Chuyên gia quân sự Mỹ đang lo lắng về khả năng phát hiện chiến đấu cơ tàng hình của các loại radar TQ. Vậy cơ chế của nó như thế nào?
Thời báo Hoàn Cầu dẫn nguồn tin từ trang web của Đài phát thanh “Tiếng nói nước Nga” cho biết, giới truyền thông Trung Quốc đã đề cập đến radar thụ động DWL-002 trong một bài viết về thành tựu của ngành điện tử vô tuyến điện nước này đã đạt được trong thời gian qua.
Có thể nhận thấy, các chuyên gia đã sớm biết được sự tồn tại của ra đa này nhưng đến bây giờ các phương tiện truyền thông mới “phanh phui” ra. Theo suy luận về kinh nghiệm trước đây của Trung Quốc thì loại ra đa này đã được bố trí rộng rãi trong các đơn vị quân đội.
Chuyên gia Kashin thuộc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ của Nga cho biết, cả Trung Quốc và Nga đều tập trung đối phó với sự đe dọa từ các mục tiêu tàng hình theo hai hướng chính.
Radar chủ động sóng mét, tần số rất cao
Đầu tiên là công nghệ tàng hình dễ dàng bị các loại radar chủ động thông dụng bước sóng mét (10m - 1m), tần số rất cao (VHF, từ 30-300 MHz) phát hiện ra. Trong bảng phân bổ tần số vô tuyến, tuy chúng được xếp vào dạng tần số rất cao nhưng so với các radar kiểu phương Tây sử dụng tần số siêu cao (SHF, từ 3-30GHZ) thì tần số này lại thấp hơn nhiều.
Radar thụ động DWL-002 của Trung Quốc
|
Theo một số chuyên gia chỉ ra, hầu như các radar bước sóng mét, sản xuất từ trong chiến tranh thế giới thứ hai đều có khả năng phát hiện vật thể bay tàng hình nhưng chỉ đối với những vật thể có diện tích lớn, đồng thời độ chính xác của chúng không cao, các nước phương Tây về cơ bản đã ngừng cải tiến, nâng cấp hệ thống radar kiểu này.
Nhưng Nga và Trung Quốc lại chưa bao giờ ngừng nghiên cứu các radar loại này. Mối đe dọa từ máy bay tàng hình đã tạo ra động lực mới cho việc nghiên cứu các radar tần số thấp. Trải qua gần 20 năm trở lại đây, 2 nước này đã cho ra đời những mẫu radar mới.
Đồng thời, do những tiến bộ trong ngành điện tử và công nghệ thông tin, các nhà khoa học đã khắc phục được những khuyết điểm mà trước đây được coi là khó khăn của loại radar này.
Các radar dải sóng mét hiện đại khi xử lý tín hiệu đều sử dụng các thuật toán hiện đại. Chúng có tính cơ động rất cao, tuy nhiên chúng vẫn thuộc loại các hệ thống trang bị vô cùng đắt đỏ và phức tạp.
Radar chủ động sóng mét JY-27A của Trung Quốc
|
Radar sóng mét JY-27A và loại radar thụ động DWL-002 của Trung Quốc được đề cập trong bài viết này đều có khả năng phát hiện các máy bay tàng hình. Cách đây vài tháng, người ta đã ghi nhận được sự tồn tại của các hệ thống radar này.
Radar thụ động
Cách thứ hai nhằm đối phó với các vật thể bay tàng hình là sử dụng các trạm radar thụ động. Nó không tự phát ra các tia bức xạ điện từ chỉ mà tiến hành đo đạc và định vị các nguồn bức xạ do vật thể bay phát ra (tức là nguồn bức xạ của chính mục tiêu).
Các máy bay chiến đấu hiện đại đều có hệ thống thao tác và trao đổi tín hiệu phức tạp, có radar riêng của mình, bởi vì thông thường chính bản thân nó là một nguồn bức xạ, do radar trên máy bay phát ra để phát hiện các mục tiêu trên không, trên mặt đất và trên biển cần phải tiêu diệt.
Liên Xô và một số nước trong khối Hiệp ước Warsaw, đặc biệt là Đông Đức và Cộng hòa Czech đã từng phát triển ồ ạt loại radar này trong những thập niên 80. Họ cho rằng, một khi châu Âu nổ ra chiến tranh, Mỹ sẽ tìm mọi cách để gây nhiễu các trạm radar đồng thời dùng tên lửa chống bức xạ để tấn công. Các radar thụ động, không phát ra bức xạ điện từ có thể thoát được mối đe dọa đó.
Radar thụ động YLC-20 của Trung Quốc
|
Những năm đầu của thế kỷ này, Trung Quốc đã hy vọng mua được radar thụ động “Vera” của Cộng hòa Czech . Thỏa thuận này đã được chính phủ Cộng hòa Czech phê chuẩn, nhưng thương vụ năm 2004 đã bị phá sản chỉ sau một cú điện thoại của Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Colin Powell cho Ngoại trưởng Cộng hòa Czech Svoboda.
Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán, Trung Quốc cũng đã tiếp cận được một phần tài liệu kỹ thuật của radar “Vera”.
Cuối cùng, người Trung Quốc đã mua được mẫu radar thụ động “Kolchuga” của Ukraine và có thể đã nhận được tài liệu thiết kế của loại radar này. Bắc Kinh đã có thêm những tư liệu mới quý báu để nghiên cứu, phát triển các loại radar tương tự. Kết quả là radar thụ động YLC-20 và phiên bản nâng cấp thế hệ kế tiếp là DWL-002 đã ra đời.
Vẫn không thể bắt chết hoàn toàn máy bay tàng hình
Liệu radar thụ động và radar sóng mét có thể loại bỏ mối đe dọa từ máy bay tàng hình hay không? Câu trả lời sẽ là không hoàn toàn, mặc dù các loại radar này có thể đối phó được máy bay tàng hình bởi vì nó có khả năng biến một “vũ khí thần kỳ” trở thành một “sự uy hiếp nho nhỏ”.
Radar thụ động “Vera” của Cộng hòa Czech (trái) và radar thụ động “Kolchuga” của Ukraine
|
Sử dụng rộng rãi loại radar này có thể làm suy yếu rất nhiều khả năng tấn công đường không của các nước phương Tây. Nhưng chỉ cần xây dựng kế hoạch và vận hành chặt chẽ thì các máy bay tấn công có người lái và và không người lái tàng hình vẫn có hiệu quả rất cao.
Trung Quốc đạt được những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ chống tàng hình một phần là nhờ Mỹ, vốn đã gây áp lực lớn lên quân đội nước này sau khi các máy bay tàng hình B-2 của Mỹ ném bom sứ quán Trung Quốc tại Belgrade, trong chiến dịch không kích Liên bang Nam Tư của không quân NATO năm 1999.
Sau đó, Washington đã triển khai bổ sung các máy bay ném bom B-2 và máy bay chiến đấu F-22 tới căn cứ hải quân ở Guam, gây ra sự uy hiếp chiến lược rất lớn đối với Bắc Kinh, là động lực chính buộc Trung Quốc phải tìm mọi cách đối phó với mối đe dọa này.
Quyết tâm của Trung Quốc càng được củng cố sau khi Mỹ thành công trong việc ngăn chặn hãng chế tạo radar “Vera” của Cộng hòa Czech bán 10 thiết bị định vị vô tuyến thụ động cho Bắc Kinh vào năm 2004.
Bảo Tuệ
http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/co-che-bat-chet-may-bay-tang-hinh-my-cua-radar-tq-3105222/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét