Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

“AirSea Battle”: Mỹ sẽ “làm mù” TQ trong đòn đánh đầu tiên

Hải quân, không quân Mỹ đang nỗ lực hoàn thiện khái niệm “Tác chiến không-hải nhất thể” để đập tan chiến lược “Chống tiếp cận/khu vực cấm” quân đội Trung Quốc.

Từ ngày 15-22/9/2014 vừa qua, quân đội Mỹ "đơn độc" tổ chức cuộc diễn tập liên hợp quy mô lớn giữa hải quân và không quân mang tên “Lá chắn dũng cảm” (Valiant Shield 2014) tại quần đảo Mariana và các vùng biển xung quanh đảo Guam và Tinian.
Mặc dù đây là một trong những cuộc diễn tập lớn của quân đội Mỹ trên khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhưng các nước khác không hề nắm rõ nội dung diễn tập thực tế.
Theo tờ “Sao và vạch” (Stars and Stripes) của Mỹ vừa có bài viết về cuộc tập trận hiệp đồng quân binh chủng này và tiết lộ, cuộc diễn tập theo khái niệm “Tác chiến không-hải nhất thể” được nhận định là khoa mục diễn tập trọng điểm, nghiệm chứng sự thống nhất chiến đấu của hải quân và không quân khi đối mặt với Trung Quốc.
Tờ báo này cũng cho biết, chiếu theo phương án trong “Tác chiến không-hải nhất thể” (“AirSea Battle”), quân đội Mỹ sẽ bắt đầu từ nhiệm vụ làm mù vệ tinh Trung Quốc, đánh tê liệt mạng lưới vệ tinh quan sát, sau đó lợi dụng ưu thế của hải, không quân từng bước tiêu diệt vũ khí, trang bị và phương tiện chiến đấu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, bài báo cũng thừa nhận, kế hoạch tác chiến không - hải nhất thể sẽ dễ dàng dẫn đến cuộc chiến quy mô lớn giữa hai nền kinh tế đứng đầu thế giới.

Biên đội tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70) của Mỹ
Biên đội tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70) của Mỹ
“Tác chiến không hải nhất thể” trong diễn tập “Valiant Shield 2014”
Tờ “Stars and Stripes” cho biết, có 18000 binh lính thuộc cả 3 quân binh chủng hải - lục - không quân và hải quân đánh bộ Mỹ tham gia diễn tập, với tưởng định là chiến đấu với kẻ địch đang áp dụng chiến lược “chống tiếp cận”, tức là ngăn cản quân đội Mỹ thâm nhập vào không phận và hải phận “quốc tế”.
Mặc dù Lầu Năm Góc đã thận trọng tránh mọi phát ngôn và hành động ám thị mục tiêu giả định là chỉ Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh là đối thủ duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có năng lực “chống tiếp cận/khu vực cấm” (A2/AD – Anti Access/Area Denial), nên mục tiêu của cuộc diễn tập lần này chính là phá bỏ năng lực trên của Trung Quốc.
Tờ Stars and Stripes cũng xác nhận, cuộc diễn tập lần này cũng là lần kiểm nhiệm khái niệm “Tác chiến không-hải nhất thể” mà quân đội Mỹ đề ra trong những năm gần đây.
Theo thông tin của “Defence News”, Mỹ đã huy động tổng cộng 200 máy bay, 19 tàu chiến tham gia diễn tập, bao gồm cả 2 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70) và USS George Washington (CVN-73), máy bay ném bom chiến lược B-52 đóng tại đảo Guam, máy bay chiến đấu tàng hình F-22, máy bay chiến đấu F-15C, máy bay vận tải cánh quạt nghiêng, phiên bản hải quân đánh bộ MV-22 Osprey.
Máy bay tác chiến điện tử Boeing EA-18G Growler trên tàu sân bay Mỹ
Máy bay tác chiến điện tử Boeing EA-18G Growler trên tàu sân bay Mỹ
“Defence News” cũng cho biết, trọng điểm của cuộc diễn tập này là sự đột phá hợp tác chiến đấu của hải quân và không quân. Đầu tiên, Mỹ sẽ huy động lực lượng hacker tấn công mạng làm tê liệt mạng lưới radar và thông tin của đối thủ, máy bay chiến đấu F-22 sẽ tiêu diệt tên lửa đạn đạo chống hàng không mẫu hạm và tên lửa hành trình của địch, mở đường cho tàu sân bay tiếp cận.
Tiếp theo, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-22 và tên lửa hành trình sẽ công kích các trạm radar trên mặt đất của đối phương. Cuối cùng, dưới sự bảo vệ của máy bay tác chiến điện tử Boeing EA-18G Growler, các chiến đấu cơ phi tàng hình của lực lượng không quân và không quân hạm sẽ tiến hành không kích cường độ cao vào lãnh thổ đối phương.
“Tác chiến không-hải nhất thể” bắt đầu từ chiến thuật “làm mù” đối phương
Mặc dù Lầu Năm Góc đã xác lập học thuyết “Tác chiến không-hải nhất thể” từ năm 2010 nhưng cho đến thời điểm hiện tại, Bộ quốc phòng Mỹ vẫn chưa công bố chiến thuật cụ thể.
Theo “Stars and Stripes” cho biết, đòn đánh đầu tiên của “Tác chiến không-hải nhất thể” là làm mù mạng lưới thông tin trên không (vệ tinh, máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm), thông tin mạng, sau đó tiến hành phá hủy các phương tiện tác chiến, vũ khí trang bị trên biển và trên đất liền của đối phương.
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-22 sẽ là thành tố quan trong trong chiến lượng “Tác chiến không hải nhất thể” của Mỹ
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-22 sẽ là thành tố quan trong trong chiến lượng “Tác chiến không hải nhất thể” của Mỹ
Giáo sư Aaron Fiedberg, chuyên gia nghiên cứu về “Tác chiến không-hải nhất thể” thuộc đại học Princeton cho biết, mũi nhọn của hình thức tác chiến này không phải là lục quân hay không quân mà chính là các hacker máy tính, tức “chiến binh Cyber” - theo thuật ngữ quân sự.
Khi chiến tranh mở màn, Mỹ sẽ dùng chiến thuật “làm mù”, tấn công vào các hệ thống mạng và hệ thống vệ tinh, dùng để chỉ huy-kiểm soát các loại tên lửa phương tiện tác chiến khác của địch. Ngoài ra, họ còn đồng loạt tấn công từ trên không và trên biển vào một số “mục tiêu mềm” của Trung Quốc, ví dụ như radar siêu đường chân trời.
Giai đoạn tiếp theo sẽ tấn công tàu chiến, tên lửa đạn đạo kiểu cơ động và một số trang bị trên biển và trên mặt đất khác. Các loại máy bay của lực lượng không quân, hải quân, hải quân đánh bộ Mỹ sẽ đảm trách nhiều nhiệm vụ, bao gồm cả ném bom trên lãnh thổ Trung Quốc.
Sự hoài nghi về khái niệm “Tác chiến không-hải nhất thể” của người Mỹ
Một số học giả, thậm chí là quan chức quân sự Mỹ hiện đang bày tỏ thái độ rất hoài nghi hiệu quả của khái niệm “Tác chiến không-hải nhất thể”. Điển hình là chuyên gia Harms, thuộc đại học quốc phòng Mỹ với nhận định đây là khái niệm “nguy hiểm và không ngừng leo thang nguy cơ”.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông Phong 41 của Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông Phong 41 của Trung Quốc

Ông cho rằng, chiến lược quân sự của Washington nên làm giảm tối đa nguy cơ xung đột với Bắc Kinh. Nếu Trung Quốc tấn công trước trên vũ trụ hoặc trên không gian mạng, sẽ tạo được ưu thế trên các lĩnh vực khác, trực tiếp đe dọa đến thắng lợi của chiến lược “Tác chiến không-hải nhất thể”.

Về tiêu diệt vũ khí trên mặt đất của Trung Quốc, Bắc Kinh đang chuyển sang sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa, sử dụng nhiên liệu rắn, mang nhiều đầu đạn, ví dụ như Đông Phong 41 (DF-41), có tầm bắn xa trên 10.000km. Ưu điểm lớn nhất của loại tên lửa này là nó có thể phóng đi trong vòng vài phút và rất khó đánh chặn các đầu đạn con.

Các thông tin tình báo mà Washington thu thập được thể hiện rằng đây là một chiến lược không khả thi. Ông cũng nhận định, do rất khó phân biệt sự khác nhau giữa đòn tiến công bằng tên lửa thông thường và tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân nên sẽ làm tăng nguy cơ Trung Quốc phản công bằng vũ khí hạt nhân.

Ông Harms và ông Friedberg đều thừa nhận, hậu quả của chiến tranh giữa hai nước có vũ khí hạt nhân, đặc biệt là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là không thể lường trước được. Trong lịch sử, chiến tranh giữa các cường quốc đều sẽ kéo dài trong rất nhiều năm, điều này hoàn toàn trái ngược với phương châm chỉ phát động các cuộc chiến tranh ngắn ngày của cả Mỹ và Trung Quốc.

Thùy Dung
http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/airsea-battle-my-se-lam-mu-tq-trong-don-danh-dau-tien-3104210/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét