Việc Trung Quốc phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất DF-41 khiến Mỹ lo ngại về tiềm lực hạt nhân của Trung Quốc cả trên bộ lẫn trên biển, trong bối cảnh Mỹ và Nga cắt giảm vũ khí hạt nhân, theo báo Stars & Stripes ngày 26.8.
Theo báo này, đầu tháng 8.2014, Trung tâm quan trắc môi trường tỉnh Thiểm Tây đưa lên mạng một bản tin trong đó có nói về một địa điểm nghiên cứu phát triển tên lửa liên lục địa mới nhất Đông Phong 41 (DF-41). Loại tên lửa này được Bộ Quốc phòng Mỹ đầu năm nay ghi nhận sự tồn tại, và cho đó là tên lửa đặt trên giàn phóng trên xe tải, có thể mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân.
Lâu nay người ta đồn đoán về loại tên lửa này dù Trung Quốc phủ nhận cho đến khi bản tin của Trung tâm môi trường tỉnh Thiểm Tây tiết lộ. Và sau đó bản tin này bị rút xuống.
Cũng trong tháng 8, Trung Quốc thử nghiệm loại tên lửa đạn đạo đặt trên giàn phóng di động đang hoạt động là DF-31A.
Mỹ cũng dự báo Trung Quốc sắp đưa vào hoạt động các tàu ngầm phóng tên lửa hạt nhân vào năm nay, sau khi cho hoạt động máy bay ném bom HK-6 có tầm bay xa gần 3.200 km có khả năng mang vũ khí hạt nhân.
Điều này có nghĩa là Trung Quốc có bộ ba vũ khí hạt nhân trên bộ, trên biển và trên không theo tiêu chuẩn hàng chục năm trước đây của Mỹ để có thể sống sót trong một cuộc chiến hạt nhân.
Tuy vậy, theo các nhà phân tích, bộ ba vũ khí hạt nhân của Trung Quốc vẫn còn mất cân bằng rất nhiều khi phải lệ thuộc vào tên lửa trên đất liền, do máy bay của họ không thể bay rất xa và tàu ngầm thì có thể không hoạt động tin cậy.
Câu hỏi đặt ra là vì sao Trung Quốc, nước có chính sách "không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên", lại đang nâng cấp vũ khí hạt nhân vào lúc mà Nga và Mỹ đang cắt giảm số vũ khí hạt nhân của đôi bên ?
Các lãnh đạo quân đội Trung Quốc cho rằng nước này tụt hậu so với Mỹ nên tư thế hạt nhân của họ không phải là biện pháp tấn công răn đe hiệu quả. Thậm chí tướng Yao Yunzhu, giám đốc Trung tâm quan hệ quốc phòng Trung Quốc - Mỹ, thuộc Viện hàn lâm khoa học quân sự Trung Quốc, trong bức thư gửi hội thảo Thái Bình Dương do Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) hồi năm ngoài, có nói rằng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ và đồng minh đã và đang triển khai đều có khả năng đánh chặn vũ khí hạt nhân của Trung Quốc sau khi đã bị tấn công, do đó có khả năng làm mất tác dụng răn đe của kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc.
Trung Quốc được cho là có 250 đầu đạn hạt nhân so với 2.104 đầu đạn hạt nhân đang triển khai của Mỹ và hàng ngàn đầu đạn khác mà Mỹ đang dự trữ, theo số liệu của Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ.
Nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc nghĩ rằng kho dự trữ hạt nhân của họ đang có nguy cơ bị xóa sổ bởi máy bay, tên lửa và các phương tiện thông thường khác của Mỹ trong một cuộc chiến tranh theo giả thuyết, điều này khiến họ có hai lựa chọn để bảo vệ khả năng hạt nhân của Trung Quốc: Tăng cường khả năng tấn công tiềm năng, hoặc từ bỏ chính sách Không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên để tìm điều gì đó đáng sợ hơn.
Hiện tại có lẽ Trung Quốc chọn khả năng đầu tiên.
Trung Quốc đã đóng 3 tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn, có khả năng mang tên lửa hạt nhân JL-2 bắn xa đến 7.400 km. Loại tàu ngầm trang bị tên lửa này sẽ chính thức hoạt động vào cuối năm 2014, theo dự báo của Tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ, đô đốc Samuel Locklear.
Tuy nhiên sự sống còn của loại tàu ngầm lớp Tấn là điều đáng quan tâm khi lớp tàu ngầm mới này của Trung Quốc lại gây tiếng ồn dưới nước còn lớn hơn cả lớp tàu ngầm Delta II của Liên Xô có từ 30 năm trước, theo báo cáo của Văn phòng tình báo hải quân Mỹ năm 2009. Tiếng ồn chính là sát thủ của tàu ngầm, và Mỹ có nhiều phương tiện nghe được âm thanh này.
Mặc dù Trung Quốc có thể phát triển một giải pháp khắc phục tiếng ồn, nhiều nhà phân tích Mỹ cho rằng lỗ hổng trong thiết kế các khoang tên lửa và hầm tàu đã khiến tàu ngầm lớp Tấn chưa được hoàn thiện. Trung Quốc cũng không có kinh nghiệm về chỉ huy và kiểm soát các tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại có nhiều kinh nghiệm với tên lửa phóng từ đất liền, cũng là lựa chọn duy nhất về khả năng tấn công lục địa Mỹ.
Từ quan điểm đó, việc hiện đại hóa tên lửa trên đất liền có ý nghĩa nhiều hơn, theo phân tích của giáo sư Vipin Narang (đại học công nghệ Massachussette – MIT).
Bên cạnh bất kỳ cuộc tấn công thông thường, một vũ khí hạt nhân giáng trả của Trung Quốc trong một cuộc chiến tranh giả tưởng sẽ phải vượt qua ba hệ thống phòng thủ chính của Mỹ: Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis đặt trên các tàu chiến bố trí tại Nhật Bản và ở Tây Thái Bình Dương; hệ thống phòng thủ tên lửa tầm trung trên mặt đất; và hệ thống phòng thủ trên không gian.
Từ năm 2011, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đã bắn hạ 65 trên 81 tên lửa trong các thử nghiệm.
Loại tên lửa liên lục địa hiện tại của Trung Quốc, DF-31A có tầm bắn 11.200 km, mỗi tên lửa mang theo tối đa 3 đầu đạn có thể bắn tới 3 mục tiêu.
Còn tên lửa DF-41 ít nghe nói, dù báo chí Trung Quốc tiết lộ sự tồn tại của nó vài năm gần đây. Năm 2012, đài truyền hình CCTV cho biết loại tên lửa này có tầm bắn 14.000 km, và có tin nói tên lửa này mang 10 đầu đạn hạt nhân (cả đầu đạn thật và giả để đánh lừa), có tốc độ gấp 25 lần vận tốc âm thanh, khiến không vũ khí nào có thể cản được nó v.v.
Loại tên lửa mang nhiều đầu đạn thế này khiến Mỹ và Nga tuy có phát triển nhưng lo ngại mối nguy hiểm của nó nên đã ký hiệp ước START II cấm phát triển chúng. Nhưng do một số vấn đề nội bộ ở Thượng viện Mỹ và Duma quốc gia Nga nên START II chưa thực hiện được.
Tuy Mỹ và Trung Quốc chưa đối đầu thù địch như kiểu giữa Mỹ và Liên Xô thời chiến tranh lạnh, nhưng vẫn còn tồn tại những xung đột có thể dẫn đến đụng độ vũ trang.
Đó là việc Mỹ cam kết bảo vệ Đài Loan và quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, là những lãnh thổ Trung Quốc muốn duy trì chủ quyền.
Tuy vậy, thậm chí nếu có xảy ra một cuộc xung đột vũ trang, có những dấu hiệu tích cực cho thấy xung đột đó sẽ không leo thang đến kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân.
Lý do, theo giáo sư Narang, là Trung Quốc chưa thể phát triển được hệ thống cảnh báo sớm và khả năng tình báo để có được điều gì đó nhiều hơn là một cuộc tấn công ngăn chặn trả đũa. Như vậy trừ khi Mỹ hay nước nào tấn công hạt nhân đầu tiên, Trung Quốc sẽ không ở vào vị trí thuận lợi để sử dụng các vũ khí hạt nhân của mình. “Một sự thay đổi từ tư thế cơ bản 'yên tâm trả thù' dường như chưa thể xảy ra”, giáo sư Narang nói.
http://tinnong.vn/pages/20140828/my-lo-ngai-nang-luc-vu-khi-hat-nhan-cua-trung-quoc.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét