Các lực lượng “quân đỏ” của PLA chịu 70% thương vong giả lập sau khi chạm trán với “quân xanh” tổ chức theo kiểu Mỹ.
Đối đầu không cân sức
Tạp chí The Diplomat mới đây đăng bài phân tích về quá trình cải cách của quân đội Trung Quốc, trong đó nêu lên một chi tiết đáng chú ý là các đơn vị “quân đỏ” của Quân giải phóng nhân dân (PLA) liên tiếp thất bại trước các đơn vị “quân xanh” được tổ chức theo kiểu Mỹ trong các cuộc đụng độ giả lập.
Trong một cuộc tập trận kéo dài một tuần tại căn cứ huấn luyện Chu Nhật Hòa ở Nội Mông vào năm 2015, 2 lữ đoàn bọc thép của Trung Quốc đều được trang bị các phương tiện bọc thép và vũ khí giống hệt nhau. Tuy nhiên, lữ đoàn “quân xanh” được tổ chức và chiến đấu theo kiểu một lữ đoàn chiến đấu của Mỹ.
PLA tổ chức duyệt binh rầm rộ tại Nội Mông hồi tháng 7/2017 |
Wang Ziqiang, chỉ huy lữ đoàn bọc thép “quân đỏ” nói: "Trong vòng một giờ chúng tôi đã bị không kích, bị vệ tinh địch do thám và bị tấn công mạng... Nói thật, tôi chưa bao giờ tưởng tượng được nó lại khó khăn như thế này".
Xe tăng Type-99A của Trung Quốc |
Từ năm 2014 đến năm 2016, “quân xanh kiểu Mỹ" đã chiến thắng tổng cộng 32 lần và thất bại 1 lần trước các lực lượng “quân đỏ” gồm một số đơn vị giỏi nhất và được trang bị tốt nhất trong PLA. Trung bình, các lực lượng “quân đỏ” đã chịu 70% thương vong giả lập sau khi chạm trán với “quân xanh”.
Trong khi các quân đội trên thế giới hướng tới tác chiến hiệp đồng binh chủng kể từ những năm 1980, thì bộ binh vẫn là binh chủng nổi bật nhất trong PLA. Lực lượng hải quân và không quân đóng một vai trò bổ trợ.
Sự cần thiết phải có các chiến thuật và hoạt động tác chiến chung hiện đại đã in sâu trong tâm trí các chỉ huy tham gia hoặc quan sát các cuộc tập trận ở Chu Nhật Hòa.
PLA cải cách, hiện đại hóa...
Màn thể hiện yếu kém của PLA trước một đơn vị quân đội hiện đại được coi là lý do khiến Chủ tịch Trung Quốc, đồng thời là Tổng tư lệnh Tập Cận Bình tìm kiếm một cuộc “đại tu”.
Tháng 9/2015, ông Tập Cận Bình đã công bố các cải cách quân đội sâu rộng bao gồm cắt giảm 300.000 quân, thiết lập một cấu trúc chỉ huy chung gần giống với Đạo luật Goldwater-Nichols của Mỹ, và một chương trình kết hợp quân-dân sự dường như lấy cảm hứng từ tổ hợp quân sự-công nghiệp của Mỹ.
Trung Quốc đặt mục tiêu đầy tham vọng về hiện đại hóa quân đội |
Trong bài phát biểu tại Đại hội XIX, ông Tập Cận Bình đã đặt ra 3 mục tiêu cho PLA: Tới năm 2020, đạt được cơ giới hóa cơ bản, tạo ra tiến bộ đáng kể trong việc sử dụng công nghệ thông tin, và nâng cao khả năng chiến lược; tới năm 2035, trở thành một lực lượng quốc phòng và quân đội hiện đại hóa; tới năm 2050, trở thành một quân đội đẳng cấp thế giới.
Giới phân tích cho rằng, nếu những mục tiêu cải cách được thực hiện đầy đủ, PLA sẽ giống với quân đội Mỹ nhất về mặt tổ chức và hệ thống chỉ huy. Tuy nhiên, một PLA được cải cách khó có thể vượt qua quân đội Mỹ trong một cuộc chiến tranh thông thường nếu xét đến khoảng cách công nghệ và kinh nghiệm chiến đấu.
Tuy nhiên, nếu tính tới các chiến thuật chiến tranh phi thông thường và công nghệ của thế hệ tiếp theo, thì PLA có thể có cơ hội cạnh tranh với lực lượng chiến đấu hùng mạnh nhất thế giới.
Lực lượng tàu sân bay của Mỹ hiện vẫn được đánh giá là "vô đối" |
Mỗi năm, Mỹ chi 3,3% GDP của mình (khoảng 611 tỷ USD vào năm 2016) cho phát triển và duy trì một lực lượng quân đội được coi là mạnh nhất thế giới.
Về trang thiết bị, quân đội Mỹ có 10 tàu sân bay, các phương tiện có khả năng chiến đấu như xe tăng M1 Abrams và máy bay trực thăng Apache, máy bay chiến đấu lên thẳng thế hệ tiếp theo như F-35, vệ tinh liên lạc quân sự tiên tiến và khoảng 6.800 đầu đạn hạt nhân.
Mỹ có khoảng 1,3 triệu quân nhân tại ngũ, trong đó gần 200.000 người được triển khai ở nước ngoài. Tiêu chuẩn huấn luyện và tính chuyên nghiệp của quân đội Mỹ cao, và họ đã tham gia các cuộc xung đột trên khắp thế giới kể từ Thế chiến II.
Ngược lại, Trung Quốc chỉ chi 1,9% GDP của mình (khoảng 216 tỷ USD vào năm 2016) cho quân đội.
Máy bay chiến đấu J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc |
Bộ Quốc phòng Trung Quốc thừa nhận một "khoảng cách rõ ràng" giữa công nghệ quân sự của PLA và của các nước phát triển khác. Chẳng hạn, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc (Liêu Ninh) đóng từ thời Liên Xô được tân trang lại, trong khi máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của PLA là J-31 thiếu động cơ tiên tiến để bay ở tốc độ siêu thanh của chiếc F-35.
Type-99 là xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại của Trung Quốc nhưng chưa được thử nghiệm trong chiến đấu. Ngoại trừ một số chỉ huy cấp cao từng chiến đấu trong cuộc chiến “thảm họa” năm 1979, phần lớn quân đội gồm 2 triệu lính của PLA đều thiếu kinh nghiệm chiến đấu.
Đáng nói hơn là PLA gặp phải một vấn đề nghiêm trọng về tính chuyên nghiệp khi nạn hối lộ và tham nhũng tràn lan liên quan tới việc thăng cấp, trong khi các cuộc tập trận mang tính thủ tục và được tiến hành để phô trương và kiếm tiền. The Diplomat cho rằng đó là còn chưa kể tới vấn nạn rượu chè trong PLA.
http://baodatviet.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/ket-qua-tran-chien-gia-lap-pla-dau-quan-my-3351139/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét