Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Giải mã tín hiệu chiến tranh của Trung Quốc

Giữa lúc căng thẳng dâng cao tại những khu vực như biển Hoa Đông và biển Đông, Trung tâm nghiên cứu Quân sự Trung Quốc thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ đã công bố một báo cáo chuyên sâu về hệ thống các tín hiệu đe dọa chiến tranh của Trung Quốc trong lịch sử.

Nghiên cứu được công bố vào tháng 4 vạch ra kịch bản cho những tín hiệu liên quan đến tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng.
Được viết bởi hai tác giả Paul H.B. Godwin và Alice L. Miller, báo cáo có tên China’s Forbearance Has Limits: Chinese Threat and Retaliation Signaling and Its Implications for a Sino-American Military Confrontation (tạm dịch: Giới hạn nhẫn nại của Trung Quốc: Tín hiệu đe dọa và trả đũa của Trung Quốc cùng hàm ý trong cuộc đối đầu Trung - Mỹ) không chỉ nghiên cứu về các tín hiệu mà còn cả về tiến trình ra quyết định và quản lý khủng hoảng của nước này.
Tín hiệu chiến tranh
Các tín hiệu cảnh báo chiến lược thường ngụ ý về nguy cơ gia tăng xung đột bao gồm các quyết định chính trị và tuyên bố của các lãnh đạo cấp cao, bình luận chính thức hoặc không chính thức của giới truyền thông Trung Quốc.
Trong những trường hợp nêu trên, những tín hiệu cảnh báo chiến lược có thể bao gồm các lời lẽ cường điệu liên quan đến lãnh thổ và lợi ích chiến lược của Trung Quốc. Ví dụ, khi đề cập đến tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mới đây, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi quần đảo này là “lợi ích cốt lõi”, một dấu hiệu về việc Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng vũ lực trong tranh chấp. Trước đây, Trung Quốc cũng nhiều lần úp mở về việc xem biển Đông, nơi mà nước đưa ra các yêu sách chủ quyền phi lý, là “lợi ích cốt lõi”.
Giải mã tín hiệu chiến tranh của Trung Quốc – Kỳ 1
 Tàu hải quân Trung Quốc - Ảnh: AFP 
Trong thời gian gần đây, mỗi khi căng thẳng tăng cao ở biển Hoa Đông cũng như biển Đông, người ta thường nghe thấy một số tướng lãnh “diều hâu” ở Trung Quốc đăng đàn đưa ra những tuyên bố ngạo mạn, chẳng hạn như Trung Quốc “sẽ không đứng nhìn” các nước khác gặm nhấm lãnh thổ Trung Quốc, hoặc nước này, nước kia “đừng đùa với lửa” và “sự kiên nhẫn của Trung Quốc có giới hạn”…
Trong nhiều ví dụ, Bắc Kinh áp dụng một hệ thống các tín hiệu đe dọa và trả đũa nhằm mục đích răn đe đối thủ tiến hành những hành động đi ngược lại với quyền lợi của Trung Quốc bằng cách đe dọa sử dụng sức mạnh quân sự. Và nếu, việc đe dọa thất bại, những phát biểu có mức độ đe dọa ngày càng gia tăng được dùng để giải thích và biện hộ việc sử dụng vũ lực của Bắc Kinh.
Hệ thống răn đe này được áp dụng trong những cuộc chiến lớn của Trung Quốc, như cuộc chiến Triều Tiên 1950, tranh chấp biên giới Ấn - Trung 1961-1962, tranh chấp biên giới Xô - Trung năm 1968-1969, và cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979.
Bắc Kinh áp dụng hệ thống thông qua một trật tự được phân chia kỹ lưỡng các lời phản đối chính thức, bình luận trên báo chí chính thức và tuyên bố của lãnh đạo.
Cảnh báo của các nước khác
Hầu hết các quốc gia, kể cả Mỹ, cũng áp dụng một hệ thống các tuyên bố leo thang nhằm cảnh báo việc sử dụng vũ lực và răn đe kẻ thù trong các vụ tranh chấp và khủng hoảng song ít phức tạp hơn, thông qua các tuyên bố công khai từ người phát ngôn của Bộ Ngoại giao cho đến Tổng thống.
Washington có thể leo thang các tuyên bố vốn không đề cập trực tiếp hay ngấm ngầm đến việc sử dụng vũ lực như: “không có lựa chọn nào được loại bỏ”. Nếu cần phải gia tăng sự răn đe, Washington có thể biến đổi một chút thành “mọi lựa chọn đều được xem xét”.
Từ đây, Washington có thể đề cập cụ thể hơn “lựa chọn quân sự đang được xem xét”. Cuối cùng, nếu những cảnh báo trước đó không được lưu ý, Washington có thể tuyên bố họ “không còn lựa chọn nào khác ngoài vũ lực”.


 
Nếu cuộc khủng hoảng tồn tại và những quan điểm về quyền lợi của Bắc Kinh không được làm thỏa mãn, các tuyên bố của họ sẽ leo thang theo trật tự và có thể bao gồm lời ngụ ý đầu tiên về việc sử dụng sức mạnh quân sự để đạt được mục tiêu. Cách tiếp cận này trước sau như một vẫn được thực thi bất chấp những thay đổi chóng mặt về trật tự thế giới, sự phổ biến của các phương tiện ngoại giao và sự phát triển của truyền thông.
Sư răn đe chiến lược
Hệ thống răn đe của Trung Quốc vốn phù hợp với quá trình hiện đại hóa sức mạnh quân sự của nước này. Trong báo cáo mới nhất về quân đội Trung Quốc được Lầu Năm Góc gửi đến Quốc hội Mỹ vào đầu tháng 5, Bộ Quốc phòng Mỹ đã lần đầu tiên đưa vào một câu: “Giới lãnh đạo Trung Quốc xem một quân đội hiện đại là sự răn đe then chốt nhằm ngăn chặn hành động của các thế lực bên ngoài vốn có thể làm tổn hại lợi ích Trung Quốc, hoặc cho phép Trung Quốc phòng vệ chống lại những hành động đó nếu sự răn đe không phát huy tác dụng”.
Theo trung tá lục quân Mỹ Dennis Blasko, cựu tùy viên quân sự Mỹ tại Bắc Kinh, trên tạp chí Jane’s Defence Weekly mới đây, các phân tích quốc tế về quá trình hiện đại hóa quy ước của quân đội Trung Quốc trước nay thường tập trung vào năng lực chiến đấu của các vũ khí, khí tài mà ít lưu ý đến mục đích đầu tiên nhằm răn đe. Việc Lầu Năm Góc đưa câu trên vào đã thừa nhận một yếu tố quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc: xây dựng năng lực chiến thắng một cuộc chiến là nhiệm vụ cốt lõi của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) song mục đích đầu tiên của những năng lực này là ngăn chặn chiến tranh.
Hệ thống răn đe được Trung Quốc sử dụng nằm đạt được mục tiêu chính trị mà không cần phải trải qua một cuộc chiến. Ghi nhận toàn bộ phản ứng của Trung Quốc trước mỗi cuộc chiến lớn của nước này từ năm 1949 đến nay, các tác giả của báo cáo China’s Forbearance Has Limits, đã tổng kết về bốn bước leo thang của Trung Quốc mỗi khi Bắc Kinh muốn tiến hành chiến tranh:
- Kết hợp các hành động ngoại giao và chính trị với sự chuẩn bị quân sự một cách có hệ thống khi tín hiệu leo thang đến cấp thẩm quyền cao hơn. Những sự chuẩn bị này thường được công khai và đưa vào những thông điệp ngoại giao và chính trị nhằm ngăn chặn nước đối địch thực hiện hành động mà Bắc Kinh cảm thấy bị đe dọa.
- Tuyên bố tại sao Trung Quốc có lý do để sử dụng vũ lực nếu cần thiết. Thông điệp nhắm đến cả trong nước và quốc tế. Về bản chất, Bắc Kinh tuyên bố họ đối đầu một mối đe dọa nghiêm trọng với an ninh và lợi ích mà nếu không thể kết liễu, sẽ cần đến việc sử dụng vũ lực.
- Khẳng định việc sử dụng vũ lực không phải là giải pháp mong muốn của Bắc Kinh với mối đe dọa phía trước song họ buộc phải sử dụng nếu kẻ đối đầu không lưu tâm đến những cảnh báo được gửi đi. Tóm lại, chiến lược đánh tín hiệu của Bắc Kinh nhằm tạo dựng cơ sở để biện minh cho việc sử dụng vũ lực. Những tín hiệu này sẽ giúp Bắc Kinh vẽ ra hình ảnh một đất nước mong muốn hòa bình chỉ triển khai quân đội khi phòng thủ và khi bị kẻ thù khiêu khích.
- Nhấn mạnh rằng sự nhẫn nại và kiềm chế của Trung Quốc không nên được xem là sự yếu ớt và Trung Quốc sẵn sàng triển khai lực lượng nếu cần thiết.

Các tuyên bố chính thức của giới lãnh đạo Trung Quốc hoặc bình luận của giới truyền thông được Bắc Kinh triển khai trong các cuộc khủng hoảng quốc tế tương quan với nguồn gốc thẩm quyền của những tuyên bố đó.

Tuyên bố của giới lãnh đạo
Thẩm quyền trong các tuyên bố từ giới lãnh đạo phản ánh vị trí của mỗi lãnh đạo trong tổ chức đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc chính phủ nước này. Ví dụ, tuyên bố của một bí thư đảng hoặc chủ tịch cấp tỉnh, thành ít thẩm quyền hơn tuyên bố của một ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương đảng hoặc ủy viên Quốc vụ.
Tuyên bố của những quan chức vừa mới nêu lại ít thẩm quyền hơn phát biểu của một ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị trong cơ cấu của đảng hoặc Thủ tướng Quốc vụ viện. Mọi tuyên bố trên đều ít thẩm quyền hơn tuyên bố của Tổng bí thư đảng hoặc Chủ tịch Trung Quốc.
Tương tự, quyền hạn của các lãnh đạo quân đội phản ánh tương quan vị trí của họ trong cơ cấu của quân đội Trung Quốc. Một tuyên bố của tư lệnh hoặc chính ủy quân khu không nghiêm trọng bằng tuyên bố của một tư lệnh hoặc chính ủy đại quân khu. Những tuyên bố này lại ít thẩm quyền hơn tuyên bố của Tổng tham mưu trưởng hoặc Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và kế đến là Quân ủy Trung ương và Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch của cơ quan quyền lực này.
Mọi tuyên bố và phát biểu của giới lãnh đạo mang tính chính thức trong những trường hợp sau đây:
- Tuyên bố của ủy viên Bộ Chính trị, quan chức nhà nước và lãnh đạo PLA trong cuộc gặp với khách nước ngoài.
- Phát biểu với các lãnh đạo nước ngoài trong các buổi tiệc chiêu đãi, họp báo và khi công du nước ngoài.
- Phỏng vấn với truyền thông trong nước và ngoài nước.
Giải mã những tín hiệu chiến tranh của Trung Quốc – Kỳ 2
 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi - Ảnh: AFP
Thông thường, mọi lãnh đạo đều chuyển tải lập trường thống nhất về vấn đề chính sách đối ngoại và điều này phản ánh sự đồng thuận về vấn đề trong giới lãnh đạo Trung Quốc.
Tuy nhiên, cần lưu ý đến nguồn gốc khi phân tích những tuyên bố đó. Những tuyên bố của lãnh đạo được truyền thông Trung Quốc chuyển tải, dù bằng tiếng Trung Quốc hoặc dịch ra tiếng nước ngoài, luôn mang tính chính thức vì chúng đã được hiệu đính và chuyển ngữ chính thức. Tuyên bố của các lãnh đạo được truyền thông nước ngoài tường thuật cũng mang tính chính thức song cần thận trọng vì sự thể hiện và cách chuyển ngữ chưa được Bắc Kinh hiệu đính để đăng tải.
Tuyên bố và phản đối về các cuộc khủng hoảng và tranh chấp được các cơ quan, thường là Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cân nhắc kỹ lưỡng trong hệ thống quyền hạn. Thấp nhất về quyền hạn là tuyên bố của “người phát ngôn Bộ Ngoại giao”. Kế đó là “tuyên bố của Bộ Ngoại giao”. Mọi tuyên bố này đều xếp dưới “tuyên bố của chính phủ nước CHND Trung Hoa”, tuyên bố cao nhất về mặt nhà nước.
Nhân dân Nhật báo
Kênh có thẩm quyền đáng chú ý nhất trong giới truyền thông trước các tranh chấp và khủng hoảng quốc tế là tờ Nhân dân Nhật báo, nhân danh Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, từ “thẩm quyền” chỉ đề cập duy nhất đến xã luận nhân danh tờ Nhân dân Nhật báo, mà mở rộng ra là Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.
Phương tiện có thẩm quyền nhất trong lịch sử là “xã luận của ban biên tập”. Trong lịch sử, chúng rất hiếm khi xuất hiện và được để dành cho những vấn đề hệ trọng nhất trong quan hệ giữa các đảng Cộng sản trên thế giới.
Dưới cấp đó và thường xuyên xuất hiện hơn là các bài “xã luận” và cuối cùng là bài viết của “bình luận viên bản báo”.
Ngoài ra, còn có những phương tiện bình luận cũng không rõ là có đại diện cho tờ báo hay không song mang nhiều ý nghĩa hơn những bình luận thông thường. Chúng bao gồm các bài báo được ký tên là “người quan sát” hoặc “bình luận viên đặc biệt”.
Toàn bộ những nội dung khác trên tờ Nhân dân Nhật báo, gồm cả các bình luận thông thường, các bài báo ký tên, và tường thuật không được xem là có thẩm quyền nhân danh lãnh đạo Trung Quốc và do đó thường không liên quan đến hệ thống cảnh báo của Bắc Kinh.
Những phương tiện truyền thông khác cũng thường xuất bản các bài bình luận về khủng hoảng quốc tế và những tranh chấp dính líu đến Bắc Kinh. Ví dụ như tờ PLA Daily, các bài “xã luận” hoặc bài viết của “bình luận viên” thường đại diện cho chủ quản của tờ báo, tức Tổng cục Chính trị thuộc PLA.
Tuy nhiên, những bình luận đó cách biệt so với thẩm quyền trung tâm của tờ Nhân dân Nhật báo và thường không liên hệ đến hệ thống cảnh báo của Bắc Kinh.
Cuối cùng, bình luận của Tân Hoa xã, cơ quan ngôn luận chính thức của Quốc vụ viện, thường không có thẩm quyền ngoại trừ một số trường hợp khi Tân Hoa xã phát đi dưới dạng những bình luận hoặc tuyên bố “được ủy nhiệm”.
Tuy nhiên, với sự phát triển của truyền thông, theo thời gian, đã có nhiều sự thay đổi về mô hình bình luận. Sự xuất hiện của tờThời báo Hoàn cầu, một ấn phẩm phụ của của tờ Nhân dân Nhật báo, với nhiều bài báo kích động chiến tranh có thể được xem là một hình thái mới. Nhìn chung, những bài báo “giả thẩm quyền” như thế không được xem là thuộc hệ thống cảnh báo chiến tranh của Bắc Kinh dù chúng mang những từ ngữ kích động quen thuộc.
Cơ cấu những tuyên bố của lãnh đạo, phản đối chính thức và bình luận của truyền thông là sự bày binh bố trận theo ba tầng. Hệ thống này được thiết lập như một bậc thang về sự gia tăng phản ứng mà Bắc Kinh dùng để chuyển tải tính cấp thiết.
Khi Bắc Kinh cần ám chỉ việc sử dụng vũ lực, họ triển khai một loạt những lời đe dọa và cảnh báo trả đũa quen thuộc. Dưới đây là danh sách trật tự những lời đe dọa theo chiều hướng gia tăng:
- X “đang đùa với lửa” và có thể “bị cháy”
- Cho đến nay Bắc Kinh đã “kiềm chế và nhẫn nại hết mức” song “đừng xem đó là biểu hiện của sự yếu ớt và phục tùng”
-  Đừng “bịt tai trước những cảnh báo của Trung Quốc”; Trung Quốc “không thể đứng yên”
- “Các người muốn đi đến đâu? Hãy chờ rồi xem”
- “Sự kiên nhẫn của Trung Quốc có giới hạn”; X “đang lừa dối chính mình khi nghĩ rằng chúng tôi yếu ớt và có thể bức hiếp”
- Nếu X không dừng cách hành xử đó, họ “sẽ bị trừng phạt xứng đáng”
- “Đừng phàn nàn về sau rằng chúng tôi không cảnh báo trước rõ ràng”
- Chúng tôi đã bị “đẩy ra khỏi giới hạn nhẫn nại” và “buộc phải phản công”; “sự kiềm chế của chúng tôi bị xem là lời mời gọi cho việc bức hiếp; “cảnh báo của chúng tôi không được đếm xỉa”
- “Chúng tôi sẽ không tấn công nếu chúng tôi không bị tấn công; nếu chúng tôi bị tấn công dứt khoát chúng tôi sẽ phản công”
Phần nhiều những từ ngữ này có thể tìm thấy trong những bình luận cấp thấp vốn không đại diện cho thẩm quyền của nhà nước Trung Quốc. Những cảnh báo dạng này có thể được xem là biểu hiện lo ngại ở cấp thấp của Bắc Kinh song chúng không có trọng lượng như khi được biểu hiện trong các bình luận có thẩm quyền.
Bằng cách theo dõi những cấp độ thẩm quyền và nội dung các thông báo của giới lãnh đạo, các phản đối chính thức và bình luận của Nhân dân Nhật báo và lưu ý đến những lời đe dọa và cảnh báo trả đũa trong đó, giới quan sát có thể đánh giá ý định và tính nghiêm trọng trong cách phản ứng của Bắc Kinh trước một cuộc tranh chấp hoặc khủng hoảng leo thang và phát hiện ra những ám chỉ đến việc sử dụng vũ lực.

 Kịch bản đe dọa chiến tranh của Trung Quốc tại biển Đông bắt nguồn từ việc Trung Quốc xem sự hợp tác giữa Mỹ và hải quân các nước tại Đông Nam Á là xu hướng đe dọa chiến lược của họ.


Mối đe dọa chiến lược của Bắc Kinh
Đó là xu hướng mà Bắc Kinh cho rằng bắt nguồn từ phát biểu kiên quyết của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về lợi ích của Mỹ tại biển Đông nhân một hội nghị ASEAN vào tháng 7.2010.
Sự hiện hữu của Hiệp ước phòng thủ chiến lược giữa Washington và Manila được xem là sẽ cho phép Mỹ có thể tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines, và Bắc Kinh lo ngại điều này sẽ giúp Mỹ thiết lập một căn cứ hậu cần cho các hoạt động của nước này tại khu vực.
Theo các tác giả của báo cáo China’s Forbearance Has Limits, hệ thống tín hiệu của Bắc Kinh được thiết kế nhằm thể hiện rằng Bắc Kinh xem chiến lược này là vấn đề nghiêm trọng đối với họ.
Mặc dù khẳng định không theo đuổi việc xây dựng một liên minh khu vực chống Trung Quốc, tuy nhiên, như một phần của chiến lược chuyển trọng tâm sang châu Á, Mỹ đã tìm cách trấn an các đồng minh rằng Washington sẽ duy trì một sự hiện diện quân sự mạnh mẽ tại khu vực. Một phần chiến lược này là nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải tại biển Đông.
Với sự tổng kết về những động thái của Trung Quốc trong quá khứ, các tác giả của báo cáo China’s Forbearance Has Limitsđã vẽ ra một viễn cảnh leo thang đe dọa của Trung Quốc khi Bắc Kinh cảm thấy bị đe dọa bởi sự hiện diện của Mỹ tại biển Đông.
Giải mã tín hiệu chiến tranh của Trung Quốc – Kỳ 3
 Tàu sân bay USS George Washington của Mỹ - Ảnh: AFP
Kịch bản đe dọa của Trung Quốc tại biển Đông
Theo các tác giả, những tín hiệu cảnh báo của Bắc Kinh sẽ bắt đầu ở cấp thẩm quyền thấp, với phát biểu của một chính ủy hạm đội Nam Hải ở căn cứ hải quân Du Lâm tại Hải Nam. Phát biểu của ông này bao gồm việc phân tích những diễn biến tại biển Đông, nhấn mạnh về sự gia tăng hợp tác quân sự giữa Mỹ và lực lượng hải quân các nước trong khu vực.
 
Bước đi đầu tiên của Trung Quốc là đánh tín hiệu đến Mỹ rằng lợi ích trên biển của Trung Quốc, cụ thể ở biển Đông, là vấn đề quan trọng cần thảo luận giữa giới chức quốc phòng hai nước.
Ông này sẽ điểm lại những cuộc thăm viếng của tàu hải quân Mỹ đến các nước trong khu vực. Song song đó, một bài báo của tờ PLA Daily về chủ đề này sẽ nhấn mạnh cam kết của Trung Quốc với sự hợp tác và ổn định ở biển Đông dù họ phải bảo vệ quyền lợi trên biển.
Trong chuyến thăm Trung Quốc của tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, tư lệnh hải quân Trung Quốc sẽ nhắc lại quan điểm tương tự, nhấn mạnh nhu cầu hợp tác giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc cùng các nước trong khu vực.
Bước đi đầu tiên của Trung Quốc là đánh tín hiệu đến Mỹ rằng lợi ích trên biển của Trung Quốc, cụ thể ở biển Đông, là vấn đề quan trọng cần thảo luận giữa giới chức quốc phòng hai nước.
Nếu không nhận được phản hồi từ Mỹ trong một tuần, Trung Quốc sẽ thực hiện bước tiếp theo bằng cách đưa cả Bộ Ngoại giao vào cuộc. Tại một cuộc họp báo hằng tuần, người phát ngôn Bộ Ngoại giao sẽ phát biểu về tầm quan trọng của lợi ích trên biển với Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và khai tác tài nguyên biển. Chủ quyền và tài nguyên là vấn đề then chốt trong các bình luận đó, không phải là an ninh hoặc quốc phòng.
Tờ PLA Daily sẽ đăng tải một bài bình luận ký tên nói về một cuộc tập trận thường kỳ của hải quân Trung Quốc ở biển Đông và tầm quan trọng của một lực lượng hải quân hùng mạnh nhằm bảo vệ lợi ích trên biển của Trung Quốc. Bài báo cũng nói sơ về nhu cầu hợp tác bảo đảm an ninh hàng hải.
Nếu không nhận được phản hồi tích cực từ Mỹ, Bắc Kinh sẽ thực hiện bước kế tiếp, theo kịch bản. Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao và một bình luận viên của tờ Nhân dân Nhật báo sẽ tập trung vào lợi ích trên biển của Trung Quốc và nhu cầu tránh căng thẳng quân sự thông qua ngoại giao và đàm phán nhằm bảo đảm quyền lợi của mỗi bên được thấu hiểu. Để chấp dứt điều này, khi căng thẳng quân sự nảy sinh, các bên cần đồng ý đàm phán cấp cao nhằm hạ nhiệt nếu không loại bỏ được căng thẳng.
Nếu không nhận được phản hồi rõ rệt của Mỹ trước gợi ý về một cuộc họp cấp cao để Bắc Kinh có thể bày tỏ lo ngại trực tiếp, hệ thống tín hiệu của Trung Quốc sẽ leo thang với những ngôn từ trực tiếp hơn. Một thứ trưởng Ngoại giao sẽ bày tỏ ý định bảo vệ chủ quyền và lợi ích trên biển trước bất kỳ mối đe dọa nào. Tuyên bố này sẽ song hành cùng một bài xã luận của tờ Nhân dân Nhật báo phân tích chiến lược của Mỹ tại biển Đông.
Bài báo nhấn mạnh điều mà họ xem là nỗ lực của Mỹ sẽ chống lại những lợi ích và chủ quyền trên biển của Trung Quốc bằng cách cung cấp viện trợ, kể cả viện trợ quân sự, cho các nước ASEAN có tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.
Chiến lược này sẽ được Bắc Kinh xem là làm hủy hoại sự yên bình ở biển Đông và tạo ra căng thẳng quân sự không cần thiết trong khu vực. Hơn nữa, Mỹ sẽ được gọi là thế lực bên ngoài muốn gây căng thẳng khu vực nhằm phục vụ cho các mục tiêu bá quyền. Trừ phi Mỹ đồng ý tham dự cuộc họp cấp cao với Trung Quốc nhằm giải quyết bất đồng, họ sẽ phải gánh chịu hậu quả với chiến lược này, theo phía Trung Quốc.
 
Việc không sắp xếp một cuộc họp sẽ khiến Trung Quốc không còn chọn lựa nào khác ngoài việc tăng cường triển khai quân sự tại khu vực và biển Đông để chống lại chiến lược quân sự của Mỹ.
Ngay khi Mỹ đang lưỡng lự về một cuộc họp cấp thứ trưởng, Trung Quốc sẽ tiến hành bước leo thang tiếp theo, theo kịch bản. Ngoại trưởng Trung Quốc sẽ tổ chức một cuộc họp báo nơi quan chức này tuyên bố sự kiềm chế của Trung Quốc trước hành động khiêu khích của Mỹ ở biển Đông không nên được xem là biểu hiện của sự yếu ớt. Sự nhẫn nại của Trung Quốc nên được xem là sự chứng minh cho cam kết xây dựng và duy trì môi trường an ninh hòa bình tại khu vực. Tuy nhiên, sự nhẫn nại và kiềm chế của Trung Quốc có giới hạn trước chính sách chính trị dựa trên sức mạnh của Mỹ nhằm duy trì vị thế bá chủ. Trung Quốc đã thúc giục Mỹ đồng ý tổ chức cuộc họp cấp cao nơi quyền lợi và chính sách của mỗi nước sẽ được bàn bạc và bất đồng được giải quyết.
Việc không sắp xếp một cuộc họp sẽ khiến Trung Quốc không còn chọn lựa nào khác ngoài việc tăng cường triển khai quân sự tại khu vực và biển Đông để chống lại chiến lược quân sự của Mỹ. Đây không phải là lựa chọn mong muốn của Trung Quốc song là phản ứng trước sự bắt nạt và chính sách chính trị dựa trên sức mạnh của Mỹ.
Không lâu sau tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc, sĩ quan cao cấp nhất của Trung Quốc, một phó chủ tịch Quân ủy Trung ương và là ủy viên Bộ Chính trị, sẽ đưa ra tuyên bố. Người này sẽ tuyên bố quân đội Trung Quốc tận tâm và chuẩn bị bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trước mọi thế lực thù địch.
Sơn Duân
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130527/giai-ma-tin-hieu-chien-tranh-cua-trung-quoc-ky-3.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét