Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

Thông tin ít ỏi về lực lượng đặc biệt Trung Quốc

Do các dữ liệu về lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc được giữ bí mật nên không có nhiều thông tin về Lực lượng này.

Sau đây chỉ là một số thông tin ít ỏi thu thập được qua một số nguồn khác nhau, xin giới thiệu cùng bạn đọc để “tham khảo”.
1. Lịch sử hình thành
Đơn vị đặc nhiệm đầu tiên được thành lập năm 1988 tại Quân khu Quảng Châu (xem bản đồ). Tiền thân của đơn vị đặc nhiệm này là tiểu đoàn trinh sát độc lập của Quân khu trên có nhiệm vụ hoạt động trong hậu phương của đối phương .
Sau đó, các đơn vị đặc nhiệm tương tự mới được thành lập ở các quân khu khác. Các đơn vị đặc nhiệm có cơ cấu tổ chức –biên chế khác hẳn các đơn vị Lục quân khác của PLA, được trang bị những vũ khí và phương tiện kỹ thuật chuyên dụng để thực hiện các nhiệm vụ ở hậu phương của đối phương, được qua các khóa huấn luyện và đào tạo dành riêng cho đặc nhiệm .
Lính đặc nhiệm  PLA được huấn luyện võ thuật rất bài bản. Ảnh : www.chinanews.com
Lính đặc nhiệm PLA được huấn luyện võ thuật rất bài bản. Ảnh: www.chinanews.com 2.
Cơ cấu tổ chức và biên chế
Hiện nay, Trung Quốc có 07 quân khu (còn được gọi là các “đại quân khu”) và mỗi quân khu đều có trung đoàn đặc nhiệm (còn được gọi là các “đội đặc nhiệm tăng cường”) độc lập riêng của mình, mỗi trung đoàn có 03 tiểu đoàn với tổng quân số khoảng trên dưới 1.000 người.
Ở mỗi cấp tổ chức lại có một phân đội đặc nhiệm đôc lập- cụ thể, ở cấp quân đoàn có một tiểu đoàn đặc nhiệm (tất cả có 18 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn có 300 đến 400 quân), ở cấp lữ đoàn – có một đại đội ( khoảng 120 lính), ở cấp trung đoàn – có một trung đội đặc nhiệm ( khoảng 30 đến 40 người).
Các trung đoàn đặc nhiệm của từng quân khu có các tên hiệu rất “hoành tráng”, cụ thể như sau :
1) Quân khu Thấm Dương – trung đoàn đặc nhiệm được đặt tên là “ Hổ Đông Bắc”;
2) Quân khu Bắc Kinh – trung đoàn đặc nhiệm “Thanh kiếm thần Phương Đông” ;
3) Quân khu Nam Kinh- trung đoàn đặc nhiệm “Rồng bay”, thành lập năm 1992;
4/ Quân khu Quảng Châu- trung đoàn đặc nhiệm “Thanh kiếm sắc Phương Nam”;
5) Quân khu Lan Châu- trung đoàn đặc nhiệm “Cọp đêm”;
6) Quân khu Tế Nam- trung đoàn đặc nhiệm “Diều hâu”;
7) Quân khu Thành Đô- trung đoàn đặc nhiệm “Đại bàng”, thành lập năm 1992.


Ngoài ra, trong thành phần lực lượng đặc nhiệm Quân đội Trung Quốc còn có Đặc nhiệm biển (của Hải quân) với các tên gọi “ Lính đổ bộ đường biển” và Đặc nhiệm đường không (Không quân) “Thanh kiếm sắc của bầu trời xanh”.
Trung Quốc còn có các đơn vị (chính xác hơn là binh đoàn), tuy không chính thức được gọi là đặc nhiệm nhưng được qua các khóa huấn luyện đặc nhiệm rút gọn.
Mặc dù các khóa huấn luyện trên được rút ngắn và đơn giản hóa những vẫn phức tạp hơn nhiều so với các nội dung huấn luyện các lực lượng thông thường khác của PLA .
Đấy là các sư đoàn sẵn sàng chiến đấu cao số 162 (của Tập đoàn quân 54), số 63 (Tập đoàn quân số 21) và 149 (của Tập đoàn quân số 13) .
Lực lượng quân cảnh Trung Quốc cũng có lực lượng đặc nhiệm riêng. Bộ an ninh xã hội cũng có lực lượng đặc nhiệm riêng .
3. Đặc nhiệm Lục quân PLA
Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm trong huấn luyện lính biệt kích- do thám kiểu như “Ninja” của Nhật Bản. Chính vì vậy mà nội dung chương trình huấn luyện lính đặc nhiệm lục quân cũng mang những dấu ấn “đặc sắc Trung Quốc”. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng áp dụng tất cả những kinh nghiệm của các nước khác, đặc biệt là các kinh nghiệm tuyển chọn lính đặc nhiệm của Đặc nhiệm Anh SAS .
Trong thời điểm hiện tại, Lực lượng các chiến dịch đặc biệt (tên chính thức – sau đây gọi tắt là Đặc nhiệm) của Lục quân được coi là niềm tự hào của PLA. Đây là lực lượng được lựa chọn, huấn luyện và trang bị đặc biệt để tiến hành các hoạt động biệt kích- trinh sát và các hoạt động phá hoại trong lãnh thổ của đối phương .
Theo các nguồn từ Trung Quốc thì Lực lượng đặc nhiệm Lục quân PLA có cả chức năng tiến hành chiến tranh chống du kích. Để đe dọa và làm mất tinh thần của đối phương, Đặc nhiệm lục quân PLA có quyền áp dụng các phương pháp như tiến hành các hành động khủng bố, tiến hành các chiến dịch tâm lý, tuyên truyền gây dựng và thành lập các tổ chức bí mật chống chính phủ của đối phương và tổ chức các phong trào chống đối trên lãnh thổ nước sở tại, nhất là các phong trào chống đối cuả cả một sắc tộc nào đó .
Các trung đoàn đặc nhiệm của các quân khu chịu sự chỉ huy trực tiếp của tư lệnh quân khu và được sử dụng chủ yếu để tiến hành các hoạt động trinh sát và các hoạt động khác trong khu vực lãnh thổ quân khu đó chịu trách nhiệm .
Công tác lên kế hoạch và tiến hành các chiến dịch có sự tham gia của Đặc nhiệm lục quân trong biên chế của quân khu do Bộ Tham mưu quân khu đó thực hiện.
Trong trang bị của các đơn vị đặc nhiệm Lục quân PLA có các loại súng cá nhân giảm thanh và không khói, các thiết bị nổ ( kể cả các thiết bị nổ ngụy trang trong các đồ dùng, vật dụng dùng trong sinh hoạt , hàng hóa tiêu dùng v.v) , thiết bị nhìn đêm, thiết bị tác chiến điện tử, thiết bị trinh sát vô tuyến điện tử, phương tiện liên lạc, phát tín hiệu, chỉ mục tiêu và dẫn đường ( kể các các phương tiện vũ trụ), các trang thiết bị kỹ thuật để tiến hành chiến tranh tâm lý, dù để đổ bộ đường không và thiết bị lặn .
Vũ khí, khí tài, trang bị, vật tư và cảc phương tiện ngụy trang được lựa chọn và cấp phát cho đặc nhiệm tùy thuộc vào nhiệm vụ được giao và điều kiện (khí hậu, địa hình…) thực hiện nhiệm vụ.
Đặc nhiệm của các quân khu khác nhau, căn cứ vào khu vực chịu trách nhiệm và nhiệm vụ chiến dịch của các quân khu đó sẽ được trang bị và huấn luyện để tác chiến chống lại các đối phương cụ thể .
Đặc nhiệm phải học và sử dụng được ngôn ngữ của quốc gia đối phương tiềm năng, nghiên cứu đặc điểm dân tộc, phong tục tập quán địa phương, đặc điểm quân đội , hệ thống bảo vệ các sở chỉ huy, các trận địa phòng thủ, trận địa tên lửa đạn đạo (nếu có), các sân bay, các đài radar, các kho và những mục tiêu quan trọng khác trên lãnh thổ đối phương .
Để ngụy trang, Đặc nhiệm Lục quân Trung Quốc có thể mặc quân phục của quân đội đối phương, hoặc trang phục của dân địa phương.
PLA đặc biệt chú ý đến việc rèn luyện tinh thần- tâm lý và rèn thể lực, nghiên cứu các thủ pháp và kỹ thuật đánh giáp lá cà và đối kháng cho lính đặc nhiệm .Ví dụ, đối với các quân nhân đặc nhiệm hoạt động ở phía Bắc có nhiệt độ thấp và rất thấp vào mùa đông , họ được luyện tập để có thể duy trì được khả năng chiến đấu sau khi trượt tuyết qua một quãng đường dài, trong điều kiện băng giá khắc nghiệt.
Còn ở hướng Đông Nam, đặc nhiệm được huấn luyện để hoạt động trong các khu rừng rậm, khí hậu nhiệt đới nóng ẩm và thảm thực vật đặc hữu của khu vực địa lý đó cũng như kỹ năng leo núi .
Tuy nhiên, có một điểm chung trong chương trình huấn luyện cho Đặc nhiệm Lục quân không phụ thuộc vào đặc diểm của khu vực hoạt động – đó là huấn luyện sử dụng chất nổ, bắn tỉa, liên lạc, điều khiển máy bay không người lái .
Khi chuyển quân, đặc nhiệm sử dụng các phương tiện như ô tô và xe thiết giáp , – xe chiến đấu bộ binh và xe vận tải bọc thép, xe ô tô địa hình. Nếu đặc nhiệm phải hoạt động ở một cự ly xa các binh đoàn binh chủng hợp thành và các đơn vị thì để hỗ trợ hành quân và yểm trợ hỏa lực, đặc nhiệm được tăng cường xe chiến đấu bộ binh, xe vận tải bọc thép và máy bay lên thẳng.
Các xe thiết giáp trong trường hợp này là phương tiện yểm trợ hỏa lực chủ yếu cho Đặc nhiệm. Trong trường hợp không cần phải yểm trợ hỏa lực, Đặc nhiệm lục quân PLA sẽ sử dụng xe ô tô, kể cả các ô tô tốc độ nhanh loại nhỏ.
Phương tiện chủ yếu để đưa Đặc nhiệm vào hậu phương của đối phương là máy bay lên thẳng . Một phương tiện khác cũng có thể được Đặc nhiệm Lục quân PLA sử dụng làm phương tiện vận chuyển và trinh sát là dù bay trang bị các động cơ điện ít tiếng ồn.
Mặc dù mỗi trung đoàn đặc nhiệm thường đều có một phân đội máy bay lên thẳng phối thuộc gồm các máy bay lên thẳng vận tải và yểm trợ hỏa lực nhưng Đặc nhiệm Lục quân Trung Quốc không có các phân đội máy bay lên thẳng trực thuộc như Lực lượng các chiến dịch đặc biệt của Mỹ .
Điểm đáng chú ý là từ lâu, Đặc nhiệm lục quân PLA đã sử dụng máy bay không người lái (UAV) thực hiện các nhiệm vụ trinh sát.
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng các UAV ít tiếng ồn và kích thước nhỏ với bán kính hoạt động từ 2 đến 5 km rất có ích cho Đặc nhiệm . Chúng dễ điều khiển và khó bị phát hiện khi đang hoạt động trên lãnh thổ đối phương .
Cũng theo quan điểm của các chuyên gia này, việc sử dụng các máy bay không người lái cho phép giảm số lượng các tổ trinh sát (phải xâm nhập vào lãnh thổ đối phương) và thời gian tìm kiếm các mục tiêu, đảm bảo quan sát một khu vực rộng để phát hiện các mục tiêu của đối phương, cung cấp các số liệu chỉ mục tiêu cho các phương tiện tiêu diệt và hiệu chỉnh hỏa lực của chúng.
Ngoài ra, sử dụng máy bay không người lái còn cho phép giảm thiểu khả năng các nhóm đặc nhiệm bị đối phương phát hiện và tấn công. Trong điều kiện địa hình rừng núi, để đảm bảo hoạt động cho các phương tiện liên lạc vô tuyến điện sóng cực ngắn, có thể sử dụng máy bay không người lái làm trạm chuyển tiếp.
4. Phần cuối

Theo các chuyên gia quân sự Nga (trong đó có Đại tá, phó tiến sỹ lịch sử, chuyên viên khoa học chính Viện Viễn Đông, Viện HLKH Nga A.V. Shlyndov) thì Lực lượng các chiến dịch đặc biệt (Đặc nhiệm) Lục quân PLA là một cơ cấu được tổ chức tốt, có khả năng thực hiện một cách hiệu quả các nhiệm vụ trong các cuộc xung đột vũ trang ở các cường độ khác nhau. Nhưng dĩ nhiên là hiệu quả đến đâu còn phụ thuộc vào đối phương.
.http://nguyentandung.org/thong-tin-it-oi-ve-luc-luong-dac-biet-trung-quoc.html

Trung Quốc sẽ uy hiếp Biển Đông bằng “đảo nổi di động” khổng lồ

Không chỉ tiến hành bồi đắp lấp biển để biến các bãi đá ngầm thành sân bay, Trung Quốc còn đang xây dựng nhiều “hòn đảo nổi di động” khổng lồ trên Biển Đông để phục vụ mục đích quân sự.

Trên tạp chí Popular Science, hai chuyên gia Jeffrey Lin và P.W. Singer nhấn mạnh một cuộc họp báo hồi tháng này đã ra thông báo về việc Trung Quốc đang tiến hành xây dựng hàng loạt
“hòn đảo nổi” mới. Theo đó, những hòn đảo này do hai công ty của Trung Quốc phụ trách xây dựng là Tập đoàn Phát triển Jidong (JDG) và Công ty Công nghiệp Hainan Hai. Ngoài ra, hòn đảo nổi đầu tiên sẽ được Trung Quốc sử dụng làm nơi khai thác khí đốt và dầu mỏ ngoài khơi trên Biển Đông.
Tuy nhiên, chuyên gia Lin và Singer nhấn mạnh phát biểu tại cuộc họp báo, quan chức quân đội Trung Quốc còn tuyên bố những hòn đảo nổi sẽ phục vụ mục đích quân sự.
“Những hòn đảo nổi có thể hỗ trợ các sứ mệnh dân sự và quân sự, bao gồm cả hoạt động cung ứng, đường băng máy bay và nhà kho cho các phương tiện đổ bộ”, hai chuyên gia nói.
Hình ảnh vệ tinh tố cáo Trung Quốc xây dựng trái phép một hòn đảo nhân tạo nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tạp chí National Interest cho hay, “hòn đảo nổi do JDG thiết kế là một khối kết cấu lắp ghép từ phần thân của các giàn khoan nửa nổi nửa chìm” và dựng theo 3 kích cỡ khác nhau. Hòn đảo nhỏ nhất có kích cỡ dài 300 m và rộng 90 m. Trong khi đó, hòn đảo nổi nhân tạo lớn nhất có chiều dài 900 m và rộng 120 m. Ngoài ra, phần kết cấu đảo nổi còn cho phép Trung Quốc dễ dàng mở rộng diện tích theo mong muốn.
Theo giới chuyên gia, với trọng lượng từ 400.000 tấn – 1,5 triệu tấn, các đảo nổi sẽ được di chuyển tới mọi nơi. Tốc độ di chuyển của đảo nổi là 16 km/h.
“Thiết kế linh động giúp mở rộng diện tích các hòn đảo một cách dễ dàng bằng cách lắp ghép thêm phần thân thiết vị khoan nửa nổi nửa chìm, tương tự như cách xếp các miếng lắp ghép Lego. Mặc dù, các tấm kết cấu có kích thước lớn, song những hòn đảo nổi vẫn có thể dễ dàng rắp nối ở khu vực biển sâu ngoài khơi”, theo hai chuyên gia Lin và Singer.
Đáng nói, phần kết cấu theo khối sẽ giúp các hòn đảo nổi khó có thể bị chìm. Thậm chí, hình ảnh minh họa trên máy tính còn cho thấy các hòn đảo nổi có thể được mở rộng diện tích tới 2 km.
“Những căn cứ khổng lồ này có thể trở thành nơi đóng quân của các tiểu đoàn lính thủy đánh bộ và sân bay cho các chiến đấu cơ Trung Quốc. Đặc biệt, không như căn cứ cố định, những hòn đảo nổi di động có thể được dịch chuyển để tránh xa tầm tấn công của tên lửa đối phương”.
Trong khi đó, lâu nay, giới truyền thông đã nhiều lần cảnh báo về việc quân đội Trung Quốc đang tăng cường khả năng chiến đấu để triển khai lực lượng ra khu vực Biển Đông. Đây cũng là bước mở đầu cho tham vọng thiết lập “vùng nhận dạng phòng không” trên Biển Đông của Trung Quốc.
Còn hiện nay, Bắc Kinh đang đẩy nhanh tốc độ biến các bãi đá thành đảo nhân tạo thông qua những dự án khai hoang quy mô lớn. Hồi tuần trước, hình ảnh vệ tinh do tạp chí quốc phòng IHS Jane’s đăng tải cho thấy Trung Quốc đang tiến hành xây dựng trái phép sân bay đầu tiên trên bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.
.http://nguyentandung.org/trung-quoc-se-uy-hiep-bien-dong-bang-dao-noi-di-dong-khong-lo.html

Chuyên gia Nga: Đông Nam Á đang dần tiến tới chiến tranh

Ngày 20 tháng Tư, Hoa Kỳ và Philippines bắt đầu cuộc tập trận chung “Vai kề vai” lớn nhất trong vòng 15 năm qua, với sự tham gia của hơn 11.000 binh sĩ.

Chuyên gia Nga: Đông Nam Á đang dần tiến tới chiến tranh
Lính Mỹ và Philippines trong cuộc tập trận chung. Ảnh AFP 2015/ Ted Aljibe

Trong vòng mười ngày, binh sĩ hai bên sẽ diễn tập các cuộc không chiến của Mỹ và các trận đánh thực tế trên đất liền, theo tin Sputnik News.
“Cuộc tập trận được tổ chức trong tuần là một phần trong chiến lược chuyển hướng sang châu Á của Mỹ “, Thiếu tướng Quân đội Philippines Raul del Rosario cho biết.
Có tin rằng trong vòng 5 năm tới, Mỹ có kế hoạch tiến hành trong khu vực 29 cuộc tập trận chung với 12 quốc gia khác nhau.
Việc tiến hành các cuộc tập trận chung quy mô lớn như vậy là chỉ số nói lên sự leo thang đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á.

Ông Vladimir Kolotov, nhà Việt Nam học nổi tiếng của Nga, Trưởng bộ môn lịch sử các nước phương Đông của Đại học tổng hợp quốc gia St. Petersburg nói trên đài Sputnik của Nga:
“Trung Quốc sẽ tăng cường tiềm năng quân sự, Hoa Kỳ cũng sẽ đáp trả bằng cách như vậy. Hiện giờ các nước phụ thuộc vào Mỹ, từ Philippines cho Myanmar, đang lập ra hàng rào bảo vệ chống Trung Quốc. Bắt đầu thời kỳ đấu tranh chính trị và ngoại giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, cả trên lục địa và các quốc đảo Đông Nam Á”.
Ông Kalotov nói thêm: Trong những năm gần đây, Châu Á đã bước vào một cuộc chạy đua vũ khí chưa từng có, phần lục địa này dẫn đầu thế giới về ngân sách quân sự. Điều đó phần lớn xuất phát từ sự đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh.

Tình hình trong khu vực Đông Nam Á đang phát triển theo chiều hướng leo thang căng thẳng, và không còn con đường ngược lại nữa. Điều này sẽ dẫn đến chiến tranh trong khu vực, vị chuyên gia người Nga này bình luận, vẫn trên Sputnik News.
.http://nguyentandung.org/chuyen-gia-nga-dong-nam-a-dang-dan-tien-toi-chien-tranh.html

Báo Mỹ: Vũ khí laser chưa thể làm thay đổi cục diện, cần tiếp tục đầu tư

"Không có tiền thì không có nghiên cứu khoa học, cần xây dựng một kế 
hoạch chiến lược liên quan cả Bộ Quốc phòng cho vũ khí năng lượng định
 hướng".
Pháo laser năng lượng cao kiểu di động của Công ty Boeing Mỹ
Trang mạng "Lợi ích quốc gia" Mỹ ngày 19 tháng 4 đăng bài viết "Máy laser có thể cứu vãn vị thế chủ đạo quân sự của Mỹ hay không?".
Theo bài báo, kỹ thuật-công nghệ là bộ phận không thể thiếu của chiến tranh.
Trong môi trường tài chính hiện nay, Bộ Quốc phòng Mỹ phải rất tiết kiệm sử dụng các nguồn lực của họ. Bộ Quốc phòng không thể tập trung cho “khắp mọi nơi”, đầu tư cho từng lĩnh vực công nghệ có thể có triển vọng.
Đồng thời, ưu thế chiến lược của Quân đội Mỹ đang yếu đi, rất nhiều công nghệ quan trọng đã làm hậu thuẫn cho vị thế bá quyền của Mỹ như tấn công chính xác, vệ tinh, tàng hình, thông tin tiên tiến v.v... từng bước được phổ biến tới các nước khác.
Đứng trước những thách thức này, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố tìm kiếm "chiến lược triệt tiêu lần thứ ba". 2 "chiến lược triệt tiêu" của Mỹ trong thế kỷ 20 là vũ khí hạt nhân và tấn công chính xác.
Vũ khí có triển vọng nhất nhưng vẫn chưa thực hiện được triển vọng này, đó chính là vũ khí năng lượng định hướng. Từ nhập niên 60 thế kỷ trước đến nay, Bộ Quốc phòng Mỹ luôn tìm kiếm vũ khí năng lượng định hướng, chẳng hạn vũ khí laser năng lượng cao hoặc vũ khí sóng cực ngắn công suất lớn.
Năng lượng định hướng có thể trở thành vũ khí "kinh tế, có lời", dung lượng "kho đạn" của loại vũ khí này lớn, có thể phát huy hiệu lực chính xác, tùy chỉnh ở ngoài cự ly rất xa.
Pháo laser trên tàu chiến của Hải quân Mỹ
Trong vài năm qua, mặc dù Bộ Quốc phòng Mỹ đã hạ thấp mục tiêu và kinh phí, nhưng công nghệ năng lượng định hướng lặng lẽ phát triển theo hướng hoàn thiện một cách vững chắc.
Cho đến nay, về uy lực, vũ khí năng lượng định hướng không bằng vũ khí laser trên máy bay và trên vũ trụ, nhưng đã đạt mức độ hoàn thiện tác chiến. Vũ khí laser chiến thuật hiện có đã được phô diễn trong môi trường tác chiến hiện thực nhằm vào mối đe dọa hiện thực.
Năm 2013, Hải quân Mỹ đã phô diễn sức mạnh của vũ khí laser chiến thuật trên tàu, dùng nó bắn rơi một máy bay không người lái của địch, điều này "kinh tế" hơn so với sử dụng tên lửa để đối phó với máy bay không người lái có chi phí chế tạo không cao.
Tháng 11 năm 2014, Hải quân Mỹ đã sử dụng vũ khí laser đối phó với tàu nhỏ địch ở trên biển, đây là một thủ đoạn "có lời" và có thể điều tiết hiệu lực khi ứng phó với mối đe dọa nguy hiểm. Năm 2012, Không quân Mỹ đã thể hiện tính khả thi của vũ khí sóng cực ngắn công suất lớn trên máy bay.
Những công nghệ như vậy ngày càng hoàn thiện, đến nay, tên lửa hành trình hoặc máy bay không người lái đã có thể mang theo năng lượng định hướng có ý nghĩa tác chiến, giúp cho người chỉ huy có được một sức mạnh phi động năng độc đáo để phá hủy hoặc tiêu diệt hệ thống điện tử của đối phương.
Vũ khí laser lắp trên tàu vận tải đổ bộ USS Ponce Hải quân Mỹ
Thông qua theo đuổi gần nửa thế kỷ, đến nay, có vài vũ khí năng lượng định hướng gần như cuối cùng có ý nghĩa tác chiến, được đưa ra chiến trường. Mặc dù máy laser cấp độ megawatt để bắn rơi tên lửa đạn đạo hiện nay vẫn ngoài tầm với, nhưng máy laser chiến thuật hiện có thể sẽ là biện pháp kinh tế, có hiệu quả để đối phó với các mối đe dọa có giá thành thấp như máy bay không người lái và tàu nhỏ.
Sóng cực ngắn công suất lớn đã mở ra con đường mới cho hiệu lực của tính phi động năng, rất có lợi cho kiểm soát leo thang tình hình hoặc hạn chế thiệt hại thêm.
Tuy nhiên, lợi ích quan trọng nhất đưa những vũ khí năng lượng định hướng mới này vào chiến trường cơ bản là, chúng sẽ mở ra quá trình đưa công nghệ mới hòa nhập vào hoạt động tác chiến, kéo theo là tổ chức, huấn luyện, quan điểm tác chiến và tư tưởng, lý luận đều phải đổi mới.
Trung tâm an ninh Mỹ mới (CNAS) gần đây đã công bố một báo cáo mới về công nghệ năng lượng định hướng, tác giả là nhà nghiên cứu lâu năm Jason Ellis của trung tâm này.
Báo cáo đã giới thiệu đúng lúc lĩnh vực năng lực quân sự quan trọng này, đã đánh giá thẳng thắn, khách quan về mức độ hoàn thiện của vũ khí năng lương định hướng hiện nay và tiến triển có thể đạt được trong tình hình Bộ Quốc phòng Mỹ tiếp tục đầu tư.
Vũ khí laser tấn công vệ tinh (tưởng tượng)
Jason Ellis đã bình tĩnh phân tích triển vọng của vũ khí năng lượng định hướng và hiện thực công nghệ. Ông cho rằng, loại vũ khí này "vẫn chưa phải là thứ làm thay đổi cục diện".
Đồng thời, ông chỉ ra, "không có tiền thì không có nghiên cứu khoa học", muốn cho vũ khí năng lượng định hướng đi tới hoàn thiện và phát huy toàn bộ tiềm năng của nó thì phải đầu tư nhiều vốn hơn, ngoài ra cũng cần xây dựng một "kế hoạch chiến lược liên quan đến cả Bộ Quốc phòng" cho vũ khí năng lượng định hướng.
.http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-Quoc-phong/Bao-My-Vu-khi-laser-chua-the-lam-thay-doi-cuc-dien-can-tiep-tuc-dau-tu-post157611.g
d

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

Tàu ngầm Kilo ở đâu trong thế trận chống ngầm của Việt Nam?

Chống ngầm có 3 lực lượng chủ yếu: Tàu săn ngầm, máy bay săn ngầm và tàu ngầm. Trong đó tàu ngầm chống tàu ngầm là 1 trong những biện pháp hiệu quả, nguy hiểm nhất cho đối phương.

Chiến tranh hiện đại, công nghệ cao ngày nay luôn bắt đầu từ hướng biển với tàu ngầm, tàu nổi, tàu sân bay và bằng một phương thức tác chiến mà lịch sử đã ghi nhận qua những chiến thắng trong các cuộc chiến gần đây.
Đầu tiên (tác chiến điện tử), tên lửa hành trình từ các tàu ngầm, tàu nổi mở màn, tấn công vào lãnh thổ nhằm làm cho hệ thống radar phòng không, hệ thống thông tin chỉ huy, liên lạc tê liệt hoặc thiệt hại nặng khiến đối phương như “mù” và “điếc”.
Tiếp theo, không quân xuất kích chiếm lĩnh, thống trị bầu trời săn diệt những mục tiêu quân sự còn lại một cách dễ dàng và đánh phá các trung tâm kinh tế, chính trị, quốc phòng…mà không hề gặp sức kháng cự.
Giai đoạn này được coi là then chốt, quyết định kết quả chiến tranh. Mục đích chiến tranh đạt được hay không tùy thuộc có thống trị được bầu trời đối phương hay không.
Cuối cùng là lực lượng đổ bộ xuất kích, tất cả đều từ hướng biển. Lực lượng này có thể không cần thiết khi đối phương đã đầu hàng vô điều kiện.
Những phân tích kể trên ứng dụng vào điều kiện Việt Nam, một đất nước dài và hẹp, có bờ biển dọc theo chiều dài đất nước, cho thấy, phòng thủ biển (chống địch tấn công từ hướng biển vào đất liền và bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo) không thể như ngày xưa.
Ta không thể đón đợi giặc ở cửa sông, luồng lạch, trong vùng nội thủy hay lãnh hải.
Chúng ta ngày nay phải tác chiến ngay ở vùng biển xa bờ, tạo cho đất liền một không gian phòng thủ đủ rộng, một thời gian chuẩn bị đối phó kịp thời.
Đó chính là cách thức “chống tiếp cận” của Việt Nam trong phòng thủ biển.
Nội dung của cách thức “chống tiếp cận” là phòng thủ từ xa trên 3 khu vực: Trên không, trên mặt biển và trong lòng biển, trong đó phòng thủ từ xa trong lòng biển là yếu tố then chốt quyết định sự thành bại của “chống tiếp cận”.
Sự nguy hiểm của tàu ngầm với “chống tiếp cận”
Phòng thủ từ hướng biển trong chiến tranh hiện đại, tuyến xuất phát tấn công của địch, cũng là tuyến đầu của lực lượng phòng thủ.
Do đó, nếu tàu ngầm của địch lọt sâu vào tuyến phòng thủ mà không bị phát hiện, xử lý hoặc khả năng phát hiện, xử lý có vấn đề… thì coi như tuyến phòng thủ sụp đổ.
Khi lọt sâu vào tuyến phòng thủ, có nghĩa là tàu ngầm đối phương đã thực sự làm chủ lòng biển thì những đe dọa nguy hiểm sau đây sẽ xảy ra:
Một là tất cả các tàu chiến mặt nước của ta đều mất khả năng cơ động, tất cả buộc phải neo đậu ở các cầu cảng, luồng lạch để tránh bị tiêu diệt.
Sức chiến đấu của các tàu tên lửa, phóng lôi có tầm hoạt động xa bờ… gần như bị triệt tiêu.
Tàu ngầm Thành phố Hồ Chí Minh tại quân cảng Cam Ranh - Ành: Hà Hưng
Tàu ngầm Kilo TP Hồ Chí Minh tại quân cảng Cam Ranh. Ảnh: Người lao động
Hai là tàu ngầm địch có thể tạo ra những bãi mìn (thủy lôi) để phong tỏa bến cảng, trực tiếp tấn công vào tuyến hàng hải tiếp tế cho các quần đảo xa bờ.
Như vậy tàu ngầm địch đã gián tiếp cắt đứt sự chi viện từ đất liền cho tuyến đảo khi bị tấn công.
Máy bay địch cũng có thể thả thủy lôi phong tỏa, như Mỹ đã làm với Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay, do khả năng phòng thủ trên không của Việt Nam khác trước nhiều nên điều đó không dễ dàng cho kẻ địch tiềm tàng.
Trong tình thế hiện nay, để tấn công đánh chiếm Trường Sa, tàu ngầm địch chỉ cần hoàn thành 2 nhiệm vụ trên là quá đủ.
Không quân Việt Nam dù có thể làm chủ vùng trời cũng không thể làm gì để cứu nguy khi thiếu các lực lượng khác hợp đồng tác chiến.
Như vậy, tàu ngầm địch khi lọt vào tuyến phòng thủ biển, tự do tác chiến mà không bị trừng trị thì hệ thống phòng thủ biển của ta không còn có ý nghĩa, chiến lược “chống tiếp cận” của Việt Nam không thành công.
Ngay cả Trung Quốc dù có tên lửa tầm xa đủ sức diệt tàu sân bay Mỹ nhưng hệ thống chống ngầm còn yếu nên chiến lược chống tiếp cận của họ khó thành công khi đối đầu với lực lượng tàu ngầm hiện đại của Nhật Bản và Mỹ.
Cho nên, với tinh thần đó, chống ngầm trong tình hình hiện nay là một nhiệm vụ sống còn của lực lượng phòng thủ biển.
Việt Nam phải ưu tiên phát triển lực lượng săn ngầm, chống ngầm hiện đại, nhằm tạo ra trong tuyến phòng thủ biển của ta một “vùng biển sạch” cho các lực lượng triển khai tác chiến.
Tàu ngầm Việt Nam ở đâu trong thế trận chống ngầm?
Bất cứ nhà quân sự nào cũng biết, lối đánh sở trường của Hải quân Việt Nam là lợi dụng thế địa lý, tập kích vào đội hình địch từ nhiều hướng, dồn dập, để xé nát đội hình địch, gây thiệt hại nặng hoặc tiêu diệt gọn…
Tuy nhiên, biết là một chuyện nhưng cụ thể như thế nào, chống lại ra sao lại là chuyện khác.
Do đó, câu hỏi “Tàu ngầm Việt Nam ở đâu…” không phải là sự tò mò quá giới hạn và câu trả lời cũng chỉ thuộc tính nguyên tắc.
Chống ngầm có 3 lực lượng chủ yếu, gồm tàu săn ngầm, máy bay săn ngầm và tàu ngầm, trong đó tàu ngầm chống tàu ngầm là một trong những biện pháp cơ bản có hiệu quả, nguy hiểm nhất cho đối phương.
Trong phạm vi một bài viết, chúng ta chỉ quan tâm, liệu 6 tàu ngầm Kilo của Việt Nam hợp đồng tác chiến cùng với 2 lực lượng trên, có đủ sức ngăn chặn hàng chục tàu ngầm khác của đối phương luồn sâu vào tuyến phòng thủ biển của ta hay không?
Chống tàu ngầm bằng tàu ngầm là một trong những biện pháp cơ bản có hiệu quả, nguy hiểm nhất cho đối phương.
Ở vùng biển Việt Nam, tàu ngầm Kilo tác chiến chống ngầm có thể dựa trên 2 hình thức:
Một là phục kích thụ động (tàu ngầm Kilo phục kích tại tuyến chống ngầm, chờ tàu ngầm địch đi qua là phóng lôi).
Hình thức tác chiến này giống như một con hổ đang rình mồi trên một vị trí mà con mồi thường đi qua và buộc phải đi qua.
Việc tìm đúng vị trí phục kích trên tuyến chống ngầm phụ thuộc vào trí tuệ người chỉ huy, công tác tình báo, trinh sát nắm địch…
Có thể nói, tàu ngầm đối phương nhiều nhưng ngán ngại nhất khi gặp phải Kilo đang phục kích kiểu này.
Tuy nhiên, trong hình thức tác chiến này, Kilo Việt Nam không phải tàu ngầm được trang bị AIP nên vị trí phục kích thường xuyên có khoảng trống do Kilo phải nổi lên để “thở”.
Hai là phục kích chủ động (vừa phục kích vừa cơ động chiến đấu trong một khu vực chọn sẵn, được giao).
Như vậy, hình thức này bổ sung cho nhược điểm của hình thức trên. Chỉ cần 2 Kilo thay nhau “đổi gác” và tuần tra thì tàu ngầm địch rất dễ lọt vào gặp nguy hiểm.
Lúc này, tương quan về số lượng tàu ngầm đôi bên không quan trọng, càng ít càng có lợi thế, bởi vì trên khu vực được định sẵn này, Kilo rất dễ xác định mục tiêu, hễ “nghe chuông reo là bắn”.
Trong Chiến tranh Lạnh, để phát hiện tàu ngầm Liên Xô vào một vùng biển nào đó, Hải quân Mỹ bố trí cách 40 km một tàu ngầm (vì bán kính phát hiện tàu ngầm lúc đó là 20 km).
Nếu Việt Nam cũng thực hiện theo chiến thuật như vậy thì dù công nghệ phát hiện tàu ngầm đã tân tiến hơn nhưng với bờ biển dài, Việt Nam không có đủ Kilo trên tuyến chống ngầm.
Song, thế địa lý Việt Nam lại khác, tư tưởng quân sự của Việt Nam là khác, tàu ngầm Việt Nam chỉ tác chiến trong vùng biển Việt Nam.
Vì thế, “lấy ít địch nhiều” luôn có hiệu quả, là cơ sở chắc chắn cho Bộ chỉ huy tối cao Việt Nam hạ quyết tâm.
Tại một vùng biển hẹp, khó cơ động, tàu ngầm số lượng nhiều không giải quyết được vấn đề.
Nếu cho rằng trên 3.000 km đường bờ biển, tàu ngầm địch muốn đi vào lối nào cũng được là hơi đơn giản.
Chẳng hạn, về yếu tố chủ quan, tàu ngầm không thể mạo hiểm hành trình qua một bãi thủy lôi, thậm chí vùng biển có lưới đánh cá ngư dân thả trôi….
Ngoài ra, những yếu tố khách quan như điều kiện thủy văn dòng chảy, đá ngầm cũng khiến tàu ngầm phải thay đổi hướng đi…
Do vậy mưu, kế (lừa địch, điều động địch), tài giỏi của người chỉ huy là căn cứ vào 2 yếu tố đó để định hướng tuyến chống ngầm chính xác.
Quả thật, nếu lấy số lượng 6 chiếc Kilo của Việt Nam đối đầu với hàng chục tàu ngầm đối phương trên một vùng biển có chủ quyền và quyền chủ quyền hơn 1 triệu km vuông là rất khấp khểnh.
Tuy nhiên, sức mạnh của hệ thống phòng thủ biển của Việt Nam cũng như trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp về thế, thế địa lý, tạo nên một thế trận vững chắc, liên hoàn, bí hiểm, lợi hại.
Kilo Việt Nam số lượng ít và hoạt động độc lập nhưng không sợ máy bay săn ngầm của địch săn, diệt, bởi vì trong khu vực đó, không quân Việt Nam đang làm chủ vùng trời, trên mặt biển có các hệ thống tên lửa bờ, các tàu hộ vệ tên lửa…canh chừng.
Cả 3 lực lượng hỗ trợ nhau đã tạo ra thế của một “chiếc kiềng 3 chân” vững chãi.
Đây là lợi thế tác chiến vượt trội của tàu ngầm Kilo Việt Nam khiến cho nó trở nên khó tìm thấy, khó tiêu diệt, khó tránh với tàu ngầm kẻ thù khi đột nhập vào vùng biển chủ quyền Việt Nam.

Vậy tuyến chống ngầm của Việt Nam ở đâu? Như thế nào? Câu trả lời cụ thể đang có ở Bộ Tham mưu Hải quân Việt Nam.
.http://nguyentandung.org/tau-ngam-kilo-o-dau-trong-the-tran-chong-ngam-cua-viet-nam.html

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

Trịnh Hòa có chiếm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào năm 1413 hay không?


Trinh hoa co
 Nguyễn Nghiêm
Qua sử liệu xác thực, người ta có thể khẳng định rằng sự kiện bảy lần đi sứ Tây Dương của Trịnh Hoà là có thật và đây thực sự là một sự kiện đáng tự hào của nhân dân Trung Quốc. Nhưng chuyện Trịnh Hoà ghé qua hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đánh chiếm Chiêm Thành và hai quần đảo này vào năm 1413 trong thời gian đi sứ Tây Dương thì quả thật là một nghi vấn lớn.
Sau dịp kỷ niệm 600 năm Trịnh Hoà đi sứ Tây Dương, các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc khuyếch trương sự kiện này như là một trong những biểu tượng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Báo Nhân dân Giải phóng quân ở Bắc Kinh khẳng định đô đốc Trịnh Hòa đã từng cùng tàu chiến và tàu buôn ghé qua quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vào thời gian diễn ra Thế vận hội Bắc Kinh và Hội chợ quốc tế Thượng Hải, Trung Quốc phát động chiến dịch tuyên truyền rằng trong chuyến đi sứ thứ tư đến Tây Dương (1413-1415), Đô đốc Thái giám Trịnh Hòa đã đánh chiếm Chiêm Thành trên lục địa và các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông vào năm 1413. Trung Quốc coi đó là những chứng cứ chứng minh rằng hai quần đảo này từ thời nhà Minh đã thuộc chủ quyền của Trung quốc.
Qua sử liệu xác thực, người ta có thể khẳng định rằng sự kiện bảy lần đi sứ Tây Dương của Trịnh Hoà là có thật và đây thực sự là một sự kiện đáng tự hào của nhân dân Trung Quốc. Nhưng chuyện Trịnh Hoà ghé qua hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đánh chiếm Chiêm Thành và hai quần đảo này vào năm 1413 trong thời gian đi sứ Tây Dương thì quả thật là một nghi vấn lớn. Chúng ta cần phải xem xét và nghiên cứu nghiêm túc bối cảnh lịch sử của sự kiện tại Trung Quốc và trong khu vực, bản thân nhân vật Trịnh Hoà, mục đích chuyến đi sứ của Trịnh Hoà được ghi chép trong sử, sách cổ Trung Quốc và những công trình nghiên cứu sau này của cả những học giả Trung Quốc và học giả nước ngoài về các chuyến đi sứ của Trịnh Hoà thì mới làm sáng tỏ được nghi vấn trên. 
Bối cảnh lịch sử các chuyến đi sứ Tây Dương của Trịnh Hoà
Niên hiệu Hồng Võ năm thứ ba mươi mốt (1398), Chu Nguyên Chương chết. Các con cháu vị Hoàng đế này bắt đầu chém giết lẫn nhau để chiếm ngôi báu. Niên hiệu Kiến Văn nguyên niên đời Minh Huệ Đế (1399), Yên vương Chu Đệ khởi binh tại Bắc Bình (nay là Bắc Kinh), bắt đầu tấn công để mưu chiếm đoạt ngôi Hoàng đế của người cháu ruột là Kiến Văn Đế Chu Doãn Văn. Kiến Văn năm thứ 4 (1402), quân của Yên vương Chu Đệ tiến đánh kinh sư (nay là Nam Kinh, tỉnh Giang Tô). Sau sự kiện binh biến này, có truyền thuyết cho rằng Kiến Văn Đế đã “cải trang làm Hoà thượng bỏ trốn”. 
Thời bấy giờ, quan tâm của Trung Quốc đối với các nước xung quanh cũng mờ nhạt. Đến khi Minh Thành Tổ lên ngôi thì nhiều quốc gia tại vùng Đông Nam Á không còn thần phục và triều cống nhà Minh nữa. Điều đó đối với Chu Đệ, người tự coi mình là “Thiên Triều Thượng Quốc” cảm thấy không hài lòng. Chính vì vậy, ngay từ khi lên ngôi, Minh Thành Tổ đã muốn khoa trương uy quyền nước lớn ra ngoài biên giới Trung Quốc. Ở phía Bắc, Trung Quốc tấn công Mông Cổ. Tại phía Nam, Trung Quốc tiến hành cuộc viễn chinh xâm lược Đại Việt vào năm 1407 nhưng bị quân dân Đại Việt đánh cho tơi bời. Năm 1427, tướng Minh là Vương Thông phải đến “Hội thề Đông quan” xin nguyện không bao giờ xâm phạm đất Đại Việt nữa. Minh Thành Tổ cũng muốn vượt biển, tới các nước khác ở vùng Đông Nam Á và Trung Á để khoa trương uy quyền, bắt các nước phải thần phục và triều cống Trung Quốc. Hai năm sau khi lên ngôi (1405), Minh Thành Tổ cho đóng một hạm đội mạnh nhất đương thời, giao cho một viên hoạn quan có tên là Trịnh Hoà chỉ huy đi sứ Tây Dương. Dưới đời nhà Minh, theo người Trung Quốc, Tây Dương bao gồm khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ và phần phía Đông của châu Phi. 
Nhân vật Trịnh Hoà
Trịnh Hòa là một người Hồi và phục vụ bên cạnh Hoàng đế thứ ba của nhà Minh làMinh Thành Tổ (trị vì từ năm 1403 đến năm 1424). Theo tiểu sử của ông trong Minh sử, ông có tên thật là Mã Tam Bảo (馬三保), quê ở Côn Dương (昆阳, ngày nay là Tấn Ninh(晋宁), tỉnh Vân Nam. Ông là hậu duệ đời thứ 6 của Sayyid Ajjal Shams al-Din Omar, một viên quan cai trị tỉnh Vân Nam thời nhà Nguyên và đến từ Bukhara, ngày nay thuộcUzbekistan. Khi căn cứ cuối cùng của Mông Cổ ở Vân Nam bị xoá sổ, Tam Bảo bị quân nhà Minh bắt và bị hoạn vào năm 11 tuổi. Trong những năm niên hiệu Hồng Võ, Tam Bảo vào cung làm một tiểu hoạn quan, lúc ban đầu làm việc tại phủ riêng của Chu Đệ (tức là Minh Thành Tổ sau này). Trong vụ chính biến chống Kiến Văn Đế Chu Doãn Vương, Tam Bảo lập được nhiều chiến công nên được Minh Thành Tổ cất nhấc lên làm Thái giám, đồng thời, được ban tên là Trịnh Hoà. Người đời ấy quen gọi ông ta là Tam bảo Thái giám. Niên hiệu Vĩnh Lạc thứ hai (1404), Trịnh Hoà được cử giữ chức Thái giám trông nom tất cả hoạn quan trong cung, sau được thăng chức Lễ giám Chưởng Ấn Thái giám, trở thành một nội thần đắc lực của Minh Thành Tổ, đồng thời, phụng mệnh Minh Thành Tổ chỉ huy một đoàn thuyền đi sứ Tây Dương nhằm ba mục đích. Một là, để điều tra tìm hiểu xem Kiến Văn Đế có trốn ra ẩn náu ở nước ngoài hay không. Hai là, muốn tạo nên một thanh thế lớn để lôi kéo nhân tâm trong nước, nhằm thay đổi tình hình chính trị bất lợi sau vụ binh biến xảy ra. Ba là, bảo vệ uy quyền của mình tại khu vực Đông Nam Á và Trung Á, để buộc các nước ở khu vực này phải tới triều cống. Qua đó, đề cao “uy danh của đất nước” để đề cao tiếng tăm của mình. 
Như vậy, mục tiêu chính của các chuyến đi của Trịnh Hoà là thực hiện sứ mệnh ngoại giao, không phải là những cuộc chinh phục. 
Ghi chép của sử sách Trung Quốc về các chuyến đi sứ Tây Dương của Trịnh Hoà
Theo Minh Sử, dưới đời Minh Thành Tổ (Vĩnh Lạc) và Minh Tuyên Tông (Tuyên Đức), Trịnh Hoà đã bảy lần thám hiểm Ấn Độ Dương hay Tây Dương nằm về phía Tây Trung Quốc. Về chuyến đi  thứ tư (1413-1415), Minh Sử chỉ ghi Trịnh Hòa đã đến Ấn Độ, Vịnh Ba Tư, Biển Hồng Hải và Đông châu Phi. 
Theo cuốn Lịch sử Trung Quốc thời Trung Cổ thì trong 28 năm, từ năm 1405 đến năm 1433, đội thuyền của Trịnh Hòa đã viếng thăm hơn 30 quốc gia duyên hải tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Các địa điểm xa nhất là Vịnh Ba Tư, Biển Hồng Hải về phía Tây Bắc, và Đông châu Phi về phía cực Tây Ấn Độ Dương. Các tác giả gọi đó là những chuyến đi về ngoại giao và thương mại. 
Ngoài ra cuốn Vũ Bị Chí do Mao Nguyên Nghi soạn năm 1621 cũng tường thuật về bảy chuyến đi sứ Tây Dương, trong đó cho biết Trịnh Hòa chỉ đi qua Biển Nam Hoa để khai phá Ấn Độ Dương. Thông thường mỗi chuyến hải trình kéo dài 2 năm.Trong ba chuyến đi đầu tiên (1405-1411), phái bộ Trịnh Hòa xuất phát từ Phúc Kiến, tới Phi Luật Tân, Nam Dương  và Mã Lai tại Thái Bình Dương, và đến Ấn Độ Dương tại Tích Lan và Calicut về phía Tây Ấn Độ. Trong các chuyến đi thứ tư (1413-1415) và chuyến đi thứ năm (1417-1419), Trịnh Hòa đã đi qua Ấn Độ tới Vịnh Ba Tư, Biển Hồng Hải và sau đó đi đến các địa điểm xa nhất tại Đông châu Phi về phía cực Tây Ấn Độ Dương.  Sau khi Minh Thành Tổ mất năm 1424, Trịnh Hòa không còn được trọng đãi. Dưới đời Minh Nhân Tông, do sự phản đối quyết liệt của các triều thần các chuyến đi của Trịnh Hoà bị đình chỉ. Mãi 9 năm sau, năm 1431, dưới triều Minh Tuyên Tông Trịnh Hòa mới thực hiện chuyến đi cuối cùng (1431-1433). Tuy vậy, trong chuyến đi này, Trịnh Hoà cũng chỉ đi đến Vịnh Ba Tư, Biển Hồng Hải và Đông châu Phi, địa điểm xa nhất là Malindi nằm ở phía Nam đường xích đạo. 
Học giả người Trung Quốc trong thời hiện đại viết về các chuyến đi sứ Tây Dương của Trịnh Hoà
Trong cuốn sách “Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc” do Nhà xuất bản Niên Luân – Đài Bắc, ấn hành năm 2000, tác giả Cát Kiếm Hùng đã nghiên cứu nhiều sử liệu Trung Quốc về các chuyến đi sứ Tây Dương của Trịnh Hoà và mô tả lại khá chi tiết về các chuyến đi này. Trong gần ba chục năm, Trịnh Hoà đã lần lượt đi Tây Dương trước sau đến bảy lần, chỉ huy một đoàn thuyền đông đến cả vạn người, vượt biển đến hơn ba chục nước, mở con đường hàng hải từ Trung Quốc đến vịnh Ba Tư, Hồng hải và bờ biển phía Đông của châu Phi. Các nước Đông Nam Á được Cát Kiếm Hùng nhắc đến trong các chuyến đi sứ của Trịnh Hoà gồm Chiêm Thành (thuộc trung bộ Việt Nam ngày nay), Java (tức đảo Java của Indonesia ngày nay), Palembang (Indonesia), Malacca, Aru (nay là trung bộ đảo Sumatra), Samudra (một cổ quốc nằm về phía bắc của đảo Sumatra), Lamuni (thuộc đảo Sumatra) và Xiêm La. 
Về hoạt động chính của chuyến đi, Cát Kiếm Hùng viết : “Đứng về mặt chủ quan mà xét, Minh Thành Tổ phái Trịnh Hoà đi Tây Dương là muốn đề cao địa vị của nhà vua này ở hải ngoại, mở rộng ảnh hưởng chính trị của ông ta, mà điều quan trọng nhất là tuyên dương oai đức của nhà vua để từ đó mở rộng hoạt động ngoại giao hoà bình. Do vậy, nhóm người của Trịnh Hoà đến các nước ở hải ngoại bất luận là nước lớn hay nước nhỏ đều được xem như nhau. Những nơi họ đến đều được người địa phương cảm phục, và tỏ ra có đạo đức. Trong mấy lần đi sứ của Trịnh Hoà, mỗi khi tới địa phương nào, thì trước hết ông tuyên đọc chiếu sắc của vương triều nhà Minh trước mặt quốc vương hoặc tù trưởng rồi kế đó mới ban thưởng cho quốc vương, vương phi, đại thần tại địa phương. Cuối cùng, ông mới tiếp nhận những gì cống nạp của quốc vương hoặc tù trưởng đó. Trịnh Hoà cũng tiến hành việc mậu dịch hàng hoá và thổ sản. Đoàn thuyền của Trịnh Hoà mặc dù có số lượng thành viên rất đông, có quân tinh nhuệ, nhưng không bao giờ lấy sức mạnh của nước lớn để hiếp đáp hoặc cướp đoạt các nước ở hải ngoại”. 
Cuốn sách trên ghi rõ trong quá trình bảy lần đi sứ Tây Dương, Trịnh Hoà chỉ sử dụng vũ lực có ba lần. Lần sử dụng dùng vũ lực thứ nhất là để bắt sống được tên hải tặc Trần Tổ Nghĩa tại Palembang, một cảng biển cổ thuộc Indonesia. Việc sử dụng vũ lực lần thứ hai là trong trường hợp bắt sống vị quốc vương của Tích Lan (Sri-lanka ngày nay) bởi vì quốc vương Vira Alakesvara có ý định cướp bóc đoàn thuyền của Trịnh Hoà. Việc sử dụng vũ lực lần thứ ba là tại nước Sumudra ( Indonesia) khi Tô Can Lạt, em trai của quốc vương nước này xua mấy vạn quân tấn côngđoàn thuyền. 
Nhận định về bảy chuyến đi sứ của Trịnh Hoà, Cát Kiếm Hùng viết : “Trịnh Hoà bảy lần đi Tây Dương, trước sau như một vẫn thi hành chính sách ôn hoà đối với người nước ngoài, có mục đích tạo điều kiện cho việc tiếp xúc hoà bình và hữu hảo, tăng cường mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, Nam Á và châu Phi. Đoàn thuyền của Trịnh Hoà đến những quốc gia ở nước ngoài không hề có tham vọng gì, mà chỉ nhằm phát triển sứ mệnh hữu hảo với các nước đó, không bao giờ có hành động lấy việc nô dịch các dân tộc khác để xem đó là sự vinh quang của mình, tuyệt đối không ỷ mạnh hiếp yếu, không ỷ lớn hiếp nhỏ. Những nơi mà họ đến, bao giờ cũng đối đãi bình đẳng với mọi người, không hề xâm phạm quyền lợi của nhân dân ở nước đó dù là rất bé nhỏ. Trong quá trình mậu dịch, các thuyền viên bao giờ cũng thể hiện được thái độ nhập gia tuỳ tục, mua bán công bằng, chứ không bao giờ dựa vào vũ lực để mua bán theo kiểu ăp cướp”. 
Các học giả nước ngoài viết về bảy chuyến đi sứ Tây Dương của Trịnh Hoà
Cùng với các nhà sử học Trung Quốc, các nhà khảo cứu về thám hiểm đại dương danh tiếng trên thế giới trong tập Bách Khoa Toàn Thư Anh Quốc cũng viết vể Trịnh Hoà như sau: “Đầu thế kỷ 15, Minh Thành Tổ phát động chính sách thổ địa và hải dương tích cực, cử Đô đốc Thái giám Trịnh Hòa phụ trách những cuộc hải trình qui mô bành trướng ngoại giao tại Đông Nam Á, Ấn Độ Dương, Vịnh Ba Tư, đến Đông châu Phi là địa điểm xa nhất”.[1] 
Trong cuốn sách Tân lịch sử Trung Quốc, Giáo Sư John King Fairbank tại Đại Học Harvard đã vẽ bản đồ 7 cuộc hải trình của Trịnh Hòa, xuất phát từ Phúc Kiến, ghé qua Đồ Bàn hay Trà Bàn (Chaban) thủ phủ Chiêm Thành, đến Java, Sumatra (Nam Dương), Colombo (Tích Lan), Calicut (Ấn Độ), Hormuz (Vịnh Ba Tư), Jiddah (Biển Hồng Hải) về phía Tây Bắc, rồi đến các hải cảng Magadishu và Malindi tại Đông châu Phi về phía cực Tây Ấn Độ Dương.[2] 
Trong cuốn sách “Trung Hoa thao túng đại dương”, nhà văn Louise Levathes,  và là học giả thỉnh giảng tại Đại Học Nam Kinh, trong bài viết đăng trên Nữu Ước Nhật báo viết rằng:  “Trong thời gian từ 1405-1433,  đoàn bảo thuyền do Đô đốc Thái giám Trịnh Hòa chỉ huy đã thực hiện bảy cuộc hành trình vượt qua các Biển Trung Hoa và Ấn Độ Dương, đến Đài Loan về phía Đông, rồi đến Vịnh Ba Tư và bờ biển Đông châu Phi về phía Tây”. 
Kết quả chuyến đi sứ Tây Dương của Trịnh Hoà
Các chuyến đi sứ Tây Dương trong khoảng thời gian gần 30 năm của Trịnh Hoà đã thu được một số kết quả nhất định. Một là, nhà Minh đã thu được thắng lợi ngoại giao nhất định, khuyếch trương uy lực của người Trung Hoa trong khu vực, mời được các nước phái sứ thần đến Trung Quốc để triều cống. Sau chuyến đi của Trịnh Hoà, sứ thần của các nước Java, Malacca, Samudra, Quilon, Calicut, Cochin, Aru, Palang, Kelantan đã đến để triều kiến vương triều nhà Minh. Hai là, nhận được nhiều đồ triều cống như sư tử, báo, ngựa, hươu cao cổ, lạc đà và vô số vật lạ từ các nước lân bang. Tuy vậy, số cống vật này có giá trị rất nhỏ bé so với giá trị của những món quà mà Trịnh Hoà tặng các quốc vương và tù trưởng ở những nước mà Trịnh Hoà đến để “tuyên dương oai đức”, mua chuộc lòng người. Tại mỗi nước, Trịnh Hoà đều phát lịch nhà Minh, phân phát ấn tín và ban thưởng rất nhiều tiền bạc cho các thủ lĩnh địa phương, tốn kém rất nhiều. Ba là, sau chuyến đi Trịnh Hoà đã mở ra con đường hàng hải từ Trung Quốc đến Vịnh Ba Tư, Hồng Hải tới bờ biển phía Đông của châu Phi và nhiều con đường hàng hải phụ khác. Chuyến đi của Trịnh Hoà có thể nói là một cuộc thám hiểm có quy mô lớn nhất trên biển trong lịch sử thế giới trước khi có những phát hiện lớn về địa lý vào thế kỷ 15 ở châu Âu. Bốn là, chuyến đi của Trịnh Hoà cũng có ý nghĩa nhất định về thương mại. Tuy vậy, việc trao đổi hàng hoá trong chuyến đi chủ yếu là mua sắm những đồ vật quý hiếm không có ở Trung Quốc như trân châu, mã não, ngà voi, thuốc nhuộm, đồ gia vị, đặc sản và hàng hoá thủ công mỹ nghệ của Tây Dương cho hoàng đế và hoàng gia, không giúp ích gì đáng kể cho nền thương mại Trung Quốc thời bấy giờ. Năm là, nhờ bảy lần đi sứ Tây Dương của Trịnh Hoà, phong trào di dân ra hải ngoại làm ăn ngày càng phồn thịnh. Ngoài bán đảo Mã Lai, đảo Sumatra, Bornéo, Java, Philipin, quần đảo Moluques, người Trung Quốc còn di cư đến Xiêm La, Miến Điện và Việt Nam. 
Tuy vậy, cái giá phải trả cho các chuyến đi của Trịnh Hoà cũng rất lớn. Theo sách Quảng Chí Dịch chép thì đầu đời nhà Minh phủ khố đầy ắp vàng bạc. Trong thời kỳ Trịnh Hoà đi Tây Dương trong phủ khố còn đến bảy triệu lạng bạc trắng, nhưng mười năm sau thì chỉ còn lại có hơn một triệu. Sáu triệu bạc trắng nói trên ngoài một số được dùng vào việc mậu dịch ở hải ngoại, còn phần lớn được dùng để ban thưởng và chi phí cho đoàn thuyền. Những chi phí lớn cho các chuyến đi sứ Tây Dương của Trịnh Hoà, cộng với những tổn thất nặng nề trong cuộc xâm lược Đại Việt, là một trong các nhân tố góp phần làm suy yếu nhà Minh bắt đầu từ đời Anh Tôn (1436). Chính vì lý do đó mà ngay sau khi Minh Thành Tổ và Trịnh Hoà chết không bao lâu thì đội thuyền của Trung Quốc cũng tuyệt tích trên Ấn Độ Dương và biển A Rập. Sự nghiệp hàng hải của Trung Quốc bị gián đoạn một cách đột ngột. 
Kết luận:
Việc khảo cứu các sử, sách cổ và những công trình nghiên cứu thời bây giờ về bảy chuyến đi Tây Dương của Trịnh Hoà cho thấy rằng không có sử sách nào ghi chép đoàn thám hiểm của Trịnh Hòa đã ghé qua hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và có hành động xác lập chủ quyền của nhà nước Trung Hoa tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; càng không có chuyện Trịnh Hòa đã đánh chiếm Chiêm Thành cả trên đất liền và đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngoài biển Đông vào năm 1413. Vào thời kỳ đó, biển Đông mênh mông, với một dải đảo đá san hô dài “vạn dặm” khô cằn, không cây cối, không người ở, kéo dài từ vĩ tuyến 17 B xuống đến 60,2 B, gần xích đạo là nỗi kinh hoàng cho những người đi biển, làm biết bao tàu thuyền bị đắm tại khu vực này, quả thật không có gì hấp dẫn đối với đoàn sứ thuyền của Trịnh Hòa và cũng không có ai trên những dải đá hoang vu đó mà cần ra đó tuyên dương “oai đức Thiên triều”. Vì lý do an toàn hàng hải, chính Trịnh Hoà đã huấn thị cho đoàn sứ thuyền: “phải tránh xa các vùng đá ngầm và các đảo nguy hiểm tại Biển Nam Hoa”. 
Như vậy, việc quả quyết lúc thì Trịnh Hoà đã ghé qua hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lúc thì Trịnh Hoà đánh chiếm Chiêm Thành và hai quần đảo này vào năm 1413 thực chất chỉ là chiến dịch tuyên truyền bịa đặt, bóp méo sự thật nhằm mục đích phục vụ cho ý đồ chính trị và tham vọng bành trướng của Trung Quốc hiện nay. 
Thực ra, nếu chỉ từ một tấm bản đồ được vẽ vào năm 1763, nhưng được nói là vẽ lại tấm bản đồ năm 1418, và chưa biết thật giả ra sao mà truyền thông đại chúng Trung Quốc vừa qua đã có thể tuyên truyền rùm beng là trong thế kỷ 15 Trịnh Hòa đã đi xuyên qua 3 đại dương (Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương)và khám phá châu Mỹ năm 1421 thì việc họ biến các chuyến đi của Trịnh Hoà thành câu chuyện Trịnh Hoà đánh chiếm Chiêm Thành và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa năm 1413 cũng không có gì là lạ. 
Nhưng việc quyết đoán hồ đồ hay khẩu thuyết vô bằng như thế không làm cho ai tin được. Trái lại, chỉ làm cho người ta thấy rõ hơn bản tính của hệ thống tuyên  truyền của Bắc Kinh là hay xuyên tạc, bóp méo những sự thật không có lợi cho mình hoặc nếu cần thì biến không thành có, nguỵ tạo những chứng cứ để phục vụ cho mưu đồ chính trị của mình./.
Chú thích
[1] Encyclopedia Britannica 1981, trang. 350.
[2] John King Fairbank, China, A New History, Map 18: The Voyages of Zheng He, Harvard University Press, 1991, trang. 133.

.http://nghiencuulichsu.com/2014/12/12/trinh-hoa-co-chiem-hai-quan-dao-hoang-sa-truong-sa-vao-nam-1413-hay-khong/