Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

LỊCH SỬ VIỆT NAM THỜI KỲ TRỊNH – NGUYỄN PHÂN TRANH

Triều đình nhà Lê suy yếu thì sự tranh chấp giữa các phe phái càng diễn ra quyết liệt. Trong cuộc tranh giành hỗn loạn xảy ra chủ yếu là giữa sự xung đột của hai phái quân phiệt do sự cầm đầu của các tướng Trịnh Tuy và Nguyễn Hoàng Dụ. Lúc bấy giờ lại xuất hiện một phe mới do Mạc Đăng Dung cầm đầu.
Mạc Đăng Dung là người Hải Dương, 1508 ông trúng tuyển kỳ thi võ và được tuyển vào làm Túc vệ, giữ chức Chỉ huy sứ rồi tăng dần lên phó tướng. Lúc này Mạc Đăng Dung lợi dụng sự mâu thuẫn giữa các phe phái để củng cố thế lực của mình. Đến năm 1521 thì Mạc Đăng Dung nắm toàn bộ quyền hành trong triều đình nhà Lê [3. 208]. Vào tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai đem quân về kinh đô ép vua Lê nhường ngôi và tự lập ngôi vua lấy niên hiệu là Minh Đức.
2.1. Thời kỳ nhà Mạc
 Vào tháng 6 năm 1527 nhà Mạc được thành lập, tuy nhiên những cuộc tranh chấp giữa các phe phái vẫn diễn ra gay gắt. Chính những tranh chấp giữa các phe phái dẫn đến sự thiết lập hai chính quyền thù địch : Họ Mạc ở Bắc Bộ, đóng đô ở Thăng Long và chính quyền Nhà Lê ở vùng Thanh Hoá trở vào; (Bắc triều và Nam triều). Nam triều tuy mang danh nghĩa nhà Lê, nhưng thực chất lúc đầu là ở trong tay Nguyễn Kim rồi chuyển sang Trịnh Kiểm và con cháu họ Trịnh. Xét về mặt chính trị thì đây là hậu quả của chế độ quân chủ tập quyền chuyên chế.
Chính sách thống trị của nhà Mạc: Sau khi lên ngôi ông phong chức tước cho họ hàng, phe phái, sau ba năm thì nhường ngôi cho con là Mạc Đăng
Doanh (1530), bắt chước chế độ nhà Trần, Mạc Đăng Dung lui về làm Thái
Thượng Hoàng.
Về đối nội: Nhà Mạc tăng cường lực lượng quân sự, đào tạo tầng lớp sĩ phu, quan liêu mới. Khác với thời Lê Sơ, nhà Mạc cấp ruộng trở thành ruộng tư, có quyền mua bán, chuyển nhượng.
Trong vòng hơn 60 năm (1529- 1592) nhà Mạc mở được 22 khoa thi, lấy được 499 Tiến sĩ, 13 Trạng Nguyên. Qua đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của nhà Mạc đối với khoa cử. Nhưng đó là tư tưởng nhằm để đào tạo lực lượng quan liêu mới  và mục đích để tầng lớp sĩ phu trong xã hội hướng về triều Mạc, nhưng kết quả thì thực tế nhiều sĩ phu, tri thức không tỏ ra trung thành với nhà Mạc nhất là khi Mạc Đăng Dung tỏ thái độ nhu nhược với nhà Minh nên một số người đã xa lánh  và tìm tới nhà Lê như Lương Hữu Khánh, Trần Phỉ, Giáp Tường, Trần Văn Nghi, Vũ Tuấn v.v…, trong đó tiêu biểu là trường hợp Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm.
 1541, Mạc Đăng Dung đầu hàng nhà Minh và được nhà Minh phong cho làm An Nam đô thống sứ.
Với chính sách nhà Mạc đối nội, đối ngoại như vậy, đã đưa nhà Mạc đến suy yếu và rơi vào thế cô lập ; đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của Bắc triều (Mạc) trong cuộc tranh chấp với Nam triều (Trịnh).
 Cuộc chiến tranh Trịnh – Mạc kéo dài 46 năm (1546 – 1592) mới kết thúc. Đây là một cuộc hỗn chiến tàn khốc, dùng chiến tranh để tiêu diệt lẫn nhau nhằm tranh dành quyền lợi giữa các tập đoàn thống trị độc lập, đó là nguyên nhân mâu thuẫn dẫn đến tình trạng đất nước bị chia cắt, lôi kéo nhân dân cả nước vào cuộc tàn hại đau thương. Đúng là:
“Chia anh em vì quên tiếng gia đình”.
Cuộc chiến tàn khốc giữa Trịnh – Mạc vừa tạm chấm dứt chưa được bao lâu thì nhân dân cả nước bị rơi vào cảnh tan thương của cuộc nội chiến mới Trịnh – Nguyễn. Và ranh giới đất nước bị chia cắt bởi dòng sông Gianh.
2.2. Mối quan hệ giữa Nguyễn Hoàng và Trịnh Kiểm
 Sau khi tìm được người cháu là Lê Trang Tông và đưa lên làm vua, năm 1545 Nguyễn Kim (cha Nguyễn Hoàng và Nguyễn Uông) bị hàng tướng nhà Mạc thuốc chết, binh quyền nằm trọn vào tay con rể là Trịnh Kiểm. Vì sợ em vợ tranh dành quyền bính nên đã ám hại Nguyễn Uông. Nguyễn Hoàng sợ hãi tìm đến hỏi Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nên làm thế nào để thoát khỏi sự hãm hại của Trịnh Kiểm? Nguyễn Bỉnh Khiêm chống gậy ra sân, nhìn đàn kiến “leo núi” và nói: “Hoành phi nhất đái, vạn đại dung thân”. Hiểu ý, Nguyễn Hoàng về nói với chị (vợ Trịnh Kiểm) xin được trấn thủ đất Thuận Hoá.
Năm 1558 Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá, 1570 được trấn cả Quảng Nam và được toàn quyền quyết định mọi việc hai trấn Thuận – Quảng, mỗi năm chỉ nộp thuế cho triều đình 400 cân bạc và 500 tấn lụa. [2. 16]
Dựa vào điều kiện thuận lợi,  lại nhân lúc nhà Trịnh đang đối phó với nhà Mạc ở phía Bắc, nhà Nguyễn (Nguyễn Hoàng) ra sức khai thác vùng Thuận Quảng, xây dựng lực lượng vững chắc chống lại nhà Trịnh.
Nhìn lại mối quan hệ giữa Nguyễn Hoàng và Trịnh Kiểm là anh rể- em vợ, rồi nhìn vào hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ nhiều thế lực phân chia quyền bính, làm cho nhân tâm hoang mang không biết nương tựa vào đâu, người dân trong trạng thái nơm nớp lo sợ mà không thể an cư lạc nghiệp quả là cảnh của một đất nước tan thương, nhân dân lầm than trong cuộc nội chiến kéo dài gần nửa thế kỷ.
2.3 Vua Lê- Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài
Sau khi đất nước bị phân ranh rõ ràng bởi dòng “Linh Giang” (sông Gianh)- Đàng Trong là chúa Nguyễn (Nguyễn Hoàng); còn Đàng Ngoài thì hình thành “Cung vua phủ chúa”. Nói Vua Lê- Chúa Trịnh nhưng thực chất mọi quyền hành thuộc về phủ chúa.
 Tình trạng “Vua Lê- Chúa Trịnh” là sản phẩm của chế độ quân chủ Việt Nam thế kỷ XVI- XVII với bộ máy quan lại cồng kềnh đè nặng lên đầu người dân vốn khổ nay càng khổ hơn.
 Triều đình vua Lê vẫn giữ nguyên bộ máy quan lại cũ. Với mục đích nhằm nắm chắc quân đội. Những vị tướng họ Trịnh ít chú ý đến danh hiệu của nhà vua mà chú ý hơn đến vương quyền thực sự, nên vua Lê chỉ là một hình thức bề ngoài, còn bên trong đó chúa Trịnh giữ quyền chỉ huy quân sự và tự mình nắm toàn quyền, “Nhà vua ở trong tử cấm thành như một nô lệ, chỉ ra ngoài ít ngày thôi. Những ngày đó người ta rước vua qua các phố như  rước một pho tượng, nghi trượng rất lộng lẫy”
Vương quốc đàng Ngoài được chia thành tám trấn, mỗi trấn có quan trấn thủ và các quan Hiến sát sứ.
 Ở Đàng Ngoài thường hay có những cuộc chiến chống lại người Trung Hoa để khỏi phải dân đồ cống nạp như lời thoả thuận của một vị hoàng đế nhà Lê khi đình chiến. Nhưng đến 1677, Nguyễn Mãn Thanh đã có mặt trên đất Trung Hoa nên giảng hoà với Đại Việt, và Đại Việt hàng năm chỉ cần một viên sứ  đến triều đình Bắc Kinh để tỏ lòng  tôn kính Hoàng Đế Trung Hoa chứ không phải cống nạp nữa.
 Đàng Ngoài lúc này công việc tư pháp thi hành công lý và bảo vệ trật tự trị an; những tuần đinh, cảnh vệ rất chú ý đến tiện ích của công chúng như sửa chữa cầu đường, canh gác ở mọi nơi.
Những kẻ sát nhân, phạm tội thì bị trừng phạt rất xác đáng. Bên cạnh, chúa Trịnh giữ nguyên bộ luật Hồng Đức và còn bổ sung thêm một số điều kiện tụng, xét xử; mặt khác ban hành nhiều chiếu lệnh nhằm giải quyết những vấn đề mới do thực tế Đàng Ngoài đặt ra.
Đặc biệt về mặt tư tưởng thì lúc bấy giờ Nho học, Nho giáo rất thịnh và gần như chi phối toàn bộ mọi mặt. Vua, chúa và giới Nho sĩ là người đại diện đứng ra dung thông tam giáo. Vì rằng, lúc này Nho sĩ thực sự mất phương hướng, không tìm thấy hướng đi, tầng lớp Nho sĩ băn khoăn, Nho giáo bất lực trước thời cuộc nên nhà Nho đến với Phật và Đạo gia như một sự điều chỉnh cần thiết để bù đắp tâm linh. Theo sự kiện xã hội lúc bấy giờ đúng là Nho giáo rất khó thực hiện tư tưởng của mình, họ không xác định được là trung với ai, Vua hay Chúa?. Lại nữa, Nho giáo bên cạnh còn nhằm thoả mãn tinh thần một cách tự giác, mặt khác tự bảo vệ vị trí trụ cột của mình. Lúc này hệ thống giáo dục của Nho giáo trong xã hội bị suy tàn, nên tình trạng tiêu cực xảy ra, tình trạng gian dối trong thi cử nổi bật. Theo Lê Quý Đôn trong kiến văn tiểu lục viết thì vào đầu thời Trịnh “Phép thi hương sĩ lược” mang sách hoặc vở vào trường mà không bị cấm. Năm 1660 xảy ra việc mua bài làm sẵn đem vào trường thi, chép lại bài cũ, đút lót quan trường…. kẻ bất tài mà lại đỗ đạt ngày một nhiều. [5. 217]
Bản thân nho sĩ cũng không thực tài đã dẫn đến Nho giáo bị thái hoá, tình trạng mua quan bán chức phổ biến công khai nên quan lại rất đông, ở đây chế độ “ngụ binh ư nông” không còn tác dụng vì ruộng đất công ở làng xã đã bị địa chủ tước đoạt. Những năm đầu thế kỷ XVII, nạn mất mùa đói kém xảy ra thường xuyên. Tai hoạ mà nhân dân luôn đối mặt vẫn là chế độ tô thuế của Nhà nước quân chủ, bên cạnh đó người dân còn phải gánh vác mọi thứ lao dịch.
Tình hình đất nước ngày càng rối ren, cuộc sống nhân dân cơ cực lầm than, cuối cùng thì “ tức nước vỡ bờ” những cuộc đấu tranh mãnh liệt nối tiếp bùng nổ, tạo thành phong trào nông dân rộng khắp Đàng Ngoài, kéo dài gần như suốt thế kỷ XVIII.
2.4. Chúa Nguyễn ở Đàng Trong
Xã hội Đàng trong dưới chính quyền họ Nguyễn, mà khởi đầu là Nguyễn Hoàng (1558-1603). Người nhân hậu, khôn ngoan luôn lưu tâm đến dân tình, hết lòng thu dung hào kiệt, giảm sưu, hạ thuế khiến lòng người ai cũng mến phục nên tên “Chúa Tiên” có mặt từ đó. Sự khôn khéo của Nguyễn
Hoàng đã đưa đến những thành công sau này.
1569 để tránh sự nghi kỵ- Nguyễn Hoàng ra chầu vua Lê ở Trường An
1572 Nguyễn Hoàng dùng kế mỹ nhân phá được kế hoạch của Tướng Lập Bạo ( Nhà Mạc) và đánh tan quân nhà Mạc.
1600 Nguyễn Hoàng gả con gái là Ngọc Tú cho Trịnh Tráng (con của Trịnh Tùng). Có thể nói, giai đoạn này Nguyễn Hoàng bắt đầu xây dựng giang sơn riêng cho họ Nguyễn ở Đàng Trong. Hai trấn Thuận- Quảng gồm năm phủ, mười tám huyện, ba châu; Vùng đất này xưa vốn là của người Chiêm nên chịu ảnh hưởng của văn hoá Chămpa, vì thế Nguyễn Hoàng dùng Phật giáo để thuần hoá nhân dân. Nguyễn Hoàng cho sửa sang và xây dựng nhiều  chùa đặt biệt là chùa Thiên Mụ (1061)
Năm 1603- 1606 thành lập trấn Dinh ở xã Cần Húc, Duy Xuyên và cho Nguyễn Phúc Nguyên trấn giữ, đồng thời xây dựng chùa Long Hưng ngoài ra còn nhiều chùa như Bửu Châu, Kính Thiên.
Các Chúa Nguyễn mở rộng lãnh thổ Đàng Trong bằng những cuộc Nam tiến, bắt đầu từ 1611 đã vào Đồng Nai, rồi đến Sài Gòn…
        Theo “Đại cương lịch sử Việt Nam” thì vào năm 1680, một người nhà Minh tên Mạc Cửu cùng họ hàng sang Phnôm Pênh xin trú ngụ, sau xin thần phục Chúa Nguyễn và trấn Hà Tiên được thành lập. Đến năm 1757 thì cả vùng Thuỷ Chân Lạp hoàn toàn thuộc quyền hành chúa Nguyễn [7. I. 350,351]. Sau khi Nguyễn Hoàng mất (1613), con là Nguyễn Phúc Nguyên nối ngôi gọi là chúa Sãi. Thời kỳ này  có tướng Lộc Kê Hầu- Đào Duy Từ, ông là người thông minh đã giúp chúa Sãi đối đầu với chúa Trịnh, điển hình qua bài thơ:
   Mâu nhi vô định ()
Mịch phi kiến tích (bất)
Ái lạc tâm trương (thụ)
Lực lai tương địch (sắc)
        Chúa Nguyễn Phúc Nguyên cải tổ lại bộ máy chính quyền. Năm 1692, Nguyễn Phúc Chu định tách Đàng trong thành một nước riêng nhưng không thành. Đến 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, thành lập triều đình.
        Do đặc trưng của Đàng Trong, vào khoảng nửa đầu thế kỉ XVII, quan lại được bổ nhiệm theo tiến cử, thân tộc. Năm 1646, Nguyễn Phúc Lan bắt đầu mở khoa thi hai cấp (Chính đồ và Hoa văn), sau đó mở nhiều khoa thi nữa. Nhưng đến thế kỉ XVIII, chế độ mua quan bán tước bắt đầu phát triển, quan lại không được cấp bổng lộc nhất định mà chỉ được ban một số dân phu hoặc được phép thu thêm một số tiền gạo ngoài thuế của dân.
Quân đội Nguyễn gồm ba loại là quân túc vệ, quân chính quy và thổ binh, các đội quan đều chia thành các cơ, đội, thuyền. Dân Đinh: là từ 18 đến 50 tuổi đều nghi tên vào sổ đinh để phủ, huyện xét duyệt lấy lính. Vào quân đội rồi mỗi người bắt buộc phải học một nghề, kế đó phân phái theo các thuyền để luyện tập, có chiến thì ra đánh giặc. Lúc vô sự thì ở phủ làm xâu, tuổi chưa đến 60 thì chưa được về làng cùng cha mẹ, vợ con đoàn tụ, hàng năm thân thích đem áo quần vật dụng đến thôi. Quân đội Đàng Trong cũng giống như Đàng Ngoài, gồm bộ binh, thuỷ binh, tượng binh và pháo binh; thuỷ binh rất mạnh, chúa Nguyễn thường tổ chức các cuộc thi bắn súng để huấn luyện thuỷ quân.
Nếu ở Đàng ngoài chúa Trịnh ủng hộ Nho giáo và đưa lên địa vị độc tôn thì ở Đàng Trong các chúa Nguyễn hầu hết đều sùng mộ đạo Phật. Nhờ đó Phật giáo đã được phục hưng và ngày càng phát triển mạnh. Đặc biệt phái thiền Trúc Lâm bị mai một từ khi triều Trần suy vong cũng bắt đầu phục hưng trở lại và một số dòng Thiền khác cũng có mặt và hưng thịnh.
Nhìn chung, khi đất nước bị chia cắt, nỗi đau không chỉ riêng ai khi một người trong gia đình đất Việt mà anh em lại tàn sát nhau nhằm thoả mãn nhu cầu quyền bính trong tay, để rồi tất cả hậu quả đều đổ lên đầu người dân vô tội. Đó chính là lý do để những cuộc nổi dậy của nông dân cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài ngày một quyết liệt hơn; mặc dù những thời đoạn khác nhau. Những phong trào khởi nghĩa của nông dân thế kỉ XVIII không những mang tính tất yếu của sự “tức nước vỡ bờ” mà còn là sứ mệnh của dân tộc; cái hiển nhiên của nguyên lý thịnh- suy. Đó chính là bước phát triển cho sự nổi dậy của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn sau này.

http://www.chuathienlong.com/lich-su-viet-nam-thoi-ky-trinh-nguyen-phan-tranh/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét