Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Mỹ có đủ sức thắng Nga?

Từ khi Nga sáp nhập Crimea cho đến khi Kiev phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn tại miền Đông, Nga đã tiến hành nhiều cuộc tập trận lớn.
Về phía mình, Mỹ và NATO cũng tiến hành các cuộc tập trận chung , ngoài ra còn quyết định thành lập lực lượng phản ứng nhanh với mục đích rõ ràng là để đối phó với Nga.
Mối quan hệ Mỹ, NATO –Nga đang ở thời kỳ căng thẳng nhất, kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh.
Nhưng liệu có thể xảy ra một cuộc chiến tranh giữa Nga với Mỹ hoặc NATO vì Ukraine hay không và nếu xảy ra, ai sẽ dành phần thắng (dĩ nhiên, nếu là một cuộc chiến tranh thông thường vì nếu là chiến tranh hạt nhân thì sẽ không còn ai để làm “báo cáo tổng kết").
Để có cái nhìn đa chiều, xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của một nhân vật chắc chắn là không quá yêu nước Nga của V.Putin - đó là George Friedman, giám đốc Cơ quan tình báo địa - chính trị Mỹ “STRATFOR”. Trong bài báo với tiêu đề “Chiến lược của Mỹ hậu Ukraine”, ông này đã đưa ra quan điểm của mình về câu hỏi: tại sao cả Mỹ lẫn NATO trong thời điểm hiện tại lại không đủ tiềm lực để thắng Nga.

Xe quân sự Nga hiện diện tại Crimea.
Xe quân sự Nga hiện diện tại Crimea.

Mở đầu bài báo, ông viết:
“Một cuộc can thiệp quân sự trực tiếp (của Mỹ) vào Ukraine (vào thời điểm hiện tại) là không thể. Thứ nhất, Ukraine là một đất nước rộng lớn và Mỹ không có đủ lực lượng cần thiết để bảo vệ Ukraine. Thứ hai, để điều một lực lượng lớn đến đây cần phải có một hệ thống đảm bảo và cung cấp – một hệ thống như vậy hiện chưa có và để xây dựng nó sẽ tốn rất nhiều thời gian.
Và cuối cùng, một cuộc can thiệp như vậy sẽ là vô nghĩa nếu không có một liên minh mạnh bao gồm toàn bộ các nước Phương Tây và các nước khu vực ngoại vi Biển Đen.
Mỹ có thể hỗ trợ (Ukraine) về kinh tế và chính trị, nhưng Ukraine không đủ sức trở thành một đối trọng đối với Nga, còn Mỹ cũng không thể thực hiện chính sách gia tăng căng thẳng đến mức phải sử dụng lực lượng vũ trang của mình (để chống Nga). Ukraine - đó là một chiến trường mà Nga có ưu thế và trong tình huống như vậy, Mỹ có thể thua”.
Nếu Mỹ muốn đối đầu quân sự với Nga thì Mỹ phải có một khu vực ngoại vi ổn định và một chiến trường càng rộng càng tốt để phân tán lực lượng của Nga và giảm thiểu khả năng Nga đột phá ở một hướng vì (Nga) lo ngại sẽ bị đánh đòn trả đũa ở một hướng khác.
Phương án tối ưu để thực hiện một chiến lược như vậy chỉ có thể là sử dụng lực lượng của gần như toàn bộ Khối NATO (trừ Azerbaizan và Gruzia). Nhưng vấn đề hiện nay lại nằm chính ở chỗ đó: NATO – đó là một liên minh không hiệu quả. Khối này được thành lập để tiến hành chiến tranh lạnh ở tuyến đối đầu (khu vực biên giới hai khối) NATO và Hiệp ước Warszawa – cách xa tuyến đối đầu hiện nay về phía tây .
Hơn nữa, nếu trước đây các nước NATO đều có chung một quan điểm: Liên Xô là mối đe dọa đối với sự tồn tại của Tây Âu thì hiện nay sự nhất trí như vậy không còn nữa. Các nước khác nhau có quan điểm về nước Nga khác nhau và có các mối quan tâm của họ cũng rất khác nhau.
Đối với nhiều nước thì việc tái diễn thời kỳ chiến tranh lạnh, kể cả trong bối cảnh Nga có những hành động quân sự ở Ukraine là kịch bản tồi hơn kịch bản thỏa hiệp và nhân nhượng. Ngoài ra, cùng với việc kết thúc chiến tranh lạnh, châu Âu đã cắt giảm lực lượng quân sự ở quy mô lớn.
NATO hiện không đủ tiềm lực, nếu như không khẩn cấp tiến hành các biện pháp động viên ở quy mô lớn. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra vì những khó khăn kinh tế và nhiều nguyên nhân khác. Để có thể hành động (chống Nga) NATO cần một sự nhất trí cao độ, nhưng hiện chưa có một sự nhất trí như vậy.
Ngoài lý do trên, theo G.Friedman: “những nhân tố chủ yếu khiến cho một cuộc can thiệp quân sự để bảo vệ Ukraine là không thể còn là: không có một hệ thống cung cấp, đảm bảo hậu cần và cự ly giữa các căn cứ chủ yếu (của NATO) đến biên giới Ukraine là quá lớn”.
Tiếp theo, G.Friedman viết:
“Trước hết, lực lượng tấn công chủ yếu của bất kỳ một quân đội nào - đó là xe tăng.
Tính đến ngày 01.01.2011, trong trang bị của quân đội các nước thành viên NATO (gồm cả Mỹ) tham gia Hiệp ước về vũ khí thông thường tại Châu Âu có trên lãnh thổ Châu Âu 11.624 xe tăng (40 % là của Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp), 22.788 xe chiến đấu bọc thép, 13.264 pháo, 3.621 máy bay và 1.085 máy bay lên thẳng. Mạnh nhất trong số các nước NATO là Đức với 1.048 xe tăng, 2.050 xe chiến đấu bọc thép, 734 khẩu pháo, 301 máy bay và 153 máy bay lên thẳng.
Để so sánh: cùng thời gian đó, trên các khu vực thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước nói trên thuộc lãnh thổ Châu Âu của Nga (tức là khu vực phía Tây Nga đến dãy Ural), Nga có 3.660 xe tăng, 7.690 xe chiến đấu bọc thép, 4.634 pháo, 1.542 máy bay và 365 máy bay lên thẳng.
Xe tăng hiện đại nhất của Nga – T-90. Quân đội Nga có khoảng 500 chiếc kiểu này. Có khoảng 4.500 tăng T-80 các biến thể khác nhau. Ngoài ra còn có khoảng 12.500 xe tăng các loại khác đang có trong trang bị của các đơn vị hoặc đang được niêm cất.
Xe tăng tốt nhất của NATO – đó là “ Leopard-2” của Đức,- khoảng 2.000 chiếc đang có trong biên chế của các nước NATO. Trong lượng của “ Leopard-2” là gần 60 tấn. Mỹ coi xe tăng “ Abrams” MiA2 của mình là tốt nhất thế giới.
Các biến thể mới nhất của loại xe tăng này nặng gần 66 tấn. Trong trang bị của các nước NATO còn có “ Challenger” của Anh tương đương với lớp “ Leopard” và “ Abrams”. Trọng lượng “ Challenger” – hơn 60 tấn.
Tại sao tôi (Friedman) lại đặc biệt quan tâm đến trọng lượng tăng của NATO? Bởi vì các loại tăng này được chế tạo với chức năng ban đầu là chống lại hàng nghìn các xe tăng tấn công của Liên Xô.
Có nghĩa là chức năng của chúng là chống tăng. Đây không phải là loại phương tiện tấn công mà là phương tiện phỏng ngự. Chúng không thích hợp để tiến hành các cuộc chiến tranh chớp nhoáng vì nặng nề, cồng kềnh và khó xoay sở.
Tại sao lại như vậy, có bạn sẽ hỏi – thế còn chiến dịch ở Iraq thì sao?
Vâng, sau khi ném bom và bắn tên lửa nhiều tháng để “dọn sạch” các tuyến phòng thủ và cơ sở hạ tầng của đối phương và cũng sau khi đã tiêu diệt không quân và các hệ thống phòng không (của Iraq), các đội quân tăng khổng lồ của NATO mới hành tiến trên sa mạc phẳng lỳ của Iraq và tận dụng ưu thế về cự ly bắn để tiêu diệt các xe tăng của S.Hutsen như trên các trường bắn tập.
Có thông tin là đã tổn thất vài chục chiếc “Abrams” nhưng vì lý do kỹ thuật chứ không phải vì hỏa lực đáp trả của Quân đội Iraq.
Nhưng rõ ràng là khả năng tiến hành một chiến dịch không kích chống Nga mà không bị trừng phạt là điều không thể xảy ra. Nga sẽ có đòn trả đũa và lúc này không biết ai sẽ thắng ai. Việc sản xuất tên lửa có cánh tất cả các loại của Nga trong những năm gần đây đã tăng hàng chục lần.
Ngoài ra, để có thể tác chiến - cần phải vận chuyển một số lượng lớn các loại xe tăng đến chiến trường. Về mặt nguyên tắc, xe tăng có thể tự mình hành tiến, nhưng nếu như vậy thì tuổi thọ của động cơ sẽ không còn nhiều. Mỹ có rất nhiều các đơn vị kỹ thuật xuất sắc có thể thay mới động cơ cho tăng “Abrams”.
Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc phải đưa những đơn vị kỹ thuật này đến chiến trường tiềm năng và điều đó cần không chỉ một vài ngày. Để có thể chuẩn bị một cách đầy đủ cho chiến dịch tại Iraq, NATO đã mất tới không dưới nửa năm.
Ngoài ra, địa hình Nga và Ukraine không giống Iraq. Nền đất ở đây yếu, có nhiều đầm lầy và xe tăng NATO sẽ dễ bị sa lầy như những “ Tigers” của Hitle trong Thế chiến thứ hai .
Còn một yếu tố quan trọng nữa - phần lớn các cầu ở Nga và Ukraine được thiết kế chịu tải trọng 20 tấn, chúng có thể chịu được trọng tải xe tăng Nga (46 tấn), nhưng chắc chắn 100 % là sẽ không chịu được trọng tải của các xe tăng NATO (từ 60 tấn trở lên).
Nếu vận chuyển tăng bằng đường sắt cũng sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn. Vấn đề là ở chỗ tăng “Abrams” tất cả các biến thể đều có kích thước lớn hơn kích thước tiêu chuẩn của các toa tầu.
Về mặt nguyên tắc, trong thời bình có thể vận chuyển “ Abrams” bằng đường sắt – nhưng chỉ trong giới hạn những tuyến đường sắt chuyên dụng cho mục đích này và buộc phải dừng các đoàn tàu ở tuyến song song thứ hai để xe tăng không vướng phải các đoàn tàu đi ngược chiều.
Ở Mỹ cũng đã xây dựng các tuyến như vậy, nhưng chỉ từ nhà máy sản xuất (hoặc sửa chửa) đến các căn cứ bảo quản niêm cất tăng.
Việc vận chuyển xe tăng kích thước lớn bằng đường sắt dân dụng là hầu như không thể.
Xe tăng Nga được thiết kế để có thể tương thích với kích thước của các toa tầu chuẩn và không gây khó khăn gì cho việc vận chuyển bằng đường sắt dân dụng.
“Abrams” có chiều rộng 3,65 m, còn xe tăng họ T-72/T-90 có chiều rộng là 3,46 m.
Sự khác biệt không lớn, chỉ 19 cm. Nhưng dù sao cũng không thể vận chuyển “Abrams” bằng tuyến đường sắt thông thường vì sẽ vướng các lan can cầu , các cột mốc khác dọc tuyến đường sắt và tại các ga.
Thêm nữa, nếu NATO vẫn quyết tâm đánh nhau với Nga, thì NATO sẽ phải vận chuyển xe tăng ở một cự ly rất lớn. Trong trường hợp xảy ra xung đột ở Novorossi (vùng đông nam Ukraine) – cự ly đó sẽ là khoảng 1.500 km. Đây là một nhiệm vụ kỹ thuật rất phức tạp, để làm được điều đó cần một chi phí không nhỏ và vài tháng để chuẩn bị.
Tất nhiên, cũng có thể điều các xe tăng T-72 Xô viết hoặc T-55 cũng của Xô viết đang có trong trang bị của Quân đội Ba Lan và Rumani bằng đường sắt đến khu vực chiến sự. Cách đây không lâu, quân đội Ukraine cũng đã vận chuyển hơn 200 xe chiến đấu từ khu vực phía Tây đến thành phố Izium ở phía Đông Ukrane.
Nhưng trong trường hợp này, các xe tăng Nga hiện đại hơn sẽ dễ dàng tiêu diệt các xe tăng Xô viết đã lạc hậu như trong một buổi tập. Chắc chắn giới lãnh đạo NATO thừa hiểu điều này.
Kết luận: việc vận chuyển các phương tiện thiết giáp hiện đại của NATO đến chiến trường tiềm năng đòi hỏi một khoản chi phí lớn, một thời gian dài chuẩn bị và điều đó cho phép đối phương (Nga) có đủ điều kiện để tổ chức một hệ thống phòng thủ hiệu quả.
Tại sao các nhà chiến lược NATO lại có những tính toán sai sót như vậy? Khi Liên Xô còn tồn tại, xe tăng NATO được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ phòng ngự và đã được bố trí trước tại các hướng mà xe tăng Xô Viết có thể tấn công.
Họ (các nhà chiến lược NATO) đã không nghĩ tới khả năng là các khu vực rừng và cánh đồng của Ukranie một ngày nào đó có thể trở thành chiến trường.
Về Không quân và Phòng không:
Chúng ta không quá đi sâu vào các tính năng kỹ thuật của các máy bay chiến đấu của NATO và Nga. Cho tới thời gian gần đây nhất, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng máy bay chiến đấu Nga cơ động tốt hơn nhưng máy bay NATO có trang bị tốt hơn.
Nhưng có thông tin là Nga đã sử dụng hệ thống tác chiến điện tử mới nhất “Khibina-U” do Viện khoa học- nghiên cứu kỹ thuật vô tuyến Kaluga và Viện khoa học- nghiên cứu Samara “ Ekran” thiết kế theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Nga. Nhiều chuyên gia nhận định, chính nhờ hệ thống tác chiến điện tử mới này này mà các máy bay ném bom kiểu cũ Su-24 của Nga đã vô hiệu hóa toàn bộ hệ thống điện tử của tàu khu trục Mỹ “Donald Cook”.
Không ai biết một cách đầy đủ những gì đã diễn ra với tàu khu trục Mỹ (Donald Cook), nhưng chắc chắn một điều là người Mỹ cần phải xác minh thông tin này và nghiên cứu khả năng thực sự của các hệ thống tác chiến điện tử mới của Nga rồi căn cứ vào các số liệu và tin tức tình báo thu được để ra quyết định về việc có sẵn sàng (hay không sẵn sàng) tiến hành một cuộc xung đột vũ trang với Nga.
Hoàn toàn có cơ sở để tin rằng: một trong những nhiệm vụ mà các máy bay tiêm kích NATO mới được điều đến vùng Baltic là tìm hiểu có hay không các hệ thống tác chiến điện tử mới (của Nga) và đánh giá khả năng của chúng (trong trường hợp có một hệ thống mới như vậy).
Nhưng trong bất kỳ trường hợp nào thì NATO cũng không thể chiếm ưu thế trên không vì Nga có ưu thế tuyệt đối và không thể tranh cãi về các phương tiện phòng không: S-300, S-400 và các tổ hợp phòng không khác có thể bảo vệ một cách hiệu quả các công trình mặt đất và sinh lực quân đội Nga.
Phương tiện kỹ thuật là phương tiện kỹ thuật – nhân tố quyết định chiến thắng trong mọi cuộc chiến tranh vẫn là con người – cụ thể hơn là tinh thần chiến đấu và kỹ năng tác chiến của sỹ quan và binh sỹ. Thực tế cho thấy là lực lượng giữ vai trò chủ chốt vẫn là lực lượng đặc nhiệm- tinh hoa của quân đội.
Những sự kiện ở Crimea và Novorossi là một minh chứng rõ ràng cho thấy Nga cũng có ưu thế về lực lượng này. Chiến tích của những con người không biết từ đâu xuất hiện làm nổ tung máy bay lên thẳng tại sân bay Kramator (tại Ukraine) cho thấy Nga không chỉ có những “con người lịch thiệp”( ám chỉ lực lượng đặc nhiệm), mà còn có cả những “du kích” rất đáng sợ.
Và cuối cùng – các nhà chiến lược NATO hoàn toàn có thừa đủ cơ sở (và thông tin) để hiểu rằng: trong bối cảnh và tương quan (lực lượng ) như hiện nay, một cuộc xung đột quân sự với Nga là điều không mong muốn. Quan điểm trên của các nhà vạch chính sách NATO cũng được nhiều quan chức Mỹ cấp cao nhất chia sẻ.
Cách đây không lâu, ngoại trưởng Mỹ G.Kerry đã có cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ và bị các nghị sỹ chỉ trích gay gắt vì những nhượng bộ liên tiếp trước “cuộc xâm lược Ukraine” của Nga. Ông này chỉ đưa ra một câu hỏi cho tất cả các nghị sỹ: “Ai trong số các ngài là người muốn chiến tranh với Nga?”. Câu trả lời là sự im lặng.
Mỹ không bao giờ tấn công đối thủ ngang cơ. Chỉ tấn công những kẻ chắc chắn yếu hơn.

http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-co-du-suc-thang-nga-3057204/
Lê Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét