Theo truyền thông Lào, mới đây Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lào Sommad Phonlscna cho biết, theo kế hoạch, lễ khởi công xây dựng Dự án đường sắt Lào –Trung Quốc và các nước ASEAN khác dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 11/2015. Trị giá xây dựng ước tính bước đầu là khoảng 6,8 tỷ USD trong 5 năm.
Để hỗ trợ cho Chính phủ Lào đóng góp 840 triệu USD, Trung Quốc sẽ cho Lào vay 500 triệu USD trong 20 năm với lãi xuất thấp 3%, phần còn lại chính phủ Lào tự lo, đổi lại, thu nhập từ bô xít và kali ở Lào sẽ được sử dụng để đảm bảo khoản vay từ Trung Quốc. Ông Sommad Phonlscna đảm bảo rằng thu nhập từ khoáng sản sẽ đủ để trả nợ. Ông Sommad Phonlscna nói Bộ Công chính và Vận tải Lào sẽ chuẩn bị 11 dự thảo để thực hiện dự án, bao gồm dự thảo thoả thuận tài chính tổng hợp.
Dự kiến dự án đường sắt sẽ có 31 nhà ga, 76 đường hầm và 154 cây cầu với tốc độ tối đa 160 km/h nếu chở người và 120 km/h nếu chở hàng. Quốc hội Lào đã thông qua dự án này từ năm 2012 nhằm đưa Lào hội nhập tốt hơn với khu vực và thế giới, thu hút đầu tư, thương mại và du lịch vào nước này.
Chính phủ Lào cũng cho rằng tuyến đường này cũng sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển hàng hóa của nước này tới các thị trường thế giới, đồng thời khuyến khích người dân sản xuất thêm nhiều hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Việc Chính phủ Thái Lan phê chuẩn dự án đường sắt cao tốc trị giá 23 tỷ USD nối Map Ta Phut, Đông Nam Bangkok với tỉnh Nong Khai, giáp với thủ đô Viêng Chăn của Lào được các quan chức chính phủ Lào coi là tín hiệu tốt để hiện thực hóa tuyến đường sắt nối thủ đô Viêng Chăn với Côn Minh.
Theo kế hoạch, tuyến đường sắt này của Lào sẽ được nối với tuyến đường sắt kể trên của Thái Lan, trở thành một phần trong tuyến đường sắt kết nối khu vực có tên là tuyến đường sắt Côn Minh – Singapore dài 3.000 km.
Đường sắt Côn Minh – Singapore là một tuyến đường sắt được đề xuất sẽ kết nối Tây Nam Trung Quốc và Đông Nam Á. Tuyến sẽ chạy từ Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc qua Lào, Thái Lan và Malaysia đến Singapore, với các tuyến đường thay thế thông qua Việt Nam, Campuchia và Myanmar. Đường sắt từ miền nam Trung Quốc qua Đông Dương đến Malaya ban đầu đã được thực dân Anh và thực dân Pháp đề xuất từ đầu thế kỷ 20. Trong tháng mười năm 2006, tuyến đường sắt Côn Minh-Singapore đã trở thành một trong những đường sắt xuyên Á được quy định theo Hiệp định mạng lưới đường sắt xuyên Á có chữ ký của 17 nước châu Á và Âu Á và sẽ tạo thành một phần của con đường tơ lụa sắt, một mạng lưới đường sắt xuyên lục địa trên lục Á-Âu, được Ủy ban Kinh tế Liên Hiệp Quốc về châu Á và Thái Bình Dương (UNESCAP) thúc đẩy.Nửa phía nam của tuyến đường sắt từ Thái Lan sang Singapore đã hoạt động từ lâu. Công tác xây dựng tuyến đường sắt ở Trung Quốc đã bắt đầu. Phần tuyến trên lãnh thổ Lào đã được lên kế hoạch triển khai vào tháng 4 năm 2011 với sự hỗ trợ của Trung Quốc, nhưng dự án này đã bị trì hoãn. Đường này được dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2020.Đến thời điểm 2012, mạng lưới đường sắt xuyên quốc gia này vẫn chưa đồng nhất về khái niệm đường sắt cao tốc, nhưng theo thỏa thuận ASEAN – Trung Quốc coi đây là một dự án mở, tuyến đường sắt đi qua nước nào thì nước đó phải bỏ tiền xây.Việt Nam có 4 đường liên vận giao nối với mạng đường sắt Côn Minh – Singapore ở cửa khẩu Lạng Sơn, Yên Bái (qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc); đoạn từ Thành phố Hồ Chí Minh qua cửa khẩu Lộc Ninh sang Campuchia (chưa xây dựng); đoạn Vũng Áng – Mụ Gia (Hà Tĩnh) với Lào.
Nguyễn Anh
.http://nguyentandung.org/duong-sat-lao-trung-quoc-du-kien-khoi-cong-xay-dungthang-112015.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét