Vũ khí xung điện từ, hay còn gọi là “khí tài gây nhiễu” (glushilki), là một loại vũ khí hiện thực, đang được thử nghiệm của quân đội Nga.
Trạm chế áp điện tử 1L269 Krasukha-2 lắp trên xe (NPO Kvant) |
Mỹ và Israel cũng đang tiến hành các dự án nghiên cứu thành công trong lĩnh vực này, nhưng họ lại nghiêng về hướng sử dụng các hệ thống xung điện từ để phát năng lượng động năng cho đầu đạn.
Nga thì lại đi theo con đường sử dụng yếu tố sát thương trực tiếp và đã chế tạo được các mẫu chế thử của cùng một lúc mấy hệ thống chiến đấu dành cho lục quân, không quân và hải quân.
Theo các chuyên gia đang tham gia dự án khẳng định, việc nghiên cứu công nghệ đã vượt qua giai đoạn thử nghiệm dã chiến, nay người ta đang nghiên cứu khắc phục những sai sót và nỗ lực tăng công suất, độ chính xác và cự ly bức xạ. Hôm nay “Alabuga” của Nga khi nổ trên độ cao 200-300 m, có khả năng phá hỏng toàn bộ các thiết bị điện tử trong bán kính 3,5 km và làm cho cả một đơn vị quân đội cấp tiểu đoàn/trung đoàn không còn các khí tài thông tin liên lạc, chỉ huy, dẫn vũ khí, đồng thời biến toàn bộ binh khí kỹ thuật của đối phương thành đống sắt vô dụng. Đối phương không còn cách nào khác ngoài đầu hàng và giao nộp cho các đơn vị quân đội Nga đang tiến công các vũ khí hạng nặng làm chiến lợi phẩm.
Sát tinh của thiết bị điện tử
Lần đầu tiên, thế giới nhìn thấy một mẫu vũ khí điện từ hoạt động thật sự tại triển lãm vũ khí LIMA 2001 ở Malaysia. Nga trưng bày ở đây biến thể xuất khẩu của hệ thống Ranets-E.
Hệ thống này lắp trên khung gầm xe tải MAZ-543, có trọng lượng gần 5 tấn, cho phép tiêu diệt chắc chắn thiết bị điện tử của mục tiêu mặt đất, của máy bay hay đạn dược có điều khiển ở tầm đến 14 km và làm chúng trục trặc ở cự ly đến 40 km. Mặc dù, loại vũ khí tiên phong này đã gây chấn động thật sự trên báo chí thế giới, các chuyên gia cũng nêu ra hàng loạt nhược điểm của nó.
Một là, kích thước của mục tiêu có thể tiêu diệt hiệu quả là không quá 30 m đường kính, hai là, vũ khí sử dụng một lần vì việc nạp lại điện mất hơn 20 phút, trong thời gian đó khẩu pháo thần này sẽ bị bắn phá 15 lần từ trên không, ngoài ra nó chỉ có thể tác động tới các mục tiêu ở địa hình trống trải, không được có một vật cản nhỏ nào trong tầm mắt. Có lẽ, chính vì các nguyên nhân này mà người Mỹ đã từ bỏ việc chế tạo loại vũ khí điện từ định hướng như thế, mà tập trung vào công nghệ laser.
Các nhà thiết kế vũ khí Nga đã quyết định thử vận may và cố “làm cho nên hồn” công nghệ bức xạ điện từ định hướng.
Một chuyên gia giấu tên của Tập đoàn Rostekh của Nga đã nêu ý kiến rằng, vũ khí xung điện từ đã là một thực tế, nhưng toàn bộ vấn đề là ở các phương pháp đưa nó đến mục tiêu. “Chúng tôi đang thực hiện dự án phát triển hệ thống tác chiến điện tử có độ mật “OV” với tên gọi “Alabuga”. Đó là một quả tên lửa mà phần chiến đấu của nó là một máy phát trường điện từ cao tần công suất lớn.
Tên lửa tạo ra bức xạ xung mạnh giống như từ một vụ nổ hạt nhân, chỉ có điều không có chất phóng xạ. Các thử nghiệm dã chiến đã cho thấy hiệu quả cao của phần chiến đấu - không chỉ thiết bị vô tuyến điện tử mà cả máy móc điện tử có cấu trúc dây dẫn bình thường bị loại khỏi vòng chiến trong bán kính 3,5 km. Tức là không chỉ làm cho không thể sử dụng các đầu mối liên lạc chính, làm mù và điếc đối phương, mà thực tế là cho cả một đơn vị không còn các hệ thống điện tử chỉ huy/điều khiển cục bộ, trong đó có các hệ thống điều khiển vũ khí. Các ưu thế của việc tiêu diệt “phi sát thương” như thế là rất rõ ràng - đối phương chỉ còn cách đầu hàng, còn vũ khí trang bị của đối phương có thể chiếm làm chiến lợi phẩm. Vấn đề chỉ còn là các phương tiêu mang phóng hiệu quả phần chiến đấu đó - nó có trọng lượng tương đối lớn nên tên lửa mang phải khá lớn, nghĩa là rất dễ bị các phương tiện phòng không/phòng thủ tên lửa tiêu diệt”, vị chuyên gia giải thích.
Các sản phẩm nghiên cứu của Viện NIIRP (nay là chi nhánh của Tập đoàn Phòng không Almaz-Antei) và Viện Kỹ thuật vật lý mang tên Ioffe.
Khi nghiên cứu tác động của bức xạ siêu cao tần mạnh từ mặt đất vào các đối tượng (mục tiêu) trên không, các chuyên gia của các đơn vị nghiên cứu này đã bất ngờ nhận được các cấu tạo plasma cục bộ tạo ra khi các dòng bức xạ từ mấy nguồn cắt nhau. Khi tiếp xúc với các cấu tạo này, các mục tiêu trên không đã phải chịu những quá tải động học lớn và bị phá hủy. Hoạt động có phối hợp của các nguồn bức xạ siêu cao tần, cho phép thay đổi nhanh điểm hội tụ, tức là thực hiện việc chuyển ngắm với tốc độ cao hay bám các đối tượng có các đặc tính khí động gần như tùy ý. Các thí nghiệm đã cho thấy rằng, tác động đó có hiệu quả ngay cả đối với các đầu đạn của tên lửa đường đạn xuyên lục địa.
Về bản chất, đây thậm chí không phải là vũ khí siêu cao tần mà là các vũ khí plasmoid (plasma-từ) chiến đấu. Đáng tiếc là vào năm 1993, khi tập thể tác giả đệ trình dự án hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa dựa trên các nguyên lý này cho nhà nước xem xét, Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã lập tức đề nghị Tổng thống Mỹ cùng hợp tác phát triển. Và mặc dù việc hợp tác theo dự án này đã không xảy ra, nhưng chính điều đó đã thúc đẩy người Mỹ xây dựng ở Alaska hệ thống HAARP (High freguencu Active Auroral Research Program) - một dự án nghiên cứu tầng điện ly và cực quang. Dự án có vẻ hòa bình này không hiểu sao lại được Cục Các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến của Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ.
Một số mẫu vũ khí điện từ đã đưa vào trang bị
Để hiểu vị trí của chủ đề tác chiến điện tử trong chiến lược kỹ thuật quân sự của Bộ Quốc phòng Nga, chỉ cần nhìn vào chương trình vũ khí nhà nước giai đoạn đến năm 2020. Trong tổng số 21 ngàn tỷ rúp của chương trình, 3,2 ngàn tỷ rúp (gần 15%) dự định chi cho phát triển và sản xuất các hệ thống tấn công và bảo vệ có sử dụng các nguồn bức xạ điện từ. Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia, tỷ trọng này trong ngân sách của Lầu Năm góc là thấp hơn nhiều, chưa đến 10%. Ta hãy xem xét một số sản phẩm của Nga đã được đưa vào sản xuất loạt và trang bị trong vài năm gần đây.
Krasukha-4 chế áp vệ tinh, radar
Các hệ thống tác chiến điện tử cơ động Krasukha-4 dùng để chế áp các vệ tinh do thám, radar mặt đất và máy bay chỉ huy/báo động sớm, khóa kín cả một khu vực 150-300 km trước con mắt của radar, cũng như có thể dùng bức xạ radar sát thương các phương tiện tác chiến điện tử và liên lạc của địch. Hệ thống hoạt động dựa trên việc tạo ra nhiễu mạnh trên các tần số của radar và các nguồn bức xạ vô tuyến khác. Hãng sản xuất Krasukha-4 là Nhà máy Cơ điện Bryansk (BEMZ).
TK-25E gây nhiễu chống vũ khí điều khiển bằng vô tuyến
Khí tài tác chiến điện tử trên hạm tàu TK-25E cho phép bảo vệ hiệu quả các loại tàu. Hệ thống dùng để bảo vệ vô tuyến điện tử cho hạm tàu trước vũ khí điều khiển bằng vô tuyến phóng từ trên không và hạm tàu bằng cách gây nhiễu tích cực. Người ta dự tính và việc kết nối hệ thống với các hệ thống khác của đối tượng được bảo vệ như hệ thống dẫn đường, radar, hệ thống chỉ huy chiến đấu tự động hóa. TK-25E cho phép tạo ra các loại nhiễu khác nhau với độ rộng phổ từ 64-2.000 MHz, cũng như các nhiễu xung đánh lừa và nhiễu tạo giả có sử dụng các mẫu tín hiệu sao chép. Hệ thống có khả năng đồng thời phân tích đến 256 mục tiêu. Việc trang bị cho mục tiêu cần bảo vệ một hệ thống TK-25E sẽ giúp làm giảm 3 lần trở lên xác suất bị tiêu diệt.
Rtut-BM chống đạn pháo có ngòi vô tuyến
Hệ thống đa năng Rtut-BM được phát triển và sản xuất tại các xí nghiệp của tập đoàn KRET từ năm 2011 và là một trong những hệ thống tác chiến điện tử hiện đại nhất. Chức năng chính của trạm là bảo vệ sinh lực và phương tiện kỹ thuật chống lại đạn pháo lắp ngòi vô tuyến bắn đơn lẻ và bắn loạt. Hãng phát triển là Viện nghiên cứu khoa học toàn Nga Gradiyent (VNII Gradiyent). Viện KB RADAR ở Minsk, Belarus cũng đang sản xuất các khí tài tương tự.
Cần lưu ý rằng, có đến 80% đạn pháo dã chiến, đạn cối và gần như toàn bộ đạn dược chính xác cao của phương Tây được trang bị ngòi vô tuyến. Những khí tài đơn giản này cho phép bảo vệ bộ đội tránh hỏa lực sát thương, kể cả tại khu vực trực tiếp tiếp xúc với địch.
RP-377 gây nhiễu GPS, chống vũ khí chính xác cao
Tập đoàn Sozvezdiye đang sản xuất một loạt các máy phát nhiễu cỡ nhỏ (xách tay, chở bằng xe, tự hoạt) thuộc series RP-377. Với sự hỗ trợ của chúng có thể gây nhiễu tín hiệu GPS, còn biến thể tự hoạt được trang bị nguồn nuôi và các máy phát được phân tán trên một diện tích chỉ bị hạn chế bởi số lượng máy phát.
Hiện nay, biến thể xuất khẩu của hệ thống chế áp GPS và các kênh điều khiển vũ khí mạnh hơn đang được nghiên cứu chế tạo. Nó sẽ là hệ thống bảo vệ điểm và diện chống vũ khí chính xác cao.
Hệ thống được chế tạo theo nguyên lý module, cho phép thay đổi diện tích và mục tiêu bảo vệ.
Trong số các sản phẩm không bí mật còn có các sản phẩm của Viện MNIRTI là Snaiper-M, I-140/64 và Gigavatt lắp trên rơ-mooc ô tô. Chúng được dùng để kiểm thử các phương tiện bảo vệ các hệ thống radar và kỹ thuật số quân dụng, đặc dụng và dân dụng chống tác động phá hoại của bức xạ điện từ.
Tìm hiểu thêm về vũ khí điện từ
Linh kiện của các phương tiện vô tuyến điện tử rất nhạy cảm với quá tải năng lượng, nên một luồng năng lượng điện từ có mật độ khá cao có khả năng đốt cháy các mối nối bán dẫn, phá vỡ hoàn toàn hay một phần hoạt động bình thường của chúng. Vũ khí điện từ tần số thấp tạo ra bức xạ xung điện từ ở các tần số thấp hơn 1MHz, vũ khí điện từ tần số cao tác động bằng bức xạ dải cao tần - cả dạng xung và dạng liên tục.
Vũ khí điện từ tần số thấp tác động vào đối tượng nhằm vào hạ tầng hữu tuyến, trong đó có các kênh điện thoại, cáp nguồn bên ngoài, truyền và thu thông tin. Vũ khí điện từ tần số cao xâm nhập trực tiếp vào máy móc điện tử của mục tiêu thông qua hệ thống anten của nó. Ngoài việc tác động vào các phương tiện vô tuyến điện tử của đối phương, vũ khí điện từ tần số cao còn có thể ảnh hưởng đối với các lớp da và các cơ quan nội tạng của người.
Do các cơ quan nội tạng bị đốt nóng, trong cơ thể có thể xuất hiện những thay đổi nhiễm sắc thể và di truyền, các virus có thể bị kích hoạt hoặc khử hoạt, biến đổi các phản ứng miễn dịch và hành vi.
Phương tiện kỹ thuật chủ yếu để tạo ra xung điện từ mạnh vốn cấu thành nền tảng của vũ khí điện từ tần số thấp là máy phát nén nổ từ trường. Một nguồn tiềm năng khác để tạo năng lượng từ tần số thấp có thể là máy phát từ động được đưa vào hoạt động nhờ nhiên liệu tên lửa hay chất nổ.
Ở vũ khí điện từ tần số cao, có thể sử dụng các thiết bị điện tử như các đèn magnetron và đèn klystron dải rộng, các gyrotron hoạt động ở dải sóng milimet, các máy phát với cathode ảo (vircator) sử dụng dải sóng centimet, các laser điện tử tự do và các máy phát plasma-tia dải rộng làm máy phát bức xạ điện tử công suất mạnh.
Nguồn: Expert, 28.9.2014.
http://vietnamdefence.com/Home/ktqs/c4isr/Sieu-vu-khi-dien-tu-cua-Nga/20149/54018.vnd
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét