Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Bí ẩn học thuyết Tác chiến không-biển

 Khái niệm Tác chiến không-biển nhằm liên kết các quân chủng hay chuẩn bị cho chiến tranh với Trung Quốc?


Khái niệm “Tác chiến không-biển” (Air-Sea Battle, ASB) là một trong những bộ phận được thảo luận nhiều nhất trong cơ sở khái niệm hiện đại của chính sách quân sự Mỹ. Khái niệm này đã được nghiên cứu phát triển trong một thời gian dài, nhưng ngay cả trong cộng đồng chuyên gia Mỹ cũng chưa hiểu rõ bản chất và vai trò của nó.

Nó gây ra ở nước ngoài, trước hết là Trung Quốc sự phản ứng khá cảnh giác, thậm chí là phản ứng tiêu cực công khai. Trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ xấu đi, ASB cũng trở thành mối quan tâm lớn đối với cả nước Nga. Dưới đây, chúng ta nghiên cứu về ASB và những vấn đề chính liên quan đến nó.

Sự ra đời của khái niệm "Tác chiến không-biển"

Thuật ngữ “Tác chiến không-biển” được đưa vào sử dụng vào năm 1992 bởi Trung tá hải quân James Stavridis, người sau này trở thành một trong những vị đô đốc Mỹ uy tín nhất. Dựa trên kinh nghiệm của chiến dịch Desert Storm (Bão táp sa mạc), trong đó việc xác lập ưu thế trên không và trên biển đã trở thành điều kiện cho các hành động thành công sau đó của quân Mỹ, Stavridis đã đưa ra khái niệm ASB mà theo quan điểm của ông là xây dựng các binh đoàn tiến công liên hợp, bao gồm các lực lượng của Hải quân, Không quân và Thủy quân lục chiến Mỹ, và khi cần là cả Lục quân Mỹ. Các binh đoàn này nằm ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao và sẽ có thể phản ứng nhanh chóng với các cuộc khủng hoảng phát sinh, xác lập ưu thế cục bộ trên không và trên biển, thực hiện các đòn tấn công vào lãnh thổ đối phương và bảo đảm, khi cần, việc tiến hành sau đó chiến dịch mặt đất. Một trong những đặc điểm khác biệt của khái niệm do Stavridis đề xuất là tích hợp kịp thời các hệ thống chỉ huy và điều khiển, cho phép chỉ huy hiệu quả binh đoàn liên quân chủng đó như một thể thống nhất.
 
James Stavridis, tác giả khái niệm “Tác chiến không-biển”
Thuật ngữ “Tác chiến không-biển” mà Stavridis đưa ra nghe cũng tương tự  với khái niệm tác chiến “Tác chiến không-bộ” (Air-Land Battle) của Lục quân Mỹ công bố vào năm 1981. Chiến dịch không-bộ là khái niệm tiến hành chiến tranh với quân đội Liên Xô ở châu Âu nhấn mạnh vào các chiến dịch tiến công chiều sâu của các binh đoàn và liên binh đoàn Lục quân và Không quân phối hợp chặt chẽ với nhau. Khái niệm này đã được xây dựng sau khi nhận thức được ưu thế của Liên Xô về vũ khí thong thường trên chiến trường châu Âu và sự suy yếu của Lục quân Mỹ sau chiến tranh ở Việt Nam.

Năm 2003, sau khi công bố báo cáo của một trong những trung tâm học thuật hang đầu của Mỹ là Trung tâm Đánh giá chiến lược và ngân sách (Center for Strategic and Budgetary Assessments - CSBA) mà các tác giả của nó là Giám đốc Trung tâm Andrew Krepinevich, các nhà nghiên cứu Barry Watts, Robert Wark (Robert Wark năm 2009-2013 giữ chức Thứ trưởng Hải quân Mỹ), thuật ngữ “các hệ thống chống tiếp cận” (anti-access/areadenial [A2/AD], còn ở dạng “anti-access, thuật ngữ được sử dụng từ những năm 1980) đã được đưa vào sử dụng rộng rãi trong giới chuyên gia Mỹ, cho phép đối phương hạn chế sự tiếp cận của các lực lượng Mỹ tới chiến trường và sự tự do hành động ở đó.

Năm 2008, Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc Gary Roughead và Tư lệnh Không quân Mỹ, Tướng Norton Schwartz đã bắt đầu công việc ban đầu tìm kiếm các cách thức đối phó với A2/AD. Tháng 7/2009, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã giao cho các bộ Hải quân và Không quân nghiên cứu, xây dựng khái niệm đối phó với A2/AD. Đây là “lần sinh ra thứ hai” của khái niệm “Tác chiến không-biển”, vốn bao hàm một số ý tưởng chủ chốt mà James Stavridis đã nêu ra 20 năm trước.
Năm 2010, CSBA đã công bố một loạt báo cáo về chủ đề ASB, thu hút sự chú ý ở Mỹ và nước ngoài. Trong các báo cáo, đã xem xét các phương pháp đối kháng với các hệ thống A2/AD của Trung Quốc, và ở mức độ thấp hơn là của Iran.

Tháng 8/2011 Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert, Phó Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ, Tướng Joseph Dunford và Phó Tư lệnh Không quân Mỹ, Tướng Philip Breedlove đã thành lập Phòng Chiến lược không-biển (Air-Sea Battle Office) trong Lầu Năm góc với mục đích xây dựng khái niệm ASB, cũng như điều phối hoạt động của các quân chủng quân đội Mỹ trong khuôn khổ khái niệm này. Quân số của đơn vị mới là dưới 20 người được biệt phái từ các đơn vị khác, còn các lãnh đạo của đơn vị này là Đại tá hải quân Philippe Jordan từ Hải quân Mỹ và Đại tá không quân Thomas Dupre từ Không quân Mỹ. Lục quân tham gia vào công việc nghiên cứu khái niệm một năm sau đó.

Phiên bản mật ban đầu của khái niệm ASB đã được thong qua vào tháng 11/2011 và tiếp tục được hoàn thiện cho đến nay. Tháng 5/2013, Mỹ đã công bố phiên bản rút gọn, công khai của khái niệm.
Tác chiến không-biển phiên bản công bố tháng 5.2013 

Việc nghiên cứu xây dựng khái niệm ASB là kết quả từ việc giới lãnh đạo chính trị-quân sự Mỹ nhận thức được 3 yếu tố then chốt.

Một là, Mỹ đang cố duy trì khả năng xác lập ưu thế trên vùng lãnh thổ không thuộc phạm vi chủ quyền của một quốc gia nào đó: trên biển, trên không, trong các không gian vũ trụ và không gian mạng (thuật ngữ của Mỹ gọi là “global commons” - “di sản chung toàn cầu của nhân loại”). Washington lo ngại rằng, các địch thủ tiềm tang của họ có thể hạn chế quyền tự do hành động và khả năng tiếp cận của quân đội Mỹ tới “di sản chung toàn cầu của nhân loại”, cũng như sử dụng nó gây tổn hại cho lợi ích quốc gia và hệ thống kinh tế hiện hữu của Mỹ.

Hai là, thật khó bác bỏ hiệu quả thấp của răn đe hạt nhân trong nhiều kịch bản. Các lực lượng hạt nhân chiến lược Mỹ đang làm tốt nhiệm vụi ngăn ngừa chiến tranh quy mô lớn với Nga và Trung Quốc, nhưng khó có thể được sử dụng để bảo vệ lợi ích quốc gia trong các cuộc xung đột cục bộ và khu vực. Thậm chí dù có các lực lượng hạt nhân chiến lược, cũng không thể loại trừ khả năng Mỹ xung đột với các đại cường và cường quốc khu vực khác.
Ba là, ít nhất là trong tương lai trung hạn, Mỹ chưa sẵn sàng tham gia vào một chiến dịch trên bộ quy mô lớn vì các lý do kinh tế và đối nội. Những hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, những cắt giảm quy mô lớn chi phí quân sự và sự mệt mỏi của xã hội Mỹ sau các chiến dịch ở Iraq và Afghanistan trong một thời gian dài sẽ bó buộc chính sách đối ngoại của Mỹ.

Nhờ hiểu 3 yếu tố này, đã hình thành ý đồ bảo đảm tiềm năng răn đe thông thường đó cho phép duy trì đồng thời ưu thế của Mỹ trong lĩnh vực quân sự và khả năng sử dụng ưu thế đó để điều khiển các tiến trình quốc tế. Nhưng Mỹ không thể cho phép mình mở rộng quá mạnh tiềm lực quân sự chủ yếu bằng cách mua sắm các loại vũ khí trang bị đắt tiền hơn và công nghệ cao. Tình hình trầm trọng thêm bởi việc mối đe dọa đối với lợi ích quốc gia Mỹ có thể đồng thời xuất hiện ở hai hay nhiều hơn khu vực địa lý cách xa nhau và xuất phát từ các đối thủ nhà nước, cũng như phi nhà nước (các tổ chức khủng bố và nổi dậy, hải tặc, bọn buôn lậu ma túy...) sử dụng các hệ thống A2/AD.

Nhờ hiểu 3 yếu tố này, đã hình thành ý đồ bảo đảm tiềm năng răn đe thông thường đó cho phép duy trì đồng thời ưu thế của Mỹ trong lĩnh vực quân sự và khả năng sử dụng ưu thế đó để điều khiển các tiến trình quốc tế. Nhưng Mỹ không thể cho phép mình mở rộng quá mạnh tiềm lực quân sự chủ yếu bằng cách mua sắm các loại vũ khí trang bị đắt tiền hơn và công nghệ cao. Tình hình trầm trọng thêm bởi việc mối đe dọa đối với lợi ích quốc gia Mỹ có thể đồng thời xuất hiện ở hai hay nhiều hơn khu vực địa lý cách xa nhau và xuất phát từ các đối thủ nhà nước, cũng như phi nhà nước (các tổ chức khủng bố và nổi dậy, hải tặc, bọn buôn lậu ma túy...) sử dụng các hệ thống A2/AD.
Điều khiến Washington đặc biệt lo ngại là việc cần thực hiện các cam kết đồng minh đối với các nước khác. Sự suy giảm tiềm năng của Mỹ trong bối cảnh hàng loạt mâu thuẫn khu vực leo thang căng thẳng có thể kích động các cuộc khủng hoảng hay xung đột khu vực, mà Mỹ sẽ không có khả năng phản ứng nhanh chóng và hiệu quả. Trong những điều kiện đó, các đồng minh của Mỹ có thể hoặc là có những nhượng bộ, hoặc là bắt đầu tích cực tăng cường tiềm lực quân sự của mình. Một mặt, Washington ủng hộ việc củng cố quân đội của các đối tác và đồng minh của mình vì điều đó làm giảm tải cho quân đội Mỹ. Mặt khác, việc tăng cường không kiểm soát được tiềm lực quân sự sẽ dẫn đến làm giảm ảnh hưởng của Mỹ đối với hành vi của các đồng minh. Thậm chí có thể đến mức một số đồng minh có thể có mong muốn chế tạo vũ khí hủy diệt lớn của riêng mình.

Mỹ không thể thực hiện chính sách biệt lập và không sẵn sàng chấp nhận sự suy giảm ảnh hưởng của mình. Trong điều kiện tình hình kinh tế phức tạp bên trong nước Mỹ và sự phát triển tiềm lực phi đối xứng ở các địch thủ tiềm tang, nảy sinh vấn đề tìm kiếm một giải pháp tổng thể, đáp ứng được tiêu chí chi phí-hiệu quả. Một trong những bộ phận của giải pháp này sẽ là ASB.

Tuy nhiên, không thể không thấy rằng, ASB không chỉ là một bộ phận thành phần của chính sách quân sự tổng thể quốc gia Mỹ, mà còn ở mức độ nhất định là công cụ đấu đá nội bộ giữa các quân chủng quân đội Mỹ trong điều kiện cắt giảm chi phí quân sự. ASB có thể tạo điều kiện cho Không quân và Hải quân Mỹ có được vị thế có lợi hơn so với Lục quân và Thủy quân lục chiến. Nhưng không nên phóng đại yếu tố này.

ASB là “chiến lược” chiến tranh với Trung Quốc và Iran?
Hình ảnh giả định của một họa sĩ Trung Quốc về một cuộc tấn công của các đầu đạn tên lửa DF-21D vào các tàu chiến Mỹ

Các quan chức của ASBO, lãnh đạo Không quân và Hải quân Mỹ không ngớt nhắc lại rằng, khái niệm ASB, khác với “Tác chiến không-bộ” của những năm 1980, mang tính chất chung, không trù tính chuẩn bị cho một kịch bản cụ thể nào và không nhằm vào một chiến trường cụ thể hay một địch thủ tiềm tàng nào. Ngoài ra, họ liên tục nhấn mạnh rằng, ASB không phải là một chiến lược, cũng không phải là “một kế hoạch chiến tranh”, không xác định các mục tiêu của chiến lược chính trị-quân sự hay chiến lược quân sự Mỹ, cũng như các phương tiện và cách thức sử dụng chúng để đạt được các mục tiêu đó. Bất chấp tất cả những biện minh đó, nhiều nhà quan sát trong và ngoài nước Mỹ vẫn nhìn thấy ở ASB không gì khác hơn là sự chuẩn bị cho cuộc xung đột với Trung Quốc và/hoặc Iran.

Ở Trung Quốc, ý tưởng ASB gây ra phản ứng khá gay gắt. Ví dụ, trong một bài báo trên tờ Global Times (Trung Quốc) có nói rằng, ASB đe dọa các lợi ích của Trung Quốc, quan hệ Trung-Mỹ và có thể kích động sự thù địch trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington. Còn theo đại tá quân đội Trung Quốc Fan Gaoyue, ASB là một nỗ lực của Mỹ phá vỡ sự ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và có thể biến quân đội Trung Quốc từ đối tác thành địch thủ. Sự đáp trả bắt buộc đối với ASB sẽ là chiến lược “chống ASB” của Trung Quốc. Theo ông Fan Gaoyue, các hệ thống A2/AD của Trung Quốc chỉ nhằm bảo vệ chính sách “một nước Trung Quốc” và bảo đảm Mỹ không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Trong chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991, xác lập ưu thế trên không và trên biển là cơ sở cho các hành động thành công của quân đội Mỹ

Có phản ứng như vậy, phần nhiều là do các báo cáo của CSBA, khác với phiên bản công khai Khái niệm ASB công bố vào năm 2013, có định hướng hẹp hơn và chủ yếu tập trung nhằm chính vào việc đối phó với các hệ thống A2/AD của Trung Quốc ở tây Thái Bình Dương. Mặc dù CSBA về pháp lý là một tổ chức phi thương mại, tư nhân, quan hệ gần gũi của nó với Bộ Quốc phòng Mỹ lập tức khiến người ta nghĩ rằng, các báo cáo của trung tâm này phần nhiều phản ánh các ý tưởng đang tồn tại bên trong Lầu Năm góc và các quân chủng quân đội Mỹ.

ASB ở phiên bản của CSBA và phiên bản của Lầu Năm góc rất khác nhau. Các báo cáo của CSBA xuất hiện sớm hơn phiên bản công khai của Khái niệm ASB và tạo ra cảm nhận chống Trung Quốc vững chắc (và ở mức độ thấp hơn là chống Iran) của ASB. Góp phần trong việc này là cả sự hiện diện của từ “battle” mà trong ngữ cảnh này gần hơn với khái niệm “chiến dịch”, nhưng nhiều nhà quan sát cảm nhận nó chủ yếu ở ý nghĩa hiếu chiến hơn là “trận đánh, trận chiến”. Điều dễ thấy là việc CSBA và Lầu Năm góc ngay cả thuật ngữ “ASB” cũng viết khác nhau tương ứng là: “AirSea Battle” và “Air-Sea Battle”. Chi tiết mà thoạt nhìn là nhỏ nhặt này cho chúng ta biết rằng, ASB của CSBA và ASB của Lầu Năm góc là hai “sản phẩm” khác nhau.

Trong các báo cáo của CSBA đặc biệt nhấn mạnh rằng, ASB không phải là sự chuẩn bị cho chiến tranh với Trung Quốc, không đặt ra mục tiêu “gạt bỏ” hay “ngăn chặn” (containment) Trung Quốc. ASB là công cụ xây dựng một quân đội mà bản than sự tồn tại của nó sẽ là yếu tố răn đe (deterrence) đối với chính sách đối ngoại của Bắc Kinh và Tehran, cho phép duy trì cán cân sức mạnh hiện hữu, được hiểu là ưu thế quân sự của Mỹ và khả năng tự do tung sức mạnh quân sự Mỹ.

Trong mọi trường hợp, sẽ là ngây thơ nếu cho rằng, trong Lầu Năm góc không tồn tại các kế hoạch tác chiến cho tình huống chiến tranh với Trung Quốc hay Iran. Khái niệm ASB sẽ có ảnh hưởng lớn đến các kế hoạch tác chiến này bất kể tính chất “chung” của nó.


Các hệ thống chống tiếp cận

Trong quá trình chiến dịch Bão táp sa mạc, Mỹ đã có thể trong thời gian ngắn và hầu như không bị tổn thất đánh tan quân đội Iraq mà hồi đó đa số các nhà quan sát đã đánh giá là được huấn luyện và trang bị tốt. Điều đó đã cho các địch thủ tiềm tang của Washington thấy được sự vô vọng của việc đối đầu quân sự trực tiếp với người Mỹ. Như Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greener và Tư lệnh Không quân Mỹ khi đó Tướng Norton Schwartz đã nhấn mạnh trong bài báo đăng năm 2012 trên tạp chí “The American Interest”: “Các đối thủ [của Mỹ] có ý chí và khả năng đang dần chuyển từ việc chuẩn bị tác chiến với quân đội Mỹ sau khi nó xuất hiện trên chiến trường sang việc ngăn chặn chống Mỹ tiếp cận chiến trường”.

Bão táp sa mạc đã trở thành cú hích để các nước như Trung Quốc và Iran nghiên cứu và ứng dụng ở hình thức nào đó chiến lược chống tiếp cận. Cần lưu ý rằng, cách tiếp cận này không phải là điều gì hoàn toàn mới. Theo nhà nghiên cứu Mỹ Sam Tangredi, trong lịch sử đã có nhiều trường hợp sử dụng thành công và không thành công chiến lược chống tiếp cận. Có thể liệt vào các ví dụ thành công là các hành động của quân Hy Lạp trong cuộc hành binh của Xerxes năm 480 TCN, của quân Anh trong tác chiến chống Đại hạm đội Vô địch của Tây Ban Nha trong cuộc chiến tranh Anh-Tây Ban Nha và trong Trận chiến giành nước Anh trong Thế chiến II, Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian chiến dịch Dardanelles năm 1915-1916. Thuộc loại không thành công là các hành động của quân Nhật trên chiến trường Thái Bình Dương và của quân Đức ở Normandie trong Thế chiến II, cũng như của quân Argentine trong chiến tranh Malvinat (Falklands).

Ban đầu, các địch thủ tiềm tàng của Mỹ đã coi vũ khí hủy diệt lớn là phương tiện chống tiếp cận chủ yếu. Tuy nhiên, các nỗ lực sở hữu vũ khí hủy diệt lớn dẫn đến hang loạt các vấn đề khó giải quyết. Việc nghiên cứu chế tạo vũ khí hủy diệt lớn, loại vũ khí không thể dễ dàng mua trên thị trường bên ngoài, đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực vật chất. Điều còn quan trọng hơn là việc phổ biến vũ khí hủy diệt lớn gây ra phản ứng cực kỳ mạnh mẽ của Mỹ và cộng đồng quốc tế nói chung và bản thân nó có thể tạo ra lý do hay cớ cho các biện pháp trừng phạt và can thiệp quân sự. Cuối cùng, ngoại trừ vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt lớn không thật hiệu quả và không tiện dụng.
Trong tình thế đó, các hệ thống A2/AD hiện đại trở nên một công cụ dễ kiếm hơn, rẻ hơn và dễ chấp hơn về chính trị. Ví dụ, nếu Iran nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm bom hạt nhân hầu như chắc chắc, nó sẽ gây ra phản ứng quân sự tức thì từ phía Mỹ và Mỹ sẽ dễ dàng có được sự ủng hộ từ nhiều nước khác. Nhưng việc Iran mua sắm và nghiên cứu chế tạo vô số tên lửa chống hạm, các hệ thống phòng không và các vũ khí A2/AD khác chưa chắc gây ra phản ứng như thế.

Việc ngăn chặn tiếp cận có thể được thực hiện không chỉ nhờ sức mạnh quân sự, mà còn có thể bằng các biện pháp ngoại giao và kinh tế, công nghệ thông tin. Áp lực chính trị và kinh tế, việc tạo phản ứng dư luận và thậm chí các biện pháp như tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không như Trung Quốc đã làm vào tháng 11/2013, có thể được xem như những hình thức A2/AD đặc biệt. Nhìn chung, cần xem xét chiến lược chống tiếp cận không phải từ góc độ các hệ thống vũ khí trang bị riêng lẻ, mà như một mạng lưới thống nhất, bao goomf một phổ rộng các biện pháp A2/AD quân sự và phi quân sự.

Duy trì được vị thế cường quốc quân sự toàn cầu duy nhất trong một thời gian dài và tiến hành các hoạt động quân sự chống các địch thủ yếu hơn nhiều, nước Mỹ đã quen với các điều kiện “dễ chịu” trên chiến trường. Tiêu chuẩn tiến hành các chiến dịch quân sự của Mỹ trù định việc giành và giữ ưu thế trên biển, trên không, trong không gian vũ trụ và không gian mạng. Điều đó bảo đảm khả năng cơ động và tập trung nhanh chóng các lực lượng và phương tiện, khả năng bảo vệ tin cậy các tuyến giao thông, các căn cứ quân sự và hậu phương, giành quyền chủ động, sự tiếp cận tối đa của các lực lượng và phương tiện (cụ thể là các hạm tàu) tới lãnh thổ đối phương, cũng như điều động một số lượng tối đa các lực lượng và phương tiện để thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu địch.

Các hệ thống A2/AD, nhất là với các cường quốc khu vực lớn, đặt ra mục tiêu phá hủy lối tiến hành chiến tranh đã quen thuộc đối với Mỹ. Các hệ thống phòng không, tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đường đạn chống hạm, vũ khí chống vệ tinh, tàu ngầm và các vũ khí A2/AD khác đang đặt các tuyến giao thông và căn cứ của Mỹ vào tầm tấn công, cản trở việc tăng cường cụm lực lượng, đe dọa các hệ thống vũ trụ và thông tin thiết yếu đối với Mỹ, buộc Mỹ phải điều động một số lượng lớn hơn lực lượng và phương tiện để bảo vệ cụm lực lượng và các cơ sở.

Trong phiên bản công khai của Khái niệm ASB có nêu ra một số đặc điểm của các kịch bản tham gia có thể của Mỹ vào một cuộc xung đột có sử dụng A2/AD. 
  1. Trù dự tính các địch thủ của Mỹ có thể phát động cuộc xung đột với thời kỳ đe dọa ngắn tối thiểu hoặc hoàn toàn không có thời kỳ đó.
  2. Các lực lượng của Mỹ và các đồng minh được triển khai trong khu vực sẽ buộc phải hành động trong điều kiện có sự đối kháng từ phía các hệ thống A2/AD ngay từ đầu cuộc xung đột.
  3. Đối phương sẽ tấn công trực tiếp không chỉ các lực lượng của Mỹ và đồng minh, mà cả các căn cứ quân sự, cả hạ tầng bảo đảm các hoạt động của chúng.
  4. Trù tính đối phương sẽ sử dụng các vũ khí A2/AD đồng thời ở tất cả các môi trường: không trung, biển, mặt đất, vũ trụ và không gian mạng. Trong khi đó, để mất vị trí dù chỉ ở một không gian cụ thể cũng sẽ đe dọa các lực lượng Mỹ và đông minh ở các không gian khác, điều cuối cùng có thể dẫn đến thất bại.
Như vậy, việc sử dụng ồ ạt các vũ khí A2/AD có thể hạn chế mạnh hoặc làm cho Mỹ không thể tung sức mạnh, làm tăng mạnh các rủi ro và mức độ tổn thất có thể. Đồng thời, cần nhấn mạnh rằng, cả chiến lược chống tiếp cận, lẫn chiến lược đối kháng với nó đều không phải là mục đích, mà chỉ là phương tiện và không thể tư duy tách rời mục đích cụ thể của cuộc đối kháng vũ trang.

Khái niệm “Tác chiến không-biển”
Về kết cấu, ASB được gắn kết chặt với hệ thống các văn kiện khái niệm-chiến lược nền tảng hiện có của Mỹ được tạo lập trong thời gian Barack Obama cầm quyền. ASB bổ sung cho Khái niệm Bảo đảm tiếp cận tác chiến liên quân (Joint Operation Access Concept) và Khái niệm nền tảng cho các hoạt động liên quân có tính cơ bản hơn “Lực lượng liên quân 2020” (Capstone Concept for Joint Operations “Joint Force 2020”). Tất cả những khái niệm này dựa trên Hướng dẫn chiến lược về quốc phòng “Duy trì sự lãnh đạo của Mỹ trên toàn cầu: Các ưu tiên quốc phòng thế kỷ XXI” (Defense Strategic Guidance “Sustaining U.S. Global Leadership: Priorities for 21st Century Defense”) mà hiện nay đang đóng vai trò then chốt trong chính sách quân sự Mỹ.


Ý tưởng trung tâm của ASB là đạt được trình độ mới về chất về mặt tích hợp và linh hoạt của Không quân, Hải quân và các quân chủng khác của quân đội Mỹ, vốn có khả năng tiến hành các chiến dịch tích hợp lấy mạng làm trung tâm nhằm thực hiện các đòn tấn công sâu nhiều thê đội nhằm phá vỡ hoạt động, loại khỏi vòng chiến và triệt tiêu các mối đe dọa (NIA/D3 - networked, integrated attacks-in-depth to disrupt, destroy and defeat). Trong trường hợp này, mỗi bộ phận của cái định nghĩa quá rối rắm, cồng kềnh này đều có một ý nghĩa khá cụ thể.

ASB trù tính sử dụng các cụm lực lượng liên quân chủng và các lực lượng khác nhau có khả năng hành động hiệu quả trong cả 5 không gian chủ yếu. Thành phần của các cụm lực lượng được xác định bởi các yêu cầu tác chiến cụ thể, các hành động của chúng không được bó buộc hay hạn chế bởi những khác biệt về các quy trình chỉ huy, các nguyên tắc sử dụng tác chiến và sự tương thích của các loại vũ khí trang bị hiện có của các quân chủng khác nhau. Việc tích hợp các cụm lực lượng liên quân chủng quy định việc sử dụng tích cực hơn các lực lượng và phương tiện trong một không gian để triệt tiêu các mối đe dọa trong các không gian khác.

ASB phần nhiều là sự kế tiếp của ý tưởng “liên quân”, nhưng ASB, một mặt hướng đến giải quyết một nhiệm vụ khác cụ thể là đối phó với các hệ thống A2/AD, còn mặt khác là phải đưa sự tích hợp, liên kết lên một trình độ mới về chất. Nhờ thực hiện khái niệm ASB, Mỹ dự định chuẩn bị cho Không quân và Hải quân tiến hành các chiến dịch chung nhằm xác lập ưu thế trên không, trên biển, trong vũ trụ và trong không gian mạng trong điều kiện có sự đối kháng từ phía các hệ thống A2/AD mà không cần thực hiện công tác chuẩn bị hay hiệp đồng lớn. Điều đó sẽ tạo ra các điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành chiến dịch mặt đất khi cần thiết.
Trong những năm dài nắm giữ ưu thế quân sự toàn cầu, nước Mỹ đã quen với các điều kiện “dễ chịu” trên chiến trường

ASB nhằm vào đối phó với cái gọi là “các chuỗi tác động” A2/AD của đối phương vào các lực lượng Mỹ (“effects chains” hay “kill-chains”), vốn bao gồm toàn bộ tổ hợp các hành động từ phát hiện đến trực tiếp tiêu diệt các lực lượng, phương tiện và mục tiêu hạ tầng của Mỹ. ASB trù định đối phó các hệ thống chỉ huy, điều khiển, liên lạc và tình báo của đối phương, tiêu diệt bản thân các hệ thống A2/AD và bảo vệ các lực lượng bạn chống tác động của việc sử dụng các vũ khí A2/AD. Đồng thời, ASB trù tính việc tìm kiếm nhanh và tác động vào các “mắt xích” yếu và dễ tổn thương nhất, mà việc vô hiệu hóa chúng sẽ phá hủy toàn bộ cả “chuỗi tác động”. Người ta đặc biệt chú ý đến các hành động sâu trong lãnh thổ đối phương, điều đòi hỏi phải tăng bán kính chiến đấu của vũ khí trang bị và khả năng hành động trong vùng sử dụng tích cực các vũ khí A2/AD.

Các vấn đề tích hợp các lực lượng Mỹ ở mức độ đáng kể hiện đang được giải quyết bởi các bộ chỉ huy khu vực và bộ chỉ huy chức năng trực tiếp phụ trách chỉ huy tác chiến các lực lượng trực thuộc. Trong khuôn khổ ASB, việc tích hợp sẽ được bảo đảm bởi ban lãnh đạo các quân chủng làm nhiệm vụ chỉ đạo hành chính và các bộ quân chủng.

Vai trò lãnh đạo các quân chủng và các bộ quân chủng của Mỹ trong khuôn khổ thực hiện khái niệm ASB là phát triển sự phối hợp về tổ chức giữa các quân chủng ở  trình độ mới về chất, chấn chỉnh các nguyên tắc cơ bản trong sử dụng các cụm lực lượng lien quân chủng trong điều kiện có sự đối kháng A2/AD, cũng như việc phối hợp tìm kiếm các giải pháp công nghệ nhằm đối kháng với A2/AD.

ASBO đã xác định 10 lĩnh vực ưu tiên thực hiện khái niệm ASB:

• xây dựng hệ thống tích hợp chỉ huy tác chiến và điều khiển các cụm lực lượng liên quân và các lực lượng hỗn hợp;

• giành ưu thế trong môi trường dưới mặt nước;

• phát triển các tên lửa chống hạm và các phương tiện khác tác chiến chống tàu mặt nước của đối phương;

• phát triển các hệ thống tác chiến chống các vũ khí A2/AD bố trí trên mặt đất, trong đó có máy bay tầm xa và lực lượng không quân cho “ngày chiến tranh đầu tiên”, các hệ thống tác chiến điện tử và vũ khí mạng;

• các hệ thống chủ động và thụ động bảo vệ quân đội;

• phân tán các điểm đóng quân và sử dụng các điểm đóng quân tạm thời và vận dụng;

• bảo vệ các hệ thống vũ trụ của Mỹ, trước hết là các cụm vệ tinh chống tác động của đối phương;

ASBO dự định bắt đầu công việc cùng với một mặt là các đại diện của các bộ chỉ huy lien quân, các hạm đội tác chiến của Hải quân Mỹ và các tập đoàn không quân của Không quân Mỹ, mặt khác là các đại diện của bộ máy hành chính của các quân chủng. Dự kiến, tính ưu tiên của các lĩnh vực nhất định trong 10 lĩnh vực nêu trên khi thực hiện khái niệm ASB sẽ được xác định tùy thuộc vào các ưu tiên và các nhiệm vụ của từng bộ chỉ huy liên quân khu vực và chức năng.

Việc phát triển khái niệm ASB đã dẫn đến sự xuất hiện của hàng loạt ý tưởng thay thế nó. Khác với ASB vốn định hướng vào một phổ rộng các kịch bản có thể, các khái niệm thay thế tập trung vào việc đối kháng với Trung Quốc.

Ý tưởng đầu tiên trong số đó đang được Thomas Hammes sĩ quan Thủy quân lục chiến về hưu, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ, tích cực thúc đẩy. Thay vì khái niệm ASB có tính “chung”, Hammes đề nghị thong qua một chiến lược chiến tranh lâu dài với Trung Quốc với tên gọi “kiểm soát tầm xa” (offshore control) mà nền tảng của nó là thực hiện phong tỏa, cho phép gây cho Trung Quốc tổn thất kinh tế không thể chấp nhận mà không cần trực tiếp tác chiến chống các hệ thống A2/AD. Nhưng bản thân ý tưởng xung đột kéo dài với Trung Quốc, trong quá trình đó Mỹ không hậu thuẫn trực tiếp cho các đồng minh, mà chỉ cố gắng làm dao động ý chí tiếp tục xung đột của Bắc Kinh, bị chỉ trích mạnh mẽ và không được ủng hộ rộng rãi trong cộng đồng chuyên gia Mỹ. Hơn nữa, bản thân khả năng thiết lập phong tỏa tầm xa đối với Trung Quốc và hiệu quả của nó cũng bị nghi ngờ.

Cách tiếp cận thay thế thứ hai, có nhiều tương đồng với ý tưởng thứ nhất về mặt kỹ thuật là từ bỏ việc đối kháng chống các hệ thống A2/AD của Trung Quốc và tiến hành các chiến dịch tiến công có lợi cho việc Mỹ và đồng minh phát triển các hệ thống A2/AD của mình. Ý tưởng này được Giáo sư Học viện Hải quân Mỹ Andrew Erickson và hãng RAND nêu ra. Nhưng khái niệm phòng thủ chiến lược này là nhằm ngăn chặn thực hiện các yêu sách của Trung Quốc ở tây Thái Bình Dương và cũng không được đồng tình đặc biệt, cũng như bị chỉ trích vì quá thụ động.

Đồng thời, sự xuất hiện các khái niệm thay thế ASB sẽ thúc đẩy phát triển bản than khái niệm ASB và xác định các ưu tiên phát triển nó. Ví dụ, đa số những người phản đối và ủng hộ ASB đều nhất trí rằng, một trong các hướng ưu tiến đối với Mỹ là củng cố hạm đội tàu ngầm hạt nhân đa năng.

Sự cạnh tranh và hợp tác giữa Không quân và Hải quân Mỹ trong khuôn khổ học thuyết Tác chiến không-biển.


Sự phối hợp giữa Hải quân và Không quân Mỹ

Không quân và Hải quân Mỹ có kinh nghiệm lâu dài kể cả hợp tác và cạnh tranh. Ngay từ khi xuất hiện lực lượng không quân trong quân đội Mỹ, cả Lục quân và Hải quân Mỹ đều quan tâm đến lực lượng này. Không quân Mỹ đã không hài lòng với việc Hải quân duy trì một lực lượng không quân mạnh, độc lập và đã tìm cách hạn chế nó. Một sự hiểu biết chung về lịch sử phối hợp giữa Không quân và Hải quân Mỹ cũng quan trọng khi xem xét công việc trong khuôn khổ ASB.

Lần đầu tiên, lực lượng không quân của Hải quân Mỹ và của Lục quân Mỹ cùng nhau hành động còn trước khi Mỹ nhảy vào tham gia Thế chiến I - vào năm 1914, các phi công của cả hai quân chủng đã tham gia cuộc can thiệp của Mỹ vào Mexico. Trong Thế chiến I mà Mỹ nhảy vào tham gia khi đã ở giai đoạn cuối, các lĩnh vực hoạt động của không quân lục quân và không quân hải quân Mỹ ít chồng chéo nhau: không quân lục quân tập trung vào trinh sát phục vụ các đơn vị mặt đất và chi viện trực tiếp cho các đơn vị này, còn không quân hải quân tập trung báo tác chiến chống ngầm. Sau Thế chiến I, giữa không quân hải quân và lực lượng không quân (Army Air Corps) vốn nhiều lần đổi tên của Lục quân Mỹ bắt đầu thời kỳ cạnh tranh quyết liệt.
 
Không quân Mỹ và Hải quân Mỹ có kinh nghiệm hợp tác, cũng như cạnh tranh lâu dài
Trong những năm 1920-1930, không quân lục quân đã cố gắng sử dụng thích ứng các máy bay ném bom tầm xa cho các nhiệm vụ phòng thủ bờ biển chống hạm đội mặt nước của đối phương. Năm 1921, trong quá trình tập trận, trong đó chủ lực hạm Ostfriesland mà Mỹ có được sau khi phân chia hạm đội của Đức đã bị bom đánh chìm. Mặc dù tàu này không di chuyển và dĩ nhiên là không sử dụng hỏa lực phòng không, bản than việc tiêu diệt một chủ lực hạm bằng không quân đã gây ấn tượng mạnh cho người đương thời. Từ đó, diễn ra cuộc tranh cãi bất tận về một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong hoạt động phối hợp giữa Hải quân và Không quân Mỹ: đó là không phận trên biển thuộc trách nhiệm của ai? Câu hỏi này đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm và là một trở ngại khi xây dựng học thuyết ASB.

Một trong những nỗ lực đầu tiên phân chia trách nhiệm trong lĩnh vực không quân là Thỏa thuận MacArthur-Pratt (MacArthur-Pratt Agreement) ký kết giữa Tư lệnh Lục quân Mỹ Douglas MacArthur và Tư lệnh Hải quân Mỹ William Pratt vào năm 1931. Người ta đã quyết định rằng, hạm đội và không quân của nó sẽ cơ động tối đa và sẽ nhận các nhiệm vụ chiến đấu ngoài khơi xa, còn Lục quân Mỹ và không quân của mình phụ trách nhiệm vụ phòng thủ bờ biển. Tuy nhiên, sau khi Đô đốc Pratt rời khỏi chức vụ Tư lệnh, Hải quân Mỹ bắt đầu né tránh các thỏa thuận này vì lo ngại sự gia tăng vai trò của không quân lục quân. Tùy thuộc theo sự tăng lên hay suy giảm vai trò của hạm đội, chiều rộng dải ven bờ mà không quân lục quân bị dao động mạnh. Ví dụ, vào năm 1937, dải này có độ rộng 555 km.

Trong những năm Thế chiến II, giống như trong các thử nghiệm lớn khác, Hải quân Mỹ và Không quân Lục quân Mỹ đã gạt bỏ những bất đồng. tạm ngừng tranh giành ảnh hưởng và ngân sách, thể hiện công tác chỉ huy đáng tôn trọng mà một trong những ví dụ nổi tiếng nhất là cuộc tập kích đường không Doolittle raid tấn công Tokyo vào ngày 18/4/1942 do các phi công Lục quân Mỹ thực hiện bằng các máy bay ném bom “lục quân” B-25 cất cánh từ boong một tàu sân bay.

Sau khi chiến tranh kết thúc và Không quân Mỹ ra đời như một quân chủng độc lập theo Đạo luật An ninh quốc gia năm 1947, thay cho sự hợp tác lại là sự cạnh tranh quyết liệt. Không quân Mỹ cố gắng duy trì cho mình thế độc quyền tạm thời đối với vũ khí nguyên tử. Bộ chỉ huy Không quân Mỹ cho rằng, với sự xuất hiện của vũ khí nguyên tử và không quân tầm xa với tư cách phương tiện mang chủ yếu của vũ khí này, vai trò của các quân, binh chủng khác của quân đội Mỹ, trong đó có Hải quân Mỹ và vũ khí chính của nó là các tàu sân bay sẽ giảm mạnh. Đỉnh điểm của sự đối đầu này là cái gọi là “cuộc nổi loạn của các đô đốc” năm 1949 mà nhiều người biết tiếng và việc hủy bỏ đóng tàu sân bay United States mà lẽ ra sẽ là siêu tàu sân bay đầu tiên với chức năng chính là tấn công hạt nhân.

Tuy vậy, cần lưu ý rằng, cả trong thời gian cạnh tranh căng thẳng, Không quân và Hải quân Mỹ cũng không ngừng trao đổi kinh nghiệm, các giải pháp thành công và vũ khí trang bị. Ví dụ, các tên lửa không đối không chủ yếu của Mỹ: tầm trung AIM-7 Sparrow và tầm gần AIM-9 Sidewinder ban đầu đã được phát triển theo đơn đặt hàng của Hải quân, nhưng do các loại tên lửa tương tự chế tạo cho Không quân Mỹ có tính năng kém hơn nhiều nên Không quân Mỹ cũng nhận các tên lửa này vào trang bị. Tiêm kích F-4 Phantom II vốn ban đầu cũng được phát triển làm tiêm kích đánh chặn trên hạm, nhưng sau đó lại trở thành tiêm kích chủ lực của Không quân Mỹ.

Đồng thời, trừ phi quá cần thiết, Không quân và Hải quân Mỹ luôn tìm cách thực hiện các chương trình độc lập với cớ có những khác biệt về yêu cầu. Thỉnh thoảng lại có chuyện một quân chủng này áp đặt các chương trình của mình cho quân chủng khác và chuyện này hay gây ra phản ứng. Chẳng hạn, các nỗ lực “hải quân hóa” các tiêm kích F-15 và F-16 đã bị thất bại. Ý tưởng đầy tham vọng chế tạo trên một mẫu cơ sở máy bay ném bom chiến thuật dành cho Không quân Mỹ (F-111A) và máy bay đánh chặn cho Hải quân Mỹ (F-111B) đã gặp phải sự phản kháng kịch liệt của giới quân sự và kết thúc bằng việc Hải quân Mỹ rút khỏi chương trình.
 
Việc lực lượng không quân Mỹ đánh đắm chủ lực hạm Ostfriesland vào năm 1921 đã gây ấn tượng mạnh cho người đương thời

Những xung đột như thế hiện nay vẫn diễn ra: Hải quân Mỹ muốn mua tên lửa hành trình SLAM-ER (“họ hàng” xa của tên lửa chống hạm Harpoon) thay vì JASSM phát triển cho Không quân Mỹ; Không quân Mỹ rút khỏi chương trình ban đầu là chung nhằm phát triển và sản xuất bom có điều khiển JSOW; do không thể thỏa thuận về vấn đề chế tạo máy bay không người lái trinh sát-tiến công chung mà chương trình J-UCAS đã bị đóng lại.

Tuy vậy, vẫn như trước đây, khi thật cần thiết, sự hợp tác được tiến hành nghiêm túc và tận tâm tận lực. Ví dụ nổi bật là việc chế tạo họ máy bay F-35 Lightning II. Chương trình này có tầm quan trọng sống còn cả đối với Không quân Mỹ, lần Bộ Hải quân Mỹ, nên việc hợp tác trong khuôn khổ chương trình này là cao nhất - hai bên chia xẻ chi phí, cung cấp cho nhau hạ tầng, các phi công thử nghiệm làm việc chung, thậm chí còn thành lập trung tâm huấn luyện thống nhất, nơi các phi công và kỹ thuật viên của Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ cùng nhau nghiên cứu làm chủ vũ khí trang bị mới và trao đổi kinh nghiệm.

Mặc dù ở đây cũng không tránh khỏi những mâu thuẫn vì xét theo thông tin có được thì không phải ai trong Hải quân Mỹ cũng thấy là cần mua F-35C mà lại muốn ít nhất là giảm số lượng mua sắm F-35C để mua các máy bay quen thuộc F/A-18E/F Super Hornet và EA-18G Growler. Nhưng ý tưởng này là không thể chấp nhận đối với Thủy quân lục chiến và Không quân Mỹ vì nó sẽ giáng đòn nặng vào F-35B và F-35A, mà phương án thay thế thực sự hiện nay là không có.

Trong những năm 1970, Không quân Mỹ lại bắt đầu tỏ ra quan tâm đến việc tham gia tranh giành ưu thế trên đại dương - hậu thuẫn cho xu hướng này là sự hiện diện của Hải quân Liên Xô ngày càng hùng mạnh. Các máy bay ném bom B-52 đã có thể được sử dụng để trinh sát chiến lược trên biển, rải thủy lôi và tác chiến chống mục tiêu mặt nước, trong những năm 1980, một số phi đội B-52 thậm chí đã được chuyên môn hóa cho các nhiệm vụ trên biển.

Trong thập niên 1990, tất cả các quân chủng của quân đội Mỹ đã vấp phải một thách thức lớn - đó là sự sụp đổ của Liên Xô và chấm dứt chiến tranh lạnh với một đối thủ tương đương về sức mạnh. Thay vào đó, Mỹ tạm thời lâm vào tình thế là siêu cường quân sự duy nhất và bước vào thời kỳ hầu như lien tục có các xung đột cục bộ và chiến dịch quân sự. Tuy vậy, điều đó đã giúp củng cố sự hợp tác giữa Hải quân và Không quân Mỹ: đóng vai trò chủ yếu là lực lượng không quân triển khai trên biển và trên bộ có sự phối hợp chặt chẽ với nhau.

Cũng có thể nói đến sự gia tăng đối kháng tư tưởng nhất định với Lục quân Mỹ do các cách tiếp cận khác nhau - Hải quân và Không quân Mỹ giống nhau về khả năng tung nhanh sức mạnh đến bất cứ nơi nào trên trái đất và ở chỗ các chiến dịch của họ cơ bản mang tính chất “từ xa”. Do đó, gánh nặng chủ yếu tham gia các cuộc xung đột cục bộ nằm trên vai Không quân và Hải quân Mỹ, còn Lục quân Mỹ trong thập niên 1990, sau Chiến tranh Vùng Vịnh, đã không tiến hành các chiến dịch quy mô lớn. Tình thế đã xoay chuyển trong những năm 2000, khi mà nhu cầu của các chiến dịch ở Iraq và Afghanistan đã làm tăng mạnh vai trò của Lục quân Mỹ và chuyển hướng Thủy quân lục chiến Mỹ sang các các chiến dịch trên bộ.

Trong khi đó, cả trong những năm 1990-2000, Không quân và Hải quân Mỹ vẫn tiếp tục tranh giành ảnh hưởng và ngân sách với nhau bất chấp sự tăng cường hợp tác giữa hai bên. Thúc đẩy điều đó là sự cắt giảm quy mô lớn ngân sách quân sự trong thập kỷ 1990. Ví dụ nổi bật là việc duy trì sự cạnh tranh về vấn đề phân chia khu vực ảnh hưởng trong không gian biển. Theo Giáo sư Học viện Hải quân Mỹ Milan Vego, Không quân và Hải quân Mỹ đến nay vẫn chưa có sự hiểu nhau rõ rang về việc không gian trên biển phải nằm trong khu vực trách nhiệm của ai. Ngoài ra, Không quân Mỹ thường cố gắng tìm cách củng cố vai trò lãnh đạo của vị tư lệnh thành phần không quân trong lực lượng liên quân trong tiến hành các chiến dịch đường không trên các chiến trường biển và ven biển. Ông Vego cho rằng, nếu như trong một số kịch bản, điều đó là có thể (khi tiến hành các chiến dịch phi quân sự) hoặc thậm chí là cần thiết (bảo đảm phòng không/phòng thủ tên lửa cho lực lượng mặt đất trên chiến trường ven biển), thì khi tiến hành loạt các hoạt động chiến đấu trên các chiến trường biển và ven biển (cụ thể như xác lập ưu thế trên biển, tác chiến chống các vũ khí A2/AD chuyên dung để đối phó với các lực lượng của hải quân), các chức năng này phải giao cho tư lệnh lực lượng hải quân trong thành phần lực lượng liên quân.

Từ đầu thập niên 1970, tỷ trọng ngân sách quốc phòng mà các bộ Hải quân và Không quân Mỹ nhận được là xấp xỉ nhau, điều đó giúp tạo ra “thế cân bằng sức mạnh” tương đối giữa hai bên. Đồng thời, sự cân bằng này luôn luôn là khá bất ổn định. Các thời kỳ hợp tác chặt chẽ, chủ yếu là trong thời gian các cuộc chiến tranh và khủng hoảng bị thay thế bởi các thời kỳ cạnh tranh ác liệt, chủ yếu là trong những năm giữa các cuộc chiến tranh mà đặc điểm điển hình là sự cắt giảm ngân sách quân sự. Chuyện đó đã xảy ra sau Thế chiến II, sau chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam và chiến tranh lạnh. Một trong những nhiệm vụ được nêu lên của ASB là sau thời kỳ các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, không bắt đầu một vòng đua tranh mới giữa hai quân chủng mà là sự gia tăng lien kết và phối hợp với nhau. Nhưng điều đó xem ra chẳng qua chỉ là lý tưởng khó đạt được mà thôi. Sự cắt giảm chi phí quân sự có nghĩa là sự hợp tác trong khuôn khổ ASB sẽ diễn ra song song với sự giành giật đầu tư ngân sách.
Nguồn:
"Tác chiến không-biển" bí ẩn / Prokhor Tebin, Aleksandr Ermakov // Oborona, N.6.2014.
http://vietnamdefence.com/Home/khqs/hocthuyetbinhphap/Bi-an-hoc-thuyet-Tac-chien-khongbien-4/20149/53936.vnd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét