Cuối thế kỷ thứ II, sau nhiều năm bền bỉ chiến đấu, người Chăm đã cuối cùng đã thoát khỏi được ách đô hộ phương bắc để lập nên nước Lâm Ấp. Chiến thắng này bên cạnh nguyên nhân chủ quan là ý chí kiên cường của nhân dân huyện Tượng Lâm thuộc Hán, còn nhờ vào những yếu tố khách quan là vị trí địa lý nằm xa trung tâm của đất Tượng Lâm và sự phản kháng của những dân tộc khác trong đế chế Hán đã góp phần kìm chế quân Hán không cho chúng có điều kiện đưa quân xuống phương nam xa xôi.
Nước Lâm Ấp có nền tảng là văn minh Sa Huỳnh cổ, ban đầu là một quốc gia có nhiều nét văn hóa tương đồng với nước Âu Lạc cũ và nước Hán. Từ khoảng thế kỷ thứ IV trở đi, nước Lâm Ấp bắt đầu quá trình Ấn hóa mạnh mẽ. Văn hóa Ấn Độ được Lâm Ấp tiếp thu từ nước láng giềng Phù Nam và thông qua các hoạt động thương mại. Người Chăm theo miêu tả của người Trung Hoa có da đen, mũi cao, mắt sâu, tóc xoăn. Họ búi tóc và siêng tắm gội, thích dùng hương liệu khử mùi cơ thể. Y phục của họ may bằng vải bông, quấn từ lưng đến chân.
Một trong những nét chủ yếu nhất của lịch sử nước Lâm Ấp chính là chiến tranh với láng giềng. Lãnh thổ sơ kỳ của Lâm Ấp chỉ bao gồm huyện Tượng Lâm. Các đời vua Lâm Ấp luôn có tham vọng bành trướng lãnh thổ. Trong hàng thế kỷ, các vị vua Lâm Ấp đã tiến hành nhiều cuộc chiến lớn nhỏ để bảo vệ và bành trướng lãnh thổ cả về phương bắc lẫn phương nam. Biên giới Lâm Ấp tùy theo lúc thịnh suy mà liên tục co duỗi.
Năm 248, lợi dụng việc Bà Triệu khởi binh chống Đông Ngô, quân Lâm Ấp chiếm trọn quận Nhật Nam và tràn vào tận quận Cửu Chân. Sau đó, quân Ngô dưới sự chỉ huy của tướng Lục Dận đánh bại được Bà Triệu. Nhân đà thắng, Lục Dận tiến đánh quân Lâm Ấp, buộc quân Lâm Ấp phải rút lui về phần đất cũ trước cuộc chiến.
Năm 270, vua Chăm là Phạm Hùng lên ngôi bắt đầu cuộc chiến thu phục các thành ấp dọc duyên hải miền trung. Lãnh thổ Lâm Ấp bấy giờ nhanh chóng mở rộng về phương nam. Kế đến, Phạm Hùng kết liên minh với Phù Nam và cho quân lấn lên phía bắc, chiếm đất đến bắc sông Gianh (thuộc Quảng Bình ngày nay), cho dựng thành Khu Túc làm nơi phòng thủ. Quân Lâm Ấp giao tranh với quân Tấn hàng mấy năm ròng hòng chiếm thêm đất đai. Đến năm 282, quân Lâm Ấp bị quân Tấn dưới sự chỉ huy của tướng Đào Hoàng đánh bại, Phạm Hùng chết trong chiến trận. Quân Lâm Ấp lui về nam. Con Phạm Hùng là Phạm Dật lên nối ngôi. Năm 284, Phạm Dật sai sứ hòa nghị với Tấn, hai bên hòa bình được hơn nửa thế kỷ.
Năm 331, vua Phạm Dật chết không có con nối. Tể tướng là Phạm Văn soán ngôi làm vua. Dưới triều Phạm Văn, quân đội Lâm Ấp được cải tổ trở nên hùng mạnh hơn trước. Quân số được biên chế khoảng 4-5 vạn người chia làm bộ binh và thủy binh. Vũ khí có gươm, giáo làm bằng sắt tốt, cung nỏ làm bằng tre. Tượng binh Lâm Ấp có đến hàng ngàn con voi chiến. Vua Phạm Văn cho xây dựng kinh thành mới là thành Phật Thệ (Kandapurpura, thuộc Huế ngày nay). Từ năm 336 đến năm 340, quân Lâm Ấp tiếp tục nam tiến, thu phục thêm nhiều thành ấp. Lãnh thổ Lâm Ấp bấy giờ bành trướng đến xứ Cattigara (tương ứng vùng Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay), tiếp giáp trực tiếp với nước Phù Nam. Do bấy giờ Lâm Ấp và Phù Nam đang liên minh nên không tiện xâm lấn, Phạm Văn quay mũi giáo sang hướng bắc để tiếp tục tham vọng mở mang bờ cõi. Quân Lâm Ấp bắc tiến, chiếm trọn đất đai quận Nhật Nam, giết tướng nước Tấn là La Hầu Lãm, lấy dãy Hoành Sơn làm ranh giới với nước Tấn.
Năm 349, Phạm Văn bị thương trong một trận đánh và chết sau đó. Con ông là Phạm Phật lên nối ngôi tiếp tục cuộc chiến đẫm máu với nước Tấn. Phạm Phật tung quân tiến vây thành Cửu Chân khiến quân Tấn khốn đốn. Năm 353, quân Tấn dưới sự chỉ huy của tướng Nguyễn Phu bắt đầu phản công, từng bước đánh đuổi quân Lâm Ấp chạy dài, hạ hơn 50 lũy. Năm 372, trước thế mạnh của quân Tấn, Phạm Phật phải cầu hòa và xin triều cống. Biên giới Lâm Ấp lùi về bờ nam sông Nhật Lệ (thuộc Quảng Bình ngày nay).
Năm 399, Lâm Ấp bấy giờ dưới sự cai trị của con trai Phạm Phật là Phạm Hồ Đạt trở nên hưng thịnh lại tung quân bắc tiến. Lần này, quân Lâm Ấp chiếm luôn cả quận Nhật Nam và quận Cửu Chân, tiến vào cướp phá Giao Châu. Đỗ Viện dẫn quân Giao Châu chặn được quân Lâm Ấp, Phạm Hồ Đạt rút quân về giữ đèo Ngang. Năm 413, Phạm Hồ Đạt sai quân đánh cướp quận Cửu Chân, tướng Tấn là Đỗ Tuệ Độ đánh lui, chém được tướng Lâm Ấp. Năm 415, quân Lâm Ấp lại dong thuyền ra đánh Giao Châu rồi rút về.
Năm 420, ở chính quốc triều đình nhà Tấn đã suy yếu nhưng Giao Châu dưới sự cai trị của thứ sử Đỗ Tuệ Độ lại giàu mạnh. Đỗ Tuệ Độ dẫn quân tiến đánh nước Lâm Ấp với quy mô lớn. Quân Lâm Ấp đánh với quân Tấn bị thua to, chết đến quá nửa. Triều đình Lâm Ấp vì thế phải xin hàng phục, Tuệ Độ thuận cho vì tình hình chính quốc đang bất ổn không thể đánh dứt điểm được. Trong năm này, nước Tấn bị diệt. Lãnh thổ Trung Hoa phân rã, nhà Lưu Tống lên thay Tấn cai trị Giao Châu.
Năm 431, Lâm Ấp bấy giờ có vua mới là Phạm Dương Mại nhân tình thế phương bắc rối ren đã tung quân đánh Cửu Chân. Thừa thế thắng, vua Lâm Ấp lại cho sứ sang Lưu Tống “xin” đất Giao Châu. Tất nhiên, vua Lưu Tống từ chối với cớ là đường xá xa xôi. Chẳng những vậy, vua Lưu Tống Văn Đế còn ngấm ngầm lập mưu trả đũa Lâm Ấp.
Năm 436, vua Lưu Tống sai tướng Đàn Hòa Chi đem quân đánh Lâm Ấp, Phạm Dương Mại chống không nổi phải bỏ cả kinh đô mà chạy. Quân Lưu Tống thả sức cướp bóc vàng lụa, châu báu. Tuy nhiên, quân Lưu Tống không đủ khả năng chiếm đóng lâu dài mà phải rút lui sau đó. Phạm Dương Mại dẫn quân trở về kinh đô Phật Thệ điêu tàn, lãnh đạo quân dân khôi phục lại đất nước. Lãnh thổ Lâm Ấp bị lùi sâu về nam, đến huyện Lô Dung (thuộc Thừa Thiên-Huế ngày nay). Đến năm 446, vua Phạm Dương Mại chết. Lâm Ấp sau đó rơi vào thời kỳ loạn lạc kéo dài.
Năm 541, Lí Bí đánh đuổi được quân Lương, làm chủ toàn bộ Giao Châu. Hai năm sau, năm 543 vua Lâm Ấp là Rudravarman I dẫn quân xâm lấn. Lí Bí sai tướng Phạm Tu đi đánh. Hai quân đụng trận tại quận Cửu Đức, vua Lâm Ấp thua chạy trước quân của Phạm Tu. Sau thắng lợi, Lí Bí xưng đế, dựng nước Vạn Xuân vào năm 544. Từ năm này về sau Lâm Ấp tạm yên mặt bắc do cuộc chiến kéo dài giữa nước Vạn Xuân với nhà Lương và chiến tranh Nam-Bắc triều khiến cho các quốc gia phía bắc Lâm Ấp xao nhãng phương nam. Thế nhưng Lâm Ấp không tận dụng được quãng thời gian này để đoàn kết lực lượng và khôi phục sức mạnh. Bởi thế, họ đã phải trả giá.
Đầu thế kỷ thứ VII, nước Tùy thống nhất được vùng Trung Nguyên, kết thúc cục diện Nam Bắc triều ở Trung Hoa. Nhà Tùy ngay sau đó liền tính đến chuyện nam chinh. Năm 602, tướng Tùy là Lưu Phương đem quân 27 doanh đi đánh nước Vạn Xuân, vua Hậu Lý Nam Đế phải chịu đầu hàng. Kế đến, nhà Tùy nghe tiếng Lâm Ấp có nhiều vàng bạc châu báu nên dẫn quân đánh xuống vào năm 605. Quân Lâm Ấp dưới sự lãnh đạo của vua Phạm Phạn Chí (Sambhuvarman) đã chống cự kiên cường nhưng không chống nổi quân Tùy thiện chiến. Kinh đô Phật Thệ bị mất vào tay giặc. Lần này nước Tùy đóng quân chiếm hẳn đất đai Lâm Ấp. Trong sử sách Việt và Trung Hoa kể từ đây coi như nước Lâm Ấp đã bị diệt vong. Đánh giá về nguyên nhân diệt vong của quốc gia này, dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng tựu chung lại, các sử gia cho rằng nước Lâm Ấp chỉ chăm vũ lực mà không lo củng cố nội trị. Đến khi bên ngoài thì gây oán với nước lớn hơn mình gấp hàng chục lần, bên trong thì nội bộ không đồng nhất nên chuốc lấy bại vong.
Thế nhưng lịch sử người Chăm chưa kết thúc mà chỉ sang một trang mới. Vua Phạm Phạn Chi sau khi bại trận lui về giữ xứ Amaravati (gồm Quảng Nam và Quảng Ngãi ngày nay), cùng với phần đất còn lại ở phía nam tiếp tục duy trì đất nước. Ông đóng đô tại thành Trà Kiệu (Simhapura), là kinh đô thứ hai của người Chăm sau thành Phật Thệ. Đây là giai đoạn quá độ trong sử Chăm từ thời kỳ Lâm Ấp sang thời kỳ Chiêm Thành (Champa).
http://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/ban-tron-lich-su-c-111/chuyen-nuoc-lam-ap-co-va-cuoc-chien-chong-han-ngo-tan-80628.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét