Lời bình:
Điều này cũng đồng nghĩa với một cuộc đại chiến thế giới thứ III là không thể tránh khỏi.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Những động thái của Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới là tiếng chuông cảnh báo về sự cáo chung kỷ nguyên ngự trị của USD trên phạm vi toàn cầu trong hơn 100 năm qua.
Ngày 31/3/2015 không chỉ là hạn chót để các nước đăng ký làm thành viên sáng lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng, mà còn là dấu mốc báo hiệu “kỷ nguyên Châu Á” và đẩy nhanh quá trình kết thúc kỷ nguyên của đồng USD.
Số quốc gia tham gia ngày càng đông đảo
Tính đến ngày 30/3/2015, đã có gần 40 nước tuyên bố sẵn sàng làm thành viên sáng lập của AIIB, trong đó, ngoài nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore…còn có các nước Châu Âu như Nga, Anh, Italia, Đức, Pháp, Luxembourg và Thụy Sĩ.
Canada cũng đang xem xét khả năng gia nhập AIIB. Như vậy, trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), chỉ còn Mỹ và Nhật Bản đứng ngoài cánh cửa của AIIB.
AIIB ra đời xuất phát trước hết từ nhu cầu về những khoản vốn lớn của các nước Châu Á để đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, chiếm 60% nhu cầu về vốn để phát triển lĩnh vực hạ tầng của thế giới.
Trật tự tài chính toàn cầu, do các cường quốc Phương Tây do Mỹ đứng đầu tạo dựng sau Chiến tranh thế giới II mà trung tâm là Quỹ tiền tệ quốc tế IMF và Ngân hàng thế giới WB đang phải đối mặt với một thách thức lớn.
Đó là sự ra đời ngoạn mục của AIIB cùng với quyết định của Nhóm các nước có nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Nga, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, CH Nam Phi) thành lập Ngân hàng phát triển mới NDB (New Development Bank) và Quỹ dự phòng rủi ro (CRA).
Một động thái hết sức quan trọng là các thể chế tài chính của các nước BRISC là NDB và CRA, cũng như AIIB, sẽ không sử dụng USD như đồng tiền thanh toán duy nhất, mà sẽ sử dụng đồng nội tệ của các nước thành viên trong giao dịch giữa các nước.
Theo hướng đó, Trung Quốc đang vận hành thử hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication) riêng của họ sử dụng đồng Nhân dân tệ, gọi tắt là CIPS, để tới cuối năm 2015 sẽ chính thức đưa vào sử dụng.
Cùng với Trung Quốc, Nga cũng đã xây dựng hệ thống SWIFT riêng của mình. Những động thái này là tiếng chuông cảnh báo về sự cáo chung kỷ nguyên ngự trị của USD trên phạm vi toàn cầu trong hơn 100 năm qua.
Nó còn là tín hiệu rõ ràng về sự hình thành trật tự kinh tế thế giới mới, thay thế trật tự tài chính-kinh tế toàn cầu do các cường quốc Phương Tây mà đứng đầu là Mỹ tạo dựng sau Chiến tranh thế giới II với trung tâm là IMF và WB.
Nhìn lại hành trình của đồng USD
Hành trình của USD để chiếm ngôi vị là đồng tiền chung của thế giới bắt đầu cách đây hơn 100 năm, vào ngày 23/12/1913.
Đó là ngày thành lập Cục dự trữ liên bang FED (Federal Reserve System), thực chất là Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, với tham vọng biến đồng tiền của Mỹ, đồng USD, thành đồng tiền chung của cả thế giới.
Vị thế ngự trị USD hệ thống tài chính-kinh tế thế giới là một trong những trụ cột đưa Mỹ giành vị thế bá chủ toàn cầu, từ đó Washington sẽ xây dựng trật tự thế giới đơn cực do Mỹ chi phối và kiểm soát.
Để thực hiện tham vọng này, USD đã phải trải qua hành trình đầy gian nan, thậm chí là đẫm máu, qua hai cuộc chiến tranh lớn là Chiến tranh thế giới thứ I (1914-1918) và Chiến tranh thế giới thứ II (1939-1944).
Năm 1939, khi Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, giới tinh hoa chính trị ở Mỹ đã dự báo, sau cuộc chiến này, Mỹ sẽ vươn lên ngôi vị số 1 thế giới.
Nhưng ý định đó đã không thực hiện được do Liên Xô đã đóng vai trò quyết định đánh bại phát xít Đức và Nhật, buộc Mỹ phải chấp nhận trật tự thế giới hai cực.
Sau Chiến tranh thế giới thứ II, Mỹ tiến hành cuộc Chiến tranh lạnh để làm tan rã Liên Xô và họ đã thiết lập trật tự thế giới đơn cực.
Dù chưa giành được vị thế bá chủ thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ II, nhưng trước khi cuộc chiến kết thúc, Mỹ đã thực hiện thành công một sáng kiến lịch sử.
Đó là, năm 1944, theo sáng kiến của Hoa Kỳ, một hội nghị quốc tế được tổ chức tại Breton-Wood (Mỹ) để bàn về chủ đề trao đổi tiền tệ trên phạm vi toàn thế giới và tài chính quốc tế.
Tham dự Hội nghị lịch sử này có 730 đại biểu đến từ 44 nước trong liên minh chống phát xít nhằm mục đích khôi phục hệ thống kinh tế quốc tế bị Chiến tranh thế giới II tàn phá.
Hội nghị kéo dài 3 tuần với kết quả là các nước quyết định thành lập Ngân hàng quốc tế tái thiết và phát triển (tiền thân của Ngân hàng thế giới) và Quỹ tiền tệ quốc tế, đồng thời ký Hiệp định quốc tế về thuế quan và thương mại (tiền thân của Tổ chức thương mại quốc tế).
Cũng tại Hội nghị này, các nước ký Hiệp định thành lập hệ thống tiền tệ quốc tế dựa trên cơ sở USD được bảo đảm bằng vàng, còn được gọi là Hệ thống Breton-Wood. Theo hệ thống này, 1 ounce vàng (31,1 gam) có giá trị tương đương 35 USD.
Tới đầu những năm 1970, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ hậu quả của cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Việt Nam, nền kinh tế của nước Mỹ chìm đắm trong nợ nần, không còn tương xứng với vị thế của quốc gia dẫn đầu kinh tế thế giới.
Để ngăn chặn nguy cơ sẽ có hàng loạt quốc gia yêu cầu được đổi USD dự trữ quốc gia thành vàng, ngày 15/8/1971, Tổng thống Mỹ Nixon tuyên bố một quyết định gây chấn động toàn bộ nền kinh tế thế giới:
Từ thời điểm này, Mỹ chính thức bãi bỏ khả năng chuyển đổi đồng USD thành vàng trên phạm vi toàn cầu.
Với quyết định này, Mỹ chính thức chấm dứt hiệu lực Hệ thống Breton-Wood và từ năm 1971, USD không còn được được bảo đảm mệnh giá bằng vàng mà là bằng dầu mỏ.
Theo nhận xét của John Perkins, tác giả của cuốn sách "Sát thủ kinh tế: Lịch sử gây sốc về cách thức Mỹ quản trị thế giới", sau cuộc khủng hoảng năm 1971, Mỹ xây dựng cơ chế mới nhằm tiếp tục duy trì vị thế độc quyền của hệ thống tài chính dựa trên cơ sở USD.
Theo đó các nước trên thế giới chỉ được thanh toán các giao dịch bán và mua dầu mỏ bằng USD.
Để thực hiện cơ chế này, nhiều cuộc đàm phán giữa Mỹ với Ả-rập Xê-út đã được tiến hành với kết quả là hai bên đã ký một hiệp định cực kỳ quan trọng vào năm 1973.
Theo đó, Ả-rập Xê-út chỉ bán dầu mỏ cho các khách hành nào sử dụng USD, nhưng lại phải gửi tiền thu được từ xuất khẩu dầu mỏ vào ngân hàng dưới dạng ngân phiếu và trái phiếu của Chính phủ Mỹ.
Còn Mỹ sẽ sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ các mỏ dầu của Ả-rập Xê-út và bảo đảm an ninh quốc gia cho Ả-rập Xê-út.
Bằng hiệp định này, Mỹ đã giải quyết được một vấn đề kinh tế cực kỳ quan trọng là bảo đảm giá trị của USD bằng dầu mỏ, từ đó mà có tên gọi USD được bảo đảm bằng dầu mỏ, hay USD-dầu mỏ..
Sau khi Ả-rập Xê-út chấp nhận điều kiện này, Mỹ đã tạo ra nhu cầu về đồng USD lớn chưa từng có, từ đó giúp Mỹ thoát khỏi suy thoái do tác động của cuộc chiến tranh Việt Nam, tạo ra sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc của Mỹ trong nhiều thập kỷ sau đó.
Đến năm 1974, hệ thống USD-dầu mỏ đã hoạt động hết công suất ở Ả-rập Xê-út.
Năm 1975, tất cả thành viên thuộc Tổ chức các nước khai thác dầu mỏ OPEC đã ký hợp đồng với Mỹ và đều đồng ý thanh toán các hợp đồng xuất khẩu dầu mỏ bằng USD, đem phần lớn số tiền thu được từ xuất khẩu dầu mỏ để mua trái phiếu và ngân phiếu của Mỹ.
Vì thế, Mỹ có quyền hiện diện quân sự tại nhiều nước trên thế giới mà ở đó có khai thác và xuất khẩu dầu mỏ như Ả-rập Xê-út, Brahain, Iraq, Kuwait, Oman, Qatar, Ai Cập, Jordan, Yemen…
Từ năm 1973, USD-dầu mỏ trở thành một trong những công cụ quyết định kinh tế và địa chính trị hiệu quả nhất và quan trọng nhất, có ý nghĩa chiến lược trong lịch sử nước Mỹ và thế giới, tạo ra ưu thế chưa từng có và ý nghĩa sống còn đối với nước Mỹ.
Đó là:
(1) Tăng nhu cầu USD rất lớn trên thị trường thế giới;
(2) Tăng nhu cầu về ngân phiếu và trái phiếu Chính phủ của Mỹ trên thị trường thế giới;
(3) Tạo cho Mỹ khả năng nhập khẩu dầu mỏ bằng đồng tiền mà họ có thể in ra bất kỳ lúc nào và với bất kỳ khối lượng nào;
(4) Kích thích các nước xuất khẩu hàng hóa giá rẻ vào thị trường Mỹ.
Hệ thống kinh tế Mỹ dựa trên cơ sở vị thế độc quyền của USD trong nền kinh tế toàn cầu thực chất là một hệ thống cướp bóc và phi quy luật kinh tế, nên không thể tránh khỏi khủng hoảng.
Và chuyện gì phải đến tất sẽ đến: Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu bùng phát từ Mỹ, sau đó lan tỏa khắp thế giới.
Cuộc khủng hoảng sau đó được gọi là cuộc khủng hoảng toàn bộ hệ thống kinh tế thế giới dựa trên cơ sở vị thế độc quyền của USD.
Trong tình thế ấy, các chuyên gia kinh tế thế giới, trước hết là ở các nước BRICS nhận định, hệ thống kinh tế toàn cầu dựa trên cơ sở USD và các thể chế tài chính do Mỹ và phương Tây độc quyền kiểm soát không thể đảm bảo thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng lần này.
Hệ thống này cũng khó giúp các nước tránh được những cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai.
Vì thế, từ năm 2009, các nước BRICS (khi đó chưa có Nam Phi), đề xuất ý tưởng thành lập các thể chế tài chính riêng.
Ý tưởng đó đã được chấp nhận chính thức tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi và tái khẳng định tại Hội nghị G-20 ở Nga năm 2013.
Hiện nay, không chỉ BRISC mà nhiều nước khác đã từ chối sử dụng USD làm vai trò trung gian trong thanh toán thương mại song phương, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia.
Theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, hệ thống tiền tệ quốc tế dựa trên cơ sở đồng USD được bảo đảm bằng dầu mỏ không sớm thì muộn sẽ sụp đổ và nhiều nước đang chuẩn bị hạn chế tác động tiêu cực từ sự kiện “động trời” này.
Việc thành lập NDB và CRA của BRICS, AIIB với gần 40 nước và trong tương lai sẽ còn có nhiều nước tham gia chính là nhằm một trong những mục đích đó.
Mỹ sẽ phải ứng xử ra sao?
Để tiếp tục duy trì vị thế của USD, Mỹ thực hiện một chiến lược đầy tham vọng là tạo ra trạng thái “bất ổn có kiểm soát” trên phạm vi toàn cầu, không để cho các cường quốc mới nổi như Trung Quốc và Nga có thể yên tâm hợp tác và làm ăn với nhau.
Thậm chí, Mỹ còn hoạch định chiến lược làm tan rã nước Nga - quốc gia có tiềm lực hạt nhân chiến lược có thể thách thức sức mạnh quân sự của Mỹ, và Trung Quốc - quốc gia có tiềm lực kinh tế sắp vượt Mỹ.
Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain đã từng tuyên bố, các biến động chính trị xã hội mang tên “Mùa Xuân Ả-Rập” đã từng lật đổ chế độ cầm quyền ở nhiều nước, sẽ lan tỏa vào không gian hậu Xô-viết và sẽ “gõ cửa” Nga và Trung Quốc.
Chính vì thế, người ta thấy bàn tay và sự hiện diện của Mỹ ở gần như tất cả các điểm nóng trên thế giới trong gần 2 thập kỷ gần đây.
Điển hình là cuộc chiến tranh Cosovo (1999), chiến tranh Afghanistan (2001), chiến tranh Iraq (2003), chiến tranh Libya (2011), nội chiến ở Syria, cuộc khủng hoảng Ukraine và gần đây nhất là cuộc chiến ở Yemen và cuộc đảo chính bất thành ở Venezuela...
Riêng với AIIB, ngày 17/3/2015, trong cuộc điều trần tại Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew kêu gọi đồng minh châu Âu cân nhắc cẩn trọng trước khi quyết định tham gia ngân hàng mà Washington nhìn nhận "sẽ là kỳ phùng địch thủ" của IMF, WB.
Nhà Trắng sau đó đã ra thông cáo báo chí tỏ ý thất vọng, nhưng mong rằng các đồng minh của Mỹ sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình để "thúc đẩy AIIB theo đuổi các tiêu chuẩn cao". Do đó. việc Mỹ có tham gia AIIB hay không, còn là câu trả lời còn để ngỏ./.
http://soha.vn/quoc-te/tin-hieu-tu-tq-khoi-dau-cho-su-cao-chung-cua-ky-nguyen-dong-usd-20150331105602162.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét