Phát biểu với báo giới trước chuyến thăm Việt Nam từ ngày 5 đến 7/4, Thủ tướng Medvedev nhấn mạnh một trong nhiều kế hoạch Nga đưa ra để thúc đẩy quan hệ với Việt Nam là thành lập một khu vực tự do thương mại.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: Itar-Tass.
|
- Nga dự kiến có những bước đi thực tế nào nhằm tăng cường vị thế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương? ASEAN đóng vai trò gì trong tiến trình này?
Chúng tôi đã hơn một lần bày tỏ mong muốn được hợp tác với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ASEAN và trực tiếp hợp tác với Việt Nam. Tôi xin liệt kê bắt đầu từ việc những đại diện của Nga, gồm cả đại diện chính quyền, giới doanh nghiệp chưa kể đến khách du lịch, thường xuyên lui tới các nước trong khu vực. Chúng tôi có những mối liên hệ thường xuyên ở Việt Nam.
Tôi từng đến Việt Nam năm 2012 và đây là chuyến thăm tiếp theo. Trong những năm gần đây, chúng tôi đã định hướng chuyển sang hợp tác tích cực với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, việc chỉ định hướng là chưa đủ và cần phải có những bước đi thực tiễn.
Tôi đề cập đến toàn bộ những khả năng và hành động của chúng tôi, từ tiếp xúc ở cấp thượng đỉnh và cấp cao cho đến tận những mối quan hệ thường nhật giữa con người với nhau, bao gồm cả quan hệ giữa các đại diện giới doanh nghiệp.
Hiện chúng tôi có rất nhiều ý tưởng, kế hoạch để thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, đối tác chiến lược của Nga, lên một tầm vóc mới. Một trong số này là hiệp định về thành lập khu vực thương mại tự do. Đây có thể là hiệp định đầu tiên được ký giữa Liên minh kinh tế Á - Âu và một quốc gia. Việt Nam sẽ được quyền tiếp cận với một thị trường không chỉ bao gồm cư dân Liên bang Nga, mà còn cả các nước đối tác trong Liên minh, trên thực tế là thêm hơn 40 triệu người, từ đó sẽ nảy sinh những triển vọng hợp tác mới.
Bộ trưởng Bộ phát triển kinh tế Nga mới đây khẳng định rằng tiến trình đàm phán về hiệp định trên với Việt Nam đã bước vào giai đoạn hoàn tất nhưng hai bên cũng còn phải thỏa thuận thêm về một loạt những vấn đề quan trọng.
Điều này rất quan trọng nhưng chưa phải là tất cả và có thể không phải là chính yếu bởi chúng ta vẫn đang hợp tác thương mại với nhau, kim ngạch trao đổi hàng hóa khá tốt, hợp tác ở mức cao. Điều chúng ta cần là tạo ra được điều kiện để trao đổi đầu tư và Nga đã sẵn sàng.
Ngoài ra còn một vài vấn đề liên quan đến lĩnh vực dịch vụ. Tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết ở đây, song tôi cho rằng mức độ sẵn sàng cho văn kiện này ở mức cao, và nếu chúng ta tập trung nỗ lực – tôi sẽ bàn thảo thêm với các đối tác của mình, với các bạn đồng nghiệp Việt Nam, - thì chúng ta sẽ có tất cả mọi cơ hội để hoàn tất tiến trình đàm phán này trong triển vọng khá gần.
- Ông đánh giá về tiến trình hợp tác Nga - Việt trong lĩnh vực khai thác thềm lục địa Việt Nam như thế nào?
Hợp tác trong lĩnh vực này đang tiến triển tốt đẹp. Hai nước có bề dày lịch sử quan hệ khai thác ở thềm lục địa. Ngọn cờ đầu hợp tác là Liên doanh dầu khí Vietsovpetro, doanh nghiệp hoạt động đã lâu với hiệp định được ký từ thời Liên Xô.
Điều này chứng tỏ đây là sự hợp tác hai bên cùng có lợi. Các bên tham gia liên doanh là công ty Zarubezhneft của Nga và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã thỏa thuận tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác đến năm 2030.
Nhiều tập đoàn, công ty, doanh nghiệp nhà nước Nga như Rosneft và Gazprom cũng có các đối tác ở Việt Nam đồng thời đang đàm phán về khả năng hợp tác. Chúng tôi đánh giá rất cao sự hợp tác này bởi nó mang lại lợi ích và theo đó là thu nhập cho cả Việt Nam lẫn Liên bang Nga
Nga và Việt Nam hợp tác với nhau đủ lâu nên việc tìm ra hình thức hợp tác mới có triển vọng là điều rất quan trọng. Đó có thể là cùng nhau chế biến dầu khí, vận dụng những cơ chế kích thích khác nhau, sao cho sự hợp tác phát triển tốt hơn, cả trong vùng thềm lục địa Việt Nam cũng như trên lãnh thổ Liên bang Nga.
- Trong tương lai kinh tế tri thức chiếm vị trí nào trong nền kinh tế toàn cầu và khu vực? Ông có đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác Nga-Việt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cao?
Chúng tôi hiện rất quan tâm đến điều này và cho rằng tương lai dĩ nhiên thuộc về kinh tế tri thức. Do đó, ngay cả trong điều kiện kinh tế khá phức tạp hiện nay, chúng tôi vẫn cố gắng không cắt giảm chi phí tài trợ các chương trình khoa học, phát triển những khu công nghệ cao, xây dựng các cụm nghiên cứu khoa học.
Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì đường lối này. Nó liên quan đến việc cả thế giới cho rằng tương lai của bất kỳ một nền kinh tế nào cũng phụ thuộc phần lớn vào tình trạng trang bị công nghệ của nền kinh tế đó và tôi biết Việt Nam cũng có quan điểm như vậy. Chúng tôi rất sẵn sàng để phát triển những hình thức hợp tác khác nhau với Việt Nam.
- Ông có thể chia sẻ những cảm xúc và ấn tượng của mình về Việt Nam nhân dịp ông sắp có thăm kế tiếp đến Việt Nam?
Tôi luôn vui mừng khi được tới thăm đất nước các bạn bởi tôi có thể chứng kiến sự phát triển của Việt Nam. Tôi quan sát những thành quả của các bạn và phải nói rằng chúng rất ấn tượng.
Bên cạnh một Việt Nam hiện đại, năng động, phát triển nhanh, đang dần trở thành một trong những quốc gia hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, còn có một Việt Nam cổ kính, với lịch sử và nền văn hóa đặc biệt của riêng mình. Tôi luôn cảm thấy thú vị khi ngắm nhìn những di tích lịch sử và văn hóa, cảnh sắc có thể nói là nét điển hình của Việt Nam.
- Ông đánh giá ý nghĩa của những mốc thời gian quan trọng như kỷ niệm 40 năm giải phóng miền nam, thống nhất Việt Nam vào ngày 30/4, 70 năm chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc Nga vào ngày 9/5?
Những mốc thời gian trên có ý nghĩa hết sức to lớn. Đối với ngày kỷ niệm của Việt Nam thì đó là sự thống nhất và tiếp theo là sự phát triển thành công của một đất nước. Đó là ngày lễ của cả dân tộc Việt Nam.
Về ngày 9/5, đó cũng là ngày lễ chung của tất cả chúng ta. Đó là chiến thắng trước cái ác tầm thế giới, trước chủ nghĩa phát xít mà trong cuộc đấu tranh chống lại nó có sự tham gia của rất nhiều đất nước, dân tộc. Chúng tôi chuẩn bị kỷ niệm 70 năm chiến thắng một cách nghiêm túc.
Tôi xin một lần nữa nhấn mạnh đó không phải là ngày lễ của riêng nước Nga mà là ngày kỷ niệm của toàn thế giới. Chúng tôi luôn vui mừng chào đón Việt Nam trong những ngày lễ như vậy.
- Bởi những nguyên nhân đã rõ, lượng khách du lịch Nga đến Việt Nam từ đầu năm 2015 giảm 40%. Xin ông cho biết có thể khắc phục tình trạng này như thế nào?
Tình trạng đó chắc chắn sẽ được cải thiện. Lượng khách du lịch giảm liên quan đến khó khăn kinh tế của chúng tôi, đến tỷ giá đồng rouble. Do những nguyên nhân dễ hiểu, sức mua có giảm đôi chút, song nếu nói đến sự suy thoái thì còn phải xem cách tính toán như thế nào.
Khách du lịch Nga vẫn có mối quan tâm rất lớn tới nghỉ dưỡng ở Việt Nam. Đất nước các bạn rất thú vị, nền văn hóa lâu đời, địa điểm nghỉ dưỡng tốt. Theo tôi, còn có một điều rất quan trọng là làm thế nào để những dòng khách du lịch đó luân chuyển qua lại.
Nga là một nước lớn, chúng tôi có nhiều nơi để tham quan, vì thế nên chúng tôi luôn luôn chào đón khách du lịch. Tôi nghĩ chúng ta có những triển vọng tốt để phát triển việc trao đổi du lịch giữa hai nước.
- Liệu có cơ hội hoặc kế hoạch cụ thể nào để trong giao dịch thương mại Nga và Việt Nam chuyển sang thanh toán bằng đồng tiền quốc gia của hai nước?
Thứ nhất, hiện nay chúng ta không có bất kỳ trở ngại nào đối với việc thanh toán bằng đồng rouble và Việt Nam đồng. Không có bất kỳ trở ngại nào về phương diện pháp lý nhưng còn cần đến yếu tố kinh tế.
Chúng ta đã thỏa thuận về khả năng sử dụng đồng nội tệ để thanh toán từ cách đây gần mười năm và thậm chí thành lập cả một ngân hàng chuyên biệt, ngân hàng Việt – Nga. Song tất nhiên việc sử dụng đồng nội tệ chỉ có lợi khi hai bên có kim ngạch trao đổi thương mại lớn và xuất hiện sự cần thiết tích lũy dự trữ hoặc là bằng đồng rouble (RUB) hoặc Việt Nam đồng (VND).
Hiện việc chúng ta thanh toán bằng nội tệ chiếm khoảng 1,5%, còn lại là bằng USD. Điều này không phải bao giờ cũng có lợi bởi USD đối với cả hai nước đều là ngoại tệ. Chúng ta bị phụ thuộc vào tỷ giá USD lên xuống thế nào, rồi sau mới có thể dùng nó để thanh toán cho nhau. Về phương diện này thì mở các khoản mục ngoại tệ đối ứng bằng đồng tiền nội tệ hai nước có thể có lợi hơn.
Hơn nữa, dĩ nhiên vấn đề được nói đến ở đây không chỉ là các giao dịch thương mại, mà còn cả các giao dịch đầu tư. Chúng tôi hiện đang cố gắng phát triển chủ đề này trong thanh toán hai chiều với các nước khác, với các đối tác của chúng tôi.
Để kết thúc buổi trao đổi, tôi còn một điều muốn nói là chúng tôi trông đợi đạt được những kết quả tốt đẹp từ chuyến thăm tới Việt Nam. Tôi cho rằng điều này cũng chính là một biểu hiện của mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước và cũng là sự mong đợi rằng mối quan hệ đó sẽ phát triển, tăng cường trong tương lai.
Như Tâm
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/thu-tuong-medvedev-nga-co-nhie-u-ke-hoa-ch-thu-c-da-y-quan-he-vo-i-vie-t-nam-3177952.htm
l
l
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét