Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

CCTV4: Việt Nam luôn coi Trung Quốc là đối thủ hàng đầu nhưng không dám nói

CCTV4 đang tự bôi nhọ mặt mình và làm xấu thể diện quốc gia.
Lật Trung Dân, người dẫn chương trình CCTV4 trong phóng sự bình luận xuyên tạc về chính sách đối ngoại của Việt Nam và quan hệ Việt - Trung. Ảnh cắt từ clip.

Kênh thời sự quốc tế tiếng Trung Quốc của đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV4 ngày 18/4 phát sóng phóng sự bình luận với tiêu đề "Thuật cân bằng giữa các nước lớn của Việt Nam" trong đó dẫn lời một chuyên gia nói rằng "Việt Nam lúc nào cũng xem Trung Quốc là kẻ thù hàng đầu nhưng không dám công khai nói ra". Các báo Trung Quốc khi dẫn lại tin này đều lấy ý trên để đặt tít.
Lật Trung Dân, biên tập viên CCTV4 vào đề bằng việc bình luận, tại sao ngay trước thềm chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, 2 chiến hạm hiện đại của Hoa Kỳ gồm tàu khu trục tên lửa Fitzgerald, tàu chiến Fort Worth và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đồng thời đến Việt Nam? 
Biên tập viên này bình luận, Việt Nam đồng loạt triển khai các hoạt động ngoại giao với cả 3 cường quốc Mỹ - Nga - Trung Quốc. Trong đó hợp tác quân sự là một trong những nội dung chính trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 5-7/4 của Thủ tướng Nga.
CCTV4 dẫn nguồn đài VOA Hoa Kỳ ngày 8/4 nói rằng, sau khi thăm chính thức Trung Quốc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã mời Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam trong năm nay.
CCTV4 dẫn lời Đỗ Kế Phong, một chuyên gia nghiên ứu từ Viên Nghiên cứu chiến lược toàn cầu và châu Á - Thái Bình Dương thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc bình luận: Lãnh đạo cấp cao Việt Nam thăm Trung Quốc lần này trước khi đi thăm Mỹ là "muốn nghe ý kiến của Bắc Kinh về việc phát triển quan hệ Việt - Mỹ như thế nào", một bình luận vô cùng xấc xược - PV.
Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền, chủ trương làm bạn với tất cả các quốc gia, dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Vì vậy không có lý do gì để CCTV4 soi mói các hoạt động đối ngoại bình thường của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và cố tình ghán ghép một ý nghĩa chủ quan nào đó của Bắc Kinh vào hoạt động này. 
Đặc biệt việc dẫn bình luận xấc xược của Đỗ Kế Phong dễ khiến dư luận hoài nghi, chia rẽ về kết quả chuyến thăm Trung Quốc của lãnh đạo cấp cao Việt Nam cũng như bản chất quan hệ bình đẳng, hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam và Trung Quốc. 
Điều này cho thấy không chỉ một bộ phận học giả Trung Quốc mà ngay cả hãng truyền thông chính thống hàng đầu của Trung Quốc đang chơi trò hai mặt với Việt Nam, vừa ca ngợi hữu nghị, vừa tìm cách bôi nhọ, hạ bệ vị thế của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc - PV.
Đỗ Kế Phong bình luận xuyên tạc, bôi nhọ Việt Nam trên đài CCTV4. Ảnh cắt từ clip.
CCTV4 bình luận tiếp, chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, Việt Nam vừa triển khai các hoạt động hợp tác đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, vừa xúc tiến mua vũ khí khí tài quân sự của Nga, đồng thời tăng cường hợp tác và trao đổi quân sự với Hoa Kỳ. Ngoài ra vài năm trở lại đây, Việt Nam còn phát triển quan hệ hợp tác quân sự với Nhật Bản, Ấn Độ và các nước ven Biển Đông. 

Đài này cho rằng không chỉ Việt Nam liên tục thúc đẩy ngoại giao cân bằng trong quan hệ với các nước lớn, mà Việt Nam còn trở thành nơi tranh giành ảnh hưởng địa chính trị, địa chiến lược của các cường quốc hàng đầu. Việt Nam thậm chí còn tích cực đàm phán tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Hoa Kỳ. CCTV4 dẫn "quan điểm phổ biến" cho rằng, hoạt động cân bằng ngoại giao này của Việt Nam chủ yếu là nhằm vào Trung Quốc?!

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc nhắc lại sự kiện giàn khoan 981 xâm phạm và hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam rồi tiếp tục luận điệu tuyên truyền bóp méo sự thật, chụp mũ bôi nhọ Việt Nam "quấy rối" hoạt động của giàn khoan này. 
CCTV4 dẫn số liệu phòng tham tán kinh tế thương mại đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam nói rằng, năm 1991 kim ngạch thương mại song phương đạt 320 triệu USD, năm 2013 con số này lên tới 65,4 tỉ USD, tăng hơn 2000 lần. 
CCTV4 còn dẫn nguồn Thời báo Tài chính của Anh nói rằng nền kinh tế Việt Nam đã bị "phụ thuộc nghiêm trọng" vào Trung Quốc. Trong vụ khủng hoảng giàn khoan 981, phía Trung Quốc đã đồng loạt dừng cấp vốn cho các dự án đầu tư trọng điểm tại Việt Nam.
Đằng Kiến Quần, cuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc được CCTV4 dẫn lời bình luận, việc Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh sang Trung Quốc sau vụ giàn khoan 981 là tín hiệu cho thấy Việt Nam không muốn đối đầu, và quan trọng là Việt Nam cơ bản không có khả năng đối đầu với Trung Quốc?!
Kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc lại nhắc chuyện chi viện Việt Nam trong 2 cuộc chiến tranh gần đây và "dẫn lời" Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai nói rằng: "Dù Trung Quốc có phải thắt lưng buộc bụng cùng phải ủng hộ Việt Nam đuổi người Mỹ ra khỏi bờ cõi, giúp Việt Nam thống nhất đất nước". 
Trung Quốc từng giúp Việt Nam là một thực tế, và Trung Quốc cũng từng lợi dụng tình hình trong nước Việt Nam cũng như bối cảnh quốc tế để cất quân xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, đánh chiếm 6 bãi đá trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 cũng là một sự thật, nhưng đã không thấy CCTV-4 đả động gì đến - PV.
Cho đến giờ này, khi lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc vừa mới hội đàm củng cố quan hệ hợp tác, hữu nghị để mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân 2 nước và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực sau khủng hoảng giàn khoan 981, CCTV4 lại đưa ra những bình luận bóp méo sự thật, gây thù chuốc oán, nói ngược hoàn toàn những điều lãnh đạo cấp cao của họ vừa tuyên bố: 

"Sau khi thống nhất Nam Bắc, Việt Nam và Trung Quốc từ bạn thành thù, Việt Nam ký hiệp ước đồng minh quân sự với Liên Xô nhằm mưu cầu đi theo con đường bá quyền khu vực, thống nhất bán đảo Đông Dương. Trung Quốc kiên quyết phản đối nên mới dẫn đến cuộc chiến giữa 2 nước năm 1979 và 1988", thật là một sự bôi nhọ và nhạo báng lịch sử không biết ngượng mồm của đài truyền hình quốc gia Trung Quốc - PV.

Đỗ Kế Phong, ảnh: Đại Công Báo.

CCTV4 tiếp tục dẫn lời Đỗ Kế Phong bình luận: "Trên thực tế một số quan điểm trong nội bộ Việt Nam lúc nào cũng coi Trung Quốc là kẻ thù hàng đầu, nhưng không dám nói ra. Nhưng với tư tưởng này, có khả năng một số chính sách đối ngoại hay tính toán chủ yếu của Việt Nam là xuất phát từ quan điểm đề phòng Trung Quốc". 

Tạm chưa bàn đến bình luận của ông Đỗ Kế Phong, chỉ riêng phóng sự bình luận này của truyền hình quốc gia Trung Quốc đã cho thấy hãng truyền thông này và một bộ phận học giả Trung Quốc đang nghĩ gì về Việt Nam cũng như quan hệ Việt - Trung. Nó khác xa, thậm chí đi ngược lại những tuyên bố hữu nghị và hợp tác của các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. 

Bình luận mang tính khiêu khích của ông Phong có lẽ đúng hơn đối với Bắc Kinh. Nó dễ gây hiểu lầm và suy diễn khi ông Phong chỉ nói cái hiện tượng mà lờ tịt đi nguyên nhân, những cuộc chiến xâm lược năm 1974, 1979, 1988 và gần đây nhất là khủng hoảng giàn khoan 981 không thể không khiến người Việt cảnh giác - PV.

Kết thúc phóng sự bình luận xuyên tạc này, CCTV4 dẫn lời Đặng Lực Quần bình luận xấc xược: Bất kỳ quốc gia nào cũng không thay thế được vai trò của Trung Quốc trong quan hệ với Việt Nam, dù muốn hay không Việt Nam cũng phải phụ thuộc vào Trung Quốc. Phóng sự này của CCTV4 bình luận, xuyên tạc về chính sách đối ngoại của Việt Nam, nhưng lại nói lên bản chất, tư duy cá lớn nuốt cá bé của một bộ phận truyền thông nhà nước và học giả Trung Quốc. 

Chắc chắn nó không có lợi ích gì cho quan hệ hợp tác hữu nghị  Việt - Trung, đi ngược lại tinh thần thỏa thuận hợp tác của lãnh đạo cấp cao 2 nước cũng như các tuyên bố thiện chí của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Do đó, việc các nước láng giềng, khu vực hay cộng đồng quốc tế có nghi ngờ, nghi ngại Trung Quốc hay không phụ thuộc vào chính những lời nói và hành vi của Trung Quốc, CCTV4 đang tự bôi nhọ mặt mình và làm xấu thể diện quốc gia - PV.

.http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/CCTV4-Viet-Nam-luon-coi-Trung-Quoc-la-doi-thu-hang-dau-nhung-khong-dam-noi-post157543.g
d

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét