Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

4 điều rút ra từ sự trỗi dậy của Trung Quốc


Sự trỗi dậy này là một xu thế khách quan, mang lại cả thách thức lẫn cơ 
hội cho các quốc gia lân bang, nhất là các nước mà Trung Quốc tranh chấp 
lãnh thổ.


Trong nhiều năm qua, người khổng lồ Trung Quốc dường như là tiêu điểm thu hút sự chú ý của toàn thế giới về sự trỗi dậy mạnh mẽ của quốc gia đông dân nhất hành tinh.
Từ một đất nước với nền kinh tế nhiều khiếm khuyết, chỉ sau gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Trung Quốc đã trở thành một siêu cường thế giới cả về kinh tế, chính trị và quân sự.
Vậy điều gì đã làm nên sự thần kỳ về tốc độ phát triển của Trung Quốc?
Thứ nhất, thực hiện chính sách “giấu mình chờ thời” để củng cố thực lực cho sự “trỗi dậy mạnh mẽ”.
Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,3 tỷ người, có một bề dày lịch sử - văn hóa hơn 4000 năm và từng là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới trước khi bị châu Âu và Hoa Kỳ vượt qua.
Bởi vậy, họ luôn nuôi tham vọng trở lại vị thế số một mà họ từng có.

Cạnh tranh quyền lực Trung - Mỹ năm 2017 và dự báo ngòi nổ tương lai

Các thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc luôn có một tầm nhìn dài hạn - họ nghĩ về hàng thế kỷ, chứ không phải chỉ là hàng năm hoặc hàng thập kỷ.
Do đó, họ không vội vàng nôn nóng mà luôn kiên nhẫn củng cố thực lực để tiến tới hoàn thành tham vọng khi điều kiện chín muồi.
Tư duy kiên nhẫn này đã được Đặng Tiểu Bình khi trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc gói gọn dưới cái tên chính sách “giấu mình chờ thời".
Theo chính sách này, Trung Quốc chủ động giảm thiểu sự can dự công khai vào các vấn đề quốc tế như cách Hoa Kỳ và Liên Xô, sau này là Nga vẫn làm, trừ những vấn đề liên quan đến những cái họ cho là lợi ích sát sườn, đây chính là sự thực dụng của Trung Quốc.
Lý do là bởi Bắc Kinh hiểu rằng họ vẫn chưa đủ thực lực cho bất kỳ sự trỗi dậy nào.
Vì vậy, kể từ khi tiến hành cải cách mở cửa, Trung Quốc đã chủ động hạn chế tham gia vào các vấn đề quốc tế, đặc biệt là các điểm nóng - nơi mà có thể lôi kéo họ vào các cuộc chiến, để từ đó tập trung tối đa nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong nước.
Đến khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước vào năm 2012, ông Tập Cận Bình nhận thấy nền tảng đất nước đã đủ để thực hiện chính sách “trỗi dậy mạnh mẽ” nhằm khẳng định vị thế siêu cường hàng đầu thế giới của mình.
Vì vậy, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thay đổi chiến lược, từng bước mở rộng vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc ra bên ngoài thông qua chính sách "cường quốc biển" và đưa ra một loạt sáng kiến.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện bước chuyển từ “giấu mình chờ thời” sang “ trỗi dậy mạnh mẽ” của Trung Quốc (Ảnh: AP)
Theo đó, Trung Quốc đã có những động thái leo thang mạnh trong việc đòi yêu sách về cái gọi là “chủ quyền” ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Các nước khác bị Trung Quốc nhảy vào tranh chấp đã phản đối quyết liệt, thậm chí Philippines còn kiện ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, về việc nước này áp dụng, giải thích sai Công ước.
Trong khi đó, Hoa Kỳ chỉ trích Bắc Kinh đang thách thức trực diện luật lệ và các quy tắc quốc tế.
Ngoài ra, Trung Quốc còn mở một căn cứ quân sự ở Djibouti, triển khai quân ở nước ngoài theo chương trình gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và mở rộng chương trình viện trợ quốc tế.
Đồng thời, thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm thiết lập quyền lực mềm tới những khu vực rộng lớn ở châu Á, châu Phi và châu Âu, đồng thời gia tăng ảnh hưởng về kinh tế và chính trị trên toàn cầu.
Điều này cho thấy, chiến lược kiên nhẫn giấu mình của Trung Quốc để củng cố thực lực cho sự “trỗi dậy mạnh mẽ” khi thời cơ chín muồi đã tạo ra sự ngỡ ngàng cho cả thế giới.
Ngay cả Hoa Kỳ cũng không khỏi lúng túng trong đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Thứ hai, không tìm cách đối đầu trực diện với Hoa Kỳ.
Trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào, Trung Quốc vẫn luôn đặt mục tiêu cao nhất về tham vọng trở thành siêu cường số một toàn cầu.
Nhưng Trung Quốc luôn né tránh bất cứ hành động nào có thể gây ra sự đối đầu trực diện với Hoa Kỳ.
Ngay trong giai đoạn “trỗi dậy mạnh mẽ” hiện nay, tuy vẫn có những bất đồng và thách thức liên quan đến những điểm nóng, nhưng Bắc Kinh vẫn cố gắng duy trì mối quan hệ hòa bình với Hoa Kỳ.
Lý do là bởi Trung Quốc hiểu rằng, Hoa Kỳ vẫn đang là siêu cường số một thế giới, vì vậy họ cần thị trường và công nghệ của Hoa Kỳ, cần có những cơ hội cho sinh viên được học tập tại Hoa Kỳ.
Cho nên mọi sự đối đầu với Hoa Kỳ đều không mang lại lợi ích gì, thậm chí có thể hủy hoại tham vọng của họ.
Trung Quốc luôn tránh sự đối đầu trực diện với Hoa Kỳ (Ảnh minh họa: Reuters)
Tuy nhiên, việc tránh đối đầu trực diện với Hoa Kỳ không có nghĩa rằng Trung Quốc không có những toan tính để kiềm chế và tiến tới vượt qua Hoa Kỳ.
Chiến lược của Trung Quốc là thúc đẩy hợp tác thương mại với Hoa Kỳ, khiến cho hai nền kinh tế Trung - Mỹ phải phụ thuộc vào nhau.
Từ đó, Bắc Kinh lấy kinh tế làm công cụ để kiềm chế Hoa Kỳ và khiến ngay bản thân Washington cũng muốn đối đầu với Trung Quốc.
Trong bối cảnh ấy, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh sự phát triển cả về kinh tế và quân sự, tiến tới bắt kịp sức mạnh với Hoa Kỳ trong một tương lai đã được định hình sẵn theo mục tiêu thiên niên kỷ, là đến năm 2049 sẽ trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại mang đặc sắc Trung Quốc.
Đến thời điểm đó, Hoa Kỳ sẽ phải chấp nhận một sự bình đẳng ở vị trí siêu cường số một thế giới với Trung Quốc, thậm chí Trung Quốc có thể vượt qua Hoa Kỳ để trở thành thế lực dẫn dắt toàn cầu.
Thứ ba, thiết lập “quyền lực mềm” để tạo dựng ảnh hưởng từ khu vực ra toàn cầu.
Trung Quốc hiểu rằng, để tiến tới vị trí siêu cường số một thế giới, họ phải thiết lập được quyền lực mềm ra toàn cầu, thông qua các chính sách kinh tế, thương mại.
Trung Quốc có một thị trường tiêu dùng khổng lồ với dân số khoảng trên 1,3 tỷ người và có sức mua lớn nhất thế giới.

Một tham vọng, hai con đường trong cuộc cạnh tranh Trung - Mỹ

Bởi vậy, Trung Quốc đã tạo ra được sức hút mạnh mẽ đối với các nước trong khu vực cũng như toàn cầu vào thị trường của họ, khiến cho sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Theo đó, Trung Quốc đã dần thiết lập được quyền lực mềm ngày càng sâu rộng.
Bởi Bắc Kinh có thể dễ dàng bóp nghẹt nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào bằng cách cắt đứt sự thông thương giữa quốc gia đó với thị trường tiêu dùng khổng lồ của họ. 
Ngoài ra, sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua hàng loạt các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các quốc gia từ châu Á đến châu Phi và châu Âu nằm trong khuôn khổ của sáng kiến.
Do đó, đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường sức mạnh địa chính trị và thiết lập quyền lực mềm ở những nơi mà Vành đai và Con đường đi qua.
Điều này cũng thúc đẩy sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Đây chính là điều kiện cần để Trung Quốc tiến tới mục tiêu nắm giữ vai trò lãnh đạo và quản trị toàn cầu.
Thứ tư, thúc đẩy phát triển tài năng đất nước làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Chất lượng nguồn nhân lực của một quốc gia là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự phát triển và khả năng cạnh tranh của quốc gia đó.
Để thực hiện tham vọng “Giấc mộng Trung Hoa”, Trung Quốc đã tập trung mạnh mẽ vào việc phát triển tài năng của đất nước, thông qua xây dựng và phát triển nền giáo dục hướng nghiệp hiện đại.
Theo đó, Trung Quốc thực hiện hai mô hình thi đại học để phân loại và lựa chọn nhân tài.
Mô hình thứ nhất là thi đại học dành cho nhân tài khoa học kỹ thuật và kỹ năng mềm.
Mô hình thứ hai là thi đại học theo loại hình học thuật.
Sinh viên thuộc loại hình khoa học kỹ thuật (STEM) của Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Trung Quốc khuyến khích học sinh lựa chọn mô hình thứ nhất, học sinh từ 16 tuổi trở lên có thể lựa chọn hướng phát triển tương lai của mình.
Cách làm này của Trung Quốc đã chuyển từ việc chú trọng trang bị kiến thức tổng hợp như trước đây sang chú trọng đào tạo chuyên ngành, kết nối với nhu cầu và yêu cầu về việc làm của các doanh nghiệp.
Bởi vậy, Trung Quốc đã nhanh chóng khắc phục được tình trạng thiếu hụt về nhân tài loại hình khoa học kỹ thuật như: kỹ sư công nghệ, toán, quản lý kinh tế, công nhân lành nghề, lao động chất lượng cao trên thị trường việc làm… mà nền kinh tế hiện đại đang rất cần.
Ngoài ra, Trung Quốc rất coi trọng kích thích sự sáng tạo, nâng cao kỹ năng làm việc nhóm và đạo đức của người lao động cũng như khả năng cạnh tranh sắc bén của họ trên thương trường.
Bằng việc tạo ra nhiều chuyên gia khoa học kỹ thuật (STEM) thuộc mô hình đào tạo đại học thứ nhất, Trung Quốc đã nâng cao được năng lực cạnh tranh để theo kịp và vượt qua các cường quốc khác trên nhiều lĩnh vực.
Theo thống kê của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tính riêng trong năm 2016, Trung Quốc đã đào tạo ra được 4,1 triệu sinh viên tốt nghiệp loại hình khoa học kỹ thuật, gấp 8 lần con số 568 nghìn mà Hoa Kỳ đào tạo ra. [1]
Nếu so sánh theo tỷ lệ phần trăm dân số, thì Trung Quốc đang đào tạo ra được số sinh viên tốt nghiệp loại hình khoa học kỹ thuật với tốc độ gia tăng gấp đôi Hoa Kỳ.
Vì vậy, trong tương lai không xa, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kỳ về chính sách phát triển tài năng - yếu tố nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể nói, Trung Quốc đã có một chiến lược lâu dài để củng cố thực lực cho sự trỗi dậy mạnh mẽ hiện nay.
Những điều rút ra ở đây chỉ là những điểm mấu chốt trong tổng thể chiến lược phát triển của họ, nhưng cũng đủ giúp cho chúng ta thấy được sự kiên nhẫn cùng những toan tính sâu xa của các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc nhằm hướng đến mục tiêu trở lại vị trí trung tâm quyền lực của thế giới.
Sự trỗi dậy này là một xu thế khách quan, mang lại cả thách thức lẫn cơ hội cho các quốc gia lân bang, nhất là các nước mà Trung Quốc tranh chấp lãnh thổ, hàng hải.
Nghiên cứu kỹ các chiến lược phục vụ cho mục tiêu "trỗi dậy" của Trung Quốc, thiết nghĩ là việc cần làm và cấp bách hiện nay, để đưa ra những giải pháp chính sách hạn chế tối đa các tác động tiêu cực, đồng thời tranh thủ những hoạt động hợp tác bình đẳng, cùng có lợi từ sự trỗi dậy ấy.
Tài liệu tham khảo:
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/4-dieu-rut-ra-tu-su-troi-day-cua-Trung-Quoc-post182713.g
d

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét