Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

Quốc phòng Việt Nam phát triển như thế nào trước những thách thức mới?

Tiếp tục trong Chuyên mục “Cùng viết về chặng đường 3 năm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011–2016″. Ban biên tập xin gửi đến bạn đọc bài viết “Quốc phòng Việt Nam phát triển như thế nào trước những thách thức mới?” của tác giả Hải Dương đánh giá khá toàn diện cả ưu khuyết điểm của Bộ Quốc phòng Việt Nam. 
Trước tình hình Biển Đông dậy sóng, chủ quyền quốc gia ở vùng biển, vùng trời và ở cả đất liền đang bị quân thù nhòm ngó, nguy cơ xảy ra chiến tranh là có thực. Bộ Quốc phòng Việt Nam (BQPVN) có nhiệm vụ cơ bản là chuẩn bị sẵn sàng và chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích của quốc gia. Suốt 3 năm qua, quân đội Việt Nam được tổ chức như thế nào? các loại vũ khí, khí tài được trang bị ra sao để hoàn thành nhiệm vụ cao cả trước nhân dân, trước Tổ quốc ?
Dù năm 2012, Trung Quốc xác định Quân đội Việt Nam mạnh nhất Đông Nam Á; đến năm 2013, GFP-Tổ chức xếp hạng sức mạnh quân sự toàn cầu lại công bố sức mạnh quân sự Việt Nam đứng thứ 25 thế giới và sẽ tiến bước vượt bậc trong năm 2014… Nhưng những đánh giá này có chính xác không? Quân đội Việt Nam có hiện đại, thiện chiến và hiệu quả không? Trên thực tế, nền quốc phòng nước nhà đang đứng trước nguy cơ bị tụt hậu, vũ khí, kỹ chiến thuật đã gần như lỗi thời; vấn đề an toàn ở các cơ sở quân sự bị đe dọa… là những nguy cơ thường trực và cũng là thách thức lớn đối với BQPVN.
Quân đội Nhân dân Việt Nam
Trong bối cảnh tình hình an ninh thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, thời cơ và thách thức đan xen, Bộ Quốc phòng Việt Nam có những yếu kém gì, khó khăn gì, cũng như những mặt mạnh và tích cực gì trong công cuộc xây dựng nền quốc phòng để bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước?
NHỮNG YẾU KÉM
Bảo vệ an toàn cơ sở quân sự chưa tốt
Về vấn đề an toàn ở các cơ sở quân sự được đặt ra nhất là sau vụ nổ nhà máy sản xuất pháo hoa Z-121 thuộc Bộ Quốc phòng vào năm 2013, làm hàng chục người bị thương, thiệt mạng vàvụ cháy xí nghiệp in bản đồ Đà Lạt của Bộ Quốc phòng thiệt hại lớn về thông tin và tài sản. Bộ Quốc phòng đã buộc phải kiểm tra và rà soát các cơ sở quân sự trên toàn quốc để đưa ra phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ sở quân sự.
Một góc của xí nghiệp pháo hoa Z121 bị san phẳng - Ảnh: Hà An
1/3 tòa nhà xí nghiệp in bản đồ Đà Lạt bị thiêu rụi trong trận hỏa hoạn rạng ngày 9-6 - Ảnh: Phạm Phước
Công nghiệp quốc phòng yếu kém và tụt hậu
Việt Nam là nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh nên thời gian qua, nước ta tập trung xây dựng hòa bình và phát triển kinh tế, chưa tập trung xây dựng nền quốc phòng hùng mạnh. Đã có nhiều lĩnh vực Việt Nam lạc hậu rất nhiều so với các nước trong khu vực như vũ khí lạc hậu, kỹ chiến thuật tác chiến chậm đổi mới, tác chiến công nghệ cao còn yếu, mờ nhạt trong các cuộc tập trận quốc tế lớn, khả năng ngoại ngữ của quân nhân rất yếu, xây dựng hình ảnh quân đội và đối ngoại quốc phòng còn yếu.
Trong vụ Hải Dương 981, sức mạnh quốc phòng của Việt Nam đã lộ rõ những điểm yếu nghiêm trọng về thực lực tranh chấp và chiến đấu trên biển trước Trung Quốc, đó là đội tàu và trang thiết bị quá yếu và thiếu trước đối thủ. Khi đối mặt, các tàu của Việt Nam không đủ sức ngăn cản đối phương trên thực địa. Lực lượng Cảnh sát biển, kiểm ngư vẫn gặp bất lợi khi đối đầu với các tàu dân sự trá hình của đối thủ. Dù chúng ta vẫn kiềm chế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, nhưng rõ ràng lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam đang bị yếu thế trước Trung Quốc trong khu vực căng thẳng trên Biển Đông. Trung Quốc với số đông về tàu cùng với sự hỗ trợ của máy bay và tàu quân sự trang bị tốt đã liên tục xua đuổi tàu Cảnh sát biển Việt Nam. Việt Nam chỉ thắng Trung Quốc một điều duy nhất đó là công luận. Nhưng cũng cần phải khen ngợi tinh thần chiến đấu và sự khôn ngoan của cán bộ chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân đã thực hiện tốt chiến lược của các nhà lãnh đạo ta.
Sự chênh lệch về lực lượng giữa VN và TQ là rất lớn
Ngày nay, Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn là đội quân có số lượng lớn nhất ASEAN, nhưng đã khá lạc hậu so với các nước. Công nghiệp quốc phòng Việt Nam đang ở tình trạng phôi thai và chủ yếu chỉ sản xuất đạn dược, mặc dù gần đây, ngành đóng tàu quân sự đã bắt đầu được phát triển. Rõ ràng Việt Nam rất yếu kém trong công nghiệp quốc phòng, dẫn đến hệ quả Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào kỹ thuật quân sự của Nga. Tuy nhiên, kể cả với sự trợ giúp của Nga, Việt Nam cũng sẽ không thể sánh nổi quân đội Trung Quốc về sức mạnh dù là ở những lĩnh vực đơn lẻ. Việt Nam luôn phải tìm cách ngăn chặn Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn vùng biển, các quần đảo và đáy biển Biển Đông.
Nhiều loại trang thiết bị và vũ khí quân sự hiện nay của Việt Nam còn rất lạc hậu. Nhiều loại vũ khí được sử dụng từ thời chiến tranh để lại. Đây là nhận định của các nhà quân sự và các nhà nghiên cứu của cả Việt Nam lẫn nước ngoài.
Những năm qua, tiềm lực quốc phòng và quân sự Việt Nam có bước phát triển. Tuy nhiên, những vũ khí và trang thiết bị quân sự Việt Nam nói chung, công nghiệp quốc phòng Việt Nam nói riêng vẫn chưa đạt đến trình độ tiên tiến trung bình của khu vực chứ chưa nói đến tầm thế giới.
Việt Nam mới chỉ có thể sản xuất tàu vận tải đổ bộ 600 tấn cỡ nhỏ và thô sơ
Hiện nay tất cả máy bay chiến đấu của Việt Nam đều do nước ngoài chế tạo. Đa số tàu chiến lớn đều nhập từ nước ngoài.
Ngoài ra, quân đội Việt Nam còn những khiếm khuyết về kỹ thuật quân sự tân tiến và khả năng hiệp đồng tác chiến. Bởi vậy, lực lượng quân sự Việt Nam nếu muốn đủ sức bảo vệ toàn vẹn chủ quyền của đất nước thì trước mắt còn cả một chặng đường dài. Máy bay sử dụng cho huấn luyện cũng lạc hậu, không an toàn và vụ rơi máy bay trực thăng huấn luyện MI-171 hôm 07/07 làm 19 quân nhân thiệt mạng là một minh chứng.
Nhìn qua Indonesia, một nước trong ASEAN cũng có xuất phát điểm thấp lại bị Mỹ cấm vận (do vi phạm nhân quyền ở Đông Timor) thì Indonesia sở hữu một nền Công nghiệp quốc phòng phát triển hơn Việt Nam rất nhiều. Thay vì nhập khẩu vũ khí từ nước ngoài thì Indonesia đã có thể tự sản xuất rất nhiều trang thiết bị quân sự quan trọng như xe bọc thép, máy bay vận tải, tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu đổ bộ, súng trường tiến công, pháo phản lực phóng loạt.
Thành tựu lớn nhất công nghiệp đóng tàu quân sự Indonesia là họ đóng thành công 2 tàu vận tải đổ bộ lớp Makassar có lượng giãn nước 8.400 tấn. Đây là điều mà Việt Nam sẽ còn rất lâu mới có được.
Thậm chí Indonesia còn khởi động chương trình nghiên cứu phát triển tiêm kích thế hệ 5 trong dự án KF-X/IF-X hợp tác cùng với Hàn Quốc. Vậy chiến lược nào đã giúp cho công nghiệp quốc phòng Indonesia có thể tự sản xuất được nhiều chủng loại vũ khí quan trọng cho quân đội như vậy? Đó là điều mà BQPVN cần phải nhìn sang học hỏi.
Dự án sản xuất máy bay vận tải CN-235 là một thành công lớn của Indonesia mà Việt Nam cần phải học tập theo.
Năm 1997, Hải quân Thái Lan đã sở hữu tàu sân bay mang tên HTMS Chakri Naruebet. Trong ảnh là tàu sân bay HTMS Chakri Naruebet (số hiệu 911) trong hoạt động diễn tập với Hải quân Mỹ.
Với số dân rất nhỏ như sức mạnh Không quân Singapore được coi là số 1 Đông Nam Á
Khả năng đảm bảo hậu cần yếu kém
Trong quá khứ, Việt Nam từng trải qua một số cuộc chiến tranh với Pháp, Mỹ và Trung Quốc, để thành công trong các cuộc chiến này, quân đội Việt Nam đã đảm bảo được hậu cần tốt để phục vụ chiến đấu cấp thiết và lâu dài. Nhưng ngày nay, đã bộc lộ những yếu kém về hậu cần của quân đội Việt Nam trong điều kiện chiến tranh hiện đại đặc biệt là chiến tranh dài ngày trên biển. Quân đội Việt Nam chưa có tàu đổ bộ đúng nghĩa. Các tàu làm nhiệm vụ cứu hộ và hậu cần đều thiếu và đã lạc hậu, cả nước chỉ có một tàu bệnh viện đủ điều kiện tham gia chiến đấu trên biển. Máy bay vận tải quân sự tầm xa hầu như không có.
Hệ thống thông tin liên lạc đa số khá lạc hậu
Phần lớn thiết bị thông tin liên lạc của Việt Nam lạc hậu và thiếu kinh nghiệm vận hành vũ khí hiện đại. Khả năng đảm bảo hậu cần, chỉ huy thông tin liên lạc, khả năng tình báo trinh sát và tác chiến điện tử của Việt Nam vẫn rất yếu kém, còn vệ tinh dùng cho mục đích quân sự thì quá thiếu và thô sơ. Máy bay cảnh báo sớm không có.
Hệ thống thông tin liên lạc của bộ đội vẫn còn lạc hậu
Trong thời đại tin học ngày nay, mọi thứ phần cứng sẽ trở nên vô nghĩa nếu thiết bị tin học – điện tử chưa tốt. Nhưng trình độ tin học hóa của quân đội Việt Nam rất thấp.
Đặc biệt, cơ sở hạ tầng hệ thống viễn thông và internet của Việt Nam sử dụng rất nhiều thiết bị của Trung Quốc đe dọa đến an toàn thông tin quốc gia, đe dọa đến lợi ích và chủ quyền trên không gian mạng.
Chính sách bảo vệ biển chưa rõ ràng
Trong hàng chục năm qua Trung Quốc và các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia và Singapore đã quyết tâm tiến ra biển, trong khi đó thì ở Việt Nam chính sách biển không vạch ra được một đường lối rõ ràng. Về mặt quân sự cũng đã có một số tàu nhưng còn cả một chiến lược dùng tàu của nước nào, dùng tàu lớn hay tàu nhỏ, tất cả những vấn đề ấy thể hiện một điều là Quân đội Việt Nam chưa có một  cái nhìn tổng quát. Việt Nam bỏ lỡ quá nhiều cơ hội phát triển đội tàu chiến hiện đại đã làm cho đội tàu của chúng ta yếu đuối và thiếu đồng bộ.
Việt Nam nói nhiều lần về vấn đề phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng nhưng trên thực tế thì hoàn toàn không phải như vậy. Mỗi cơ quan đơn vị nắm một đầu làm phung phí tài nguyên của đất nước.
Việc khuyến khích ngư dân ra khơi để bảo vệ chủ quyền là tốt nhưng vấn đề đặt ra là ai sẽ bảo vệ ngư dân? Đấy là một vấn đề rất lớn mà Bộ Quốc phòng cần phải xem lại.
Giáo sư Lyle J. Goldstein chuyên nghiên cứu hải quân của Mỹ đã đưa ra nhận định: “Việt Nam không có kinh nghiệm điều khiển những khí tài đặc biệt tối tân như tàu ngầm vốn đang được xem là sức mạnh chủ lực của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng nhìn thấy những điểm yếu của Việt Nam trong các lĩnh vực do thám, nhắm mục tiêu và xử lý chiến sự”. Theo Giáo sư Lyle J. Goldstein thì “Trung Quốc đã theo dõi năng lực quân sự của Việt Nam ‘cực kỳ chặt chẽ’ và việc cả hai nước đều lệ thuộc vào vũ khí Nga đã giúp Trung Quốc nắm rõ hơn về thực lực quân sự của Việt Nam một cách tổng thể”. Đây là điểm yếu mà bất kỳ người Việt Nam đều hiểu rõ.
Để giải quyết những nguy cơ đe dọa chủ quyền, tồn tại yếu kém trên, Bộ Quốc phòng đã làm gì?
HIỆN ĐẠI HÓA QUÂN ĐỘI
Củng cố sức mạnh quân sự trên biển, trên không
Ngay từ năm 2010, khi Trung Quốc đơn phương hành động đe dọa chủ quyền biển của VN trên Biển Đông, ngang ngược bắt giữ người và tài sản của ngư dân Việt trong chính ngư trường truyền thống của Việt Nam… bên cạnh việc kịch liệt phản đối, thì việc củng cố, hiện đại hóa nền QPVN luôn được Bộ Quốc phòng đặt lên hàng đầu và bắt đầu tìm cho mình lối đi riêng.
Thống kê các hợp đồng mua vũ khí được Việt Nam thực hiện trong giai đoạn từ 2010-2013 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm SIPRI cho thấy, Việt Nam chú trọng đầu tư cho các loại tên lửa, từ tên lửa hành trình đối hạm đến tên lửa phòng không và tên lửa không đối không tầm ngắn với số lượng đáng kể: 50 tên lửa hành trình đối hạm 3M54 Klub-S/ SS-N-27; 40 Tên lửa hành trình đối hạm Yakhont/ SS-N-26; 400 tên lửa hành trình đối hạm Kh-35 Uran/ SS-N-25; 80 tên lửa không đối hạm Kh-31A/ AS-17; 250 tên lửa không đối không tầm ngắn R-73/ AA-11 Acher; 200 tên lửa phòng không tầm thấp 9M311 Sosna-R; 400 tên lửa phòng không vác vai Igla-1/ SA-16 Gimlet.
Bộ Quốc phòng đã mua sắm nhiều vũ khí hiện đại của Nga
Tính đến tháng 8-2014, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia duy nhất sở hữu tổ hợp tên lửa đất đối đất cấp chiến dịch-chiến thuật 9K72 “Elbrus” (Scud-B) được thiết kế để tiêu diệt binh lực, sở chỉ huy, sân bay và các mục tiêu quan trọng, công trình quân sự khác của đối phương. Hiện nay, lực lượng máy bay chiến đấu của Không quân Việt Nam có hơn 400 chiếc và đang tiếp tục được hiện đại hóa bằng cách mua sắm chứ chưa tự sản xuất được.
Tàu pháo TT400TP là lớp tàu pháo hiện đại đầu tiên được Việt Nam tự đóng trong nước dựa trên thiết kế sơ bộ mua từ nước ngoài.
Lực lượng Hải quân Việt Nam đang sở hữu và tiếp nhận lữ đoàn tầu ngầm Kilo 636; tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 Project 11661E, tiêm kích đa năng Su-30MK2V của Nga; tiếp nhận thủy phi cơ DHC-6, máy bay tuần thám biển CASA C-212 400; tiếp nhận tàu chiến lớp Svetlyak Project 10412; 6 tàu tuần tra biển từ Nhật Bản. Nhưng đại đa số là mua sắm rất tốn kém cho ngân sách nhà nước và chưa có chiến lược rõ ràng để tự sản xuất những vũ khí hiện đại này.
Thời gian qua Bộ Quốc phòng VN đã có nhiều cố gắng trong tổ chức phòng thủ và xây dựng cơ sở quân sự để bảo vệ chủ quyền biển, đặc biệt là ở đảo tiền tiêu của tổ quốc.
Tiếp nối truyền thống anh hùng, các chiến sĩ Trường Sa hôm nay luôn vững chắc tay súng bảo vệ biên cương Tổ quốc - Ảnh: T.Q.N
Đã có nhiều lớp cán bộ chiến sĩ đã sống và chiến đấu kiên cường và anh dũng hy sinh để bảo vệ Trường Sa. Đã có biết bao giọt mồ hôi và cả máu chiến sĩ thấm xuống mảng đất Trường Sa thân yêu của tổ quốc. Mỗi đảo chìm, đảo nổi của Việt Nam ngày nay được xây dựng khang trang và bố trí các vũ khí và con người có khả năng phòng thủ mạnh mẽ.
Xe bệ phóng tên lửa đất đối hải REDUT - M của hải quân Việt Nam
Bộ Quốc phòng Việt  Nam cũng chú ý bố trí hệ thống tên lửa đất đối hải và máy bay hiện đại bậc nhất như Su-30 để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Trường Sa và vùng biển của Việt Nam.
Hiện nay, QĐNDVN có lực lượng thường trực gồm bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương với tổng quân số khoảng 450.000 người và lực lượng quân dự bị khoảng 5 triệu người. Bộ đội chủ lực là thành phần nòng cốt của QĐNDVN gồm lực lượng cơ động của các quân đoàn, quân chủng, binh chủng, bộ đội chủ lực của quân khu và bộ đội chuyên môn kỹ thuật. Bên cạnh các đơn vị huấn luyện và chiến đấu còn có hệ thống các đơn vị hậu cần, kỹ thuật; các học viện, viện nghiên cứu, các trường đào tạo sĩ quan và nghiệp vụ các cấp.
Xây dựng hệ thống phòng thủ vững chắc đất liền
Lực lượng xe tăng và pháo binh Việt Nam hiện nay có thể nói là hùng hậu với hơn 4000 khẩu pháo chưa kể các loại súng cối. Mặc dù đây là các vũ khí truyền thống, nhưng đó là loại vũ khí không thể thiếu trong hệ thống phòng thủ trên đất liền.
Riêng về đường biên giới, BĐBPVN đã chủ động, bảo vệ xuyên suốt các cột mốc chủ quyền lãnh thổ từ Bắc vào Nam. Tại nhiều khu vực cắm mốc rất nhạy cảm như đường biên giới Việt-Trung, Việt Nam- Campuchia. Suốt bao năm qua, BĐBP đã ngày đêm thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 2 tuyến biên giới: 4.639 km trên bộ và 3.444 km bờ biển. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, BĐBP đã chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch xây dựng đường tuần tra biên giới chạy theo suốt chiều dài đất nước. Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã quán triệt quan điểm phải dựa vào dân, cùng nhân dân xây dựng thế trận và thực hiện tốt nhiệm vụ công tác biên phòng. Qua đó, góp phần giúp đời sống nhân dân các dân tộc dọc tuyến biên giới có nhiều khởi sắc, phát huy được sức mạnh tổng hợp các lực lượng, các tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ, giữ gìn đường biên, cột mốc.
Các khu vực biên giới thời gian qua cũng nhức nhối với tội phạm ma túy. Gần đây nhất là cuộc vây bắt tội phạm ma túy tại khe  suối Huổi Sét, bản Na Hôm, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên tỉnh Điện Biên. Các chiến sĩ của Ban chuyên án thuộc Phòng chống tội phạm ma túy – Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên đã vây bắt 2 đối tượng, nhiều chiến sĩ đã bị đâm trọng thương, một trung úy đã hy sinh.
Bộ đội công binh xây dựng đường tuần tra biên giới
Ngoài tuyến biên giới Việt-Trung, thì tuyến đường biên giới Nam Tây Nguyên, khu vực giáp Lào, Campuchia cũng rất phức tạp, thế nên công tác bảo vệ đường biên, mốc giới của người chiến sĩ biên phòng các tỉnh Bình Phước, Đắc Nông và các tỉnh miền Đông-Tây Nam Bộ vô cùng vất vả. Gian nan mở đường, gian nan đi tuần, bảo vệ đường biên giới. Hằng năm, các tuyến đường biên giới đều được đầu tư, nâng cấp và trang thiết bị hiện đại để phòng thủ.
Năm 2014, tại Tây Ninh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh và Công an 3 tỉnh Kompongcham, Prayveng, Svairieng (Vương quốc Campuchia) đã ký kết bản thỏa ước về tăng cường công tác phân giới cắm mốc và đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên biên giới giữa hai nước. Đây là một bước đi mới, vững chắc trong vấn đề bảo vệ chủ quyền Việt Nam.
Những năm gần đây, khi phe đối lập Campuchia do Sam Rainsy phát động lật đổ chính quyền Campuchia và tuyên truyền, kêu gọi đòi hỏi lãnh thổ phi lý đối với vùng đồng bằng Nam bộ của Việt Nam. Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tăng cường nhiều biện pháp quốc phòng khu vực biên giới nhằm phát hiện, ngăn chặn những thành phần phá hoại biên giới.
Hợp tác quốc tế
Thời gian qua Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để hội nhập với quốc tế. Với tư cách quan sát viên, Việt Nam đã nhận lời tham gia một số cuộc tập trận lớn trên Biển; mới đây, Việt Nam đã tham gia tập trận chống vũ khí hủy diệt với quy mô lớn mang tên Fortune Guard 2014 do Mỹ gửi lời mời. Việt Nam chủ động hơn trong việc lựa chọn cho mình nên hay không chấp nhận lời mời của bạn bè quốc tế.
Trong năm 2014, Việt Nam đã mạnh dạn từ chối lời mời tham gia cuộc thi đấu xe tăng từ phía Nga; thay vào đó, dành ngân sách “ngoại giao” đó đầu tư thiết thực cho quân lính, sỹ quan nâng cao kỹ năng để phục vụ nước nhà.
Tàu Hải quân Hoàng gia Anh cập cảng Đà Nẵng trong một chuyến thăm Việt Nam
Thời gian qua Việt Nam đã đón rất nhiều đoàn tàu chiến của các nước như Mỹ, Pháp, Anh, Nhật, Ấn Độ, Singapore, Indonesia… đến thăm, hợp tác và giao lưu, tạo được niềm tin và tình cảm của bạn bè thế giới. Đồng thời Quân đội Việt Nam đã có nhiều chương trình hợp tác với các nước để sản xuất vũ khí hiện đại.
Huấn luyện chiến đấu
Trước nguy cơ tụt hậu, Việt Nam cũng đầu tư rất nhiều cho chiến lược bồi dưỡng nghiệp vụ cho chiến sĩ đi du học nước ngoài. Tháng 8/2014, hãng Pacific Sky của Canada xác nhận rằng, công ty này sắp hoàn thành một chương trình huấn luyện cho các phi công lái 6 thủy phi cơ Viking DHC-6 Twin Otter 400 cho Hải quân Việt Nam. “Các phi công được Việt Nam gửi sang Canada trong đợt 2 sắp hoàn thành khóa huấn luyện tại Pacific Sky“, Tổng Giám đốc Pacific Sky, ông Michael Coughlin nói với hãng tin IHS Jane’s.
Theo INN, Ấn Độ đã chấp nhận đề nghị huấn luyện các phi công Việt Nam để có thể lái các máy bay chiến đấu Su-30MK2 mới. Bên cạnh đó, Hải quân Ấn Độ cũng đồng ý huấn luyện 500 thủy thủ tàu ngầm Việt Nam để vận hành các tàu ngầm Kilo do Nga cung cấp. Đây là bước chuẩn bị vững chắc vì sắp tới, lữ đoàn tàu ngầm Kilo rất cần người am hiểu kỹ thuật trong việc điều khiển, tác chiến chiến hạm có sức mạnh đặc biệt này. Quốc phòng Việt-Ấn ngày càng có mối quan hệ mở rộng, hợp tác quân sự ngày càng sâu sắc. Ấn Độ xác nhận sẽ tiếp tục giúp Việt Nam hiện đại hóa lực lượng vũ trang và huấn luyện các lực lượng quân đội, công an cho chúng ta. Ngoài ra, Ấn Độ còn cung cấp một khoản tín dụng 100 triệu USD cho Việt Nam mua sắm trang bị quốc phòng.
Hải quân đánh bộ Việt Nam trang bị súng máy Tavor 21 của Israel và súng chống tăng Matador
Trong nước, tại trung tâm Huấn luyện, đào tạo phi công-Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, hàng năm có hàng triệu phi công được đào tạo nâng cao nghiệp vụ tác chiến; cá nhân xuất sắc sẽ được cử đi học, tu nghiệp nước ngoài và đây sẽ là tiền đề để chiến sĩ tiếp cận sát hơn với công nghệ hiện đại. Giữa tháng 4/2013, Cục Kỹ thuật (Quân chủng Phòng không-Không quân) đã tổ chức Hội nghị tập huấn ngành máy bay động cơ (MBĐC) năm 2013 cho 80 sĩ quan là chủ nhiệm, phó chủ nhiệm Kỹ thuật, trưởng ban, trợ lý MBĐC các đơn vị không quân, Học viện PK-KQ, Trường Sĩ quan Không quân, Giám đốc, Phó Giám đốc kỹ thuật các nhà máy sửa chữa Kỹ thuật hàng không A32, A42, A41, A45; trong năm 2014, dự tính con số này sẽ tăng thêm, để đáp ứng nhu cầu tác chiến, bảo vệ biên cương, lãnh thổ. Nhưng nói chung trình độ của quân nhân Việt Nam chỉ thuộc loại trung bình của Khu vực.
Giảm dần phụ thuộc và tự chủ
Việt Nam đã thành công khi tự sản xuất, chế tạo tàu cảnh sát biển DN-2000 hiện đại nhất khu vực và hợp tác, tự sản xuất thành công hàng loạt tàu chiến hiện đại như: tàu pháo TT400TP, tàu khảo sát, đo đạc biển HSV-6613, tàu đổ bộ vỏ thép 80 tấn ST-2300, súng chống tăng vác vai RPG-29, tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya (Tia chớp), chế tạo thành công máy bay không người lái tốc độ cao UAV-02… giúp giảm đi một lượng ngân sách lớn cho nước nhà.
Bộ Quốc phòng hợp tác với Hà Lan đóng tàu cảnh sát biển 8001 hiện đại
Tạp chí quốc phòng hàng tuần Jane’s Defense Weekly phân tích: “Trong năm 2013, Không quân Việt Nam đã ký kết hợp đồng mua 3 máy bay vận tải quân sự C-295 với trị giá ước tính 100 triệu USD từ hãng Airbus DS của châu Âu. Thỏa thuận trên được coi là hợp đồng quân sự lớn nhất mà Việt Nam ký kết với một nhà cung cấp vũ khí châu Âu, nối tiếp sau hợp đồng mua 3 máy bay tuần thám biển CASA C-212-400 được Việt Nam và Airbus ký kết trong năm 2008. Năm 2012, Hải quân Việt Nam cũng được đầu tư hiện đại hóa phi đội máy bay trực thăng bằng việc đặt mua 2 trực thăng vận tải tầm xa EC-225 Super MK II từ hãng Eurocopter (châu Âu) phát triển cho nhiệm vụ vận tải, trinh sát, tuần tra và tìm kiếm cứu nạn… cho thấy chiến lược tăng cường quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Việt Nam và châu Âu nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí và dần thay thế cho các phần cứng quân sự do Nga cung cấp”.
Việt Nam mua máy bay tuần tra C212-400 của châu Âu
Việc này rất có lợi cho Việt Nam, vì cả Việt Nam và Trung Quốc đều phụ thuộc một lượng lớn vũ khí từ Nga nên tính năng, sức mạnh vũ khí nhập về giống nhau, không có tính đột phá riêng. Vậy nên, giảm phụ thuộc vào thị trường vũ khí Nga đã giúp Việt Nam có cơ hội đa dạng hóa vũ khí chiến đấu của mình.
Giáo sư Carlyle A. Thayer, Đại học New South Wales-Học viện Quốc phòng Úc đánh giá nền quốc phòng hiện nay của Việt Nam là tập hợp sức mạnh tổng thể trên các phương diện. Ông cho biết: “QĐNDVN có tổng số 482.000 lực lượng chính, bao gồm bộ binh khoảng 412 ngàn người, hải quân khoảng 42 ngàn người và phòng không không quân khoảng 30 ngàn người. Các lực lượng vũ trang cũng bao gồm 40 ngàn người. Lực lượng bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển vững mạnh, lực lượng bán quân sự và lực lượng dự bị ước tính khoảng 5 triệu người. Lượng vũ khí nhập từ nước ngoài và vũ khí hợp tác, tự chế tạo ngày càng được nâng cấp”. Quan trọng nhất là, Việt Nam độc lập, tự chủ trong vấn đề hợp tác quốc phòng, không gian đã mở rộng sang Châu Âu, các nước phương Tây chứ không còn phụ thuộc duy nhất vào Nga-đó là bước tiến mạnh mẽ, đầy bản lĩnh.
Đầu tư chiều sâu-tháo gỡ lệnh cấm vận thành công
Ngày 3/2/1994, tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại với Việt Nam. Ngày 11/7/1995, hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Năm 2006, Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí phi sát thương với Việt Nam, nhưng lệnh cấm vận vũ khí sát thương vẫn còn hiệu lực. Sau nhiều nỗ lực ngoại giao ở cả hai bên, Việt Nam đã chứng minh cho Mỹ thấy rằng, việc gỡ bỏ lệnh cấm, với Mỹ là có lợi và vũ khí chiến lược của Mỹ cần hiện diện tại Việt Nam-vừa mang tính chiến lược, vừa thực dụng; thế nên “lệnh cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ với Việt Nam sẽ được gỡ bỏ vào tháng 9/2014”-đó chính là phát biểu của Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain trong buổi gặp gỡ báo giới tối 8/8 nhân chuyến công du Việt Nam.
Trước đó, ngày 4-6-2012, trong buổi tiếp thân mật Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Edward Panetta, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đề nghị: “Nếu được dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương, chúng tôi có nhu cầu mua một số loại vũ khí trang bị trước hết để sửa chữa, bảo quản, nâng cấp các loại vũ khí chúng tôi thu được trong chiến tranh. Sau đó, chúng tôi sẽ lựa chọn mua những loại trang bị vũ khí phù hợp yêu cầu hiện đại hóa quân đội của Việt Nam với giá cả cạnh tranh”.
Vào cuối thập niên 90, Việt Nam đã từng nỗ lực đàm phán với Pháp để mua 24 máy bay chiến đấu hiện đại Dasault Mirage 2000, nhưng hợp đồng này đã không thành do áp lực từ phía Mỹ. Nhưng chỉ một tháng nữa thôi, điều này không còn là rào cản đối với Việt Nam. Khi Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương, Việt Nam hoàn toàn có thể nhắm đến sản phẩm của các hãng nổi tiếng như Lockheed Martin, Boeing, Northrop Grumman hay General Dynamics. Không chỉ vậy, thị trường vũ khí với Việt Nam không chỉ có thêm các hãng vũ khí Mỹ, mà sẽ còn là rất nhiều các công ty trang thiết bị quân sự của nhiều quốc gia khác. Thêm vào đó, nếu được chuyển giao công nghệ thì Việt Nam sẽ tái tạo, nâng cấp được một lượng lớn tàu chiến, xe tăng, súng trường thời chiến đang bị bỏ phế trong kho vũ khí quân sự.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã trao cho Bộ trưởng Leon Panetta ba bức thư, những kỷ vật của lính Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam. Bộ trưởng Panetta cũng trao lại cho Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cuốn nhật ký của một quân nhân Việt Nam
Một trong những vũ khí chiến lược mà Việt Nam sẽ mua từ Mỹ chính là vũ khí âm thanh tầm xa (Long Range Acoustic Device – LRAD) của Mỹ và máy bay tuần tra trinh sát P-3C4 Orion đời mới. Sự xuất hiện của P-3C4 trên Biển Đông sẽ đủ để răn đe đến sự sống còn của lực lượng tàu ngầm những kẻ xâm lược. Hiện nay, vũ khí chống tàu ngầm trong phòng thủ biển của Việt Nam cực kỳ quan trọng, mang tầm chiến lược cao. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên rất lo ngại điều này vì nếu có trong tay 6 tàu ngầm Kilo của Nga và 6 chiếc P-3C4 Orion của Mỹ tầm chiến lược, sức mạnh của Việt Nam tăng vượt bậc! Rồng lửa Việt Nam có móng vuốt của Nga và lửa của Mỹ thì chắc chắn, vùng biển ở Biển Đông sẽ “sạch hơn” bây giờ!
Bên cạnh những tồn tại yếu kém, đánh giá mặt tích cực nền quốc phòng hiện nay của Việt Nam, Giáo sư Lyle J. Goldstein-Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc (CMSI), thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ nhìn nhận: “Việt Nam là một quốc gia có truyền thống quân sự mạnh mẽ. Chắc chắn, chiến lược quân sự và ngoại giao của Việt Nam hiện nay bị ảnh hưởng bởi lịch sử của Việt Nam. Việt Nam đã đánh bại thực dân Pháp trong những năm 1950, sau đó đánh bại Mỹ (1965-1973) và cuối cùng đẩy lui cuộc tấn công xâm lược biên giới phía bắc của Trung Quốc năm 1979. Lịch sử này dường như đã truyền cảm hứng cho Việt Nam với một sự tự tin để phát triển một chính sách đối ngoại khá độc lập”- và đây là chính là một trong những bước tiến nổi bật nhất của Việt Nam trong 3 năm qua với chiến lược tự chủ, bảo vệ độc lập toàn vẹn lãnh thổ của mình.
http://nguyentandung.org/quoc-phong-viet-nam-phat-trien-nhu-the-nao-truoc-nhung-thach-thuc-moi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét