Thứ Tư, 21 tháng 2, 2018

Su-35 - chặng đường 10 năm

10 năm trước đã diễn ra chuyến bay đầu tiên của tiêm kích siêu cơ động Su-35. Hãy tìm hiểu một lần nữa lịch sử phát triển, tiềm lực chiến đấu và vì sao máy bay này thường được so sánh với các loại tương tự của nước ngoài.
Tiêm kích Su-35S (Bogdan Rudenko/Bộ Quốc phòng Nga)

Ngày 19/2/2008, tiêm kích đa năng thế hệ 4++ Su-35 của Nga đã lần đầu tiên cất cánh. Lái máy bay là phi công thử nghiệm công huân, Anh hùng Liên bang Nga Sergei Bogdan.

Su-35S bắt đầu được sản xuất loạt từ năm 2011 tại Nhà máy sản xuất máy bay Komsomolsk trên sông Amur mang tên Yu.A. Gagarin, nhưng mới chỉ được nhận vào biên chế quân đội Nga vào năm 2017. Sau khi tham chiến lần đầu trên bầu trời Syria, cả thế giới đều nói về tiêm kích này.

“Hiện tại, tôi cho rằng, đây là một trong những máy bay chiến dịch-chiến thuật tốt nhất thế giới và hiện không có đối thủ trên không ngang tài. Các nhận xét đánh giá của các phi công Nga về kết quả (tác chiến của Su-35S) trong cuộc là cực kỳ tốt. Máy bay này có tương lai rất lớn”, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov.

“Hạt nhân” của Su-35

Điều thú vị là từ năm 1992, một số biến thể Su-27 đã được trưng bày tại các triển lãm hàng không quốc tế với ký hiệu “Su-35”. Các tiêm kích hiện đại hóa Su-27М đã được chế tạo theo đơn đặt hàng của quân đội Liên Xô trong thập niên 1980, nhưng việc sản xuất đã bị đình chỉ trong thập niên 1990 do thiếu kinh phí.

Khái niệm tiêm kích đa năng mới (vẫn giữ tên gọi Su-35) đã được hình thành hoàn toàn vào giữa những năm 2000. Việc thiết kế máy bay này tại Viện thiết kế (OKB) Sukhoi do công trình sư Igor Demin lãnh đạo. Ở máy bay mới cần phải hoàn thiện triệt để các hệ thống vũ khí, có những thay đổi trong cấu trúc khung thân và động cơ. OKB Sukhoi có nhiệm vụ đưa ra thị trường một hệ thống máy bay chiến đấu tiên tiến thế hệ 4++, có khả năng đáp ứng những yêu cầu cao hơn của không quân chiến đấu Nga và khách hàng nước ngoài. Theo ông Demin nhớ lại, máy bay với một phi công cần có một tổ hợp thiết bị trên khoang có cấu trúc hoàn toàn mới - “đã cần có một hạt nhân, hay là có thể nói là một cái lõi cả cho thiết bị điện tử hàng không (avionics) lẫn cho tất cả các hệ thống của máy bay”.

Tiêm kích Su-35 và máy bay Sukhoi Superjet 100, năm 2009 (Vadim Savitsky/Bộ Quốc phòng Nga)

Phải nói thêm rằng, một nhóm cán bộ của Công ty Sukhoi năm 2017 đã được Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev quyết định tặng giải thưởng trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật vì ý tưởng chế ytaoj hệ thống thông tin-điều khiển dành cho máy bay chiến đấu hiện đại (IUS). IUS xuất hiện trước tiên trong các công trình nghiên cứu thiết kế tiêm kích thế hệ 5, nhưng được hiện thực hóa đầu tiên chính là trên Su-35. Máy bay được chế tạo để có thể bay và chiến đấu trong các điều kiện mà các tiêm kích “truyền thống” không thể giao chiến.

“Máy bay này (Su-35) hiện là tiêm kích hiện đại nhất của Không quân-vũ trụ Nga (VKS) và sẽ vẫn là như thế cho đến khi Su-57 (còn gọi là Т-50 PAK FA) xuất hiện với số lượng lớn trong biên chế các đơn vị thường trực”, Viktor Murakhovsky, Tổng biên tập tạp chí Arsenal Otechestva

Mẫu bay thử đầu tiên của Su-35 được lắp ráp xong vào tháng 8/2007. Ngay trước khi khai mạc triển lãm hàng không MAKS-2007 ở Moskva, một máy bay vận tải An-124 Ruslan đã vận chuyển chiếc Su-35 này đến sân bay của Viện Nghiên cứu bay mang tên Gromov ở Zhukovsky và sau khi tham gia triển lãm, nó đã tiếp tục các giai đoạn kiểm tra, thử nghiệm cuối cùng trên mặt đất trước khi bắt đầu bay thử. Năm 2008, tại chi nhánh của công ty NPO Saturn đã kết thúc tốt đẹp việc thử nghiệm toàn bộ 5 động cơ 117S của lô thử nghiệm, dành cho Su-35.

Trang bị bên trong và khả năng siêu cơ động

Su-35 là biến thể hiện đại hóa sâu của tiêm kích chiến thuật Su-27 với mục tiêu nâng cao đáng kể hiệu quả chiến đấu chống các mục tiêu trên không, mặt đất và trên biển. Trong cấu trúc của Su-35 đã áp dụng những giải pháp kỹ thuật hoàn hảo nhất từng được thử thách trên các máy bay họ Su-27/Su-30.

Khi nghiên cứu chế tạo Su-35, các công trình sư đã bỏ sơ đồ khí động với cánh ngang phía trước (cánh vịt) giống như trên Su-33 và Su-30MKI) để trở lại sơ đồ khí động truyền thống như của Su-27.

Cấu trúc (các bộ phận chính của thân vỏ, cánh, các tấm khí động và khung càng) của khung thân được gia cường, cho phép tăng trọng lượng cất cánh tối đa của máy bay. Điều đó tạo điều kiện tăng đáng kể lượng nhiên liệu mang theo (trong các thùng nhiên liệu bên trong Su-35 chứa 11,3 tấn so với 9,4 tấn trên Su-27). Ngoài ra, Su-35 có thể sử dụng các thùng dầu phụ treo có dung tích 2.000 lít mỗi thùng. Tải trọng chiến đấu vẫn tương tự như Su-27 là 8 tấn. Số lượng điểm treo tên lửa chính xác cao và bom đã tăng từ 10 lên 12. Còn có thêm 2 điểm treo các thùng tác chiến điện tử.

Tính năng kỹ-chiến thuật của Su-35
Chiều dài 21,9 m, chiều cao 5,9 m, sải cánh 14,75 m. Trọng lượng cất cánh tối đa 34.500 kg, tốc độ tối đa 2.500 km/h, tầm bay tối đa không có thùng dầu phụ 3.600 km, có thùng dầu phụ - 4.500 km. Trần bay thực tế 20.000 m. Tuổi thọ danh định 6.000 giờ bay hay 30 năm, tuổi thọ động cơ 4.000 giờ.

Vũ khí biên chế của Su-35 gồm nhiều loại tên lửa có điều khiển không đối không và không đối diện, rocket và bom các cỡ, 1 khẩu pháo 30 mm GSh-30-1 (cơ số đạn 150 viên).

Su-35 được lắp 2 động cơ turbine phản lực có buồng tăng lực và có điều khiển vector lực đẩy một mặt phẳng AL-41F1S. Ngoài ra, máy bay không đòi hỏi các hệ thống điều khiển đặc biệt nào khác.

“Vector lực đẩy có điều khiển liên tục làm việc trên máy bay. Điều duy nhất là có chế độ đặc biệt siêu cơ động, khi mà các hạn chế về góc tấn bị loại bỏ và Su-35 có thể bay với bất kỳ giá trị góc nào, cho đến tận ±180 độ”, Sergei Bogdan, phi công thử nghiệm của Công ty Sukhoi, Anh hùng Liên bang Nga

Khả năng siêu cơ động do động cơ 117S đảm nhiệm. Động cơ này được phát triển trên cơ sở động cơ trước đó là AL-31F lắp trên Su-27, nhưng có lực đẩy mạnh hơn là 14,5 tấn (so với 12,5 tấn), tuổi thọ dài hơn và tiêu hao nhiên liệu ít hơn.
Sergei Bogdan, phi công thử nghiệm của Công ty Sukhoi bên cạnh tiêm kích Su-35 (Marina Lystseva/Tass)

Liên quan đến tính ổn định và khả năng điều khiển, đặc tính khí động của Su-35 thì theo lời kể của phi công thử nghiệm Sergei Bogdan, ông đã trải qua và thực hiện ở mọi tình huống có thể. “Nhưng liên quan đến các chế độ chiến đấu, thì có nhiều điểm đặc thù. Tôi đã nghiên cứu nhiều chế độ, nhưng còn chưa thử hết. Việc đó đơn giản là không thể về mặt thể lực - phải kịp làm tất cả vì máy bay bay ở các căn cứ khác nhau. Có những chế độ đơn lẻ tôi làm quen không phải trong khi bay mà chỉ qua tư liệu video”, ông Bogdan thừa nhận.

“Su-35 sử dụng các đặc tính cơ động siêu cao khi tiến hành không chiến, lĩnh vực mà nó không có đối thủ, cũng có thể sử dụng thành công như thế các vũ khí chống mục tiêu mặt đất”, Aleksandr Kharchevsky, phi công công huân Liên bang Nga, thiếu tướng

Buồng lái thế hệ 5 trên Su-35

Khác với Su-27, trong buồng lái Su-35 không có các thiết bị tương tự có kim chỉ quen thuộc. Thay thế chúng là 2 màn hình màu tinh thể lỏng lớn - ở chế độ “hình ảnh trong hình ảnh”, toàn bộ thông tin cần thiết được hiển thị cho phi công.

Trên Su-35 cũng lần đầu tiên lắp hệ thống dẫn đường phi quán tính (BINS) mà thiếu nó thì không tiêm kích nào ngày nay được coi là hiện đại. Nhiệm vụ của nó là tập hợp và phân tích toàn bộ thông tin bay và bảo đảm cho máy bay cất cánh và trở về sân bay của mình.

Khác biệt quan trọng nhất Su-35 so với tiêm kích thế hệ 4+ là sự hiện diện của hệ thống avionics thế hệ 5. Hệ thống radar với anten mạng pha Irbis có những đặc tính hiếm có hiện nay về tầm phát hiện mục tiêu (đến 200 km). Nó có khả năng bán đồng thời đến 30 mục tiêu và dẫn các tên lửa đến 8 mục tiêu trong số đó trong khi vẫn không ngừng quan sát không trung. 

Su-35 ở Syria

Sự xuất hiện của các tiêm kích tối tân nhất của Nga ở Syria năm 2016 đã thu hút sự quan tâm lớn cả từ phía báo chí Nga, lẫn báo chí nước ngoài. Su-35 được gọi là “máy bay tuyệt vời và nguy hiểm”. Và thậm chí khi được so sánh với các máy bay Mỹ, người ta nói rằng, khi đụng độ với Su-35, các tiêm kích F-15 và F/A-18E sẽ “xiết họng”.

Ví dụ, tạp chí Stern (Đức) ghi nhận khả năng cơ động cao của Su-35, máy bay được trang bị radar mới Irbis và các động cơ hoàn thiện hơn. Có các tính năng cao, nhưng tiêm kích này có giá khá rẻ so với các mẫu tiên tiến của phương Tây.
Su-35 ở căn cứ Hmeimim, Syria

Còn tờ báo The Washington Times viết rằng, việc tung Su-35 sang Syria là tín hiệu đối với Thổ Nhĩ Kỳ: Su-35 cùng với các hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho phép Nga bảo vệ các máy bay của mình ở bất cứ điểm nào ở khu vực Cận Đông nhờ các vũ khí vượt trội vũ khí của NATO.

Các máy bay Su-35 đã làm nhiệm vụ bảo vệ trên không cho các máy bay khác, đồng thời làm tăng phạm vi quan sát của các máy bay đó. Theo Bộ Quốc phòng Nga, khi một biên đội 2 chiếc Su-35 bay ngược chiều nhau, phạm vi quan sát lên tới 360 độ và 400 km xung quanh. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nhiều lần nói rằng, chiến dịch ở Syria đã khẳng định khả năng chiến đấu cao của máy bay Nga. Su-35 Các máy bay Su-35 đã làm nhiệm vụ bảo vệ trên không bằng tiêm kích cho các máy bay đang bay khác, đồng thời làm tăng phạm vi quan sát của các máy bay đó. 

“Su-35 đã thể hiện là một hệ thống vũ khí không quân tuyệt vời mà tôi cho là sẽ còn phục vụ lâu dài trong VKS”, Viktor Murakhovsky, Tổng biên tập tạp chí Arsenal Otechestva
Tiêm kích Su-35S xuất kích chiến đấu ở Syria (Bộ Quốc phòng Nga/Tass)

Theo ông Murakhovsky, kinh nghiệm khai thác và chiến đấu của Su-35 đã cho thấy máy bay đáp ứng các yêu cầu mà Bộ Quốc phòng Nga đặt ra cho nó và phù hợp với các tính năng kỹ-chiến thuật đặt ra. Su-35 có tính năng vượt trội đa số các mẫu tiêm kích của nước ngoài.

Tháng 12/2017, đã xảy ra một sự cố khi một tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-22 của Mỹ đã rời khỏi khu vực tiếp cận các cường kích Su-25 của VKS trên bầu trời Syria sau khi Su-35S xuất hiện. Chiếc Su-35 đã tiếp cận F-22 và buộc máy bay Mỹ nhanh chóng cuốn xéo.
Đồng thời, báo chí nước ngoài cũng bắt đầu thường xuyên so sánh Su-35 với các mẫu máy bay phương Tây, trong đó có tiêm kích thế hệ 5, tối tân nhất của Mỹ là F-35. Tạp chí The National Interest cho rằng, trong tương lai gần, “các máy bay có nguồn gốc từ tiêm kích siêu đẳng Su-27”, trong đó có Su-35 sẽ là thành phần chính trong kho vũ khí không quân chiến thuật, và trong trường hợp Su-35 và F-35 gặp nhau trong không chiến thì F-35 nên cố tránh đụng độ. F-35 “sẽ thay đổi hướng bay và gọi F-22 Raptor và F-15C”, là những báy bay thích hợp hơn cho không chiến. Nếu như không có viện binh là các phi công Mỹ sẽ phải dùng đặc tính tàng hình của F-35 để cố không lọt vào tầm nhìn của Su-35 vì F-35 sẽ thất thế trong điều kiện tác chiến tầm xa.

F-35 (Reuters/US Navy)

Theo một phóng viên khác của The National Interest, trong cận chiến với Su-35 có khả năng cơ động tuyệt vời, F-35 sẽ vấp phải những khó khăn lớn. Và nếu như tiêm kích Nga có thể phát hiện nhanh địch thủ và tiếp cận ở cự ly cần thiết thì cơ hội chiến thắng của F-35 sẽ giảm mạnh. Ngoài ra, tốc độ cao, các hệ thống chế áp vô tuyến điện và vũ khí cho phép Su-35 tiến hành không chiến hiệu quả ngoài tầm nhìn.

“Giả dụ, trong quá trình không chiến, Su-35 bị đối phương bám đuôi thì ở điểm cao nhất, Su-35 có thể xoay nhanh quanh trục của mình, tìm kiếm mục tiêu và tấn công tức thì. Việc bứt xa khỏi máy bay bám đuôi là rất khó, vì thế Su-35 cho thấy có khả năng thoát khỏi tình thế khó khăn mà không mất độ ổn định và khả năng điều khiển. Nó vòng ngoặt 360 độ để tìm kẻ địch và sau đó tiếp tục cơ động”, Sergei Bogdan, phi công thử nghiệm của Công ty Sukhoi, Anh hùng Liên bang Nga


Su-35 là tiêm kích vạn năng, có thể phát hiện, bám và tấn công đồng thời 8 mục tiêu, còn nhờ trạm gây nhiễu tích cực, máy bay trở nên tàng hình.

Su-35 và Su-57 (Т-50 PAK FA) (Marina Lystseva/Tass)

Kết quả thu được trong quá trình tác chiến của Không quân Nga ở Syria có thể là cơ sở cho các giải pháp kỹ thuật cho các thế hệ máy bay mới của Nga. Tiêm kích Su-35S là nấc thang cuối cùng trước khi tiêm kích thế hệ 5 Su-57 (T-50 PAK FA) gia nhập VKS. Nhưng kể cả khi đã có Su-57 thì Su-35 vẫn là máy bay chiến đấu rất hiệu quả, có tiềm năng hiện đại hóa lớn. Bởi vì nó kết hợp trong mình các phẩm chất của một tiêm kích hiện đại và một máy bay chiến thuật tốt.

Hiện nay, các đơn vị thường trực của VKS đã được biên chế gần 70 Su-35S. Trong năm 2018, Bộ Quốc phòng Nga sẽ nhận vào trang bị 10 Su-35. Tổng cộng đến năm 2020, dự kiến bàn giao 50 chiếc. Đến năm 2019, Trung Quốc sẽ nhận được 24 Su-35, hợp đồng bán 11 máy bay cho Indonesia cũng mới được ký. Một năm trước, Tổng giám đốc Rostec, ông Sergei Chemezov cho biết đã ký biên bản ghi nhớ về việc bán Su-35 với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất.
Nguồn: Roman Azanov //Tass, 19.2.2018.
http://vietnamdefence.com/Home/ktqs/khongquan/maybaytiemkich/Su35--chang-duong-10-nam/20182/55424.vnd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét