Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

Hoàn Cầu: “Tam giác” kiềm tỏa Trung Quốc ở châu Á đã thành hình

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) mới đây đã cảnh báo về sự định hình của một “tam giác sức mạnh mới” để cân bằng với Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.


Tàu sân bay INS Viraat (R22) của Hải quân Ấn Độ. Ảnh: wikimedia.com
Tàu sân bay INS Viraat (R22) của Hải quân Ấn Độ. Ảnh: wikimedia.com
Thời báo Hoàn Cầu ngày 7/9 dẫn bài viết của học giả Harsh V. Pant đăng trên tờ Japan Times (Nhật Bản) hôm 20/8, phân tích về sự định hình của “tam giác 3 bên” ở châu Á-Thái Bình Dương.
Theo ông Pant, cấu tạo mới của cục điện địa chính trị châu Á đang được hình thành nhanh chóng. Tháng 6 vừa qua, thế giới đã chứng kiến đề xuất về việc xây dựng “nhóm hợp tác 3 bên mới” gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Australia được khởi xướng.
Thời điểm đó, một cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Ấn Độ, Australia và Thứ trưởng ngoại giao Nhật Bản đã diễn ra.
Đáng chú ý, kết quả cuộc trao đổi là Nhật Bản sẽ được trở ltham gia cuộc tập trận Malabar hàng năm được tổ chức giữa Mỹ và Ấn Độ.
Theo đài RFI (Pháp), Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews hôm 3/9 cũng công khai xác nhận ý muốn tham gia cuộc tập trận hải quân hỗn hợp Mỹ-Ấn.
Mặc dù trước đây Nhật cũng từng tham dự cuộc tập trận này, song lần thứ 2 Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tham gia tập trận ở Ấn Độ Dương sẽ “mang ý nghĩa chiến lược quan trọng”, học giả Harsh Pant nhận định.
Harsh V. Pant là giáo sư về quan hệ quốc tế thuộc Khoa quốc phòng ĐH Hoàng gia London. Hiện ông tập trung nghiên cứu các vấn đề an ninh châu Á.
Giáo sư Pant phân tích, các quốc gia trong khu vực ngày càng thống nhất với quan điểm rằng “khuôn khổ chiến lược” Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là con đường phát triển tối ưu, nhằm kiểm soát các vấn đề châu Á đang nóng lên nhanh chóng.
Khuôn khổ hợp tác 3 bên này ban đầu do Nhật Bản khởi xướng và được chính phủ của Thủ tướng Australia Tony Abbott hưởng ứng nhiệt tình, đồng thời đến nay cũng trở nên phổ biến ở Mỹ.
Washington ngày càng tỏ thái độ rõ rệt rằng, sự hình thành “tam giác” Australia-Ấn Độ-Nhật Bản ở châu Á là yêu cầu tất yếu.
Mặc dù Bắc Kinh tỏ ra nghi ngại đối với “bộ 3″ này, song nhiều người Trung Quốc thừa nhận, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã trở thành không gian tối quan trọng đối với New Delhi, và Trung Quốc cần phải “đồng bộ chính sách” của họ đối với cả khu vực này.
Do chính sách của Trung Quốc đối với Ấn Độ và ngược lại mang màu sắc căng thẳng, đặc biệt về vấn đề biên giới Trung-Ấn, nên các diễn biến trong khu vực như trên mới làm nổi bật “cấu tạo khu vực” mới đang diễn ra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng xem việc mở rộng quan hệ với Nhật và Australia là một bộ phận cốt lõi trong chính sách ngoại giao của Chính phủ nước này, bởi New Delhi cho rằng, trục Tokyo-Canberra là mắt xích an ninh hết sức quan trọng.
Tàu chiến của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản trong cuộc tập trận Malabar 2014 với Hải quân Ấn Độ và Mỹ.
Sự mạnh lên của Trung Quốc thúc đẩy “tam giác chiến lược” mới ở châu Á
Theo Hoàn Cầu, việc Trung Quốc ngày càng gia tăng tầm ảnh hưởng về ngoại giao và kinh tế đã đưa tới sự điều chỉnh về quân sự của Bắc Kinh, đồng thời khiến nước này có nhiều chính sách ngoại giao cứng rắn hơn.
Hoạt động lấp biển, xây đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam-PV) vẫn luôn là vấn đề khiến cộng đồng quốc tế quan ngại nhất.
Các động thái của Bắc Kinh ở biển Đông đã chứng thực nước này muốn thúc đẩy cục diện khu vực phát triển theo hướng có lợi cho họ.
Điều này khiến Ấn Độ, Nhật Bản và Australia nhận thấy cần phải kiểm soát “khoảng trống” ngày càng lớn trong khu vực, nhằm cân bằng sức mạnh đang gia tăng của Trung Quốc.
Nội các của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thông qua giành đa số phiếu ở Hạ viện đã thông qua dự luật an ninh mới về quyền phòng vệ tập thể.
Nếu Thượng viện Nhật Bản phê chuẩn, bộ luật an ninh mới sẽ cho phép quân đội Nhật cùng tác chiến với Mỹ ở các vùng xung đột không có quan hệ trực tiếp tới an ninh quốc gia của nước này.
Bộ quốc phòng Nhật Bản mới đây cũng đã “lập kỷ lục” với đề xuất ngân sách quốc phòng cho năm tài chính 2016.
Hoàn Cầu nhận định, trong khi Mỹ bị “mắc kẹt” bởi tình hình Trung Đông, đặc biệt là vấn đề tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) thì các cường quốc châu Á như Ấn Độ, Australia và Nhật Bản đang đóng vai trò ngày càng quan trọng nhằm đối phó với biến động khu vực.
“Hiệp ước 3 bên” mới xuất hiện ở châu Á này đang vượt qua “bước đệm” là những cuộc tập trận chung đơn thuần trong quá khứ.
Tháng 12/2013, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) và Hải quân Ấn Độ đã có cuộc tập trận song phương đầu tiên tại Ấn Độ Dương.
Cùng với sự thống nhất gia tăng trong chiến lược song phương, năm 2014, JMSDF đã được Ấn Độ mời tham gia cuộc tập trận Malabar với Hải quân Ấn Độ và Mỹ ở Thái bình Dương.
Hoàn Cầu cho biết, giữa Nhật-Mỹ-Ấn Độ từ lâu đã tồn tại quan hệ đối tác đối thoại chiến lược 3 bên. Việc duy trì thế cân bằng ở châu Á-Thái Bình Dương, cũng như an ninh trên biển ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đã là một phần không thể thiếu của đối thoại này.
Trong khi đó, giữa Mỹ-Nhật-Australia cũng tồn tại một cơ chế đối thoại tương tự. Đến nay, Ấn Độ-Nhật-Australia hình thành một “tam giác mới” cũng xuất phát từ chính những biến chuyển tiềm tang trong tình hình Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Tam giác mới” giữa New Delhi-Tokyo-Canberra để duy trì an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã được hình thành.
Sự can thiệp của Trung Quốc vào “cỗ xe 4 bánh” Mỹ-Nhật-Ấn-Australia
Hoàn Cầu cho hay, mối quan hệ hợp tác 4 bên nói trên đã được đặt cơ sở từ cuối năm 2004, khi 4 quốc gia này hợp tác thực hiện chiến dịch cứu hộ, cứu nạn sau vụ sóng thần trên Ấn Độ Dương.
Tokyo chính là bên đầu tiên ủng hộ mối liên kết này. Ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình vào năm 2007, Thủ tướng Shinzo Abe đã có chuyến công du thuyết phục các nước châu Á “đoàn kết lại” và nhận được sự ủng hộ của Mỹ.
Thành quả của việc này là cuộc tập trận chung giữa Hải quân của 5 nước tại Vịnh Bengal.
Học giả Harsh Pant chỉ ra, Trung Quốc đã nhanh chóng nhận ra sự gắn kết giữa “nhóm 4 nước” và gửi đi tín hiệu tới New Delhi cùng Canberra, khiến “trục châu Á-Thái Bình Dương” mà Mỹ-Nhật ủng hộ mất đi động lực.
Cả Australia và Ấn Độ khi đó đều nhận định việc gây căng thẳng với Bắc Kinh là hành động không lý trí. Tuy nhiên, hiện nay cả 2 nước này đều sẵn sàng “tái gia nhập” nhóm Mỹ-Nhật.
Thời báo Hoàn Cầu đánh giá, trong số tư tưởng chiến lược của các nước lớn ở châu Á, chiếm vị trí chủ chốt là “sự không xác định đối với sức mạnh và ý đồ của Trung Quốc”, “không xác định nỗ lực của Mỹ để duy trì cục diện châu Á trong tương lai”.
Tờ này khẳng định, những quan điểm mới trên đang thúc đẩy nhóm Ấn Độ-Nhật-Australia chế định một “chiến lược thay thế” nhằm cân bằng sức mạnh với Trung Quốc.

Theo đó, mặc dù các quốc gia này vẫn duy trì hợp tác an ninh với Mỹ, song bọn họ đang có những động thái tích cực hơn để “xích lại gần nhau”, tránh tình trạng “trở tay không kịp” khi Washington không thể “tái cân bằng” được thực lực của Bắc Kinh.
.http://nguyentandungvn.org/hoan-cau-tam-giac-kiem-toa-trung-quoc-o-chau-a-da-thanh-hinh.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét