Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

Chiến tranh Thế giới lần 1 (1914-1918)

Chiến tranh giữa các nước đế quốc nhằm phân chia lại thế giới. Lúc đầu gồm chiến tranh giữa hai khối  nước ở châu Âu là khối Đức, Áo-Hung và khối Đồng minh (Anh, Pháp, Nga, Bỉ, Serbia-Montenegro), về sau lôi cuốn tới 38 nước (khối Đồng minh 34 nước), khoảng 1,5 tỉ người với tổng số quân tham gia 37 triệu (1.1917). 
Diễn ra phần lớn ở châu Âu, một phần châu Á và châu Phi, trong đó trên đất liền chủ yếu là các mặt trận phía Tây (Pháp) và phía Đông (Nga); chiến trường trên biển gồm Biển Bắc, Địa Trung Hải, Biển Đen và Bantich.

Ngòi nổ của chiến tranh bắt đầu từ việc Áo-Hung, dưới sức ép của Đức, gây chiến với Serbia (28.7.1914) nhân sự kiện Thái tử Áo bị người Serbia ám hại ở Sarajevo (28.6.1914).
 
  • Giai đoạn 1 (8-12.1914), lấy cớ Nga ủng hộ Serbia, ngày 1.8.1914, Đức tuyên chiến với Nga và 2 ngày sau tuyên chiến với Pháp, khiến Anh cũng lập tức tuyên chiến với Đức (4.8.1914).

    Với kế hoạch Sliphen (dự định đánh bại Pháp trong nửa tháng rồi điều chủ lực sang mặt trận Nga), Đức tập trung lực lượng thọc qua Bỉ, tiến công Pháp từ phía bắc, giành thắng lợi trong trận biên giới Bắc Pháp (21-25.8.1914), nhưng bị chặn lại ở sông Macnơ (xem trận Macnơ, 5-12.9.1914).

    Trong khi đó ở phía Đông, Nga nhanh chóng mở chiến dịch Đông Phổ (17.8-15.9.1914) và một số chiến dịch, trận đánh lớn (xem trận Lôtdơ, 11-24.11.1914), buộc Đức phải cùng lúc đối phó trên cả hai mặt trận, không thực hiện được chiến lược chiến tranh chớp nhoáng.

    Tháng 10.1914, Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chiến tranh về phía Đức, Áo-Hung, hình thành mặt trận Ngoại Kavkaz, Syria và Dardanel, nhưng cũng bị thất bại trước quân Nga ở Nam Kavkaz.
    Trên biển, Anh phong toả hạm đội Đức ở khu vực gần Nam Mỹ tại Côrônen (xem trận Côrônen, 1.11.1914), Phôncơlen (8.12.1914).

    Hết giai đoạn này, cả hai bên đều không đạt các mục tiêu chiến lược của giai đoạn đầu chiến tranh.
  • Giai đoạn 2 (1915-17), phía Đồng minh có thêm Italia (10.5.1915) và Rumani (27.8.1915); phía Đức, Áo-Hung có thêm Bungari (1.10.1915).

    Nhật tuy không tuyên bố tham gia nhưng lợi dụng thời cơ thuận lợi đánh chiếm thuộc địa của Đức ở TQ và Thái Bình Dương. Ở châu Phi và các thuộc địa khác cũng đều xảy ra chiến sự.

    Trên các mặt trận, cục diện chiến tranh ở thế giằng co, cả hai bên đều tiến hành chiến tranh trận địa là chính, đồng thời tổ chức hoạt động gián điệp phá hoại địa phương của nhau và đều có những trận thắng hoặc bại lớn (trận Viniut, 9.8-19.9.1915; trận Vecđoong, 21.2-18.12.1916, trận Jutland, 31.5-1.6.1916…).

    Trong giai đoạn này, nhiều loại vũ khí mới được các bên đưa vào sử dụng như hơi ngạt (lần đầu tiên Đức dùng ở trận Iprơ II, 22.4-24.5.1915), xe tăng (Anh dùng trong trận Xom, 1.7-18.11.1916), máy bay ném bom, tàu ngầm…
  • Giai đoạn 3 (cuối 1917-18), cách mạng XHCN tháng Mười Nga (1917) thắng lợi, nước Nga Xô-viết ra đời và tuyên bố rút khỏi chiến tranh, sau đó ký với Đức hoà ước Brest-Litov (3.3.1918) đã góp phần chấm dứt chiến tranh ở mặt trận phía Đông.

    Tại mặt trận phía Tây, Hè năm 1918, Đức tập trung hầu hết lực lượng mở cuộc tiến công có tính chất quyết định, đẩy lui được quân Đồng minh tới gần thủ đô Paris (Pháp), nhưng cuối cùng bị quân Đồng minh (có Mỹ tham chiến) phản công đánh bại trong các trận Macnơ (15.7-4.8.1918), trận Amiêng (8-13.8.1918)…

    Trước những tổn thất nặng nề trên chiến trường, đồng thời do tình hình cách mạng trong nước bùng nổ, khối Đức, Áo-Hung tan rã và lần lượt đầu hàng Đồng minh: Bungari (29.9.1918), Thổ Nhĩ Kỳ (30.10.1918), Áo-Hung (3.11.1918), Đức (11.11.1918).
Chiến tranh Thế giới lần 1 kéo dài hơn 4 năm, để lại hậu quả nặng nề cho nhân loại (khoảng 10 triệu người chết, 20 triệu người bị thương, chưa kể những thiệt hại khác về tinh thần và vật chất trong đó các khoản chi trực tiếp về quân sự của các nước tham chiến là 208 tỉ USD…).

Các nước Đông Dương là thuộc địa của Pháp đã bị thực dân Pháp vơ vét người và của cung cấp cho chiến trường châu Âu, trong thời gian 1915-18 gồm: 92.411 người (hầu hết là người VN), trong đó có 11.518 người sống sót trở về; 184.305.204 franc vàng; 290.189t lương thực…

Chiến tranh Thế giới lần 1 kết thúc với thắng lợi của phía Đồng minh; thế giới được phân chia lại bằng hiệp ước hoà Versaile (1919), nhưng vẫn không giải quyết được mâu thuẫn vốn có giữa các nước đế quốc, mà còn làm nảy sinh những mâu thuẫn mới, nhất là ở châu Âu, tạo điều kiện cho phong trào cách mạng trên thế giới phát triển, chấm dứt thời kỳ cận đại (MH1008-1009).

  • Nguồn: TĐBKQS / Trung tâm TĐBKQS - BQP.-H.: QĐND, 2004.

  • http://vietnamdefence.com/Home/khqs/chientranhxungdot/Chien-tranh-The-gioi-lan-1-19141918/200911/48910.vnd

1 nhận xét: