trách nhiệm bảo vệ.
Lực lượng dân quân biển cũng thực hiện chức năng hỗ trợ sự hiện diện của Trung Quốc trong các khu vực có xung đột lãnh thổ hay đổ bộ lên các đảo đang tranh chấp, phối hợp hoạt động của mình với các động thái chính trị và ngoại giao của nhà nước Trung Quốc.
Trung Quốc đang ráo riết tiến hành việc “nhất thể hóa” hoạt động của dân quân biển – lực lượng này vừa tiến hành các hoạt động thường nhật (trên biển) vừa luôn ở trạng thái sẵn sàng cao nhất để có thể ngay lập tức “hành động” một khi có lệnh từ trên, tham gia tức thời vào các hoạt động “bảo vệ lợi ích” của Trung Quốc trên biển.
Hàng nghìn tàu của dân quân biển được trang bị các máy thu tín hiệu vệ tinh dẫn đường của hệ thống “Beidou” để tiếp nhận thông tin về tọa độ của các tàu gần đó và trao đổi thông tin với các tàu khác. Hệ thống này giữ một vai trò rất quan trọng trong hoạt động của dân quân biển trong thời đại công nghệ cao này.
Theo một bài báo của tờ National Defense (do nhiều chuyên gia quân sự Mỹ chuẩn bị) thì Cục tác chiến Bộ Tư lệnh Hải quân Trung Quốc có trách nhiệm thiết lập một mạng lưới tình báo trên biển gồm các tàu dân sự và các tàu của dân quân biển.
Cũng trong bài báo này, các tác giả đã dẫn ra một số liệu do chính quyền của 02 tỉnh của Trung Quốc cung cấp (không rõ tỉnh nào): dưới quyền chỉ huy của 02 tỉnh này có gần 20.000 tàu đánh cá và tàu vận tải (của dân quân biển) và hàng trăm nghìn dân quân – có nghĩa là có tất cả những gì cần thiết để giám sát một cách chặt chẽ khu vực biển ven bờ của 02 tỉnh đó.
Về ngân sách hoạt động: chi phí cho các hoạt động hàng ngày của dân quân biển do ngân sách của thành phố hoặc huyện mà tàu này đăng ký chịu trách nhiệm, còn trong trường hợp thực hiện các nhiệm vụ có quy mô lớn hơn hoặc các chiến dịch đặc biệt thì chi phí đó được ngân sách của tỉnh chi trả.
Chính quyền các cấp như đã nói ở trên cũng quy định cụ thể mức bù đắp các khoản chi phí cho dân quân biển khi tiến hành chiến dịch hoặc là bồi thường cho dân quân biển nếu các tàu của họ bị hư hại khi thực hiện nhiệm vụ.
Để đảm bảo hoạt động cho lực lượng dân quân biển, Chính quyền Trung Quốc đã huy động nhiều bộ ngành tham gia, bao gồm Bộ Tư lệnh bảo vệ hải sản, Cục các vấn đề đảm bảo an ninh trên biển, Cục vận tải quân sự và các cơ quan khác của Hải quân…..
Mỗi một cơ quan (bộ ngành) chịu trách nhiệm về phần việc mà mình phụ trách – từ cung cấp vũ khí đến trang bị các thiết bị dẫn đường và liên lạc cho các tàu của dân quân biển.
Lực lượng dân quân biển Trung Quốc được huấn luyện theo nhiều chương trình khác nhau – từ kỹ năng phân biệt, nhận dạng các tàu đến sử dụng vũ khí và các hoạt động kinh tế-quân sự.
Để đảm bảo sự trung thành của lực lượng này với chính quyền, họ cũng được học các khóa về các vấn đề chính trị và quốc phòng. Các buổi học chinh trị được tiến hành ngay cả khi các tàu đang hoạt động trên biển.
Mặc dù có nhiều điểm mạnh, lực lượng dân quân biển cũng gây cho Bộ Tư lệnh Hải quân không ít vấn đề phiền toái. Vấn đề nghiêm trọng nhất- là quá trình tư nhân hóa ngành công nghiệp đánh cá.
Khi sản lượng đánh bắt cá giảm, nhiều công ty đánh cá bán các cổ phần của mình và sa thải công nhân và vì thế các cơ quan phụ trách của Hải quân gặp rất nhiều khó khăn trong công tác theo dõi, quản lý và huấn luyện dân quân biển.
Một ví dụ: trong một năm, trong số140 chiếc tàu dân quân biển của một huyện thuộc thành phố Ninh Ba thì đã có 40 tàu bị các chủ tàu bán.
Những vấn đề trên là những vấn đề mà tất cả các công ty và hợp tác xã đánh cá nòng cốt của lực lượng dân quân biển đều đang phải đối mặt và Bộ Tư lệnh Hải quân (Trung Quốc) đang tìm và thử nghiệm các phương án giải quyết.
Dù dân quân biển Trung Quốc có những hạn chế như đã nói ở trên nhưng nhìn tổng thể thì những tính toán của chính quyền Bắc Kinh tăng cường sức mạnh lực lượng dân quân biển thực sự là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với các nước láng giềng trong khu vực và ngay cả đối với Mỹ.
Nếu trên Biển Hoa Đông hoặc Biển Đông có xung đột xảy ra (giữa Trung Quốc) với các nước đồng minh của Mỹ hay chính nước Mỹ thì các nước này và Mỹ buộc phải tính toán đưa ra phương án sử dụng vũ lực chống lại một số lượng khổng lồ các tàu giả danh dân sự (của Trung Quốc) nhưng lại tiến hành các hành động quân sự.
Các cuộc xung đột cường độ thấp ở Biển Đông vừa qua đã cho thấy rõ là các nước láng giềng của Trung Quốc đang phải đối mặt với chiến thuật chiến tranh du kích trên biển (của Trung Quốc) và hình thái hoạt động như vậy (của Trung Quốc) không cho phép (các nước láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc) sử dụng lực lượng Hải quân.
Hiện nay, Trung Quốc đang trang bị lực lượng dân quân biển của mình rất nhiều tàu vỏ thép để thay thế các tàu đánh cá vỏ gỗ. Tại sao lại như vậy?
Nhiều khả năng hơn cả là để sử dụng các tàu này vào các chiến dịch cần phải có những cú đâm thẳng hoặc đâm vào sườn các tàu thuyền của đối phương, chiến thuật này đã được các thủy thủ Trung Quốc áp dụng năm 2014 trong vụ đối đầu liên quan đến giàn khoan “Hải Dương 981” mà Trung Quốc hạ đặt (trái phép) tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Nếu như một tình huống như vậy lại xảy ra, Hải quân Mỹ sẽ bị trói tay vì những lý do mang tính chất chính trị: Hải quân Mỹ buộc phải đối đầu với những tàu “dân sự”, nhưng sau lưng chúng là những tàu chiến của Hải Quân (Trung Quốc).
Còn trong khi đó thì dân quân biển (Trung Quốc) dưới vỏ bọc của các tàu dân sự sẽ tiếp tục ngang nhiên thực hiện những nhiệm vụ hoàn toàn mang tính chất “quân sự”.http://nguyentandungvn.org/tim-hieu-su-that-dan-quan-bien-trung-quoc.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét