Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Tiền lệ Crimea: Phương Tây, Trung Quốc cùng "toát mồ hôi"

Sau khi bán đảo Crimea sáp nhập về Nga, điều trùng hợp là phong trào đòi độc lập ở một loạt các quốc gia phương Tây cũng nổi lên rầm rộ
Kinh nghiệm Crimea và đòn cân não với phương Tây
Ngày 16/3/2014, Crimea và Sevastopol của Ukraine đã tổ chức trưng cầu dân ý toàn dân về vấn đề địa vị của họ. Và kết quả thu được là 96.77% cử tri tham gia bỏ phiếu tán thành bán đảo Crimea gia nhập liên bang Nga.
Trong vấn đề này, một điều khẳng định chắc chắn rằng Nga đã có sự can thiệp, bằng cách này hay cách khác, để chính quyền Kiev (lúc này thân phương Tây) không thể dập tắt được tham vọng ly khai của bán đảo Crimea.
Thực tế thì những vấn đề rối rắm của lịch sử đã trao Crimea cho Ukraine, nhưng chính phủ này sau năm 1991 đã không coi trọng viên ngọc này một cách đúng nghĩa. Đặc biệt về vấn đề quyền lợi của cộng đồng sắc tộc Nga chiếm đại đa số dân số Crimea, Kiev không thể đảm bảo suốt một thời gian dài.
Đỉnh điểm, sau khi lật đổ Tổng thống Yanukovych thân Nga, chính phủ lâm thời đã nhanh chóng thông qua các đạo luật bài Nga - những động thái được cho là phân biệt sắc tộc trên đất nước này.

Ngày 18/3/2014, Tổng thống Nga Putin và lãnh đạo Crimea ký kết thỏa thuận Crimea gia nhập Nga
Ngày 18/3/2014, Tổng thống Nga Putin và lãnh đạo Crimea ký kết thỏa thuận Crimea gia nhập Nga

Những sự bức xúc chất chứa, những chất xúc tác từ khủng hoảng chính trị, và sự hậu thuẫn từ bên ngoài... đã làm lên một cuộc động đất về địa chính trị mang tên Crimea. Và nó để lại nhiều dư chấn, trong đó có việc những người ly khai ở Donetsk và Lugansk đã lao vào một cuộc nội chiến để đi tìm độc lập cho mình.
Những dấu hiệu đó đã đủ để phương Tây phải gắn Crimea với những danh từ đầy cảnh giác như "tiền lệ Crimea", "kinh nghiệm Crimea".
Một điều trùng lặp, sau những gì diễn ra ở Ukraine thì phong trào đòi độc lập ở các vùng lãnh thổ thuộc các quốc gia của phương Tây trở lên sôi động bất thường. Tiêu biểu trong đó là Scotland của Liên hiệp Anh, hay xứ Catalonia và Basque của Tây Ban Nha, vùng Flandre của Bỉ.
May mắn cho Anh khi Scotland đã từ chối độc lập với tỷ lệ 54 - 46 trong cuộc trưng cầu dân ý của mình. Nhưng chỉ một vài khu vực của vùng lãnh thổ này đồng thuận với độc lập, sẽ đủ để biến Scotland được nhắc đến như Crimea, sẽ có thêm một "kinh nghiệm Scotland" được phương Tây nhắc đi nhắc lại.
Nhưng nhiêu đó đủ để phương Tây giật mình và nhìn lại. Bởi bản thân họ còn ẩn chứa rất nhiều nguy cơ. Xứ Catalonia - đầu tàu kinh tế của Tây Ban Nha đang phải nai lưng kéo cày, thực hiện thắt lưng buộc bụng để chính quốc thoát khỏi khủng hoảng. Hay vùng Bavaria giàu có của Đức đã từ chối trợ cấp cho những bang nghèo hơn ở Đông Đức hay Bắc Đức. Miền Bắc Italia cũng ngán ngẩm khi phải phân chia gánh nặng tài chính cho những kẻ nghèo khó ở miền nam.
Người dân xứ Catalonia xuống đường biểu tình đòi tách khỏi Tây Ban Nha.
Người dân xứ Catalonia xuống đường biểu tình đòi tách khỏi Tây Ban Nha.
Phải thấy rằng, những vùng lãnh thổ kia đòi độc lập bởi người dân xứ họ không cảm thấy hạnh phúc. Lịch sử nhân loại cho thấy mỗi giai đoạn sẽ có cách thức đòi độc lập khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất là ở chân lý "nước độc lập mà dân không hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì" - như Hồ Chí Minh đã nói.
Không riêng châu Âu giật mình
Chắc chắn các quốc gia nêu trên sẽ có hàng loạt các biện pháp để ngăn chặn làn sóng đòi độc lập này. Bởi sự độc lập ấy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của quốc gia bảo hộ, từ kinh tế, xã hội, quân sự, chính trị...
Nhưng không chỉ phương Tây phải giật mình, mà còn rất nhiều cái tên khác chắc chắn sẽ phải toát mồ hôi bởi những tiền lệ Crimea, tiền lệ Scotland. Trong đó phải kể đến Trung Quốc.
Bắc Kinh đang đau đầu với những người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, hay phong trào đòi tự trị của Tây Tạng. Tất nhiên, sống trong nền độc lập của Trung Quốc, những người thiểu số này không được hưởng hạnh phúc. Họ bị phân biệt đối xử, thậm chí là đàn áp trên chính quê hương của họ, trên đất của họ.
Và khác với những "quốc gia văn minh", "quốc gia ảnh sáng", nơi dân chủ là tối thượng như châu Âu, tìm kiếm độc lập qua các là phiếu. Thì tại các vùng lãnh thổ này của Trung Quốc, người dân phải đấu tranh cho hạnh phúc của mình bằng dao, súng, và đánh bom liều chết.
Bắc Kinh có thể gọi họ là khủng bố. Nhưng khủng bố có nguyên tắc hoạt động của khủng bố. Và nguyên nhân lớn nhất khiến những người dân trên núi cao phải học cách đánh bom, đó là sự trả thù. Họ nhằm vào những bất mãn mà lâu nay phải hứng chịu.
Đó là lý do vì sao Trung Quốc không dám nửa lời ủng hộ việc sáp nhập Crimea của Nga, dù đang trong mối quan hệ cùng hội cùng thuyền. Bởi ủng hộ Crimea, ủng hộ miền Đông Ukraine, đồng nghĩa với việc ủng hộ phong trào đòi tự trị ở những vùng lãnh thổ nói trên mà Bắc Kinh đang muốn dẹp đi nhưng chưa xong.
Nước Nga đang chơi dao hai lưỡi
Bày ra cái tiền lệ Crimea, Nga vừa hả hê, nhưng cũng vừa phải cảnh giác. Thành công trong việc sáp nhập Crimea phụ thuộc vào hai yếu tố. Thứ nhất là sự đông đảo của những người sắc tộc Nga ở vùng lãnh thổ này. Thứ hai là sự bất mãn vơí chính quyền quốc gia bảo hộ (ở đây là Ukraine) và bị sự lôi kéo về quyền lợi từ một quốc gia khác (ở đây là Nga).
Biển hiệu trên một đường phố vùng Viễn Đông Nga
Biển hiệu trên một đường phố vùng Viễn Đông Nga

Nhưng vì sao Nga phải cảnh giác. Vì sao 3 năm liên tiếp, thực hiện sách lược của Tổng thống Putin về việc duy trì những cuộc tập trận phản ứng nhanh với quy mô toàn quân đội, Nga luôn tập trận ở miền Viễn Đông, giáp Trung Quốc?

Gần đây nhất là cuộc tập trận Vostok-2014 với 100.000 quân, hàng nghìn xe tăng, thiết giáp, hàng trăm tàu chiến, máy bay. Viễn Đông có gì ngại mà Nga phải thường xuyên luyện tập phản ứng nhanh ở đó?

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm 9/8/2014, đã cảnh báo tình trạng người Trung Quốc thâm nhập vùng Viễn Đông giàu tài nguyên của Nga, đồng thời khẳng định Nga sẽ ngăn chặn việc hình thành những khu vực toàn các công dân nước ngoài sinh sống tại Viễn Đông.

Một số người Nga còn cảnh báo về việc người Trung Quốc “đang xâm lăng nước Nga, không phải là với những chiếc xe tăng, mà là với những chiếc va li”.

Đó là những thế hệ đầu tiên. Tính đơn giản 20 năm cho một thế hệ. Vậy 60 năm sau, 80 năm sau, hoặc 100 năm sau đi nữa, điều gì đảm bảo những người Trung Hoa thế hệ thứ năm này không tự nhận đây là quê cha đất tổ của họ?

Lúc đó, kinh nghiệm Crimea được áp dụng triệt để với 2 yếu tố đã kể trên là hoàn toàn dễ hiểu. Nga trục lợi được từ Crimea, nhưng đó cũng là bài học kinh nghiệm mà không chỉ phương Tây, Trung Quốc, mà cả Nga cũng phải "toát mồ hôi."

Đỗ Minh Tú
http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tien-le-crimea-phuong-tay-trung-quoc-cung-toat-mo-hoi-3059175/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét