Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

Trung-Nhật: Trận hải chiến định mệnh

Trận hải chiến Nhật-Trung 120 năm trước đã ảnh hưởng thế nào đến lịch sử hai nước.
Trận đánh cửa sông Áp Lục (tranh khắc gỗ Nhật Bản)

Ngày 25/7/1894, đúng 120 năm trước, đã xảy ra trận đánh ở vịnh Asan (trận Phong Đảo) - trận đánh đầu tiên của cuộc chiến tranh Nhật-Trung năm 1894-1895. Cuộc chiến kết thúc với chiến thắng của Nhật Bản và việc ký kết hiệp ước Shimonoseki (hiệp ước Mã Quan) - văn kiện đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình biến Trung Quốc thành một nước nửa thuộc địa. Dưới đây, ta sẽ nhớ lại những sự kiện chính của cuộc chiến tranh Nhật-Trung lần thứ nhất, cũng như ảnh hưởng của nó đối với các sự kiện diễn ra sau đó trên trường quốc tế.

“Trong lịch sử đã có những tình huống khi mà trên thế giới đã tồn tại hoặc là một Trung Quốc mạnh và một Nhật Bản yếu, hoặc là một Nhật Bản mạnh và một Trung Quốc yếu. Tuy vậy, chúng ta còn chưa gặp phải tình huống cả Trung Quốc và Nhật Bản đều  là các quốc gia hùng mạnh”, Trưởng Ban Á châu tờ The Financial Times, ông David Pilling đã viết như vậy cách đây không lâu lắm.

Nhật Bản trên thực tế mới đây cũng đã thể hiện ảnh hưởng gia tăng của mình khi từ bỏ chính sách hòa bình trước đây: Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố rằng, Tokyo định xem xét lại hiến pháp hòa bình áp đặt cho Nhật sau Thế chiến II. Bộ luật cơ bản hiện hành của Nhật do các chuyên gia Mỹ soạn thảo tuyên bố Nhật từ bỏ chiến tranh như một phương tiện giải quyết tranh chấp quốc tế, và tức là từ bỏ việc thành lập lục quân, hải quân và không quân. Từ nay, Nhật Bản định đi theo đường lối đối ngoại tích cực và tự chủ bảo đảm an ninh của mình trên trường quốc tế. Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu chính trị cho rằng, sự va chạm lợi ích của Trung Quốc và Nhật Bản là tất yếu.
 
Tàu khu trục tên lửa của hải quân Trung Quốc (THX, Wu Dengfeng / AP)

Trong một thời gian dài, Trung Quốc đã tăng cường hiện diện chính trị-quân sự của mình trong khu vực nhằm giành quyền kiểm soát biển Hoa Đông và Biển Đông. Nước này tham gia tranh chấp lãnh thổ bằng vũ lực tích cực với Philippines (vì bãi cạn Scarborough), với Việt Nam (vì các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa).

Mới năm ngoái, ông Shinzo Abe đã đi thăm các nước ASEAN này và tuyên bố rằng, ông dự định hỗ trợ tất cả các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, chẳng hạn bằng cách trang thiết bị, huấn luyện quân đội và cấp tín dụng quy mô lớn để mua sắm vũ khí. Các nhà phân tích lo ngại, sự mở rộng tiềm lực quân sự của Nhật và ảnh hưởng gia tăng của họ trong khu vực sẽ gây ra cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước châu Á.

Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc từ lâu đã không đơn giản. Vào cuối thế kỷ XIX, quả táo bất hòa giữa họ là Triều Tiên, đối tượng bành trướng truyền thống của Nhật. Từ 10 năm trước khi chiến tranh bùng nổ, vào năm 1884, cả quân Nhật và quân Thanh đều tiến vào lãnh thổ Triều Tiên với cớ trấn áp phong trào chống chính quyền ở đây. Sau đó, một thỏa ước đã được ký kết, theo đó Triều Tiên trở thành quốc gia chịu sự bảo hộ của cả Nhật Bản và Trung Quốc.

Năm 1894, tại Triều Tiên nổ ra cuộc khởi nghĩa, nước này đã xin viện trợ của triều Thanh để trấn áp khởi nghĩa. Bắc Kinh lập tức đưa quân vào Triều Tiên, nhưng Nhật Bản không thể chấp nhận sự can thiệp đơn phương nên quân đội Nhật cũng nhanh chóng đổ bộ lên lãnh thổ Triều Tiên. Nhật Bản và Trung Quốc đã không thể lên kế hoạch hành động chung nhằm cải cách ở Triều Tiên, và Nhật Bản đã bắt đầu tiến hành chính sách cương quyết và hiếu chiến riêng: ngày 25/7/1894 đã xảy ra trận đánh ở vịnh Asan - trận đánh đầu tiên của cuộc chiến còn chưa được tuyên bố. Một biên đội 4 tàu (có nguồn nói 3) tuần dương Nhật đã tấn công 2 tàu tuần dương cấp 3 của Trung Quốc (thực chất là các pháo hạm). Một tàu bị đánh chìm, tàu thứ hai bị thương tích cực kỳ nghiêm trọng. Mãi đến ngày 1/8, Nhật Bản mới chính thức tuyên chiến.

Ban đầu, chiến sự diễn ra trên đất Triều Tiên, nhưng quân Trung Quốc bại trận liên tiếp. Trong khi đó, nước này đang chuẩn bị cho lễ mừng thọ lục tuần rầm rộ cho thái hậu Từ Hy, nên tin dữ từ mặt trận thật là không đúng lúc. Hai tờ báo phát hành lớn nhất Trung Quốc là Shen-pao và Xinwen-pao đã làm tất cả những gì có thể để tạo ra hình ảnh quân Thanh tấn công thắng lợi. Nhiều khi, họ bóp méo thô bạo các sự kiện khi đưa tin rằng, các lực lượng Nhật thất bại và đang rút lui, trong khi tình hình thực tế hoàn toàn là ngược lại.
 
Tàu vận tải Cao Thăng của quân Thanh bị đánh chìm, ngày 25/7/1894

Tuy nhiên, sau khi chiến sự chuyển sang đất Trung Quốc, còn quân Nhật thì đổ bộ lên thành phố Uy Hải Vệ và chiếm giữ hạm đội Bắc Dương đóng ở đó, thất bại của Trung Quốc trở nên rõ ràng. Thanh triều quyết định đàm phán.

Một hòa ước sỉ nhục đối với Trung Quốc đã được ký kết tại thành phố Shimonoseki, ngày 17/4/1885. Theo văn kiện này, Trung Quốc đã chuyển giao cho Nhật Bản các đảo Đài Loan và Bành Hồ, cũng như bán đảo Liêu Đông, trả bồi thường chiến phí 200 triệu lạng bạc (1 lạng tương đương khoảng 37,5 g), mở cửa nhiều hải cảng cho hoạt động thương mại, trao cho Nhật Bản quyền xây dựng các xí nghiệp công nghiệp trên đất Trung Quốc. Hơn nữa, Trung Quốc còn thừa nhận nền tự chủ của Triều Tiên, điều này đem lại cho Nhật Bản không gian hành động trên lãnh thổ nước này. Hòa ước này cùng với các thất bại của Trung Quốc trong các cuộc chiến tranh với các cường quốc phương Tây đã mở đầu cho quá trình biến Trung Quốc thành một nước bán thuộc địa.

Kết quả cuộc chiến Nhật-Trung lần thứ nhất là tia lửa đã làm bùng lên ngọn lửa chiến tranh Nga-Nhật năm 1904-1905. Đức, Pháp và Nga đã đòi Nhật Bản trao trả cho Trung Quốc bán đảo Liêu Đông để đổi lại các khoản tiền trả bổ sung. Tokyo đã buộc phải chấp nhận các yêu cầu của các cường quốc Âu châu và rút quân khỏi bán đảo trong năm 1895. Trong khi đó, Nga đã tiếp tục củng cố quan hệ với Trung Quốc khi ký công ước Nga-Trung năm 1898. Theo văn kiện này, Nga đã được thuê các cảng Port-Arthur (Lữ Thuận) và Đại Liên với các vùng biển lân cận trong vòng 25 năm, cũng như được quyền xây dựng các tuyến đường sắt đến các cảng này.

Tất cả những điều đó đã dẫn đến sự bất bình của Nhật Bản, việc quân sự hóa và cuộc xâm lược của nước này chống Nga. Quan hệ hai nước tiếp tục xấu đi: Nhật Bản bất mãn với việc quân Nga có mặt ở Mãn Châu Lý, năm 1903 đã nổ ra tranh chấp vì những vùng rừng tô nhượng của Nga ở Triều Tiên. Tuy vậy, Nhật Bản đã không thể tìm ra cớ chính thức để phát động cuộc xung đột và đêm 8 rạng sáng 9/2/1904 đã xảy ra điều gần giống như đã diễn ra 10 năm trước: hạm đội Nhật không hề tuyên chiến đã tấn công binh đoàn tàu Nga đang ở bến cảng bên ngoài của Lữ Thuận. Còn 10 tháng sau, sau cuộc chiến phòng ngự kéo dài và oanh liệt, lực lượng đồn trú của pháo đài này đã buộc phải đầu hàng quân Nhật.
 
Quân Nhật tại cảng Lữ Thuận. Tiền cảnh là thiết giáp hạm Poltava bị đánh đắm

Tổn thất lớn của quân Nga (trận Sandepu vào tháng 1/1905 và trận Phụng Thiên vào tháng 2/1905), các trận đánh lớn trên biển, cụ thể là trận đại chiến của hạm đội hai nước ở khu vực đảo Tsushima (trận hải chiến Đối Mã, tháng 5/1905), còn làm cho tình hình kinh tế-xã hội vốn căng thẳng ở Nga thêm trầm trọng. Vào giữa năm 1905, lực lượng của hai bên đều kiệt quê, dẫn đến ký kết hòa ước Porsmouth ngày 5/9.

Theo văn kiện, Nga đã chuyển giao cho Nhật Bản các quyền đối với bán đảo Liêu Đông (với các cảng Lữ Thuận và Đại Liên) và đối với một phần tuyến đường sắt Nam Mãn Châu Lý, Nhật Bản giành được phần nam Sakhalin và quyền đánh cá dọc theo bờ biển Nga trên các biển Nhật Bản, Bering và Okhot. Ngoài ra, hòa ước Porsmouth còn chấm dứt hiệu lực của các minh ước Nga-Trung: minh ước giữa đế quốc Nga và Trung Quốc năm 1896 và công ước Nga-Trung năm 1898 đã bị hủy bỏ.

Bất chấp điều đó, tham vọng của Tokyo vẫn chưa được thỏa mãn. Phái đoàn Nhật yêu cầu Nga trả chiến phí, giao nộp các tàu Nga bị giam giữ và hạn chế quân đội Nga tại Viễn Đông. Nhờ lập trường cứng rắn của người đứng đầu Hội đồng Bộ trưởng Nga Sergei Witte khi tuyên bố rằng, tại hội nghị không có kẻ thắng, người bại, Nhật Bản trước nguy cơ tiếp diễn chiến tranh đã buộc phải từ bỏ các yêu sách này.

Dân chúng Nhật Bản đã đáp lại hiệp ước Porsmouth bằng các cuộc biểu tình đông đảo ở Tokyo. Người dân phẫn nộ với việc các khoản chi phí lớn của Nhật cho chiến tranh sẽ không được đền bù đã phản đối chống hòa ước nhục nhã đối với họ. Những cuộc biểu tình, phản đối đã dẫn tới sự từ chức của Thủ tướng Katsura Tarō vào tháng 1/1906, nhưng làn sóng phẫn nộ của dân chúng cũng không chịu yên. Trong 13 năm tiếp đó, Nhật Bản sẽ hứng chịu hàng loạt các hoạt động phản đối, cuối cùng biến thành “cuộc nổi loạn giá gạo” năm 1918, khi 10 triệu người ở 42 tỉnh nổi loạn phản đối giá gạo tăng.
Một cuộc tập trận ở Nhật Bản (Toshifumi Kitamura / AFP)

Thế chiến II đã đặt dấu chấm hết cho những tham vọng quân phiệt của Nhật. Bản hiến pháp hòa bình do người Mỹ áp đặt cho Nhật Bản đã loại trừ khả năng Nhật Bản tham gia bất kỳ hoạt động quân sự nào, còn nay rõ ràng là Nhật đang muốn có lại khả năng đó. Tuy nhiên, David Pilling viết: “Tôi không tiên đoán chiến tranh, nhưng tình thế không hề đáng vui mừng: trong tương lai gần, tôi không thấy cách nào giải quyết nó”. Bình luận viên của The Financial Times cho rằng, Nhật Bản dự định chọn sử dụng “sức mạnh mềm” làm điểm tựa chính, tức là phổ biến các giá trị văn hóa, truyền thống và tư tưởng của mình trong dân chúng các nước khác.

“Mặc dù trên thế giới không có cái gì yếu hơn và mềm hơn nước, nhưng nó có thể phá hủy cái cứng nhất. Trên thế giới không có cái gì có thể thắng được nước vì nó mềm và yếu hơn mọi thứ”, khái niệm “sức mạnh mềm” đã được nêu như thế trong cổ thư Đạo đức kinh của Trung Hoa cổ đại (thế kỷ IV-III TCN). Trung Quốc từ năm 2004 đã chính thức chọn sử dụng “sức mạnh mềm” và hiện nay đang tích cực áp dụng chiến lược này vào cuộc sống. Dường như, nhân loại sẽ chứng kiến một trận đánh giữa đất nước Mặt trời mọc và Trung Quốc cả trong lĩnh vực này.
Nguồn: Lenta, 25.7.2014. 
http://vietnamdefence.com/Home/khqs/chiendichkhqs/TrungNhat-Tran-hai-chien-dinh-menh/20147/53836.vnd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét