Thông tin trên được một nhà khoa học cao cấp tham gia dự án này tiết lộ với báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 4.2. Nhà khoa học giấu tên đánh giá tàu ngầm có trang bị AI không chỉ giúp hải quân Trung Quốc đứng “chiếu trên” trong cuộc chiến dưới đại dương mà đưa việc ứng dụng AI lên một tầm cao mới.
Theo SCMP, tuy tàu ngầm hạt nhân hoạt động dựa trên kỹ năng, kinh nghiệm và sự hiệu quả của toàn thủy thủ đoàn, nhưng những công nghệ được trang bị để đáp ứng nhu cầu trong chiến tranh hiện đại có thể giúp tàu hoạt động trơn tru hơn.
Ví dụ, nếu thủy thủ đoàn 100-300 người buộc phải làm việc dưới đáy biển tối tăm trong hàng tháng trời, mức độ căng thẳng sẽ tăng cao, ảnh hưởng đến việc ra quyết định của các sĩ quan chỉ huy, thậm chí dẫn đến quyết định sai lầm. Một hệ thống trang bị trí tuệ nhân tạo, “có suy nghĩ của riêng mình” trong trường hợp này sẽ có tác dụng hỗ trợ giảm tải công việc và gánh nặng về tinh thần mà chỉ huy tàu phải chịu, theo nhà khoa học Trung Quốc.
Trợ lý AI
Kể từ khi xuất hiện lần đầu vào những năm 1950, tàu ngầm đã được xếp vào hàng ngũ những vũ khí tinh vi nhất. Đã phải mất khoảng hai thập kỷ để tàu ngầm hạt nhân từ ý tưởng trên giấy được sản xuất và hoạt động trên thực tế.
Tuy nhiên, hệ thống máy tính của tàu ngầm thường không đồng bộ với vẻ ngoài hiện đại của chúng. Thứ nhất, công nghệ của hầu hết các hệ thống máy tính trên tàu ngầm đều có từ trước khi tàu ngầm được đưa vào hoạt động. Hơn nữa, các thiết bị điện tử quân sự đều phải “hi sinh” tốc độ để đổi lấy độ tin cậy, nên chúng được thiết kế chủ yếu để chịu được sốc vật lý, nhiệt độ hay nhiễu điện từ.
Cho đến nay, “bộ não” của các tàu ngầm, trong đó bao gồm cả hệ thống lan truyền sóng âm thanh dưới nước (sonar) để xác định vị trí, nhận diện và theo dõi tàu khác đều phải được vận hành bởi các binh sĩ hải quân chứ không phải bởi người máy. Nhưng một hệ thống hỗ trợ việc ra quyết định có khả năng tự thu thập thông tin, tự nâng cao kỹ năng và tự ra chiến lược mới được xây dựng trên công nghệ AI sắp tới có thể giúp đỡ con người.

Hệ thống máy tính trên tàu ngầm từ trước đến nay đều do con người vận hành - Ảnh: SCMP
Hệ thống có thể thu thập một lượng dữ liệu lớn, từ mạng lưới quan sát của hải quân Trung Quốc, các cảm biến từ chính tàu ngầm lẫn những giao tiếp thường nhật của thủy thủ đoàn. Dựa trên những dữ liệu này, trợ lý AI có thể cung cấp cho các chỉ huy tàu đánh giá về môi trường tác chiến, độ mặn và nhiệt độ nước (những nhân tố có ảnh hưởng đến hệ thống sonar), phát hiện và đánh dấu những mối đe dọa từ kẻ địch nhanh và chính xác hơn. Không những vậy, AI còn giúp ước tính rủi ro và lợi ích của một vài hoạt động chiến đấu nhất định, thậm chí là đưa ra những ý kiến mà các chỉ huy tàu không nghĩ đến.
Nhét voi vào hộp giày
Nhà khoa học Trung Quốc cho biết quân đội nước này muốn AI có thể đáp ứng những nhu cầu cơ bản. Ưu tiên trước mắt là hệ thống trang bị AI có thể theo dõi và hiểu được những hoạt động dưới nước và luôn biến đổi không ngừng của tàu ngầm. Hệ thống cũng được yêu cầu phải đơn giản, nhỏ gọn, tương thích với hệ thống máy tính hiện tại của các tàu.
“Đây giống như nhét một con voi vào hộp giày vậy. Những gì quân đội quan tâm không phải những tính năng kỳ lạ. Cái họ chú trọng nhất là khả năng hệ thống không hoạt động khi chiến tranh đang xảy ra”, theo nhà khoa học.
Tuy phát triển AI, nhưng Bắc Kinh không có ý định giảm số lượng thủy thủ đoàn của tàu ngầm. Nhà khoa học cho biết: “Cần phải có bàn tay con người ở mọi vị trí quan trọng. Đây là biện pháp dự phòng an toàn”. Chính quyền Bắc Kinh rất nghiêm túc với dự án này và đã đổ nhiều nguồn lực vào đây.
Vào năm 2017, Cơ quan chỉ đạo các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhấn mạnh đến sự chênh lệch trong công nghệ AI và xem AI là “một trong những công nghệ có tính phá hoại” mà các nước thù địch có thể dùng để chống lại Mỹ.
Joe Marino, giám đốc điều hành của một công ty hỗ trợ hải quân Mỹ, cảnh báo: “Nếu không bắt kịp tiến bộ của công nghệ AI trên tàu ngầm của các quốc gia khác, những chỉ huy của chúng ta (Mỹ) sẽ phải chiến đấu với một đối thủ có khả năng ra quyết định nhanh và chính xác hơn”.
“Kết hợp với tiến bộ trong công nghệ dưới đáy biển của các đối thủ cạnh tranh gần gũi như Nga, Trung trong các lĩnh vực như tàng hình, cảm biến, vũ khí, “lợi thế về nhận thức” này (AI) sẽ đe dọa sự thống trị dưới biển của Mỹ”, giám đốc Marino cho biết thêm.
Châu Mẫn, nhà nghiên cứu đến từ đơn vị nghiên cứu âm học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, cho biết thành tựu kỹ thuật trong những năm gần đây đã cho phép AI được ứng dụng dễ dàng hơn, và trang bị AI cho nền tảng vũ khí chiến lược như tàu ngầm hạt nhân là bước phát triển tự nhiên tiếp theo của công nghệ này.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Châu Mẫn cũng cảnh báo nếu AI bắt đầu có thể tự suy nghĩ, thì sẽ có một chiếc tàu ngầm “trốn chạy” có đủ vũ khí hạt nhân hủy diệt được cả một lục địa. Đây là rủi ro mà chính quyền phải tính đến.
Đặng Chí Đông, giáo sư khoa học máy tính của đại học Bắc Kinh lại không cho rằng có rủi ro AI nổi loạn, ít nhất là trong tương lai gần. Theo ông: “Một cỗ máy trang bị AI vẫn chỉ là một cỗ máy. Bạn có thể tắt nó và vận hành bằng tay”.
Cẩm Bình (theo SCMP)
http://beta.motthegioi.vn/the-gioi-c-79/vu-khi-chien-luoc-quan-su-c-125/trung-quoc-can-can-nhac-voi-y-dinh-giao-tau-ngam-cho-ai-co-kha-nang-noi-loan-81651.html