Dựa trên bằng chứng từ nguồn công khai không nhiều lắm và xem xét những ấn phẩm nội bộ của TQ, nổi lên 16 nhân tố tâm lý-những mối lo ngại hay khả năng dễ bị tổn thương về quân sự - giải thích vì sao TQ xây dựng các lực lượng quân sự như hiện nay và những nhân tố có thể có ảnh hưởng đối với chính sách quân sự của TQ trong tương lai.
Nhà phân tích quân sự Michael Pillsbury trong bài viết trên tạp chí Surival gần đây đã nêu ra 16 cái sợ để giải thích vì sao Bắc Kinh xác định những yêu cầu chiến lược cụ thể và tập trung phát triển một số hệ thống trong thập kỷ qua để tăng cường sức mạnh quốc phòng.
Không có cách nào để biết chắc danh mục mười sáu cái sợ này đã đầy đủ chưa, và cũng không thể xếp theo thứ tự mức độ sợ hãi, nhưng chắc rằng tất cả sẽ tiếp tục tác động đến quá trình ra quyết định quốc phòng của TQ về lâu dài.
16 nỗi sợ này gồm: Sợ bị phong tỏa bởi các đảo; Sợ mất các nguồn tài nguyên biển; Sợ bị chặn các đường giao thông biển; Sợ bị xâm lược trên bộ hay chia cắt lãnh thổ; Sợ bị tiến công bằng lực lượng thiết giáp hay không quân; Sợ mất ổn định bên trong do những cuộc bạo loạn, nội chiến hay khủng bố; Sợ hệ thống đường ống bị tiến công; Sợ các đòn tiến công từ tàu sân bay; Sợ các đòn tập kích đường không lớn; Sợ Đài Loan trở thành một quốc gia độc lập; Sợ các lực lượng chưa đủ mạnh để “giải phóng” Đài Loa; Sợ các lực lượng tên lửa chiến lược bị tiến công bằng lực lượng biệt kích, gây nhiễu hay vũ khí tiến công chính xác; Sợ leo thang và mất khả năng kiểm soát; Sợ bị tiến công điều khiển học; Sợ bị tiến công vào các vũ khí chống vệ tinh; Sợ các nước láng giềng trong khu vực.
1. Sợ bị phong toả bởi các đảo
Nhiều nhân vật trong Quân đội TQ lo ngại rằng TQ có thể dễ dàng bị một cường quốc bên ngoài phong toả dựa vào một dãy đảo trải dài từ Nhật đến Philippines trên đó rất dễ xây dựng công sự. TQ coi dãy đảo này là chướng ngại vật địa lý thiên nhiên chặn lối ra biển khơi của TQ-một điều kiện mà các nước xung quanh TQ đang tích cực khai thác.
Thật vậy, một cựu tham mưu trưởng hải quân Nhật đã từng huyênh hoang nói rằng tàu ngầm của TQ sẽ không thể lọt qua dãy đảo Ryukuy để ra vùng biển khơi của Thái Bình Dương lên phía Bắc hay Nam Đài Loan, hoặc qua Eo biển Bashi (luzon) mà không bị các lực lượng chống ngầm của Mỹ và Nhật phát hiện.
Các tác giả của những bài viết trên báo chí quân sự TQ thường đề cập sự cần thiết của việc huấn luyện, diễn tập và kế hoạch chiến dịch quân sự nhằm phá vỡ thế bị phong toả bởi các đảo. Một bài viết phân tích mang tính nghiên cứu về tác chiến hình dung bảy loại phương tiện thù địch mà tàu ngầm TQ sẽ phải khắc phục để phá vỡ hàng rào phong toả. Kẻ địch sẽ sử dụng một hệ thống phong toả chống TQ gồm các mạng chống ngầm, hệ thống thuỷ âm, thuỷ lôi ngầm, chiến hạm nổi, máy bay chống ngầm, tàu ngầm và vệ tinh trinh sát. Những sĩ quan TQ viết bài phân tích này dẫn ra mười bài nghiên cứu trước từ năm 1997 đến 2004 cũng đã đề cập việc ước tính lực lượng cần thiết như thế nào để phá vỡ thế bị phong toả do dãy đảo tạo ra.
Hải quân Trung Quốc tập trận hồi tháng 7
2. Sợ mất các nguồn tài nguyên biển
Một cái sợ khác về biển mà các tác giả TQ quan tâm là những nguồn tài nguyên quí giá bên trong ranh giới lãnh hải của TQ đang bị các cường quốc bên ngoài cướp đoạt do Hải quân TQ còn yếu, khiến sự phát triển tương lai của TQ bị đe doạ. Đã có nhiều đề xuất khác nhau nhằm cải thiện tình hình này. Trương Văn Mộc, vốn là một nhà nghiên cứu trong nhóm cố vấn của Bộ An ninh Nhà nước, thường nói:
“Hải quân gắn với sức mạnh biển của TQ, và sức mạnh biển gắn với sự phát triển tương lai của TQ. Tôi nhận thấy nếu một quốc gia không có sức mạnh biển thì sự phát triển không có tương lai”. Một bài viết đăng trên tạp chí “Nghiên cứu kinh tế quân sự” năm 2005 cho rằng kinh tế đối ngoại của TQ, ngoại thương và
các thị trường ở hải ngoại của TQ “tất cả đều cần được bảo đảm bằng một lực lượng quân sự hùng mạnh; nếu không, TQ có thể sẽ rơi vào thế bị động”.
3. Sợ bị chặn các đường giao thông trên biển
Nhiều bài viết trên báo chí TQ nói đến ngay có các đường giao thông trên biển của TQ dễ bị “cắt đứt”, đặc biệt là đường vận chuyển dầu lửa “có tầm quan trọng sống còn” qua Eo biển Malắcca. Những người hộ chủ trương xây dựng lực lượng hải quân biển xanh nêu lý do không an toàn của việc nhập khẩu năng lượng. Có người cho rằng các hạm đội Mỹ, Nhật và Ấn Độ kết hợp với nhau “tạo ức ép vô cùng lớn đối với đường vận chuyển dầu lửa của TQ”, nhưng cũng có người cho rằng “chỉ nước Mỹ có đủ sức mạnh và dám chặn đường vận chuyển dầu lửa của TQ”.
Tương tự như vậy, cuốn “Hướng dẫn Nghiên cứu lý luận chiến dịch”, một cuốn sách giáo khoa do các học giả trường Đại học Quốc phòng TQ viết năm 2001, đề cập nhiều tình huống có thể xảy ra về việc ngăn chặn và bảo vệ các đường giao thông trên biển”. Khoa học chiến dịch”, một tài liệu giáo khoa quan trọng khác, cũng do trường Đại học Quốc phòng biên soạn, bàn về việc bảo vệ các đường giao thông trên biển trong ấn bản năm 2006.
Một số tác giả coi đây là vấn đề cấp bách: “Về những vấn đề… cấm vận đường biển hay đường vận chuyển dầu lửa bị cắt đứt… TQ phải… ‘sửa nhà trước khi trời mưa’ ”. Những người ủng hộ chủ trương này dường như muốn nhanh chóng chuyển từ nỗ lực phát triển hải quân chủ yếu dựa vào tàu ngầm sang ưu tiên phát triển hải quân lấy tàu sân bay làm “nòng cốt”. Những người ủng hộ chủ trương bảo đảm an toàn cho các đường giao thông trên biển nhiều tham vọng nhất mong muốn lực lượng quân sự TQ có mặt trên toàn cầu.
4. Sợ bị xâm lược trên bộ hay chia cắt lãnh thổ
TQ đã vạch kế hoạch chiến dịch đối phó với những tình huống bị xâm lược khác nhau trong một cuốn Điều lệ huấn luyện chỉ sử dụng trong quân đội; và một công trình nghiên cứu có ảnh hưởng do các nhà nghiên cứu của trường Đại học Quốc phòng, Viện Hàn lâm khoa học quân sự và các nhóm chuyên gia chiến lược hàng đầu khác tiến hành năm 2005 đã đánh giá những mặt dễ bị tổn thương của bảy đại quân khu, xem xét nhữung con đường khác nhau mà kẻ địch có thể tiến vào xâm lược TQ.
Trên cơ sở điều kiện địa lý của từng quân khu và những hành động xâm lược của các lực lượng nước ngoài trong lịch sử họ dự báo khả năng dễ bị tổn thương khi bị tiến công trên bộ trong tương lai, thậm chí xác định các nước láng giềng là những kẻ xâm lược tiềm tàng. Những thay đổi gần đây về cơ cấu lực lượng Quân giải phóng Nhân dân dường như nhằm nâng cao khả năng chống hành động xâm lược TQ trên bộ.
5. Sợ bị tiến công bằng lực lượng thiết giáp hay không quân
Ba đại quân khu dọc biên giới phía Bắc với nước Nga, bao gồm cả quân khu Bắc Kinh, được coi là dễ bị tổn thương trước những đòn tiến công bằng lực lượng thiết giáp và đổ bộ đường không, như nhận định trong công trình nghiên cứu “Địa lý quân sự chiến trường của TQ” năm 2005.
Cuộc tập trận “Thanh gươm miền Bắc” (Northern sword) ở Nội Mông trong năm 2005 với sự tham gia của 2 sư đoàn thiết giáp: trên 2800 xe tăng và xe thiết giáp và lực lượng không vận từ cự ly 2000 km là “Cuộc diễn tập dã chiến lớn nhất giả định một cuộc tấn công quân khủng bố được sự trợ giúp về quân sự của nước ngoài.
Qua những bài viết trên báo chí TQ, có thể suy ra rằng cuộc diễn tập giả định tình huống đối phó hành động xâm lược bằng lực lượng thiết giáp.
6. Sợ mất ổn định bên trong do những cuộc bạo loạn, nội chiến hay khủng bố
Những tuyên bố thường xuyên của TQ chống những phần tử chủ trương tách Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương ra khỏi TQ cho đến nay vẫn được coi là những lời nói cường điệu thông thường của TQ, nhưng thực ra cũng phản ánh mối lo ngại sâu sắc về sự toàn vẹn lãnh thổ của TQ.
Trong tháng 9.2003, báo chí TQ đưa tin 10 cuộc diễn tập chống khủng bố, mỗi tháng đang được tiến hành trên khắp đất nước, một tần số mà Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản, nhận xét là “hiếm thấy từ trước đến nay”.
Những tình huống giả định trong các cuộc diễn tập bao gồm bắt con tin, cướp ngân hàng, tấn công vũ trang vào các cơ sở của chính phủ và những nơi đang diễn ra các cuộc thi đấu thể thao, tấn công bằng vũ khí hoá học và sinh học, các toà cao ốc sụp đổ, những vụ nổ ở các trung tâm mua sắm và đánh cắp các tác nhân sinh học.
7. Sợ hệ thống đường ống bị tiến công
Báo chí TQ đưa tin ít nhất từ năm 2001, hàng năm TQ đã tiến hành các cuộc diễn tập bảo vệ đường ống (gọi là những cuộc diễn tập “Trường Thành”) không rõ TQ coi mối đe doạ đối với hệ thống đường ống chủ yếu liên quan đến phần các phần tử khủng bố trong nước hay một phần trong âm mưu tiến hành một cuộc xâm lược trên bộ của nước ngoài. Mối lo ngại này có lẽ thể hiện một phần trong các kế hoạch huấn luyện cũng như tổ chức lực lượng chống khủng bố.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc
8. Sợ các đòn tiến công từ tàu sân bay
Ít nhất trong một thập kỷ, các tác giả của những bài viết trên báo chí quân sự TQ đã nhận định về nguy cơ có thể bị Mỹ tiến công từ các tàu sân bay và phân tích cách đối phó thế nào cho hiệu quả nhất. Một số cho rằng các lực lượng TQ nên nhằm vào những mặt dễ bị tổn thương của các tàu sân bay Mỹ trong khi số khác đề xuất những hệ vũ khí cụ thể mà TQ nên phát triển. Một trong những hệ vũ khí đó là “tên lửa chống tàu sân bay”.
9. Sợ các đòn tập kích đường không lớn
Trong phần lớn quá trình lịch sử, Không quân TQ thuộc loại kém phát triển và không được coi trọng so với lục quân. Tuy nhiên, từ năm 2004, Không quân TQ đã được giao nhiệm vụ quan trọng hơn, và được xếp ngang hàng với các quân chủng khác. Từ năm 1990, Không quân TQ đã loại khỏi trang bị gần 3000 máy bay cũ, giảm số lượng máy bay chiến đấu từ khoảng 5000 chiếc xuống còn 2000 chiếc có khả năng chiến đấu tốt hơn để bảo vệ lãnh thổ TQ. Lục quân cũng tiếp tục tăng cường khả năng phòng không.
Một nửa số tập đoàn quân của Lục quân TQ hiện nay có các lữ đoàn phòng không. Ngoài ra, trong thập kỷ qua, lục quân còn được cung cấp thêm nhiều trang bị, bao gồm pháo phòng không, tên lửa đất-đối không và trang thiết bị bảo đảm hậu cần. Một phần ba số sư đoàn dự bị của lục quân là các đơn vị pháo phòng không.
10. Sợ Đài Loan trở thành một quốc gia độc lập
Đài Loan trở thành một quốc gia độc lập sẽ không chỉ là một thảm hoạ chính trị đối với tính hợp pháp của chế độ mà đối với Quân giải phóng Nhân dân, mất Đài Loan, với đường hàng hải xung quanh, còn là một tổn thất về quân sự, hơn nữa, một cường quốc bên ngoài có thể sử dụng hòn đảo này làm căn cứ kiềm chế TQ và củng cố dãy đảo phong toả TQ.
Nhiều bài viết trên báo chí TQ khiến người ta có cảm tưởng rằng Bắc Kinh sợ các lực lượng quân sự TQ chưa đủ sức ngăn ngừa Đài Loan tuyên bố độc lập. TQ đã đầu tư rất nhiều cho việc tăng cường khả năng đối phó với tình huống bất trắc ở Đài Loan như tăng cường hệ thống đảm bảo hậu cần liên quân, hệ thống chỉ huy và điều khiển cho các chiến dịch đa quân chủng, và lực lượng hải quân để răn đe và ngăn chặn các lực lượng Hải quân Mỹ ở những khu vực then chốt, và phát triển không lực cùng vũ khí tiến công chính xác để đối phó với tình huống xảy ra xung đột cục bộ, nhưng vẫn chưa hết sợ.
11. Sợ các lực lượng chưa đủ mạnh để “giải phóng” Đài Loan
Ít nhất là từ năm 1992, Quân giải phóng Nhân dân đã tập trung nhiều vào việc tăng cường khả năng đối phó với nguy cơ xung đột tiềm tàng về vấn đề Đài Loan. Trong 15 năm qua, Lục quân TQ tập trung nhiều cho việc huấn luyện tiến hành các chiến dịch đổ bộ; cả hải quân và không quân cũng đều chú trọng huấn luyện thực hiện nhiệm vụ yểm trợ cho việc đối phó với các tình huống bất trắc ở Đài Loan. Kết quả trong mấy năm, hoạt động huấn luyện của các lực lượng vũ trang đã có một số cải thiện về độ phức tạp và chất lượng. Gần đây, các mặt chỉ huy và điều khiển, tác chiến liên quân và tác chiến điện tử cũng được chú trọng nâng cao hiệu quả. Hải quân đang đưa vào sử dụng nhiều tàu tuần tra trang bị tên lửa lớp Hồ Bắc, tuy tốc độ đóng tàu khu trục hiện đại và tàu ngầm chạy bằng động cơ điêzen dường như chậm lại. Trong những năm qua, TQ đã tăng ngân sách quốc phòng dành cho việc khắc phục những mặt còn yếu kém về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hậu cần, các đường vận chuyển và căn cứ hải quân.
12. Sợ các lực lượng tên lửa chiến lược bị tiến công bằng lực lượng biệt kích, gây nhiễu hay vũ khí tiến công chính xác
Những mối lo ngại của TQ về Binh chủng Pháo binh số 2, tức là lực lượng tên lửa chiến lược, thể hiện trong những bài viết trên tờ “Tin tức về lực lượng tên lửa” (Rocket Force News) rằng các cuộc diễn tập huấn luyện luôn chú trọng các biện pháp chống tập kích đường không, chống tiến công bằng lực lượng đặc biệt, gây nhiễu điện từ, trinh sát bằng điện báo, và tiến công mạng máy tính bằng tin tặc và vi rút máy tính. Tác chiến điện tử và tiến công điều khiển học nhằm vào các lực lượng tên lửa của TQ cũng là mối lo ngại ngày càng lớn. Hồi giữa tháng 4. 2006, một đơn vị ở vùng núi miền Nam TQ đã tiến hành việc đánh giá huấn luyện quân sự trong đó các “lực lượng địch” thực hiện thành công biện pháp gây nhiễu điện tử nhằm vào sở chỉ huy.
13. Sợ leo thang và mất khả năng kiểm soát
Nhiều bài viết trên sách báo quân sự TQ bày tỏ mối lo ngại về khả năng “kiểm soát và ngăn ngừa nguy cơ leo thang chiến tranh”. Quan điểm của TQ về chiến tranh thông tin nhấn mạnh yêu cầu duy trì khả năng kiểm soát; và những cuộc bàn cãi về Binh chủng Pháo binh số 2 đều nhấn mạnh những vấn đề liên quan đến chỉ huy và điều khiển.
Mối lo ngại chính là nếu một cuộc khủng hoảng thực sự leo thang, thì TQ sẽ không thể duy trì khả năng điều khiển các lực lượng của họ trong thời gian diễn ra trận đánh đầu tiên, thường là trận quyết định. Duy trì khả năng điều khiển baogồm cả việc triển khai những vũ khí gọi là “sát thủ tiễn” và làm cho kẻ địch mất thăng bằng ở điểm trọng yếu, hay tăng tốc độ đánh chiếm những mục tiêu then chốt trước khi tình hình ổn định trở lại.
Năm 2001, cuốn “Khoa học Chiến lược Quân sự” dành hẳn một chương cho vấn đề “kiểm soát chiến tranh”, nhưng sâu sắc nhất là luận án tiến sĩ của Đại tá Tiêu Điều Lương, một phó giáo sư Viện Nghiên cứu và Giảng dạy của Trường Đại học Quốc phòng năm 2001. Luận án này đề xuất giải pháp đe doạ quân sự hay thương lượng. Theo các tác giả khác, trong tình huống cực đoan, giải pháp quân sự có thể bao gồm cả “tiến hành một cuộc chiến tranh nhỏ để ngăn ngừa một cuộc chiến tranh lớn”.
Những nỗ lực đầu tư gần đây để thực hiện những mục tiêu này bao gồm phát triển hệ thống chỉ huy và điều khiển tự động hoá “Qu Dian” (khứ điện) mà Hạ Nghị sĩ Bob Schaffer, Bang Colorado coi là một thành tựu lớn của TQ, có tác dụng “tăng bội sức mạnh”. Phát biểu trong Hạ viện, ông so sánh hệ thống này với hệ thống Phân phối thông tin chiến thuật liên quân (JTIDS) của Mỹ và nhận xét đó là “hệ thống liên kết dữ liệu an toàn, chống nhiễu, hiệu suất cao phục vụ cho tác chiến chiến thuật”.
Tàu khu trục Thái Châu, lớp Sovremenny, số hiệu 138 của Hải quân Trung Quốc
Trong khi đó, “Jane’s Fighting Ship” mô tả tàu khu trục lớp “Sovremenny” của TQ là những “chiến hạm đầu tiên của TQ có kết nối với các hệ thống dữ liệu” giống như hệ thống “Squeeze BoX” của NATO. Theo Larry wortzel, quân đội TQ đã tiến những bước dài trong khoảng thời gian chưa đến hai thập kỷ đã trở thành một lực lượng có khả năng tiến hành một cuộc chiến tranh hiện đại ở 2400km), tương đương vùng ngoại vi với cự li khoảng 1500 dặm.
14. Sợ bị tiến công điều khiển học
Các bài viết trên sách báo quân sự TQ đề cập nhiều mối đe doạ đối với các mạng máy tính của TQ. Như rò rỉ thông tin trên mạng, không có các hệ thống bảo đảm an toàn và các kênh mật. Theo nhận xét trong một bài viết, hệ thống thông tin quân sự của TQ đang đứng trước “những mối đe doạ nghiêm trọng” trong một cuộc chiến tranh thông tin hiện đại; trong khi bốn bài viết khác bày tỏ những mối lo ngại tương tự về khả năng phòng chống tiến công điều khiển học hiện nay của Quân đội TQ. Hai nhà nghiên cứu Đinh Hiểu Phong và Học Trí đã sử dụng lý thuyết trò chơi để chứng minh nguy cơ các mạng phân tán bị tấn công bằng thủ đoạn làm ngừng trệ dịch vụ.
Các nhà nghiên cứu khác lo ngại nguy cơ rò rỉ thông tin từ các mạng quân sự. Nhiều tiêu chuẩn đánh giá an toàn có các yêu cầu tương ứng cho việc phân tích và xử lý các kênh mật bằng các phương pháp có độ an toàn cao, bao gồm cả phương pháp tốc ký che giấu nội dung điện văn dưới ký hiệu rõ. Một giải pháp đề xuất để đối phó với những mối đe doạ này là chế tạo phần cứng mới bảo đảm an toàn hơn cho các mạng nội bộ. Hệ thống này đã được Uỷ ban Quản lý Mật khẩu quốc gia thông qua sau khi thẩm định kỹ thuật trong tháng 10. 2004. Cuối cùng, các nhà cầm quyền TQ còn lo ngại rằng Internet có thể làm cho người dân chống lại họ, do đó cần phải bảo vệ “không gian tâm lý của TQ”.
15. Sợ bị tiến công vào các vũ khí chống vệ tinh
Trong gần một thập kỷ, nhiều bài viết trên báo chí TQ đề cao lợi thế của TQ trong việc phát triển vũ khí chống vệ tinh, nhưng với điều kiện phải được bí mật triển khai. Một đại tá TQ cho rằng từ năm 2015, TQ nên phát triển khả năng răn đe vũ trụ và “sát thủ tiễn” vũ trụ, đồng thời không để lộ thông tin về việc phát triển khả năng đó để bảo vệ hình ảnh của TQ trên trường quốc tế. Phản ứng quốc tế sau vụ thử vũ khí chống vệ tinh không công bố của TQ hồi tháng 1.2007 có lẽ làm tăng tầm quan trọng của việc giữ bí mật.
Tên lửa đẩy Trường Chinh-3C
Có lẽ giới quân sự TQ chưa bao giờ có ý định tiết lộ thông tin về việc phá huỷ vệ tinh trinh sát thời tiết vũ mang tên “Phong vân- 1” ngay cả với các giới khác trong chính phủ TQ. Chỉ đến khi vệ tinh bị phá huỷ và tạo ra một đám mảnh vỡ chưa từng thấy trên quĩ đạo Trái Đất- thấp, chính phủ TQ mới buộc phải lên tiếng giải thích.
Phản ứng quốc tế mạnh mẽ đối với vụ thử có lẽ đã tác động đến quan điểm của giới quân sự TQ về khả năng Mỹ có thể thấy cần phải thực hiện những đòn tiến công nhằm vào các bãi phóng (vũ khí chống vệ tinh) ở sâu trong nội địa TQ trong trường hợp xảy ra một cuộc đối đầu quân sự với TQ. Để đối phó với nguy cơ này, TQ cần có những bệ phóng vũ khí chống vệ tinh an toàn hơn như tàu ngầm, một khả năng từng được đề cập trên báo chí TQ.
16. Sợ các nước láng giềng trong khu vực
Tuy điều dễ nhận thấy là những bài viết trên báo chí quân sự TQ tránh công khai đề cập những mối đe doạ từ các nước láng giềng, nhưng hiển nhiên là Quân đội TQ rất lo ngại những mối đe doạ từ tất cả các hướng. Tác giả của các bài viết tỏ ra rất quan tâm đến các lực lượng tương đương và hoạt động quân sự ở Nam Á, và đặc biệt chú ý đến các cuộc diễn tập liên quân của Ấn Độ (như “Chiến dịch bàn cờ” trong năm 2011).
Một chuyên gia cho rằng một trong những mục tiêu chiến lược của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương là dựa vào sự trợ giúp của Ấn Độ để hạn chế khu vực hoạt động của tàu ngầm hạt nhân TQ. Về Nhật Bản, tuy các quan chức Mỹ có thể coi đó là một quốc gia hoà bình, nhưng nhiều học giả TQ tỏ ra rất nghi ngờ ý đồ quân sự của Nhật. Nhiều bài viết tỏ ý lo ngại về chủ nghĩa dân tộc Nhật và tiềm năng phát triển vũ khí hạt nhân của nước này. Các nhà nghiên cứu ở Viện Hàn lâm Khoa học quân sự cũng tỏ ý lo ngại về cuộc cải cách quân sự của Nhật. Ngay cả Nga, một nước có thể được coi là đồng minh của TQ, cũng không tránh khỏi sự nghi ngờ của TQ: TQ lo ngại điều mà một giáo sư trường Đại học Phúc Đán gọi là tâm lý “đế quốc” của nước Nga.
Tất cả những mối lo ngại vừa sâu sắc vừa phổ biến nói trên đều có thể tác động đến phản ứng của TQ đối với các chính sách của Mỹ, và là nhân tố mà các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cần tính đến khi xác định chiến lược nào đối với TQ sẽ có hiệu quả nhất.
Michael Pillsbury – Tạp chí Survival
http://www.nguoiduatin.vn/16-noi-so-trong-tam-ly-chien-luoc-cua-trung-quoc-p4-a103004.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét